Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

"Tập trung dân chủ" nghĩa là gì?

[TẬP TRUNG DÂN CHỦ: Đây là nguyên tắc do Lê Nin đề xuất. Tức là khi một tổ chức họp với nhau về một vấn đề thì phải thật dân chủ, bình đẳng, ai có ý kiến gì cứ bàn, cứ bảo vệ. Sau đó, để đi đến thống nhất thì biểu quyết. Đó là DÂN CHỦ. Ý kiến nào chiếm đa số thì được coi là ý kiến chung của cả tổ chức. Từ sau đó, thì tất cả thành viên của tổ chức phải tuân thủ ý kiến này, kể cả những người trước đó phản đối, đó là TẬP TRUNG.]

NHẬP MÔN PHÂN TÍCH ĐẠI HỘI 12. (Bài 1)
Tác giả: Nguyen Duc Thanh

(Dành cho những ai quan tâm, thích thú với những gì đang diễn ra, nhưng chưa hiểu hết mà lại không dám hỏi hoặc không biết hỏi ai)Lưu ý 1: Bài dài, nên phải kiên nhẫn đọc. Nhưng đổi lại, sẽ hiểu biết hơn, bớt mù mờ hơn về những gì bạn đang nghe ra rả suốt cả ngày mà chẳng hiểu gì mấy.

Lưu ý 2: Nếu bài này giúp bạn hiểu hơn một chút, thì share để cho người khác hiểu cùng.

Lưu ý 3: Nếu đọc xong vẫn không hiểu, thì share và đặt câu hỏi, để những người hiểu rõ hơn, có nhiều thời gian, họ trả lời cho. Vì tôi thì bận, rỗi mới viết được tiếp.
===========
Theo dõi những gì đang diễn ra tại Đại hội Đảng lần thứ 12, thấy quả là có nhiều điều thú vị. Điều thú vị đầu tiên là hình như báo chí có đưa tin nhưng không thể hiện hết được sự thú vị của những gì đang diễn ra. Không biết là vì báo chí không hiểu hết, hay là bị chỉ đạo phải viết cho nó rối lên mới hay.

Thứ nhất, chưa bao giờ vị trí Tổng Bí Thư lại BẤT ĐỊNH như tại Đại hội lần này. Kể cả khi Đại hội ĐÃ khai mạc, và ĐANG diễn ra được vài ngày (tức là cho đến lúc status này được post lên).

Thứ hai, chưa bao giờ nguyên tắc TẬP TRUNG DÂN CHỦ được thể hiện rõ ràng, khoa học, nhất quán và đóng vai trò là một luật chơi thú vị như lần này.

[Chú thích nhanh về TẬP TRUNG DÂN CHỦ: Đây là nguyên tắc do Lê Nin đề xuất. Tức là khi một tổ chức họp với nhau về một vấn đề thì phải thật dân chủ, bình đẳng, ai có ý kiến gì cứ bàn, cứ bảo vệ. Sau đó, để đi đến thống nhất thì biểu quyết. Đó là DÂN CHỦ. Ý kiến nào chiếm đa số thì được coi là ý kiến chung của cả tổ chức. Từ sau đó, thì tất cả thành viên của tổ chức phải tuân thủ ý kiến này, kể cả những người trước đó phản đối, đó là TẬP TRUNG.]

Cần lưu ý một điều, là cho đến nay, chỉ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng là ỨNG VIÊN DUY NHẤT được Đại hội 11 đề cử. Và điều này là chính xác, nhất quán, rõ ràng. Nghĩa là đến giờ này, sẽ không còn một ứng viên nào khác mà Trung ương Đảng khoá 11 có thể đưa thêm vào. Điều đó là biểu hiện của nguyên tắc TẬP TRUNG. Sự Tập Trung này, lại là sản phẩm của sự DÂN CHỦ trước đó giữa nhũng người đã quyết định điều đó, tức là các đồng chí Uỷ viên Trung ương Khoá 11. Nói cách khác, nếu để các đồng chí Trung ương Uỷ viên Khoá 11 bầu xem ai làm Tổng Bí Thư, thì họ dường như sẽ bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, việc quyết định ai là Tổng Bí Thư MỚI thì lại là do các Uỷ viên Trung ương Khoá 12, chứ không phải Khoá 11, quyết định. Mà Khoá 12 thì lại không phải Khoá 11, tất nhiên rồi. (Nói theo kiểu triết học của những người Marxist, thì hẳn họ sẽ gọi đó là "Biện chứng của Trung ương Đảng"). Bởi vì, Trung ương Đảng 12 thì do Đại hội Đảng 12 bầu ra. Và ngày bầu ấy, theo lịch, chỉ diễn ra vào ngày 26/1 tới.

Đấy là điều thú vị của sự DÂN CHỦ trong Đại hội.

Tiếp đến, cần lưu ý là Trung ương Đảng 12 không chỉ bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Bởi vì, đồng chí Nguyễn Phú Trọng CHỈ LÀ MỘT ỨNG VIÊN, do Trung ương 11 đề xuất cho Trung ương 12 bầu mà thôi.

Trung ương 12 có thể chọn bầu một số đồng chí khác nữa, nếu trước ngày bầu, ĐẠI HỘI 12 đề xuất một số đồng chí nữa. Đó là điểm Dân Chủ nữa của Đại hội.

Để bảo đảm nguyên tắc Tập Trung, thì chỉ những người KHÔNG PHẢI Uỷ viên Trung ương Khoá 11 mới được đề cử các ứng viên mới này. Điều này là rất hợp lý và nhất quán, bởi vì, theo nguyên tắc Tập Trung, không một đồng chí nào trong Trung ương 11 được phép làm trái quyết định ĐÃ có của Tập thể Trung ương 11, tức là có đề xuất ứng viên thì chỉ đề xuất đồng chí Nguyễn Phú Trọng mà thôi.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý ở đây là, mặc dù người ĐỀ CỬ không phải là Uỷ viên khoá 11, nhưng người ĐƯỢC ĐỀ CỬ lại có thể là Uỷ viên Khoá 11, ví dụ đồng chí Nguyễn Tấn Dũng hoặc đồng chí Trương Tấn Sang, v.v... Vì đề cử ai, hoàn toàn là quyền của đồng chí có ý kiến đề cử.

Bây giờ lại là bước tiếp theo vận dụng nguyên tắc Dân Chủ. Tức là Đại hội 12, khi thấy có đồng chí mới được đề cử như thế, thì sẽ bỏ phiếu xem có nhất trí với ý kiến đề cử đó hay không. Và nếu trên 50% đồng ý thì đồng chí ấy được vào xếp chung danh sách với đồng chí Nguyễn Phú Trọng để bước vào vòng bầu Tổng Bí Thư, theo lịch, diễn ra vào hôm sau, ngày 27/1.

Do đó, tại phiên bầu cử Tổng Bí Thư, sẽ có khả năng là có nhiều lựa chọn, có nhiều đồng chí để bầu, chứ không phải là Đại hội Đảng 12 tổ chức bầu cử 5 năm một lần lại chỉ để chọn ra một đồng chí từ một đồng chí mà thôi.

Nhưng mà, nếu xét thật kỹ hết tất cả các khả năng, thì lại có một khả năng thế này nữa, mặc dù rất hiếm khi xảy ra, nhưng khả năng tồn tại về mặt toán học và logic học là có. Đó là, trong danh sách bầu Tổng Bí Thư ngày 27/1 lại KHÔNG CÓ ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHÚ TRỌNG.

Vì sao có khả năng này? Ấy là vì, có một khả năng, xin nhắc lại, có thể tồn tại về mặt toán học và logic, là đồng chí Nguyễn Phú Trọng bị trượt ngay từ Vòng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương 12, diễn ra vào hôm 26/1 tới. Nghĩa là đồng chí Nguyễn Phú Trọng không phải là Uỷ viên Trung ương khoá 12, và như thế thì, không thể được bầu vào Bộ Chính trị và vị trí Tổng Bí Thư.

Điều này thực tình là một khả năng rất hãn hữu, hãn hữu đến mức gần như không tồn tại, không thể tin là có tồn tại.

Nhưng đã là người có tư duy phân tích, thì không có gì là không thể nghĩ tới. Cũng như, cả Hà Nội này, cả đất nước này, có một ai lại nghĩ là Cụ Rùa Hồ Gươm thì lại bị chết đuối đúng hôm Khai mạc Đại hội Đảng đâu?

Tóm lại, với nguyên tắc Tập Trung, nguyên tắc Dân Chủ, được triển khai đúng đắn, thì cho đến giờ, không ai có thể kết luận chắc chắn ai sẽ là Tổng Bí Thư Khoá 12. 

From <https://www.facebook.com/ndt105/posts/10207415290012157>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét