An Ngọc | 23/01/2016 10:09
Nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 27,4%, đạt 27,7 tỷ USD. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất của các tập đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào lớn nhất của Việt Nam song các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng nhẹ trong Qúy IV/2015 khi xuất khẩu tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu tăng 2,6%. Theo đó, cán cân thương mại đã thặng dư nhẹ với 0,5 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2015, cán cân thương mại ước tính thâm hụt khoảng 3,2 tỷ USD, tương đương 1,65% GDP.
Chuyển hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc
"Lưu ý là cán cân thương mại của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào giải ngân vốn FDI cho nhập khẩu trang thiết bị sản xuất nên thường có biến động mạnh giữa các quý" – VEPR nhận định.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu khu vực trong nước suy giảm 3,5%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 12% đạt mức 165,6 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường đầu vào lớn nhất với 28,8% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, năm 2015 tiếp tục chứng kiến xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của nước ta sang Hàn Quốc khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu sản phẩm từ nước này.
Theo đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 27,4%, đạt 27,7 tỷ USD. VEPR cho rằng, điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển hoạt động sản xuất của các tập đoàn Hàn Quốc sang Việt Nam.
Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và đặc biệt là năm 2015. Chiếm đến gần 30% trong tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015, đầu tư của Hàn Quốc được xem là "hiện tượng".
"Sóng" chuyển dịch sẽ mạnh hơn?
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm qua Hàn Quốc đã dẫn đầu về vốn FDI vào Việt Nam với 702 dự án cấp mới và 260 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỷ USD Mỹ. Kết quả tích cực này có được, là nhờ có những Tập đoàn lớn của Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam.
Đáng chú ý là Tập đoàn Samsung đã cam kết tiếp tục rót thêm 600 triệu USD vào dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng tại khu công nghệ cao TPHCM, nâng vốn của dự án lên gần 2 tỷ USD. Kéo theo đó, hàng loạt các nhà cung cấp linh phụ kiên phụ trợ cũng đổ vốn vào Việt Nam để làm nhà cung ứng cho Samsung.
Dự án 1,5 tỷ USD của Tập đoàn LG được cấp phép ở Hải Phòng trước đây cũng đã tạo nên làn gió thu hút hàng chục nhà cung cấp khác từ Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đây là lý do khiến cho việc nhập khẩu từ Hàn Quốc các nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị để xây dựng các nhà máy tăng cao.
Ngoài ra là lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ giải trí, cũng thu hút các doanh nghiệp lớn của Hàn QUốc. Điển hình là Tập đoàn Shinsegae đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Các chuỗi rạp chiếu phim CGV, Lotte liên tục mở rộng kinh doanh và gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng việc các nhà đầu tư Hàn Quốc nổi lên là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Bởi Hàn Quốc là nước có công nghệ hiện đại, nên sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán và ký kết chuẩn bị đi vào thực thi. Với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều hơn từ Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng được vấn đề về nguyên tắc xuất xứ vốn lâu nay phụ thuộc vào Trung Quốc để có thể tận hưởng được các ưu đãi cắt giảm thuế quan.
Created with Microsoft OneNote 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét