Tác-giả: Phạm-Ngọc-Cương
Không muốn thành người bôi sỹ chỉ biết sơn một màu, và cũng để trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc “Một góc nhìn khác” về những góc tối, mệt mỏi của cuộc sống ở Canada sau bài “Tạp”, tôi xin được góp chuyện tiếp mấy ý sau.
Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)
1- Thời gian
Ở Bắc Mỹ đó là thứ mà ai cũng thấy đặc biệt thiếu. Từ ngày đầu đến đây tôi đã để ý là tiệm coffee nhan nhản mọi nơi. Dân tình thường thiếu ngủ, cuộc sống, công việc nhiều sức ép luôn cần cái gì đó cho tỉnh táo.
2- Việc hãng
Công việc là cả một thách thức nan giải nhưng cũng đồng thời là một sự tưởng thưởng xứng đáng. Con gái tôi 20 tuổi, học năm thứ tư đại học hay thích hỏi han tâm sự với bố. Tôi bảo cháu trong công việc có ba cách tự khẳng định mình. Giỏi là tự mình làm chủ luôn. Dốt hơn là làm thuê một giai đoạn, tích lũy kinh nghiệm sau bước lên làm chủ. Kém nhất là bán mình cả đời. Cháu tự thấy tài sức còn yếu nên quyết định tham gia phỏng vấn xin đi làm công trước. Sau mấy vòng phỏng vấn được hãng Bell- hãng điện thọai Canada- nhận là tháng 4 năm sau khi ra trường sẽ có một công việc lương khởi điểm năm đầu là $53,000/ năm. Từ năm thứ hai bàn thảo tiếp. Kèm theo hợp đồng làm việc là cả một gói lớn bổng lộc: ít nhất thưởng thêm $8,000/ năm, có ba tuần phép ăn lương/ năm, sau 2 năm hãng trả tiền toàn bộ để theo học MBA, bao toàn bộ các lại bảo hiểm từ răng, kính, mắt, du lịch, điện thọai Iphone 5, son phấn… Trả được lương ấy đến tay người lao động thì hãng còn phải trả thêm cả trăm thứ thuế má bảo hiểm khác tổng ra cả 100 ngàn $/ năm. Để được thuê và không bị đuổi việc thì phải đáp ứng được cái người ta cần.
3- Việc nhà:
Một cái nhà trung bình rộng 1000sqft. Tức là khoảng 100m2. Và có 2 tầng lầu, một tầng hầm/trệt như vậy tổng là cả 300m2. Giữ cho cái nhà đó sạch gọn cũng không ít việc. Thêm nữa nhà ai cũng vườn trước vườn sau 300m2/500m2/1000m2… tùy cỡ, lại thêm nhà xe, vài ba chỗ đậu xe…. Cắt cỏ mùa hè, xúc tuyết mùa đông, dọn lá khô mùa thu, trồng hoa mùa xuân. Mùa nào việc ấy. Chỉ trồng hoa thôi cũng đủ hết ngày rồi. Vài năm trước chúng tôi quyết định trồng ít hoa tulip ở một góc vườn. Loại hoa này chỉ đẹp nếu có đông đồng đội. Tôi mua 500 củ tulip về, vợ hì hục trồng cả tuần mới xong. Tuần sau lại phải đi mua thêm 500 củ nữa vì… lũ sóc và chồn đào bới tứ tung cả vườn chắc ăn gần hết cả củ hoa. Vừa thương vợ vừa an ủi là em ơi nhìn chúng ăn no tung tăng cong những cái đuôi như hoa khắp vườn thế kia thì vui, đẹp quá rồi còn gì. Ở Canada không ai hại chúng cả. Nhiều anh bạn tôi còn thấy gấu vào sau vườn hay hươu nai lượn lờ trước cửa nhà. Ở đây không có mốt thời thượng như Việt Nam mình là nhất nhất cái gì cũng thuê osin. Tự làm hết. Riêng việc nhà cũng đủ thở không kịp rồi.
4- Dạy con
Cái gì cũng có giá của nó. Muốn con học tốt, khỏe, vui thì trước nhất bố mẹ phải đầu tư cho con thích đáng cả về thời gian, tâm huyết và công sức. Con út của tôi hút chẵn của vợ tôi 8 giờ vàng ngọc mỗi ngày- ngang người đi làm full time. Từ sáng 7:00 A.M dậy chuẩn bị cho ăn uống rồi đưa cháu đến trường. Chiều 3:30 P.M đón cháu về rồi dẫn đi đủ các sinh hoạt khác: bơi lội, trượt băng, bóng đá, tennis… thứ bảy, chủ nhật lại học tiếng nọ tiếng kia. Để đứa bé 7-8 tuổi xoen xoét được 3 ngôn ngữ cũng không phải là ngày một ngày hai. Học là chuyện của nó nhưng biết bao công bố mẹ phải đưa đi đón về. Chuyện biết nhiều thứ tiếng ở đây không có gì lạ. Nhà nào cho con học trường French Immersion thì con cũng đã phải học ở đó song hành hai thứ tiếng Anh và Pháp. Tiếp đó hầu như dân xứ nào cũng cố nhồi cho con tiếng cố quốc của mình. Cậu em tôi lấy vợ gốc Ba Lan khi ở nhà cô cháu gái 7 tuổi cứ phải xoay xỏa tiếng Việt với bố, tiếng Ba Lan với mẹ, với các anh thì tiếng Anh, Pháp. Tuổi trẻ học thêm một ngôn ngữ cũng như ăn thêm cái kẹo, uống thêm cốc nước thôi; để con chóng lớn về trí tuệ hay thể lực thì phải cho con ăn uống luyện tập đều đều.
5- Tử hình
Canada không chấp nhận án tử hình, án gì thì cùng lắm cũng…ngồi tù dài ngày rồi ra. Trong tù thì mỗi tù nhân đều có tiêu chuẩn phòng riêng, tiện nghi, hiện đại. Tốn của công quĩ khủng khiếp. Ra tù thì cảnh sát, truyền thông báo tin trước cho cư dân là ngày đó X, Y, Z… sẽ hết án về lại nhà hi vọng thành dân lương thiện. Cư dân ở gần nhà các anh bạn mới hoàn lương này ráng mà đề phòng nếu có gì bất thường nhớ báo.
6- Cảnh sát
Vào đồn cảnh sát thấy một số tờ rơi. Cảnh sát báo là treo thưởng $50,000; $100,000 nếu ai đó phát hiện ra gì đó, ai đó, xin giúp đỡ cảnh sát với. Phá án kiểu đốt tiền này thật đúng là… đồ ăn hại vô tích sự, tốn tiền thuế dân. Vậy mà tỷ lệ tội phạm ở Toronto lại liên tục giảm mấy năm nay so với 10 hay 20 năm trước. Thật đáng đời mấy anh bạn cảnh sát hết việc bị sa thải chỉ vì xã hội có ít hơn tội phạm.
7- Án vặt
Các tranh chấp tài sản dưới $70,000 gọi là vặt, chỉ tòa Small Claim Court giải quyết. Nhưng cả các vụ lớn ra Supreme Court nếu chứng minh là chả còn gì để trả thì cũng huề cả làng. Và rất nhiều người cứ cà thẻ của các nhà banks cho đã rồi khi ăn chơi hết vài trăm ngàn, vài ba triệu $ khai bại sản và…cũng chả ai động được đến sợi lông chân của họ. Có điều banks là của tư nhân nên nếu kinh doanh ngu thất thu thì banks ráng tự chịu. Chính phủ không cơ cấu nợ xấu, không lấy tiền thuế dân cứu banks. Còn nếu lời nhớ đóng thuế đều nhé, như vắt chanh. Tuy nhiên chắc số đạo tặc không mấy nên thấy quí nào báo cáo kinh doanh của các nhà banks lớn vẫn thấy hoan hỷ là lãi toàn tiền tỷ $.
8- Lãi xuất
Cả 5- 6 năm nay nhà banks cho vay tiền ra có 0% đến 3%/năm. Tiền rẻ quá dân chúng vay mượn tiêu xài thật quá ư bừa bãi. Ngân hàng TW Canada chắc phù phép con số rồi, cho tiêu, cho xài phá cỡ ấy mà inflation core (lạm phát) toàn dưới 1-2% năm thì tin sao được?
9- Thuê nhà
Phần đông là thuê nhà trả đủ tiền. Nhưng lỡ cũng gặp anh bạn cứ ở lì không trả tiền thuê. Cùng lắm sau sáu tháng một năm phải ra thì cũng ở chùa được cả khối thời gian. Chủ nhà ở Ontario mà muốn ra tòa so găng thách đấu với người thuê nhà thì chỉ từ chết đến chết mà thôi. Tòa toàn bênh người thuê. Đuổi theo phương pháp xã hội đen ở đây thì thật chả ai dám nghĩ tới. Đành an ủi là ít ra cuối cùng sau vài tháng kiện cáo vẫn lấy lại được nhà, ở nhiều góc khác của địa cầu này có nơi nhà cho ở nhờ còn mất trắng đó thôi.
10- Án mạng
Mỗi năm vùng GTA với khoảng 5 triệu dân có khoảng 70 vụ thiệt mạng. Đủ cả từ tai nạn xe, súng, cần xa, ma túy tới gái, tai bay vạ gió…Thế mà luận điệu tuyên truyền của cảnh sát Toronto cũng như thống kê của Liên Hiệp Quốc luôn dối trá, trắng trợn và rập khuôn suốt bao năm nay rằng Toronto là thành phố lớn mà an toàn nhất hành tinh này!
Khu Scarborough, phía đông Toronto trước kia yên và đẹp. Mấy chục năm nay người Tàu di dân lậu cũng như hợp pháp tràn đến. Đi cùng họ là băng đảng, tội phạm tràn lan. Dân lành ở đây vốn hèn chỉ nghe ai đó kể là nghe có tiếng đòm gần đâu đó một cái là rủ nhau bán tống nhà cửa dọt sạch. Giá nhà vì thế ở đó lại càng xuống và Tàu lục địa mới sang lại dồn vào đó tiếp.
11- Bình đẳng
Queen Elizabeth II – Nữ hoàng của toàn khối Thịnh vượng chung đã làm đảo lộn hết cuộc sống của chúng tôi. Đàn ông ở đây sau 60 năm cai trị của bà không còn ai dám ngang hàng với đàn bà kể cả trong ý nghĩ nữa. Nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng, nguyên thủ gia đình là các bà, dưới các bà là con gái các bà, dưới con gái các bà là bạn gái các bà, sau đó là con chó nhỏ của bà, dưới con chó là mảnh vườn trước và sau nhà. Đàn ông thành đẳng cấp tôi mọi trên có thùng rác và suốt ngày phải lo đi đổ rác.
12- Con mất gốc
Thật khó tìm được một người chồng Việt phù hợp bố ạ. Con gái nói. Sao con? Vì con gặp các bạn từ Việt Nam du học ở đây cũng như bên châu Âu rất khác. Khác sao? Các bạn thường hay co cụm và chỉ chơi với nhau, ít chịu học tiếng Anh, tiếng Pháp cho thật tốt, không có tinh thần làm cái gì giúp đỡ cộng đồng cả. Các bạn FOB (Fresh off the boat- tươi mới rời tàu- cách bọn trẻ bên này gọi những người mới tới Canada) từ nhiều nước khác không tệ đến như vậy. Con ơi với ai con cũng phải kiên nhẫn, với người Việt thì sự kiên nhẫn của con cần phải hơn lên nhiều lần!
13- Giúp đỡ
Học tiếng Anh, Pháp để hội nhập không mất tiền, sách vở miễn phí. Con nhỏ cũng được trông miễn phí luôn cho lúc đang ngồi học. Khám chữa bệnh miễn phí. Nếu còn ít tiền để sống có thể xin trợ cấp xã hội cho mỗi người $600/tháng. Nếu chưa hết tháng đã hết đồ ăn ngân hàng thực phẩm sẽ cấp tiếp thực phẩm miễn phí, hoặc có thể có các bữa ăn miễn phí tại nhà thờ, chùa. Cách nhìn thứ nhất là xã hội này nhân bản không để ai đói, mù chữ, bị bỏ rơi. Cách nhìn thứ hai: đây là chính sách của bọn nhà giàu. Vì giàu nên nó sợ dân nổi loạn, đập phá nên nó bịt mồm và dạ dầy dân lại bằng tiền. Tự do nhìn nhận và đánh giá mà! Một cô Tàu từ đại lục mới sang định cư Canada trong lớp ESL (English as a second language) lớn giọng: Chả ai giúp đỡ gì chúng tôi ở đây cả. Thầy giáo tiếng Anh nhỏ nhẹ: Chúng tôi đang ở đây để giúp đỡ cô. Chúng tôi muốn biết nếu có thể làm gì để giúp cô hơn nữa chúng tôi luôn sẵn sàng.
14- Thành công
Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước ở nhiều nước XHCN chuyện học là không mất tiền. Lúc đó trong chuyện học, ai không lượm được chữ thì là tại lực học mình kém thôi chả còn gì để kêu ca oán thán cả. Với con mắt đó tôi nhìn những người đến Canada định cư. Ai không thành đạt tôi hiểu có gì đó sai ở chính họ chứ không phải ở cơ cấu tổ chức xã hội này. Bản thân tôi nghĩ ở Canada ai cũng có thể thành công. Chỉ là theo những góc khác nhau mà thôi.
15-Ngoài- Trong
Người Mỹ, Canada thật giản dị. Khi tôi đến Moscow, Tokyo, Seoul thấy ngập các cô gái xinh xắn tay lủng lẳng các túi hàng hiệu trong các ga tàu điện ngầm. Ở đó không mấy người trẻ tuổi có thể mua được nhà to, xe lớn. Có tiền họ đành dồn tạm cho mấy đồ phụ tùng thật choáng lộn, bắt mắt.
Canada và Mỹ thì thường cứ đi làm là gom tiền mua xe và nhà. Và những người Việt tôi biết ở đây thường trả xong hết nhà sau khoảng 10 năm đi làm.
16- Công đoàn
Là cả hai thái cực. Từ phía những người lao động già thì công đoàn là tốt vì cứ hãng còn việc là thường không cách gì buộc họ thôi việc được, không ai chen lên trước hàng của họ được. Những người trẻ thì thường khó chấp nhận vì sự già nua đi liền kém hiệu năng trong sản xuất. Người tôi quen làm hãng Bombardier, hãng máy bay Canada, nơi có công đoàn, kể thấy mệt là cứ chui vào trong cánh máy bay làm một giấc, quản đốc gần đến cả hội lại tìm cách báo động cho nhau. Các hãng có công đoàn vì thế chi phí sản xuất cao và chắc là sẽ ngày một tiêu tùng.
17- Tiến sỹ rởm
Rất cảm ơn anh Nhất và các bạn đã sửa lỗi cho tôi. Từ lúc rời VN năm 18 tuổi đến tận bây giờ tôi thấy sao mình vẫn còn luôn sai hai lỗi s; x và một vài con chữ khác. Chỉ có thể lý giải là tôi cũng giống như rất nhiều người Việt khác cùng thế hệ đã mắc một lỗi ”hệ thống” nào đó. Nghi nghi lắm! Tự nghĩ, chắc mấy cái B.A hay Ph.D. của mình cũng đồ rởm quá à! Bằng ngần này tuổi viết tiếng mẹ đẻ mà còn chưa sạch lỗi chính tả thì còn nước non gì nữa. Nhân đây cũng xin anh Nhất và các bạn đừng gọi tôi là TS. Từ ngày cha mẹ sinh ra đời đến nay tôi chưa viết bất kỳ bài báo nào bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đề là Tiến sỹ Phạm Ngọc Cương ở đâu cả. Ở bên này Ph.D được nhại là Pizza home delivery (người giao pizza tới nhà); GSTS là gà sống thiến sót. Bỗ bã với mấy tay Ph.D hay giáo sư các sắc dân khác thấy đơn giản vậy mà cứ chuyển sang tiếng Việt gọi là TS lại thấy nặng. Ước gì chúng ta chỉ dùng từ tiến sỹ để gọi các tiền nhân xứng đáng của chúng ta tên khắc ở Quốc Tử Giám thôi. Ngày nay nếu tất cả chúng ta đều coi mấy cái bằng cấp ấy chỉ như cái thứ xóa nạn mù chữ thôi thì có lẽ xã hội ta sẽ bớt hình thức hơn nhiều.
18 – Nhập cư
Nhiều lúc chúng tôi bảo nhau là nếu đón được cả 90 triệu dân Việt sang đây định cư rồi sau 10-20 năm lại đưa về VN thì tình hình đất nước chắc sẽ có thật nhiều đổi khác. Việt Nam cũng như bất kỳ nước nào khác luôn được lợi trong việc giao lưu và trước nhất là giao lưu con người. Canada đón nhận di dân mỗi năm khoảng bằng 1% dân số (xấp xỉ 300 ngàn người). Các cơ hội học hỏi còn bất tận hơn. Anh bạn Mark của tôi ở bài “Tạp” dù bằng cấp cao mà mãi mới xong vì anh không đăng ký theo diện di dân có tay nghề và bằng cấp. Loại này thường lâu tới vài năm. Vì nhân đạo, Canada xét diện hôn thê khá nhanh chỉ vài tháng và anh đi theo diện mì ăn liền ấy. Rủi thay là bị nghi ngờ.
19-Bầu cử
Đêm qua quyết định ngủ muộn cùng nước Mỹ. Cách chọn người của họ thật công bằng, hay, ấn tượng. Ngay cả George W. Bush là người được đánh giá là một trong những TT tồi của nước Mỹ thì ông cũng là một người rất quyết đoán, hùng biện và được lòng dân nên mới trụ sang tới nhiệm kỳ hai. Khoảng gần nửa đêm anh bạn phe Cộng hòa nhắn tin rằng chắc anh sẽ khóc suốt đêm nay. Đó là cái Spirit của Bắc Mỹ. Đã rất tốt rồi còn luôn khát khao tốt hơn nữa. Thực ra ai làm TT thì cũng chả có thay đổi gì nhiều. Hiến pháp vẫn chẳng phải sửa. Tam quyền vẫn phân lập và độc lập, chả phải thêm bớt của bất cứ ai cái quyền gì. Tứ, ngũ quyền vẫn toàn quyền tự do. Xã hội dân sự vẫn thăng hoa và ổn định. Chỉ khác nhau có chút ít chính sách thuế má, bảo hiểm, chi tiêu công và đối ngoại… Là người gốc Việt tôi mong kinh tế Mỹ hồi sinh mạnh mẽ, có vậy sẽ bớt những trò húng của anh Đại Hán. Nước Mỹ chưa bao giờ cần đến thế một doanh nhân lão luyện khoác vừa vặn chiếc áo đại chính khách như lúc này. Obama và Mitt kẻ tám lạng người nửa cân, ai cũng thật giỏi. Thiếu Trung Quốc hay Việt Nam phương Tây vẫn thịnh vượng. Với lối hành xử ngạo ngược của mình Trung Quốc đáng phải nhận được nhiều đòn thật chứ không chỉ là đòn gió. Khó ngủ quá! Cậu con chín tuổi bỗng ôm cổ bố an ủi: bố ơi đừng buồn, ít nhất là ở Canada những người cần phải thắng đã thắng.
20- Chùm khế quê
Hôm qua một người quen về VN sang đến chơi. Hỏi chị tình hình bên nhà thế nào? Chị bảo: Bài em viết hồi đầu năm chị đọc ở Một góc nhìn khác “Việt Nam- niềm hi vọng cho sau 20 năm” mất tính thực tế rồi. Chị thấy cứ đà này nên đính chính lại là 200 năm.
Người thực tiễn, không nên hi vọng cái gì sau khi mình chết.
Người có ít nhiều trách nhiệm, càng không nên quăng gánh nặng đời cho thế hệ mai sau, nhất là những thế hệ còn chưa kịp chào đời.
Nói với chị mà thực là nhủ với lòng mình!
PNC, 7/11/2012
Nguồn: Blog Trương Duy Nhất