Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

#Why: Vì sao buộc khách phải bỏ tiền mua đồ ăn nhưng bà Phương Thảo vẫn khiến ngày càng nhiều người chọn Vietjet để bay?



Có một nguyên tắc kinh tế đã cho thấy rằng CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đang sử dụng một chiêu bài kinh doanh hay trong cạnh tranh với các hãng bay lớn như Vietnam Airlines.

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Những ngày qua, chứng khoán Việt Nam sục sôi với thông tin hãng hàng không Vietjet Air đã chính thức “chào” thị trường và thông qua đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet, cũng chính thức trở thành người phụ nữ giàu có nhất trên sàn chứng khoán.

Để nói về Vietjet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người ta thường nhớ về những hình ảnh mà hãng hàng không này đã định vị mình trong tâm trí công chúng từ trước đến nay như “hãng hàng không giá rẻ hàng đầu Việt Nam”, hay “hãng hàng không bikini”.

Tuy nhiên, hãy thử đi sâu phân tích khía cạnh dịch vụ mà hãng bay này cung cấp. Có lẽ ai đã từng bay Vietjet Air cũng đều được hãng bay này có cung cấp dịch vụ đồ ăn đóng hộp bán trên máy bay (chi phí tính ra ngoài giá vé).

Vì sao lại có điều này ? Phải chăng dịch vụ bay mà Vietjet cung cấp vẫn chưa được trọn vẹn? Nên nhớ rằng một tiêu chuẩn quan trọng cho các hãng hàng không hàng đầu là một khi khách đã yên vị trên ghế bay thì phải được cung cấp dịch vụ từ A-Z một cách thoải mái, và nhất là, được miễn phí.

Nếu nhìn rộng ra cả thị trường hàng không thì chúng ta sẽ còn nhận ra một điều tưởng chừng như là nghịch lý hơn:

Cứ các hãng bay giá rẻ, như Vietjet Air, Jetstar thì lại yêu cầu khách trả tiền cho bữa ăn, trong khi các hãng hạng sang như Vietnam Airlines thì lại cho khách của mình ăn uống miễn phí. Như vậy, nôm na là, cứ dùng hàng càng sang thì càng được “free” mà dùng hàng càng bình dân thì lại càng dễ mất tiền ?

Hãy để các lý thuyết kinh tế giải đáp điều này cho bạn. Trong kinh tế học, có một nguyên tắc mang tên “không có đồ ăn sẵn trên bàn”: trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo khách hàng sẽ phải trả thêm tiền nếu sử dụng một dịch vụ tăng thêm nào đó .


Nguyên tắc này cũng giống như câu ngạn ngữ Phương tây quen thuộc: “no free lunch” (không có bữa trưa nào là miễn phí), ám chỉ bất cứ thứ nào mà bạn tưởng là “free” thì thực ra chẳng free đâu, bạn sẽ mất tiền đâu đó ở chỗ khác đấy.

Về khía cạnh kinh doanh, câu chuyện “không có đồ ăn sẵn trên bàn” chỉ ra rằng nếu một công ty cung cấp "miễn phí" một dịch vụ tăng thêm bằng cách kín đáo gộp luôn chi phí của dịch vụ vào giá thành sản phẩm, thì đối thủ cạnh tranh của họ có thể thu hút được những khách hàng không có nhu cầu với dịch vụ đó bằng cách bán ra sản phẩm với giá rẻ hơn và tính phí riêng cho dịch vụ tăng thêm.
Áp dụng trong trường hợp của Vietnam Airlines và Vietjet: Vietnam Airlines là hàng hãng không quốc gia, đã có mặt từ lâu nên việc tuân theo tiêu chuẩn cung cấp cho khách hàng bữa ăn và giá của bữa ăn đó sẽ được tính gộp vào giá vé vẫn được thực hiện ngày nay. Điều này cũng giải thích vì sao giá vé của Vietnam Airlines lại thường ở mức khá cao trong thị trường.
Trong khi đó đối với Vietjet, hãng bay sinh sau đẻ muộn này muốn cạnh tranh với Vietnam Airlines nên đã quyết định hạ giá vé xuống hẳn một bậc so với hãng hàng không quốc gia. Giá vé thấp nên chắc chắn nó sẽ không thể bao gồm luôn cả bữa ăn trên máy bay.
Tuy nhiên, Vietjet vẫn bán phần đồ ăn riêng rẽ với bán vé máy bay, và tính ra thì giá bữa ăn của Vietjet thì hóa ra rẻ hơn so với bữa ăn của Vietnam Airlines. Điều này thực sự rất có lợi cho khách bay vì họ sẽ được quyền lựa chọn ăn hay không ăn trên máy bay, trong khi đối với những chuyến bay truyền thống thường có tâm lý phải cố ăn vì đằng nào mình cũng bỏ tiền ra rồi.
Thậm chí, với những khách bay không muốn ăn đồ ăn trên máy bay, Vietjet còn khuyến khích họ mang thức ăn riêng của mình lên chứ không hề ép buộc họ phải mua bữa ăn trên máy bay.
Như vậy, có thể thấy đây chẳng phải là thiếu sót gì của Vietjet Air cả. Ngược lại, đây lại chính là một chiêu bài kinh doanh hay mà CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đã áp dụng khi quyết định làm hàng không giá rẻ.
Tất nhiên, thực tế không có một thị trường nào ngoài đời sống là hoàn hảo cả. Tuy nhiên, đối với thị trường chỗ ngồi trên máy bay giữa các hãng hàng không giá rẻ, chúng ta có thể coi nó tiệm cận mức hoàn hảo.
Lý do là vì trong phân khúc hàng không này, các hãng bay nói chung là cung cấp các dịch vụ gần giống nhau, mang lại cho khách những trải nghiệm bay trên bầu trời tương đối đồng nhất.
Nói tóm lại, nguyên tắc "không có đồ ăn sẵn trên bàn" đã giải thích giúp bạn xem vì sao các hãng hàng không giá rẻ, như Vietjet thì tính phí bữa ăn trong khi hãng cao cấp, như Vietnam Airlines, thì gộp luôn chi phí này vào tiền vé.
Một khía cạnh khác nguyên tắc cũng đã giải thích được là việc tại sao đa số các hãng hàng không trước đây đều cung cấp bữa ăn miễn phí. Nguyên do là vì khi đó trên thị trường dịch vụ vận tải đường không chỉ toàn là các hãng tính vé giá cao, mãi cho đến gần đây hình thức hàng không giá rẻ mới ra đời.
Hãy thử nhìn thêm về cơ cấu chi phí của một chặng bay giá rẻ của Lyon air:

Đường bay từ London đến Barcelona dài khoảng 707 dặm, tương đương 1.138 km, gần bằng khoảng cách 1.145 km bay từ Hà Nội vào Tp.Hồ Chí Minh.

Làm thế nào mà chuyến bay vượt eo biển Manche lại rẻ hơn tiền taxi từ sân bay về khách sạn?

Cắt giảm chi phí. Ryanair cho hành khách lên và ra khỏi máy bay từ trên đường băng để giảm chi phí dùng đường ống. Hãng cũng thương lượng với các sân bay phụ "đói" hành khách để có mức phí sử dụng thấp hơn.

Tăng chi phí khác. Ryanair tính tiền thức ăn và nước uống trong chuyến bay, tính thêm tiền lên máy bay trước, tiền phí hành lý ký gửi, và đối với khách hàng bay cùng trẻ nhỏ. Họ có phần khi khách thuê ô tô hay đặt khách sạn qua trang web của hãng, thu tiền quảng cáo trên chuyến bay và tiền sử dụng thẻ tín dụng khi khách hàng mua vé.

Bù lỗ bằng giá cao hơn. Trong những ngày cao điểm, giá một chuyến bay tương tự có thể lên mức hơn 100 dollar.

Nguồn: Trích từ sách " Miễn phí" của tác giả Chris Anderson, dịch giả Phan Triều Anh, nhà xuất bản Trẻ. Các số liệu được tính tại thời điểm năm 2009

#Why: Vì sao nếu rủ cả nhóm đi ăn và 'campuchia', ai cũng chăm chăm gọi món đắt hơn dù không thích?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét