Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Nẫu ơi, thương lắm!

Tác-giả: Nguyễn-Phúc-Liêm


(Bài này nói về phương-ngữ Bình-Định)


Tiếng địa phương là tiếng nói chỉ phổ thông ở một địa phương, thường là một tỉnh, tuy nhiên cũng có nhiều tiếng chỉ dùng ở một vùng nhỏ và dĩ nhiên chỉ có người địa phương đó mới hiểu, mới áp dụng hàng ngày. Và đối với họ, đó là nét riêng rất thân thương. Ở Bình Định có khá nhiều tiếng địa phương, tượng trưng nhất là hai tiếng "nẫu""bậu".




Các địa phương khác thường gọi người Bình Định là dân "xứ nẫu", vì từ "nẫu" là một đặc trưng trong ngôn từ của người Bình Định. Có một lần tôi vào Sài Gòn, đến chợ Bến Thành mua một xấp vải. Trong khi tiếp xúc, trả giá, qua ngôn ngữ, chủ sạp hàng là một phụ nữ đứng tuổi đã nhận ngay ra tôi là người đồng hương Bình Định, nên từ việc mua bán lại biến thành cuộc thăm hỏi. Người bán hàng xởi lởi, mời mọc trò chuyện, hỏi thăm chuyện "ngoài mình". Chị say sưa giới thiệu mình cũng là người "xứ nẫu", hiện giờ ở đâu làm ăn ra sao. Có lẽ cái sung sướng, vui vẻ của kẻ "ở xa gặp người quen" như lời thơ cổ "Tha hương ngộ cố tri" nên chị đã thoải mái trao đổi với tôi bằng ngôn ngữ địa phương Bình Định, như: "chàu rày ở quài (ngoài) mình thế nào?", "làm ăn chắc cũng tày người ta!", "nẫu làm ăn có đặng không?"…


Ngoài người Bình Định, tiếng "nẫu" còn được dùng tại vài nơi ở tỉnh Phú Yên. Ngược dòng thời gian, từ khi nhà Lê mở rộng bờ cõi về phương Nam thì Bình Định và Phú Yên thời ấy cùng một trấn. Thế nhưng, cùng nguồn gốc từ miền Bắc di cư vào nhưng tại sao tiếng "nẫu" và một số tiếng địa phương khác chỉ có ở Bình Định mà không có ở các địa phương khác? Lật lại những trang từ điển cũ của các tác giả Trương Vĩnh Ký và Thanh Nghị xuất bản trước năm 1945, thì chỉ có chữ "Nậu" và chữ "Bậu" chứ không có chữ "Nẫu".


Theo đó, nậu (dt xưa): bọn; tụi; người khác - của nậu chứ không phải của mình; - Đầu nậu: chef de bande.


Một lối giải thích khác cũng có lý: Người miền Bắc phát âm dấu nặng (.) thì người Bình Định lại nghe thành âm dấu ngã (~). Có lẽ vì thế mà từ "nậu" thành "nẫu" chăng?


Câu ca dao phổ biến là:


Ai về nhắn với nậu nguồn


Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.


Tiếng "nậu" nghe cũng khá thân thương, lại vừa có âm điệu trong câu, ai về nhắn với "nậu nguồn" – nghe êm hơn là "nẫu nguồn". Còn có cách lý giải khác là: cảnh vật và nước uống có ảnh hưởng nhiều trong giọng nói, nên việc lẫn lộn giữa dấu ngã và dấu nặng là lẽ thường.


Trong thơ ca Bình Định, chúng ta vẫn thường gặp tiếng "nẫu". Dù là người di cư hay người chính gốc địa phương thì tình yêu luôn đến với họ:


Thương chi cho uổng công tình


Nẫu về xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.


Hoặc:


Ghe hư còn để dấu dầm


Nẫu đi đâu vắng dấu nằm còn đây.


Từ "nẫu" trong Vè Thủy trình của lái ghe bầu cũng là một ví dụ:


"… Giáp đầm Thị Nại, hãy còn sử xanh


Vô chợ ăn bún song thần


Hỏi mua nón ngựa để dành về quê


Thiếu gì hải vị sơn khê


Vào nam ra bắc ê hề ngựa xe


Nói chơi sợ nẫu cười chê


Có say đất khách mới mê nết người…".


Bài vè khá dài nhưng có đầm Thị Nại, bún song thần (song thằn) và nhất là câu: "Nói chơi sợ nẫu cười chê" cũng đủ xác định bài này có xuất xứ từ người Bình Định.


Chữ "nẫu" còn đi vào trong thơ mới:


Nẫu và tui


Chắc gì lìa tử đã mau nguôi


Một độ lìa sanh cũng ngậm ngùi


Muối mặn, nẫu còn chiêm chiếp thích


Gừng cay tui ngỡ hít hà vui


Nẫu hờn nẫu giận tui xin nẫu


Tui dỗi tui buồn nẫu bỏ tui


Xa nẫu ngày rày tui bị hạn


Duyên xưa không có rặc tình xui.


(Hà Giao)


Bài thơ rất rõ nét "xứ nẫu".


Đứng về mặt ngữ pháp, "nẫu" là đại danh từ, ngôi thứ ba, tương đương với chữ "nó", "họ", "người ấy",… Còn với chữ "Bậu", theo từ điển cũ của hai tác giả kể trên thì: Bậu (dt xưa): tiếng thân kêu vợ mình –


Bậu nói với anh,


không bẻ lựu hái đào


Lựu đâu bậu bạc,


đào nào bậu cầm tay.


(Ca dao)


Tiếng "Bậu" cũng là đại danh từ, ngôi thứ hai, tương đương với anh, em - tiếng "Bậu" nghe thân thương, tình tứ hơn:


Tai nghe em bậu lấy chồng


Bất tỉnh nhơn sự, dậm chân kêu trời.


Có nỗi buồn nào hơn khi được tin người yêu đi lấy chồng! Buồn đến bất tỉnh nhơn sự! Phải chăng là ngã xỉu, hay chết đứng như Từ Hải. Ngược lại, khi em bậu từ chối lời cầu hôn của kẻ khác thì:


Tai nghe em bậu chồng hồi


Cũng tày anh ních một bầu rượu ngon.


Tâm sự của chàng giờ đây lại khác hẳn, lại sung sướng như một cuộc rượu say túy lúy đầy hạnh phúc.


Trong tình yêu, dù là người giàu hay người nghèo, quê hay tỉnh, trí thức hay bình dân đều có tâm trạng giống nhau. Khi yêu thường nhớ nhung:


Tai nghe gà gáy ó o


Lòng thương em bậu ốm o gầy mòn.


Thương yêu, nhớ nhung đến gầy ốm xác ve thì có lẽ đích thị là bệnh tương tư rồi. Còn khi đã yêu nhau mà phụ nhau thì:


Bậu ra cho khỏi tay ta


Cái thân bậu nát cái da bậu mòn.


"Thương nhau lắm, cắn nhau đau" là vậy. Yêu nhau mà hai người hai ngả thì:


Xa xôi chưa kịp nói năng


Từ qua đến bậu như trăng xế chiều


Trăng tàn, tình tan - nhưng người trai còn nhắc:


Trâm vàng giắt chặt còn rơi


Huống chi em bậu ở đời làm sao?


Tiếng địa phương Bình Định còn khá nhiều, đặc biệt, chúng đã đi vào thơ ca dân gian, tạo một sắc thái riêng cho tiếng địa phương Bình Định. Xin nêu vài ví dụ:


Chàu rày không gặp đặng anh


Trăm hoa cũng héo mấy nhành cũng khô.


Hoặc:


Tai nghe em bậu chồng hồi


Cũng tày anh ních một bầu rượu ngon.


Những chữ "chàu rày", "đặng", "bậu", "tày", "ních" và nhiều tiếng khác nữa mang sắc thái Bình Định rất rõ. Ôi nẫu ơi, bậu ơi - thương lắm!


Copy từ nguồn: http://www.lebichson.org/Binhdinh/12Nauoithuonglam.htm


Bài đã được xuất-bản trên nguyệt-san Tiếng địa-phương Báo Bình-Định (2007-11-03), url bản điện-tử: http://www.baobinhdinh.com.vn/nguyetsan/2007/11/50230/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét