Sống ở Nhật hoặc chỉ là tới thăm đất nước này trong thời gian ngắn, bạn cũng sẽ có những trải nghiệm đáng giá. Không ai từng thăm đất nước này mà có thể nói rằng: Tôi vẫn là tôi như trước kia.
Khi đến Nhật Bản lần đầu tiên, chắc chắn mọi người đều ấn tượng bởi phong cách làm việc hiệu quả và trật tự xã hội của đất nước này. Đường phố sạch sẽ, tàu điện chạy đúng giờ, mọi người đều hòa nhã và lịch sự, nhưng cũng có đủ thứ kỳ quái gây sự chú ý như cosplay - hóa trang thành các nhân vật truyện tranh, xếp hàng dài mua kem có vị mỳ gà hay những chiếc hamburger 5 tầng khổng lồ... Dưới đây là những điều mà người Nhật gây ấn tượng đối với du khách nước ngoài, thôi thúc họ phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách sống, cách hành động và nhìn nhận thế giới.
1. Luôn luôn trả ơn, vì bất cứ điều gì
Bạn sẽ sớm biết rằng, chúng ta không nên chỉ vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ, hãy biết đáp lại, càng sớm càng tốt. Bạn có nhớ những bức thư cảm ơn định viết rồi quên bẵng, những tấm thiệp đã mua sẵn nhưng không bao giờ được gửi? Những điều này rất ít khi xảy ra tại Nhật. Luôn ý thức việc đáp lại những ân huệ được nhận là điều tối quan trọng để có được những mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa ở nơi đây.
Ở Nhật, việc đáp trả sự giúp đỡ của người khác cũng khá đơn giản và nhiều lựa chọn. Nếu ai đó giúp bạn xách đồ, bạn có thể mời họ một món đồ uống từ máy bán nước tự động là họ đủ biết sự cảm kích của bạn rồi. Trong lần gặp tiếp theo, hãy tiếp tục cảm ơn người đã giúp đỡ bạn. Có vẻ điều đó hơi quá mức cần thiết, nhưng người nhận lời cảm ơn chắc chắn sẽ cảm thấy rất vui.
2. Tính lịch sự vượt qua lời "cảm ơn", "xin vui lòng"
Lịch sự là nét văn hóa phổ biến đã ăn sâu trong các giao tiếp của người Nhật Bản (thể hiện qua kính ngữ). Họ luôn nói chuyện một cách lịch thiệp. Chủ cửa hàng có thể chào đón khi bạn bước vào và tiễn bạn ra tận cửa sau khi thanh toán. Nếu bạn hỏi đường, người Nhật sẽ chỉ dẫn tận tình, thậm chí vẽ bản đồ chi tiết hoặc đi cùng bạn đủ lâu để chắc chắn bạn có thể đến được nơi cần đến. Tính lịch sự của người Nhật cũng đồng nghĩa với bớt tính toán về lợi ích cá nhân. Người dân ở đất nước này sẽ sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không bao giờ băn khoăn "liệu điều này có lợi gì cho tôi?".
Ở Nhật Bản một thời gian sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ và cách sống.
3. Ưu tiên người khác
Cách ứng xử đẹp nhất để người khác biết họ quan trọng thế nào là luôn nghĩ cho họ trước. Mời bạn miếng bánh to hơn, dành cho mẹ chỗ ngồi tốt nhất trong nhà hàng hay luôn sắp xếp vị trí trung tâm bức ảnh cho khách hàng... là một phần trong cách ứng xử hàng ngày của người Nhật. Trong mỗi gia đình truyền thống Nhật Bản đều có 1 chỗ ngồi trang trọng dành riêng cho khách – vị trí ngay phía trước Tokonoma – không gian nhỏ xây lõm vào tường dành cho trưng bày nghệ thuật – với ý nghĩa đặt khách vào không gian tươi đẹp, được tôn vinh bởi những tác phẩm nghệ thuật truyền thống (cuốn thư hoạ, bình cắm hoa nghệ thuật, đồ gốm…)
Người Nhật có cách thể hiện sự quan tâm và thiết lập các mối quan hệ rất đẹp: Khi mua bánh ngọt, họ thường mua thêm một phần cho hàng xóm hay bạn bè để họ cảm nhận được sự quan tâm. Đó là một cách rất đơn giản để khiến người khác cảm thấy họ thật đặc biệt.
4. Luôn quy tụ tất cả các thành viên trong 1 tập thể
Nếu mời đồng nghiệp ra ngoài ăn, người Nhật sẽ không bỏ sót ai, kể cả những người họ không thích. Sẽ không có chuyện người Nhật chỉ đi uống bia cùng bạn của mình hay rủ một vài người thân thiết. Khi chụp ảnh người Nhật luôn chắc chắn rằng mọi người đều có mặt trong bức ảnh không phân biệt thân sơ... Việc quây quần tất cả dạy chúng ta biết đón nhận mọi người và biết chấp nhận những những người khác biệt với mình.
4. Tôn trọng tài sản
Người dân ở đất nước này sẽ không lấy những thứ không thuộc sở hữu của họ. Nếu ai đó làm rơi chiếc khăn tay trên lề đường, người Nhật sẽ đem nó tới điểm tập kết đồ thất lạc gần nhất để người bị mất có thể nhận lại. Một món đồ không có khóa không có nghĩa là bạn có thể lấy nó, hãy cảm thấy xấu hổ!
Người Nhật rất hòa nhã và lịch thiệp.
5. Hiền hòa là tính cách được yêu thích
Xã hội Nhật rất đề cao sự hòa nhã, nhẹ nhàng. Mọi người kiên nhẫn xếp hàng dài mà không phàn nàn. Không ai tức giận trên đường. Không to tiếng, thở dài, không có những cái nhìn lấm lét hay tỏ vẻ khiêu khích. Người Nhật dường như thực sự tận hưởng lối sống bình thản và nhẹ nhàng.
Những người kinh doanh ở Nhật luôn tuân thủ các quy định, vì thế đừng mong họ phá luật vì bất kỳ lí do gì. Bạn sẽ không thể tức tối với nhân viên bán hàng bởi bạn không hài lòng khi họ tuân thủ đúng các luật lệ chung.
6. Học cách lắng nghe nhiều hơn
Người Nhật có đặc điểm chung là giao tiếp rất nhỏ nhẹ. Họ thường khiêm tốn và nhẫn nhịn. Trong giao tiếp, người Nhật rất biết lắng nghe, họ thường để người khác nói hết rồi mới lên tiếng.
Việc cho người khác cơ hội bộc lộ quan điểm trọn vẹn, không bị cắt ngang rất quan trọng bởi đó là lúc họ biết họ đang được lắng nghe, chia sẻ. Nếu học cách tìm hiểu vấn đề từ góc nhìn của người khác, chúng ta sẽ bớt phán xét. Khi bớt tranh cãi mà thay vào đó là thảo luận, bạn sẽ nhận ra không ai còn lên giọng và lấn át ai trong hội thoại nữa.
7. Làm hết sức - Ganbaru
Đây có thể nói là một khái niệm của riêng Nhật Bản, bởi bạn sẽ không thể tìm ra một từ có nghĩa tương đương với Ganbaru trong tiếng Anh hay tiếng Việt. Hầu hết chúng ta đều nhanh chóng bỏ cuộc với những công việc yêu cầu nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn dự tính. Ở Nhật thì người lại, người ta thường mong đợi sự cố gắng tới cùng chỉ vì một kỳ vọng duy nhất là "đã cố gắng hết sức mình". Dù kết quả có ra sao, mỗi người Nhật đều thấm nhuần tư tưởng "Ganbaru" - cố gắng hết sức mình khi làm mọi việc.
8. Nguyên tắc cam kết trong cuộc sống
Khi người Nhật nói họ sẽ làm việc gì đó, họ thực sự suy nghĩ như vậy và họ sẽ không quên. Khi được mời tới một sự kiện, họ cảm thấy nghĩa vụ phải có mặt. Nếu họ nhận lời thì dù trời mưa như trút thì họ vẫn sẽ có mặt. Người Nhật không chấp nhận hành động "cho leo cây", vì thế hãy gọi điện trước để thông báo nếu bạn vắng mặt.
9. Sự thanh lịch, nho nhã
Để miêu tả người Nhật với một từ, có lẽ "thanh lịch" là từ thích hợp nhất. Mọi tầng lớp xã hội đều hành xử lịch thiệp và nho nhã từ việc nhỏ như cúi chào để tỏ lòng kính trọng, chỉ hướng bằng cả bàn tay chứ không dùng 1 ngón trỏ. Những hành vi nhỏ nhất như đưa đồ ăn bằng 2 tay, cười tươi khi chào hỏi đều xuất phát từ sự tôn trọng, lịch sự và tinh tế.
10. Đúng giờ
Người Nhật luôn luôn đúng giờ. Đó là điều khẳng định sự tôn trọng với người được hẹn và chính bản thân bạn. Đúng giờ sẽ khiến mọi thứ hoạt động chắc chắn và hiệu quả hơn.
Thu Hoài/theo BI | 05/04/2017 17:59
Trí thức trẻ
Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét