Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Cha đẻ phong trào Xin lỗi Việt Nam: 'Tôi đã bị cú sốc lớn'

Khi tội ác chiến tranh bị phơi bày, 2.000 cựu chiến binh Hàn Quốc đã đốt phá tòa soạn, đánh đập phóng viên Tạp chí Hankyoreh 21, nhưng điều đó không ngăn được quyết tâm mở lại cánh cửa lịch sử của bà Ku Su Jeong.


Tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam Ku Su Jeong, Phó chủ tịch thường trực Quỹ hòa bình Hàn-Việt, là người đã khởi xướng phong trào "Xin lỗi Việt Nam" của người Hàn Quốc 17 năm qua. Bà trả lời phỏng vấn VnExpress bằng tiếng Việt trôi chảy khi về Quảng Ngãi dự lễ tưởng niệm 50 năm cuộc thảm sát Bình Hòa khiến 430 người dân vô tội thiệt mạng.

- Lý do bà tìm hiểu về những cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại miền Trung Việt Nam?

- Tôi biết đến đất nước Việt Nam khi tham gia phong trào sinh viên ở Hàn Quốc năm 1985, vì chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ phong trào sinh viên Việt Nam 20 năm trước. Khi Liên Xô cũ sụp đổ, tôi rất tò mò muốn tìm hiểu về các nước xã hội chủ nghĩa, và quyết định sang Việt Nam du học.

Bà Ku Su Jeong cúi đầu trước bia tưởng niệm những nạn nhân của cuộc thảm sát ở Bình Hòa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Học khoa Sử tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, tôi làm đề tài luận văn thạc sĩ về sự can dự của quân đội Hàn Quốc vào cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Những người làm đề tài này trước tôi đã dựa vào tài liệu phía Hàn Quốc và Mỹ. Còn tôi muốn có một cái nhìn khách quan nên chú trọng đến tài liệu của Việt Nam.

Năm 1997, tôi tiếp cận một tài liệu của Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tựa là "Những tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam" và lần đầu tiên tôi biết đến tội ác của người Hàn Quốc. Đó là năm 1966, đúng thời điểm tôi sinh ra.

Nhưng những tài liệu này khiến tôi bán tín bán nghi, vì tôi chưa bao giờ nghe đến chuyện quân đội Hàn Quốc thảm sát người dân vô tội ở Việt Nam. Những người sinh cùng thời với tôi cũng không hề biết đến. Khi đó tôi đã bị một cú sốc rất lớn và thấy sợ hãi. 

Tôi cất những tài liệu này vào ngăn kéo, không dám đụng đến nữa. Nhưng càng ngày tôi lại cảm thấy khó chịu, bức xúc vì nếu không nhắc đến vấn đề này ở thế kỷ 20, nhẽ nào lại mang đến thế kỷ 21? Đầu năm 1999, tôi đã dành 45 ngày để đi đến hơn 100 làng, xã ở 5 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam - những nơi ngày xưa quân đội Hàn Quốc đóng quân. 

- Chuyến đi của bà thu được những gì?

- Tôi là người Hàn Quốc đầu tiên mà người dân gặp lại kể từ sau những trận thảm sát đẫm máu. Tôi sợ mình sẽ bị phản ứng, sẽ bị trả thù. Nhưng không, người dân Việt Nam đã ra đón tôi. Có người ôm tôi vào lòng và bảo nếu không có cuộc thảm sát, con họ cũng đã lớn bằng tôi. Tôi hiểu cảm giác của họ lúc đó.

Và họ sẵn sàng kể cho tôi nghe.

Những nhân chứng cuộc thảm sát nói đó không phải là tội của những người trẻ như tôi. Họ nói đó là quá khứ, không nên nhắc lại vì người dân Việt Nam không cần những lời xin lỗi. Nhưng họ cũng nhờ tôi hãy nói cho người dân Hàn Quốc biết về sự thật này. Và đó là động lực để tôi công bố những bài viết của mình trên tạp chí Tạp chí Hankyoreh 21 vào năm 1999.

Bà Ku Su Jeong kể lại cuộc thảm sát khi dẫn đoàn Hàn Quốc đến viếng Bia căm thù ở xã Bình Hòa (Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Đông.
- Người Hàn Quốc khi đó đã phản ứng như thế nào?

- Tạp chí Hankyoreh 21 là một tờ báo có uy tín ở Hàn Quốc. Sau loạt bài của tôi, tòa soạn tiếp tục có nhiều bài viết khác, phỏng vấn những cựu binh Hàn Quốc tham gia chiến tranh ở Việt Nam và nhiều người đã lên tiếng kể về tội ác của mình.

Tòa soạn cứ nghĩ rằng độc giả sẽ đọc và quên về vấn đề này trong 1 đến 2 ngày. Nhưng họ không quên, dù sau 1 tuần, 1 tháng. Xã hội Hàn Quốc khi đó có sự phân hóa tư tưởng, giữa một bên tin có cuộc thảm sát, bên còn lại cho rằng đó là cuộc chiến mà quân đội Hàn Quốc đi bảo vệ hòa bình thế giới. 

Sáu tháng sau khi những bài viết của tôi được công bố, hơn 2.000 cựu chiến binh đã đột nhập vào tòa báo Tạp chí Hankyoreh 21 cao đến 10 tầng. Họ đốt 27 xe ôtô, đốt nhà in và đánh bị thương nhiều phóng viên. Đó là một sự kiện lớn của xã hội Hàn Quốc. Nhưng cũng từ đó mà nhiều người biết về cuộc thảm sát.

Khi đó mỗi ngày tôi nhận hơn 1.000 thư điện tử của độc giả, nhiều đêm phải thức trắng để đọc hết số thư đó. Người Hàn Quốc ủng hộ và họ từ khắp nơi gửi tiền về tòa báo với mong muốn giúp đỡ những nạn nhân Việt Nam, bù đắp lại những tội lỗi mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra.

Rất nhiều tiền của bạn đọc gửi về tòa báo, khiến chúng tôi đã phải họp để bàn đến chuyện phải làm gì với số tiền này. Và năm 2000, chúng tôi đã phát động phong trào "Xin lỗi Việt Nam". Phong trào này hoàn toàn không nằm trong kế hoạch ban đầu của tòa soạn.

- Quan điểm của bà khi kể lại câu chuyện thảm sát của quân đội Hàn Quốc và khởi xướng phong trào "Xin lỗi Việt Nam"?

- Nhiều người nói với tôi rằng nên khép lại lịch sử để hướng đến tương lai. Thế lực bảo thủ ở Hàn Quốc luôn công kích chúng tôi rằng Chính phủ Việt Nam muốn khép lại quá khứ mà tại sao người Hàn Quốc lại muốn nhắc. Nhưng con người không thể khép lại quá khứ hay lịch sử được.

Nếu chúng tôi không nỗ lực giải quyết những vấn đề lịch sử bằng sự thật, thì những sai lầm của lịch sử Hàn Quốc sẽ lặp đi lặp lại vào tương lai và đánh vào chính chúng tôi. Điều tôi muốn, đó là những người Hàn Quốc phải biết những sai lầm của quá khứ. 

17 năm qua, chúng tôi đã đưa hàng nghìn người Hàn Quốc đến Việt Nam để thăm lại những nơi xảy ra thảm sát, dưới hình thức du lịch vì hòa bình. Trong đoàn thi thoảng có người nói rằng chúng tôi đã xin lỗi người Việt Nam rồi. Nhưng không, người dân không thể đại diện cho chính phủ Hàn Quốc được.

Chính phủ Hàn Quốc phải điều tra chính thức về vấn đề này. Và nếu xác minh được sự thật thì phải công bố, phải xin lỗi người dân Việt Nam và phải bồi thường cho triến tranh. Và việc này cần sớm được thực hiện vì một điều rất đau đớn là những nạn nhân tôi đã gặp năm 1999 đến nay hơn 80% đã mất. 

Chúng tôi tiếp tục phải xin lỗi hàng trăm, hàng nghìn lần, đến khi người Việt Nam bảo đủ rồi. Khi nào những vết thương đó lành, lịch sử sẽ tự khép lại thôi.

Bà Ku Su Jeong kể với người Hàn Quốc và nạn nhân Đoàn Nghĩa (xã Bình Hòa) về bức tượng thay cho lời xin lỗi Việt Nam của người Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông.
- Kỷ niệm của bà trong 17 năm "Xin lỗi Việt Nam"?

- Tôi gặp nhiều cụ ông, cụ bà bị khuyết tật cơ thể sau những cuộc tra tấn. Ban đầu tôi thấy đau xót và thấy họ tội nghiệp. Nhưng sau này tôi thấy suy nghĩ của mình đã sai. Họ không hề tội nghiệp. Mà sự tồn tại của họ đã là một giá trị rất quý trong xã hội.

Trước khi lên đường đến các tỉnh miền Trung tìm gặp nhân chứng của cuộc thảm sát, tôi đã về lại Hàn Quốc, tìm mua trà sâm với ý định làm quà cho những người tôi gặp. Tôi không có nhiều tiền nên tìm mua trà sâm lẻ. Đó cũng không phải là trà sâm cao cấp của đất nước chúng tôi.

Phỏng vấn ai xong tôi tặng họ một gói trà sâm, đó là món quà cá nhân của tôi. Ra về, tôi rất ấy náy vì không đủ kinh tế tặng trà sâm cao cấp. Năm 2001, khi phong trào "Xin lỗi Việt Nam" khánh thành công viên ở Phú Yên, tôi nhờ tòa soạn Hankyoreh 21 mua trà sâm loại cao cấp được bán ở sân bay để tặng cho những nhân chứng còn sống sót.

Một vài tháng sau, tôi trở lại Phú Yên thì những nhân chứng trả lại cho tôi gói trà sâm cao cấp. Họ nói chắc trà sâm này không phải là thật, mà là hàng giả. Tôi ngạc nhiên hỏi cho rõ sự tình. Mấy cụ bà, cụ ông nói trà sâm lần trước hữu dụng, ví như khi đau bụng chỉ cần pha nước uống là khỏi. Còn trà sâm lần này không có tác dụng gì.

Dĩ nhiên trà sâm cao cấp tôi mua tặng người dân không phải là hàng giả. Nhưng với những nhân chứng của cuộc thảm sát, họ dồn nén những uất hận bấy nhiêu năm. Rồi một ngày họ được kể với một người Hàn Quốc. Trà sâm hoàn toàn không thể có tác dụng làm cho họ hết đau trong cơ thể. Nhưng khi họ đã nói hết được nỗi lòng mình, thì tự khắc những cơn đau biến mất.

Nguyễn Đông thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét