Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Chuẩn·hóa ngôn·ngữ Việt

Tác·giả: Aiviet

17/06/2010 9:30 SA

Ngày xưa, tôi có một ông thầy người Hung rất mê học tiếng Việt. Ông ấy cũng là một nhà ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông học lâu, nhưng nói vẫn không hay lắm. Có lần ông ta nói "Ngữ pháp chẳng qua là gậy của người mù, để dò dẫm đường đi" (Cái này thì đúng, người đã biết tiếng coi như người sáng thì cần gì ngữ pháp). "Tiếng Việt không có ngữ pháp nên khó học". Hồi đó tôi trố mắt và rất ức "Làm gì tiếng Việt lại không có ngữ pháp". Bây giờ ngẫm nghĩ quả nhiên thế thật.
Hồi bé, mình học chủ ngữ, vị ngữ, tính từ, danh từ,.... là các khái niệm ngữ pháp chung chung tiếng nào cũng có. Riêng về tiếng Việt, mình chẳng được học cũng chưa thấy cuốn sách nào bàn kỹ về các luật. Mấy cuốn ngữ pháp của các GS ngôn ngữ, toàn bàn về những cái ngoại lệ. Những cái ngoại lệ chỉ có tác dụng làm người đọc lác mắt về sự uyên thâm của các bác ấy, nhưng ít có tác dụng thực hành. Cuốn hay ho nhất mà tôi thấy là cuốn "Ngữ pháp Việt nam" của GS Nguyễn Kim Thản, chưa mang dáng dấp một hệ thống, các quy luật đều mang tính mô tả, cảm tính, chưa có thống kê, chưa có mô hình.

Không biết ngôn ngữ Việt nam khó cỡ nào, các thế hệ ngôn ngữ học Việt nam bận những vấn đề cao siêu gì mà cho đến nay có những vấn đề như phân biệt giữa "những" và "các", "con" và "cái", "tất cả những" và "mọi" chưa thấy sách nào bàn luận. Hậu quả là người dùng lộn tùng phèo. Lúc đầu có vẻ còn có trật tự. Sau đó người dùng sai (vì khó quá mà chẳng có luật) chữa thẹn bằng cách cố tình dùng sai, biến thành xì tin. Và cuối cùng đúng sai lẫn lộn. Sẽ có một ngày sai hóa đúng. Lật các kỷ yếu khoa học ngành ngôn ngữ, thấy các GS bàn toàn những chuyện rất lặt vặt (thế mới cao siêu chăng), rồi lại phản bác sửa lẫn nhau (để đẻ ra các luận án khác theo kiểu "khoa học vị khoa học").

Phải nói tiếng Việt cực kỳ linh hoạt, cũng gần như giao thông trên đường xá Hà nội bây giờ. Đường tuy độc đạo đến đâu, luật tuy chặt chẽ đến đâu, khi cần bà con ta cũng có thể xé rào, kể cả lao lên vỉa hè, để đi tắt, nói tắt. Nói tắt cũng là tư duy kinh tế rất hay, nhưng không có chuẩn hóa, chẳng ai chịu ai, sáng tạo lai láng ra hàng đống dị bản. Ai dùng chữ lạ kiểu thì được coi là sành điệu, thành một cái mốt thời trang trí thức. Thành thử, trí thức Việt nam có bao nhiêu tinh lực xả vào chữ nghĩa bóng bẩy hết. Chẳng còn năng lượng nào mà đầu tư vào nội dung, nên nội dung ngày càng nghèo nàn. Đến kiệt tác Việt nam là truyện Kiều cũng chẳng buồn có cốt chuyện tự sáng tạo.

Cái phong cách loạn hàng loạn lối này dẫn tới có mỗi chuyện chào hỏi, xưng hô cũng phải vắt óc ra mà nghĩ. Nào "ăn cơm chưa", "khỏe ghê hầy", "bác gái nằm bác trai chơi, cháu về",.... Người ta cứ nói "bye bye" là "tạm biệt" hay "Happy New Year" là "chúc mừng năm mới", "Happy Birthday" là "Chúc sinh nhật vui vẻ". Nhưng ai mà dùng trong thực tế mấy câu này, chắc mọi người cho là ấm đầu hay Việt kiều thế hệ 3 mới ở nước ngoài về.

Thôi thì phi chuẩn cũng được, loạn hàng lối cũng được, sáng tạo vô tổ chức cũng được đi. Tuy nhiên, cái "phong phú của tiếng Việt" lại đẻ ra vấn đề xã hội. Không ít ông Sếp sắp về hưu uất ức suy nghĩ "Hồi trước nói chào mình khác. Hôm nay bỗng dưng nó lại chào thế nào, không biết có ý gì. Hay nó biết mình có Quyết định nghỉ nên nó coi thường mình". Dân ta là chúa suy diễn "Bỗng dưng nó nói thế, chắc hẳn có ý gì". Thế là suy luận, là bắt bẻ, là trả miếng là xóc óc. Nhìn tưởng chuyện nhỏ, thực ra lại là chuyện lớn. Khéo có đến mấy chục phần trăm thời gian làm việc là liên quan đến vấn đề bắt bẻ chữ nghĩa và vắt óc ra xem người ta nói thể là có ý gì có xỏ xiên gì mình, phương hại đến luật pháp, ý thức hệ, truyền thống dân tộc hay không. Cho đến nỗi thêm được một hai chữ cũng coi như là thắng lợi, là sáng tạo là thiên tài mất cả chục năm. Thí dụ quan trọng thì việc thêm được "chủ động" và "hội nhập quốc tế" đã là ghê gớm lắm. Thì ra xã hội mình nó ù lì thật, Đảng bảo "hội nhập quốc tế' thì cứ việc hội nhập, nhưng nó cứ ỳ ra lẩm bẩm "hội nhập quốc tế là không sai" và không làm gì cả cho đến khi bảo "chủ động hội nhập quốc tế" nó mới làm. Đã thế chắc có làm cũng chỉ làm chiếu lệ cho có "chủ động". Thì ra, chuyện ngôn ngữ cũng ăn tàn phá hại cả đến dân phong, sĩ khí nhà mình. Chuyện thường ngày là cái thủ tục hành chính, bắt bẻ nhiêu khê đến dấu phảy, ngăn cản con người ta động não sáng tạo. Cái gì suy một cách có logic từ văn bản ra cũng không được, phải hai năm rõ mười. Có ông tổ chức nói với tôi "Văn bản pháp quy nói vậy mà không phải vậy. Anh đưa cho tôi đúng từng câu tôi mới thi hành". Thành thử, thủ tục hành chính đọng lại cũng chỉ vì "tu từ học". Có một ông cán bộ cao cấp nói một câu "Bản chất của nền hành chính Việt nam là tu từ học". Ngôn ngữ học lên ngôi, các bác ngôn ngữ được tôn vinh, sướng nhé. Nhưng xã hội thì cứ xuống cấp. Họp khoa học, hội đồng chính sách đề án,... chẳng thấy bác nào bàn về nội dung mà toàn bàn về câu chữ. Có lần tôi lộn tiết khi trình một đề án quốc gia, chẳng thấy ai phát biểu câu nào về nội dung, bác phát biểu cụ thể nhất là "sở hữu trí tuệ là danh từ hay tính từ". Bác này hăng đến nỗi góp ý kiến này 3 lần trong 3 hội thảo khác nhau. Cho hay chữ nghĩa cũng nặng ngàn cân, đeo cùm đá ngôn ngữ để tiến lên cường thịnh cũng khó lắm thay.

Nói như vậy không có nghĩa là không nên để ý đến ngôn ngữ hay ở một thái cực khác là chỉ có vấn đề ngôn ngữ. Về phương diện này, tôi nghĩ có hai vấn đề:

Trước hết, các nhà CNTT hãy tạo các ứng dụng để loại bớt được những vấn đề hiển nhiên. Nếu có tranh luận, thì cũng chỉ phải tập trung vào các vấn đề gay cấn. Chứ bây giờ trong một biển loạn ngôn từ không biết bắt đầu từ đâu. Đó cũng là một cách chuẩn hóa. Các nhà chuyên môn thường nghĩ công cụ là việc vặt. Nhưng thực ra, Tố Tâm, Tiểu thuyết Việt nam, Thơ mới có ra đời được cũng phải đợi đến khi có chữ Quốc ngữ, có phương tiện ký âm tiếng Việt mới.

Quan trọng hơn, Các nhà ngôn ngữ hãy tập trung vào chuẩn hóa tiếng Việt. Chào hỏi, thư từ, công văn, nghi lễ,... đều nên chuẩn hóa và có quy tắc. Có thể một số người thừa thông minh không biết làm gì sẽ cảm thấy buồn vì không biết để trí sáng tạo vào đâu. Còn đa số chúng ta sẽ có thời gian tập trung vào nội dung, tiết kiệm vô khối suy luận vu vơ và thời gian tranh cãi vô bổ.

Nguồn: http://www.thegioichu.com/Forum/tabid/58/forumid/33/postid/781/scope/posts/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét