Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Mua hụt “xúc xích Vissan”, tập đoàn Hàn Quốc CJ chi 300 tỷ thâu tóm công ty thịt viên lớn nhất Việt Nam

Đáng chú ý: Chiến lược tham gia thị trường thông qua các công ty địa phương nổi tiếng ​​sẽ giúp CJ giảm đáng kể rủi ro kinh doanh mà nhà sản xuất đồ ăn Hàn Quốc có thể đối mặt nếu sử dụng thương hiệu riêng của mình. Sau đó, họ sẽ có kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới, đặc biệt phù hợp với khẩu vị Việt Nam sau khi hoàn tất việc mua lại.

Minh Châu | 01/04/2017 10:37


CJ cũng đang hoàn tất những thủ tục để nắm quyền kiểm soát của Cầu Tre - một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh.


Không có duyên với Vissan, CJ chuyển sang Cầu Tre và Minh Đạt

Báo chí Hàn Quốc đưa tin, tập đoàn CJ (CheilJedang Corp) đang đẩy nhanh kế hoạch xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường thực phẩm chế biến Việt Nam với những bước đi tích cực trong việc đạt được thỏa thuận mua lại 64,9% cổ phần của Công ty Thực phẩm Minh Đạt. Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất thịt viên (cá viên, bò viên…) lớn nhất Việt Nam với doanh thu năm 2016 đạt khoảng gần 270 tỷ đồng.

CJ dự kiến sẽ chốt thương vụ mua lại Minh Đạt vào cuối tháng Tư. Theo thông tin ban đầu, giá trị của thương vụ vào khoảng 13,4 triệu USD, tương đương 305 tỷ đồng.

Minh Đạt vốn xuất phát từ một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, thành lập đầu năm 2001 do ông Lê Văn Khanh và bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết sáng lập, sản phẩm ban đầu là bò viên và cá viên. Khoảng 10 năm sau đó, cơ sở này phát triển thành Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt, được đầu tư xây dựng tại Bình Dương với hệ thống máy móc hiện đại và ra đời nhiều sản phẩm mới như xúc xích, chả giò, tôm viên…

Sau khi về tay CJ, có vẻ công ty sẽ được đổi tên thành CTCP Thực phẩm Minh Đạt CJ, đang bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho một sự phát triển mới.

Gần đây, CJ cũng đang hoàn tất những thủ tục để nắm quyền kiểm soát của công ty thực phẩm Cầu Tre – doanh nghiệp top 5 của ngành thực phẩm đông lạnh với thị phần 2,8% trong năm 2016. 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu của Cầu Tre là 526 tỷ đồng và lỗ 3 tỷ đồng.

Mặc dù Cầu Tre lỗ triền miên với lỗ lũy kế tính đến cuối quý 3/2016 là 19 tỷ đồng thi định giá của CJ cho Cầu Tre vẫn lên tới 33 triệu USD (tương đương 800 tỷ đồng). Còn Minh Đạt – doanh nghiệp có doanh thu năm 2016 là 270 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với Cầu Tre được CJ định giá gần 470 tỷ đồng.

Sự tiến quân dồn dập của CJ vào thị trường thực phẩm đông lạnh của Việt Nam

CJ từng thua trận trong cuộc chạy đua với Masan để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan - doanh nghiệp lớn nhất ngành này, và có thể thấy họ không từ bỏ kế hoạch tiến quân vào thị trường thực phẩm đông lạnh của Việt Nam khi dồn dập mua lại Cầu Tre và Minh Đạt. Theo CJ, các sản phẩm như thịt viên, cá viên là món ăn rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á và cũng là món quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. CJ đánh giá thị trường này có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm.

Ngành chế biến thịt và hải sản đã đã tăng trưởng liên tục trong 5 năm qua và ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6% về giá trị và 5% về sản lượng trong năm 2016. Euro Monitor dự báo giai đoạn 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2021), ngành thịt chế biến sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân là 2,2% về sản lượng và 1,9% về doanh số.

CJ có kế hoạch bán các thực phẩm chế chiến sẵn của họ (bao gồm thịt viên) tại thị trường Đông Nam Á thông qua thực phẩm Minh Đạt. Chiến lược tham gia thị trường thông qua các công ty địa phương nổi tiếng ​​sẽ giúp CJ giảm đáng kể rủi ro kinh doanh mà nhà sản xuất đồ ăn Hàn Quốc có thể đối mặt nếu sử dụng thương hiệu riêng của mình. Sau đó, họ sẽ có kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới, đặc biệt phù hợp với khẩu vị Việt Nam sau khi hoàn tất việc mua lại.

Mới đây, chia sẻ về kết quả hoạt động kinh doanh 2016, ông Chang Bok Sang - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam cho biết, năm qua công ty đạt tốc độ tăng trưởng hơn 30% so với 2015, trong đó doanh thu trên 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 834 tỷ trong đó nhóm mang lại doanh thu tốt nhất là thức ăn chăn nuôi, sau đó mới đến các nhóm ngành thực phẩm, giải trí...

Ông Chang cũng cho biết khoản vốn 500 triệu USD mà CJ cam kết đầu tư vào Việt Nam trong năm 2016 đã giải ngân hết vào các dự án trong các lĩnh vực giải trí, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, logistics... Riêng với dự án trồng ớt ở Ninh Thuận, tới nay công ty đã liên kết được với hơn 100 hộ dân để mở rộng quy mô. Sắp tới, công ty sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ớt bột tại đây. Sản phẩm cung cấp một phần cho hoạt động chế biến thực phẩm của doanh nghiệp, phần còn lại sẽ bán ra thị trường Việt Nam.

Ngoài việc mua cổ phần của hàng loạt doanh nghiệp thực phẩm trong nước như Vissan, Cầu Tre, Minh Đạt thì CJ đã hợp tác phân phối các sản phẩm thực phẩm và nông sản qua hệ thống siêu thị của Satra và đầu tư 1.200 tỷ đồng vào khu công nghiệp Hiệp Phước (TP HCM) để xây dựng khu phức hợp chế biến - nghiên cứu - phát triển công nghệ thực phẩm và trung tâm an toàn thực phẩm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét