(Bài phỏng vấn Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng của phóng viên Vũ Lụa, báo điện tử Việt Nam Net, 12/9/2012 06:27 GMT+7)
“Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc” - Nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng nói về thói tọc mạch của người Việt.
Ngán ngẩm vì đi đâu cũng gặp "chim lợn"
Người Việt thường không muốn ai hơn mình
- Ông đánh giá như thế nào về tính cộng đồng của người Việt trong các mối quan hệ gia đình, xã hội?
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mọi tính cách của một dân tộc, một nhóm sắc tộc không đứng im mà có sự biến đổi theo thời gian. Tính cộng đồng và quan hệ gia đình xã hội của người Việt thời phong kiến và ngày nay hoàn toàn khác nhau, nên cũng cần xem xét nó trong đời sống cụ thể.
Trong truyền thống, tính cộng đồng của người Việt trong chiến tranh là khá cao, vì đó là lúc vận mệnh sống còn của từng người phụ thuộc vào nhau, nhưng khi thời bình, tính cộng đồng này thu hẹp ở mức độ làng xã và rất cục bộ.
Quan hệ gia đình và xã hội thời phong kiến khá chặt chẽ dựa trên nền tảng của Nho giáo, và tất nhiên là những giáo lý của Phật giáo và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Tuy nhiên trong thời mới, các quan hệ đó thay đổi về hình thức và bản chất. Xu hướng Tây học và quan hệ gia đình xã hội mới ít nhiều gia nhập vào đời sống của người Việt hiện nay.
Nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng. Ảnh: TTVH |
- Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những đặc tính tốt tạo nên sự quan tâm, tương trợ lẫn nhau, thì tính cộng đồng cũng dẫn đến những thói quen xấu như thói quen tọc mạch, chĩa mũi và nói xấu lẫn nhau. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?
- Người Việt, hay nói chính xác hơn là người nông dân Việt Nam sống trong làng xã hơn 500 năm qua, ở đó người ta luôn nhòm ngó, bàn bạc về nhau, giúp đỡ hay ghét bỏ nhau, cũng trong phạm vi cái làng. Cho đến nay, dù ra thành phố, làm việc trong các tổ hợp công nghiệp, thói quen ấy chưa thay đổi bao nhiêu. Anh bị ốm thì người ta đến thăm, anh kiếm được nhiều tiền thì người ta ghét. Năng suất lao động chưa trở thành thước đo con người, mà vẫn đánh giá nhau qua cư xử nên tọc mạch, nhòm ngó nhau vẫn là thường nhật.
- Vậy thì ông nghĩ như thế nào về thói quen tọc mạch của người Việt?
- Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do được thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm.
Tính cộng đồng của người Việt trong đời sống hàng ngày cũng không cao, nhất là khi ra nước ngoài, nơi rất cần tính cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc.
Thói quen xấu làm cho dân tộc bị thụt lùi về khoa học và nghệ thuật
- Có phải sự quan tâm thái quá đã vô tình dẫn đến những thói quen xấu đó, hay là vì một mục đích nào khác, thưa ông?
- Trong sự để ý lẫn nhau, có thể nói người Việt cũng có mặt tốt. Ma chay, cưới xin, ốm đau, khó khăn… người cùng làng, cùng cơ quan, cùng lứa thường chia sẻ, thăm hỏi lẫn nhau. Mục đích vụ lợi không có, mà tình nghĩa luôn được đề cao. Tuy nhiên, tình cảm quá cũng dẫn đến sự phán đoán lý trí ít được sử dụng, tức là cái mục đích lớn thường bị chủ nghĩa tình cảm làm lu mờ. Người ta không quan tâm đến nhà bác học, nghệ sĩ nọ làm ra công trình gì, mà để ý ông ấy có thân ái với mình không. Chuyện nhỏ này, thực ra làm cho dân tộc thụt lùi rất nhiều mặt về khoa học và sáng tạo nghệ thuật.
- Cũng có ý kiến cho rằng, thói quen nói xấu, tọc mạch là thói xấu bản năng của con người. Ông có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?
- Con người sinh ra và lớn lên có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhưng thói quen, mục đích và truyền thống cộng đồng sẽ quyết định tính cách nào nổi trội. Có dân tộc lấy sự khám phá sáng tạo, dẫn đường làm mục đích, thì đương nhiên họ phải dẹp bỏ những cái vụn vặt. Lại có những dân tộc lấy ăn ở, làm giàu, tranh đoạt làm mục đích thì đương nhiên cũng phát triển tính cách tiểu xảo, lừa lọc và thiển cận. Đây là sự lựa chọn.
Có nhiều cái xấu còn đang được giáo dục
- Theo ông, những môi trường nào và những yếu tố nào thì sẽ tạo điều kiện cho tính xấu này phát triển?
- Môi trường nào cũng có thể sinh ra cái tốt và cái xấu, nhưng môi trường tốt, có mục đích lớn lao, thì cái tốt là bề mặt xã hội, là đạo đức, quy luật, cái xấu núp dưới những mặt trái và luôn run sợ. Hiện có nhiều cái xấu đang công khai, được sử dụng để kiếm lời, thậm chí được giáo dục…
- Vậy thì ông đánh giá như thế nào về văn hóa ứng xử, văn hóa đạo đức của người Việt trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh ở nước ta hiện nay?
- Nhiều người quan tâm đến sự xuống dốc của văn hóa đạo đức ngày nay, nhưng cần đặt mọi hoạt động xã hội ngày nay vào trong một hoàn cảnh kinh tế khác rất khốc liệt, buộc mọi quan hệ ứng xử thay đổi theo. Do đó muốn giải quyết văn hóa ứng xử không thế chỉ hô hào chung chung, mà cần giải quyết từ lao động và hành chính. Người ta quan tâm đến văn hóa đạo đức, nhưng lại không quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, trong khi đó, chính đời sống văn hóa nghệ thuật nếu được nâng cao thì tự nhiên đạo đức xã hội sẽ được giải quyết.
Đây chính là phần yếu nhất của chúng ta.
- Tuy nhiên thời nay, người ta cũng đang nói rất nhiều về sự vô cảm, và nhẫn tâm đối với đồng loại. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?
- Xã hội cộng đồng cao xưa kia buộc người ta quan tâm đến nhau và tham gia cứu trợ nếu có thể. Nhưng xã hội công nghiệp, thời gian là vàng, trách nhiệm gắn với chuyên môn, dẫn đến sự bàng quan nếu không thuộc chuyên môn của mình. Ví dụ ra đường không phải là bác sĩ thì chớ đụng đến người bệnh. Đây là vấn đề nhân loại, không riêng gì ta, nếu bạn ra nước ngoài, có lăn ra đường vì lý do gì đó, thì người ta cũng mặc kệ, hoặc tốt nhất là gọi điện cho nhà chức trách. Đôi khi là muộn, hoặc người bình thường hoàn toàn có thể cứu giúp.
Xin trân trọng cảm ơn ông !
Theo bạn, thói "tọc mạch" có phải là sự quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng? Bạn có bao giờ là nạn nhân của thói tọc mạch? |
Mời chia sẻ ý kiến hoặc câu chuyện của bạn trong mục Phản hồi hoặc qua email: doisong@vietnamnet.vn
Vũ Lụa (thực hiện)
Source: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/87482/thoi-quen-toc-mach-chu-yeu-co-o-nguoi-mien-bac.html
NHỮNG LỜI NÓI CHÂN THẬT
Trả lờiXóaÔng này nói quá hay, từ trước tới nay đã ai dám nói đâu, nhưng ông đụng vào tổ ong vò vẽ rồi, sao ông dại thế, bạn ở Nghệ An nói chính xác, nhưng bạn đã làm được gì?
dân xứ nghệ Gửi lúc 12/09/2012 10:55
Người miền bắc tọc mạch
Tôi chưa có nhiều dịp để đi nhiều nơi nhưng quả thực khi vào miền Nam tôi thấy họ sống khác người Bắc nhiều quá, từ lối sống, các mối quan hệ trong công việc, giao lưu và có một cái nổi trội mà tôi cũng thấy nhiều người đi nhiều hiểu nhiều đã so sánh đó là người miền Bắc tò mò tọc mạch hơn hẳn người miền Nam.
mano Gửi lúc 12/09/2012 10:53
Rất chính xác
Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết. Tôi đã tiếp xúc rất nhiều người quê miền bắc (từ Ninh Bình trở ra). Họ nói rất hay, rất tình cảm. Nhưng cuối cùng họ rất khôn lỏi, chỉ nhận phần lợi về mình. Các bạn hãy thử nghiệm và rút ra bài học cho mình nhé.
Nguyễn Nam Cam Gửi lúc 12/09/2012 10:49
Rất đúng
Người miền Bắc có 1 câu nói lên hết tất cả: Con gà ở nhà bà là con công, con phụng. Còn con gà ở nhà mầy là con cú, con quạ
Bùi Đăng Trí Gửi lúc 12/09/2012 10:28
Do thuộc tính
Thói tọc mạch sinh ra do thuộc tính của con người đấy ạ. Đó là luôn luôn nhìn người rồi phê bình khen chê này nọ, trong khi bản thân mình thì không biết. Căn bệnh này rất khó trị, lý do căn bệnh này do tâm thị phi sinh ra.
Văn luật Gửi lúc 12/09/2012 10:19
Hãy về tỉnh tôi mà xem
Đọc bài này tôi thấy rất thú vị và thấy hoàn toàn chính xác, trong bài chỉ nói đến miền Bắc và miền Nam thôi chứ chưa nói đến miền Trung. Ở miền Trung đặc biệt là Nghệ An, tình trạng này còn kinh khủng hơn, đã nghèo lại còn bẩn tính thể hiện ở tất cả các lĩnh vực, mọi ngóc ngách xã hội. Nếu ở trong tỉnh, thì người ta thường nói "giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì không sử dụng", bảo thủ, trì trệ thì không địa phương nào bằng. Các cá nhân có trình độ khi ra khỏi tỉnh thì phát huy tuyệt vời, ở trong tỉnh thì không thể phát huy được.Tài nguyên, khoáng sản phong phú, nhân kiệt thì cũng khá nhiều thế mà lúc nào cũng nghèo vì tư duy không chịu đổi mới. Buồn thay
Trần Thanh Hà Gửi lúc 12/09/2012 10:18
Rất chính xác
Người miền bắc hầu hết tọc mạch là hoàn toàn chính xác. Sống với người Nam thoải mái hơn nhiều. Tôi là một người miền Bắc.
Nguyễn Hữu An Gửi lúc 12/09/2012 10:08
Thói tọc mạch của người Bắc
Tôi thấy người Việt không phải là không có bản sắc, nhưng hiện tại những giá trị ấy ngày càng bị băng hoại và mai một. Sự dối trá đã trở nên phổ biến mà người ta không xem đó là điều đáng xấu hổ nữa, đó là một nguy cơ thực sự. Ví như Hà nội bây giờ thì văn hiến ở chỗ nào khi mà mở miệng ra là chửi thề, kể cả với lớp người được xem là có học.
zudongpo Gửi lúc 12/09/2012 10:07
Thói tọc mạch cần loại bỏ
Bài viết quá chuẩn. Nếu ai đã tiếp xúc và sống với người nam bộ rồi thì mới hiểu được, thói tọc mạch, ghen ghét, hơn thua thì Người Bắc, người Trung nhiều hơn người Nam nhiều (tôi là người Trung).
Mai Huynh Gửi lúc 12/09/2012 10:04
Người Bắc thường không muốn ai hơn mình
Người Bắc thường không muốn ai hơn mình Đây là nhà nghiên cứu và phê bình văn hoá, người ta chỉ ăn rồi chỉ lo mỗi việc đó nên tác giả nhận định như vậy là chính xác tương đối cao rồi. Sao có một số người Bắc vào đây tự ái, đây chỉ là lời nhắc nhở khéo mà thôi. Cái gì không hay thì sửa. Tôi thấy bài viết nói đúng mà.
Nguyễn Trí Gửi lúc 12/09/2012 10:04
Thói xấu trong công sở
Trả lờiXóaTrong công sở thói xấu tọc mạch này có rất nhiều. Nếu ai không đủ bản lĩnh sẽ bị quật ngã ngay, năng lực của người này sẽ không được phát huy. Tốt nhất là cứ "Phớt lờ" đi xem như nó là "Hòn đất củ khoai" đi là được.
hatrương Gửi lúc 12/09/2012 07:18
Rất đúng
Ông Phan Cẩm Thượng nói rất đúng về người Việt. Như là có vụ tai nạn hay đánh nhau, tích tắc là người ta bu đông nghẹt. Rồi khi kể lại thì thêm thắt cho thêm hấp dẫn. Ai hơn hoặc giỏi hơn họ, thì bị ganh ghét, họ soi mói để ý người khác bằng những câu chuyện mà họ biết được, và họ sẽ hạ anh bằng những câu chuyện bên ly nước trà.
tangomambo Gửi lúc 12/09/2012 07:04
thói tọc mạch là sản phẩm của cs người miền bắc sống trong chế độ cộng sản đã 68 năm còn mien nam 38 nam cs đẻ gia tư tưởng bình quân không có kẻ giầu người người nghèo
Trả lờiXóa