Tác·giả: Giáo·sư Hoàng·Phê
I. Đặc·điểm chữ·viết tiếng Việt
1. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính. Trong tiếng Việt ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hình vị **. Người bình thường sử dụng tiếng Việt chỉ có ý thức về âm tiết, gọi là tiếng, nói chung không có ý thức về âm vị. Và cũng chỉ có ý thức về hình vị, gọi là chữ (ví dụ, chữ quốc, chữ gia, chữ nước, chữ nhà), nói chung không có ý thức về từ. Phản ánh đặc điểm cơ bản nói trên của tiếng Việt, chính tả tiếng Việt đơn thuần là chính tả âm tiết. Nếu xét ở cấp độ âm vị thì có rất nhiều điều bất hợp lí, nhưng nếu xét ở cấp độ âm tiết thì nói chung có sự đối ứng chặt chẽ giữa ngữ âm và chữ viết, có quan hệ một đối một giữa âm tiết ngữ âm và âm tiết chữ viết, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của chữ viết tiếng Việt.
2. Chữ viết tiếng Việt, một chữ viết ghi âm với nguyên tắc chính tả thuần tuý ngữ âm học, không phản ánh một cách phát âm tự nhiên thực tế tồn tại của tiếng Việt hiện đại. Đối chiếu với phát âm của tiếng địa phương miền Bắc, mà trung tâm là Hà Nội, thì phát âm mà nó phản ánh có thêm đến năm loại âm tiết: những âm tiết có phụ âm đầu: /ʈ-/ (viết bằng TR-), /ş-/ (viết bằng S-), /ʐ-/ (viết bằng R-), và những âm tiết có vần -ưu, -ươu (1). Những âm tiết này đều có trong phát âm của các phương ngữ khác, với sự khu biệt tr- và ch-, s- và x-, r- và d-/gi-, -ưu và -iu, -ươu và -iêu. Có thể nói rằng chữ viết của tiếng Việt phản ánh phát âm tiếng Việt một cách tổng hợp, nghĩa là phản ánh những khu biệt âm tiết của tất cả các phương ngữ. Về mặt này, chữ viết có tác dụng thể hiện và giữ gìn sự thống nhất của tiếng Việt, vì nó tạo ra một tâm lí khá phổ biến cho rằng phát âm phản ánh trên chữ viết, vốn không tồn tại một cách tự nhiên trong thực tế, là phát âm chuẩn thống nhất của tiếng Việt. Chính tả trở thành cơ sở của chính âm. Dần dần ngày càng có thêm những người có ý thức dựa theo chính tả uốn nắn phát âm phương ngữ của mình cho phù hợp với chữ viết. Nên coi đây là một hiện tượng tích cực.
3. Theo dữ liệu của một quyển từ điển tiếng Việt (2) xuất bản gần đây nhất (dưới đây gọi tắt là TĐTV), tiếng Việt hiện đại sử dụng 6.718 âm tiết (3), trong số đó có 1.075 âm tiết (tỉ lệ 16%) hoàn toàn không có vấn đề chính tả đối với tất cả các phương ngữ (hiểu phương ngữ với nghĩa rộng, có phương ngữ của cả một miền, có phương ngữ của chỉ một vài tỉnh). Những từ như hồ cầm, tập ấm, độc tôn, ai cũng dễ dàng viết đúng chính tả, dù không ít người mới gặp lần đầu và không hiểu nghĩa là gì. Đối với từng phương ngữ, số âm tiết không có vấn đề chính tả càng nhiều hơn gấp bội, vì chỉ có vấn đề chính tả khi phát âm phương ngữ không phân biệt những âm tiết mà chữ viết có phân biệt. Ví dụ, đối với phương ngữ miền Bắc, đó là 575 âm tiết CH-/TR-, 535 âm tiết S-/X-, 729 âm tiết D-/GI-/R- và 111 âm tiết -IU/-ƯU, -IÊU/-ƯƠU (không kể những âm tiết loại này mà có phụ âm đầu CH- hay TR-, S- hay X-, -D hay GI-, hay R-, đã thống kê ở trên); tổng cộng chỉ có 1.950 âm tiết (29% tổng số âm tiết) là có vấn đề chính tả. Với một người nói phương ngữ miền Bắc, nắm chính tả 1.950 âm tiết nói trên tức là nắm được toàn bộ chính tả tiếng Việt.
II. Khả năng nắm chính tả tiếng Việt một cách có hệ thống
1. Do với từng phương ngữ chỉ có một số lượng âm tiết nhất định là có vấn đề chính tả, nên muốn nắm chính tả của tiếng Việt, không cần phải nắm chính tả của mỗi từ ngữ như thông thường đối với chữ viết của nhiều ngôn ngữ, mà chỉ cần nắm chính tả của một số lượng âm tiết cụ thể nhất định, khác nhau đối với từng phương ngữ. Lấy ví dụ với người nói phương ngữ miền Bắc, có vấn đề chính tả: viết CH- hay TR-? Có tất cả 575 âm tiết CH-/TR-, trong đó có 343 âm tiết CH- và 232 âm tiết TR-, bao gồm 181 trường hợp có sự tồn tại đồng thời của âm tiết CH- và âm tiết TR- đối lập (nói cách khác, có 181 cặp âm tiết đối lập CH-/TR-); có 162 trường hợp chỉ có âm tiết CH-, không có âm tiết TR- đối lập, trong khi chỉ có 51 trường hợp ngược lại, chỉ có âm tiết TR-, không có âm tiết CH- đối lập. Như vậy, âm tiết TR- ít hơn nhiều so với âm tiết CH-.
Nắm chính tả của số ít 232 âm tiết TR- này (chỉ chiếm 40% tổng số âm tiết CH-/TR-), chú ý đặc biệt 181 trường hợp có cặp âm tiết đối lập CH- và TR-, thì khi cần thiết chúng ta có thể suy ra biết một trường hợp cụ thể nào đó, vì không viết TR-, nên chỉ có thể viết CH-; sự suy đoán này chỉ có thể không đúng trong trường hợp hãn hữu nằm ngoài bảng thống kê chúng ta có.
2. Trên thực tế, với mỗi người, số lượng âm tiết cần nắm chính tả này ít hơn nhiều, một phần vì có không ít từ ngữ chúng ta thường đọc thấy hoặc thường phải viết hằng ngày, chính tả đối với chúng ta đã quá quen thuộc, ví dụ trong những người nói phương ngữ miền Bắc có lẽ không mấy ai phân vân không biết chanh chua nên viết CHANH CHUA hay “TRANH TRUA”, trai trẻ nên viết TRAI TRẺ hay “CHAI CHẺ”; một phần nữa vì có một số âm tiết - hình vị hoàn toàn mới lạ đối với chúng ta, được sử dụng trong những từ chúng ta không hiểu nghĩa, thí dụ trấp (dưỡng trấp), trẩu (dầu trẩu) đối với một số người; hoặc vì có một số âm tiết - hình vị chỉ dùng trong cấu tạo của những từ phương ngữ khác, mà bản thân chúng ta (nói phương ngữ miền Bắc) thực tế không biết, không dùng bao giờ, năm thì mười hoạ mới đọc thấy trên sách báo, ví dụ tràu (cá tràu = cá quả), trộng (nuốt trộng = nuốt chửng), xuổng (= thuổng), sớn sác (= nhớn nhác), thì thực tế cũng không cần nắm chính tả. Loại đi ba loại âm tiết nói trên, mỗi người chúng ta có được một danh sách những âm tiết cụ thể cần nắm chính tả, danh sách này có bao nhiêu âm tiết là tuỳ theo trình độ hiểu biết tiếng Việt của mỗi người, nhưng nói chung không nhiều.
3. Trong vấn đề chính tả tiếng Việt có vấn đề chính tả các âm tiết Hán-Việt (sau đây gọi tắt là âm tiết HV), tức là những âm tiết - hình vị trong cấu tạo từ Hán-Việt đa tiết (sau đây gọi tắt là hình vị HV), cần được đặc biệt chú ý. Trong tổng số 6.718 âm tiết của tiếng Việt đã thống kê, có 1.536 âm tiết HV, chiếm một tỉ lệ không lớn (khoảng 23%). Vì có hiện tượng đồng âm, tương ứng với một âm tiết HV có thể có nhiều hình vị HV (thường viết bằng những chữ Hán khác nhau), hiện tượng này khá phổ biến, nên tương ứng với 1.536 âm tiết HV có 2.976 hình vị HV, tạo ra tất cả 12.668 từ ngữ Hán-Việt thường dùng, chỉ tính những từ ngữ nói chung đã được thu thập trong TĐTV. Hình vị HV phần lớn không được sử dụng như từ đơn tiết, nghĩa của hình vị HV lắm khi không thật rõ, nghĩa đã không rõ thì chính tả cũng khó nắm. Nhưng trong tổng số 1.536 âm tiết HV, thì đối với người nói phương ngữ miền Bắc, chẳng hạn, chỉ có 121 âm tiết HV CH-/TR- + 97 âm tiết HV S-/X- + 73 âm tiết HV D- hoặc GI- (không có âm tiết HV R-) + 53 âm tiết HV -IU hoặc -ƯU, -IÊU hoặc -ƯƠU (không kể những âm tiết có phụ âm đầu CH-/TR-, S-/X-, D-/GI-) = 344 âm tiết HV là có vấn đề chính tả. Người nói phương ngữ miền Bắc chỉ cần nắm chính tả của 344 âm tiết HV này là thực tế nắm được chính tả của trên 12.500 từ ngữ Hán-Việt thường dùng.
4. Có những quy tắc chính tả, mà dựa vào đó có thể nắm được tương đối dễ dàng chính tả một số âm tiết nhất định. Ví dụ, với các âm tiết D-/GI-/R-:
a) Trong âm tiết HV, chỉ có âm tiết D- và âm tiết GI-, không có âm tiết R-.
b) Hình vị HV d-/gi- có âm chính /a/ phần lớn viết GI-, và ngược lại các âm tiết HV GI-, chỉ trừ giới (4), đều viết những hình vị HV d-/gi- có âm chính /a/: gia, già, giả, giá, giác, giai, giải, giam, giảm, giám, gian, giản, gián, giang, giảng, giáng, giao, giảo, giáo, giáp (20 âm tiết); viết D- chỉ có dã, dạ, dạng, danh, dao.
c) Hình vị HV d-/gi- có âm chính là những nguyên âm khác, không phải là /a/ đều viết D-: dâm, dân, dần, dẫn, dật, di, dĩ, dị, dịch, diêm, diễm, diệm, diên, diễn, diện, diệp, diệt, diêu, diễu, diệu, dinh, dĩnh, do, doanh, dõng, du, dụ, dục, duệ, dung, dũng, dụng, duy, duyên, duyệt, dư, dực, dược, dương, dưỡng (40 âm tiết); viết GI- chỉ có giới, một trường hợp ngoại lệ hoàn toàn có lí do.
Như vậy, nắm hai quy tắc b) và c) trên đây, đồng thời nắm chính tả của giới, dã, dạ, dạng, danh, dao, chú ý phân biệt DAO và GIAO, trường hợp duy nhất đồng thời có âm tiết D- và âm tiết GI- đối lập, là thực tế nắm được chính tả của toàn bộ 66 âm tiết HV D-/GI-. Cũng có thể chú ý thêm là hình vị HV d-/gi- thanh hỏi và thanh sắc đều viết GI-, thanh ngã và thanh nặng đều viết D-, cho nên giả, giá, giáng viết với GI-, trong khi </I>dã, dạ, dạng</I> viết với D-.
d) Từ tượng thanh, tượng hình hầu hết là âm tiết (không phải HV) r-: ra rả, rầm rập, róc rách, rộn rịp, rời rạc, rù rờ, rũ rượi, v.v.
5. Dựa trên những nhận xét trên đây, có thể rút ra mấy kết luận có ý nghĩa thực tiễn:
a) Chính tả tiếng Việt có thể nắm một cách có hệ thống; với một phương pháp thích hợp, điều này có thể thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn. Hoàn toàn có thể dạy cho học sinh viết đúng chính tả khi học xong cấp trung học cơ sở.
b) Dạy và học tiếng Việt, trong điều kiện có thể, nên dạy và học lối phát âm phản ánh trên chữ viết, điều này giúp rất nhiều cho việc nắm chính tả.
III. Vấn đề cải tiến chính tả
1. Cải tiến chính tả tiếng Việt là một vấn đề được nhiều người quan tâm từ hơn một thế kỉ nay. Đã có rất nhiều phương án. Đối với tiếng Việt, một sự cải tiến chính tả chỉ là hợp lí nếu nó phát huy được ưu điểm đã nói ở trên của chữ viết tiếng Việt, làm cho chính tả tiếng Việt là một chính tả âm tiết hoàn hảo hơn, xoá bỏ một vài trường hợp không có quan hệ một đối một giữa âm tiết ngữ âm và âm tiết chữ viết, cũng tức là những trường hợp có vấn đề chính tả đối với tất cả các phương ngữ. Trên quan điểm đó, không cần thiết thực hiện những cải tiến chỉ nhằm xoá bỏ những bất hợp lí, có rất nhiều, trong cách viết âm vị, những cải tiến như vậy sẽ gây ra những đảo lộn lớn, chỉ thoả mãn yêu cầu thuần tuý khoa học mà không đáp ứng một đòi hỏi thực tế nào của đông đảo người sử dụng chữ viết.
2. Cụ thể, nên thực hiện một số cải tiến sau đây:
a) Thay D, GI bằng Z, viết phụ âm đầu /z-/; cải tiến này không chỉ xoá bỏ sự bất hợp lí của việc dùng hai con chữ phụ âm đầu D- và GI-, mà đồng thời còn xoá bỏ sự bất hợp lí của bản thân GI: thường là viết một phụ âm, /z/, nhưng cũng có khi viết cả một âm tiết, /zi/, như GÌ (đáng lẽ là GIÌ); GIA có thể là GI + A (GIA đình, GIẠ lúa), mà cũng có thể là GI + IA (giặt GỊA), GIÊ có thể là GI + Ê (rau GIỀN), mà cũng có thể là GI + IÊ (GIẾT chết);
b) Dùng D thay cho Đ viết phụ âm đầu /d-/ (điều này cho phép khi đã thay D/GI bằng Z); dùng con chữ D như vậy thống nhất với quốc tế sẽ có nhiều tiện lợi.
c) Nhất loạt viết phụ âm đầu /γ-/ bằng G, bỏ H trong GH (viết GE, GÊ, GI thay cho GHE, GHÊ, GHI) (điều này cho phép khi đã thay D/GI bằng Z); cũng vậy, bỏ H trong NGH, nhất loạt viết phụ âm đầu /η-/ bằng NG (viết NGE, NGÊ, NGI thay cho NGHE, NGHÊ, NGHI).
Một vài cải tiến trên đây đơn giản hoá, hợp lí hoá chính tả mà không gây ra những xáo lộn đáng kể. Thật ra cũng chỉ một cải tiến: dùng Z thay cho cả D và GI; thực hiện cải tiến này thì hai cải tiến sau là tất yếu.
Đồng thời với ba cải tiến nói trên, chuẩn hoá và thống nhất chính tả trong mấy trường hợp sau đây:
a) Nhất loạt viết khuôn vần /-i/ bằng I trong các âm tiết H-, K-, L-, M-, T- (nhất loạt viết HI, KI, LI, MI, TI, cũng như viết BI, CHI, DI, v.v.; không viết HY, KY, LY, MY, TY);
b) Nhất loạt viết khuôn vần /-u̯i-/ bằng UY (nhất loạt viết QUY /-ku̯i-/, cũng như viết HUY, NGUY, TUY, v.v.; không viết QUI);
c) Đồng thời chuẩn hoá cách ghi dấu thanh ở các âm tiết có âm đệm /-u̯-/ (viết bằng U hoặc bằng O), ghi dấu thanh như ở âm tiết không có âm đệm tương ứng (viết QUẢ, QUÝ, HOÀ, TUỆ; so sánh: CẢ, KÍ, HÀ, TỆ), không ghi dấu thanh ở con chữ âm đệm, U hoặc O (không viết QỦA, QÚY, HÒA, TỤÊ).
2001
Chú thích:
* Báo cáo khoa học đọc tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học, Hà Nội, tháng 7-1998; có sửa ít nhiều, về chi tiết.
** Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có mang ý nghĩa và là yếu tố cấu tạo từ.
1. Để phân biệt ngữ âm và chữ viết, khi nêu đơn vị chữ viết cụ thể, chúng tôi dùng lối viết hoa đứng, phân biệt với lối viết thường nghiêng dùng cho đơn vị ngữ âm cụ thể (khi không dùng kí hiệu ngữ âm quốc tế): phụ âm đầu d-, âm tiết d- (âm tiết có phụ âm đầu d-), phụ âm đầu D- (con chữ phụ âm đầu D-), âm tiết D- (âm tiết có con chữ phụ âm đầu D-).
2. Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, in lần thứ sáu, Hà Nội - Đà Nẵng, 1998.
3. Âm tiết thường dùng nói về ngữ âm, nhưng cũng có khi dùng nói về chữ viết (trong bài này âm tiết thường dùng với nghĩa sau). Nói tiếng Việt sử dụng 6.718 âm tiết là nói âm tiết chữ viết. Trong tiếng Việt, có sự đối ứng chặt chẽ âm tiết ngữ âm âm tiết chữ viết, trừ trường hợp với âm tiết D- và âm tiết GI-, viết phân biệt, nhưng đã từ lâu không một phương ngữ nào phát âm phân biệt d- và gi-, tuy rằng phát âm cụ thể có khác nhau giữa phương ngữ miền Bắc với các phương ngữ miền Nam, miền Trung. Có tất cả 281 âm tiết D- và 156 âm tiết GI-, tổng cộng 437 âm tiết, chúng ta gọi là âm tiết D-/GI- (âm tiết viết với D- hay GI-, tuỳ trường hợp); trong tổng số 437 âm tiết D-/GI-, có 159 trường hợp chỉ có âm tiết D-, không có âm tiết GI-; 34 trường hợp chỉ có âm tiết GI-, không có âm tiết D-; 122 trường hợp vừa có âm tiết D-, vừa có âm tiết GI-; cho nên tương ứng với tổng số 437 âm tiết D-/GI- chỉ có 159 + 34 + 122 = 315 âm tiết ngữ âm d-/gi-. Như vậy, tương ứng với 6.718 âm tiết sử dụng trong chữ viết, là 6.718 - 122 = 6.596 âm tiết ngữ âm.
4. giới vốn là giái, nói trại do kiêng tránh (giái đồng âm với dái); giái, viết GIÁI, từ lâu không dùng nữa, nhưng chính tả với GI- vẫn giữ lại ở giới; trong Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Của (1895), chỉ có giái (viết thế giái, khí giái, v.v.), không có giới.
tra loi giup hien tuong ngac hoa the hien nhu the nao trong chu viet?lay vi du minh hoa
Trả lờiXóa