Thứ tư, 10/2/2016 | 19:00 GMT+7
Vụ phóng tên lửa hôm 7/2 cho thấy Trung Quốc sẽ gặp muôn vàn khó khăn để duy trì quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và Triều Tiên.
Khi trở về từ chuyến công du Triều Tiên cuối tuần trước, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Wu Dawei có lẽ hiểu rằng chuyến công du với mục đích thuyết phục nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un rút lại quyết định phóng tên lửa đã trở thành công cốc, theo New York Times.
Kim Jong-un không những phớt lờ yêu cầu từ Trung Quốc, để ông Wu ra về tay trắng, mà còn yêu cầu đẩy vụ phóng lên sớm một ngày so với kế hoạch để nó diễn ra vào một trong những dịp lễ quan trọng nhất của Trung Quốc, Tết Âm lịch.
Hiện chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ứng phó như thế nào nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách và quay lưng lại với Bình Nhưỡng, một đồng minh lâu đời.
"Đây là một kết cục tồi tệ. Tôi cho rằng đây là một trong những sai lầm lớn của Kim Jong-un. Dù vậy, ít có khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận", Cheng Xiaohe, phó giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Renmin, cho biết.
Triều Tiên ngày 7/2 thông báo tên lửa của họ đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo. Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho rằng vụ phóng này chứng tỏ Triều Tiên đã có một số tiến bộ công nghệ trong mục tiêu chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Vệ tinh nặng 199,5 kg, gấp đôi trọng lượng vệ tinh phóng năm 2012, theo các nhà lập pháp dự buổi họp kín do cơ quan tình báo Hàn Quốc tổ chức ngày 7/2.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản, ra tuyên bố nêu rõ ý định siết chặt biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng không công bố cách thức và thời gian thực hiện.
Một dự thảo nghị quyết đang được thảo luận, theo các nhà ngoại giao. Mấu chốt là Trung Quốc sẽ chọn thắt chặt hay tăng cường thêm biện pháp trừng phạt. Vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "lấy làm tiếc" và khuyến cáo các bên nên hành động bình tĩnh và thận trọng.
Trái ngược với những lời kêu gọi cần có biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc cho rằng việc nối lại cuộc đàm phán giữa các cường quốc và Triều Tiên là biện pháp họ muốn để kiềm chế Kim Jong-un. Cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc khởi xướng đã bị ngưng trệ từ năm 2009, sau khi Triều Tiên rút lui.
Trong cuộc thăm dò do Weibo tiến hành ngày 5 và 6/2, hai phần ba trong số 8.000 người Trung Quốc được hỏi cho biết họ ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, 16% phản đối và 16% trung lập.
Bất chấp sự thất vọng về Kim Jong-un và mối quan hệ cá nhân lạnh nhạt, thể hiện qua việc ông Tập đã từ chối gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, Trung Quốc có khả năng vẫn sẽ tiếp tục kiên nhẫn với hành động của ông Kim, theo Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Renmin.
Theo ông Shi, Trung Quốc lo ngại Triều Tiên sẽ trở thành kẻ thù đáng lo ngại. Trung Quốc đã phản đối các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm cắt giảm lượng dầu Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên và dừng nhập khẩu tài nguyên khoáng sản. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ ủng hộ biện pháp trừng phạt hạn chế chuyển giao và mua trang thiết bị quân sự cùng những mặt hàng khác hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên.
"Trung Quốc cho rằng áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của nước này đến Triều Tiên. Quan trọng nhất, Trung Quốc lo sợ áp dụng biện pháp trừng phạt nặng sẽ biến Triều Tiên thành quốc gia thù địch có thể 'chống lại' Bắc Kinh", ông Shi nói.
Ông Tập tính toán rằng Kim Jong-un là lãnh đạo cần quan hệ lâu dài nên đã phái Liu Yunshan, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 10/2015 với mong muốn tăng cường quan hệ, theo Shi.
Thậm chí, Trung Quốc dường như sẵn sàng mạo hiểm mối quan hệ mới chớm nở với Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, qua việc tỏ ra kiên nhẫn trước "hành vi khiêu khích" của Triều Tiên.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hyeng, ông Tập nhấn mạnh Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Bà Park sau đó tham dự cuộc duyệt binh lớn ở Bắc Kinh, vốn bị các lãnh đạo phương Tây tẩy chay, vào tháng 9/2015.
Trong một động thái chắc chắn khiến Trung Quốc không vừa ý, vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu thảo luận chính thức với Mỹ về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).
Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc triển khai hệ thống này và cho rằng đây là công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Thiếu tướng Kim Yong-hyun, phụ trách các hoạt động ở Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc, cho biết Seoul và Washington đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận mùa xuân chung hàng năm trong năm nay với tên gọi "Giải pháp Then chốt" và "Đại bàng Non" lớn nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ triển khai thêm các loa tuyên truyền công suất lớn dọc biên giới với Triều Tiên và kéo dài thời gian phát thanh lâu hơn.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc xích lại gần hơn với Trung Quốc với hy vọng nước này sẽ giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng một, Hàn Quốc đã thay đổi quan điểm khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên, từ chối các yêu cầu từ Hàn Quốc và Mỹ rằng nước này cần cắt giảm xuất khẩu dầu và hàng hóa khác để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân.
Vụ phóng tên lửa hôm 7/2 cho thấy để duy trì quan hệ tốt với cả Hàn Quốc và Triều Tiên là một việc vô cùng khó khăn với Trung Quốc, chuyên gia Cheng nhấn mạnh.
Duy Sơn
Created with Microsoft OneNote 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét