Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Dân Hàn sang Trung Quốc ngắm "nơi sinh ông Kim Jong-Il"

Du khách Hàn Quốc tại Thiên Trì, núi Bạch Đầu (Nguồn: AFP)
Nơi khai sinh về mặt tâm linh của dân tộc Triều Tiên là một ngọn núi thấm đẫm truyền thuyết. Nhưng do bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt nhiều thập kỷ, người Hàn Quốc muốn nhìn thấy ngọn núi này trước hết phải sang Trung Quốc.

Ngọn núi, theo tiếng Hoa là Changbai (Hán Việt: Trường Bạch) và theo tiếng Hàn là Paektu (Bạch Đầu), cùng hồ nước tuyệt đẹp trên núi nằm ở gần biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Xe buýt nhỏ chở du khách Hàn Quốc đi theo những con đường ngoằn ngoèo để ngắm đỉnh núi.

“Thống nhất!” một người đàn ông Hàn Quốc hét lên khi nhìn thấy đỉnh núi. Ông là một trong hàng chục nghìn người Hàn Quốc sang Trung Quốc trong chuyến đi theo kiểu hành hương này.

Theo truyền thuyết Triều Tiên, Dangun (Đàn Quân), người cha khai sinh của dân tộc, đã thành lập vương quốc đầu tiên ở vùng Triều Tiên vào năm 2333 trước công nguyên. Ông sinh ra trên ngọn núi này từ một người mẹ gấu.

Cơ quan du lịch địa phương nói năm 2013 có 137.000 du khách nước ngoài thăm núi, trong đó hơn một nửa là người Hàn Quốc.

“Nơi này rất thiêng liêng”, Choi Byung Eui, đi cùng bố tới thăm núi từ thành phố Hàn Quốc Gyeongju, bình luận. “Tôi rất buồn và thất vọng vì rất nhiều người đã bị chia cắt do chiến tranh. Triều Tiên phải là một”.

Đỉnh núi Trường Bạch, cao 2.750 mét so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất của cả bán đảo Triều Tiên và đông bắc Trung Quốc, và là nguồn của các con sông Yalu (Áp Lục) và Tumen (Đồ Môn), các dòng sông phân ranh giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Hồ nước trên núi theo tiếng Hoa là Tianchi (Thiên Trì), nơi vẫn còn vài con hổ Amur loại cực kỳ quý hiếm sinh sống. Với người Hàn Quốc, núi Paektu “không chỉ là một đỉnh núi cao, mà còn là nơi thiêng liêng cội rễ của dân tộc”, theo một cuốn sách hướng dẫn du lịch được xuất bản ở Seoul. Ngọn núi lửa tắt này từng gây chú ý vài lần trong những năm qua khi các nhà địa chất học cảnh báo nó có thể phun trở lại.

Nhà nước Triều Tiên cũng gắn chặt các chiến dịch tuyên truyền với ngọn núi và những liên hệ của nó với gia đình Chủ tịch Kim. Trong các tài liệu chính thức, nhà lãnh đạo quá cố của Triều Tiên Kim Jong-Il được cho là sinh ra ở dãy núi Paektu năm 1942, và khi ông ra đời đã xuất hiện cầu vồng đôi cũng như một ngôi sao sáng. Giới học thuật thì cho rằng ông Kim sinh ở Liên Xô.

Tấm áp phích nhân kỷ niệm sinh nhật ông Kim Jong-Il, nói ông được sinh tại núi Bạch Đầu (Nguồn: AFP)
Khi ông Kim qua đời ngày 17/12/2011, truyền thông nhà nước Triều Tiên nói trên đỉnh Paektu, “từng lớp băng ở hồ Thiên Trì đã rung chuyển và vỡ vụn”. Núi Trường Bạch kéo dài khắp vùng Manchuria (Mãn Châu Lý), vùng đông bắc Trung Quốc nơi tộc Mãn Châu phát tích. 

Những người Mãn Châu đã chinh phục Trung Nguyên vào thế kỷ 17 và lập nên nhà Thanh kéo dài 268 năm, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Nhiều hoàng đế của triều Mãn Thanh đã thực hiện nghi thức tế trời ở núi Bạch Đầu./.

Trần Trọng
Vietnam+
07/01/2014 06:38 GMT+7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét