Tuyến Nguyễn/theo Forbes | 24/03/2017 08:36
Đáng chú ý: "Lệnh cấm du lịch của Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sụt 20%, theo Credit Suisse"
Ngoài việc khiến Lotte phải đóng cửa hàng loạt dẫn đến thiệt hại nặng về doanh thu, nhà chức trách Trung Quốc còn từ chối cấp thị thực cho các ngôi sao KPop, hủy chiếu phim truyền hình Hàn Quốc và yêu cầu các công ty lữ hành không bán tour du lịch liên quan đến Hàn Quốc.
Vào giờ ăn trưa nhưng tại một siêu thị Lotte tại quận Chongwenmen, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc lại vắng bóng người mua sắm. Hầu như không phải làm gì, một nhân viên cửa hàng tại đây cho biết khách hàng bắt đầu vắng bóng kể từ tháng 2 vừa qua, khi Trung Quốc giận dữ phản đối việc Hàn Quốc để Mỹ xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ trên phần đất thuộc sở hữu của Lotte.
“Chẳng ai còn muốn mua sắm ở đây khi chính phủ đang xảy ra tranh chấp với Hàn Quốc”, cô nói. “May mắn là không có người biểu tình nên siêu thị vẫn hoạt động được”.
Lotte không phải là nạn nhân duy nhất trong cơn mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Seoul. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng hệ thống tên lửa phòng thủ mặt đất THAAD có thể được dùng để theo dõi các hoạt động quân sự của nước này. Bắc Kinh kêu gọi người dân tẩy chay mọi thứ đến từ Hàn Quốc. Còn chính quyền Seoul thì cho rằng hệ thống tên lửa này là cần thiết để chống lại thái độ hiếu chiến đang ngày càng gia tăng của Triều Tiên qua các vụ thử nghiệm tên lửa thường xuyên, đe dọa tới an ninh các nước làng giềng.
"Lotte dành đất cho chính phủ Hàn Quốc lắp tên lửa trước mối lo ngại về an ninh quốc gia”, tờ báo của chính phủ China Youth Daily nhận định. “Động thái liều lĩnh này khiến người Trung Quốc tẩy chay Lotte và họ có quyền làm vậy”.
Một siêu thị Lotte tại quận Chongwenmen, Bắc Kinh vắng người mua sắm. Ảnh: Forbes. |
Chuyện người Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu nước ngoài khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước căng thẳng không phải là hiếm. Năm 2012, hàng hóa Nhật Bản bị tẩy chay vì Trung - Nhật tranh chấp hòn đảo Điếu Ngư (người Nhật gọi là Senkaku).
Theo giới phân tích, lần này, cơn giận dữ của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể còn kéo dài lâu hơn, trong bối cảnh bản thân Hàn Quốc đang chìm trong bê bối chính trị với sự kiện Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất hồi đầu tháng ba.
Ngoài việc khiến Lotte phải đóng cửa hàng loạt dẫn đến thiệt hại nặng về doanh thu, nhà chức trách Trung Quốc còn từ chối cấp thị thực cho các ngôi sao KPop, hủy chiếu phim truyền hình Hàn Quốc và yêu cầu các công ty lữ hành không bán tour du lịch liên quan đến Hàn Quốc. Hiện giờ, trên trang web của các công ty du lịch nổi tiếng Ctrip và Tuniu, tìm kiếm với từ khóa “Hàn Quốc” không cho ra kết quả nào. Đại diện của Tuniu cho biết công ty đã cho gỡ tất các sản phẩm du lịch liên quan tới Hàn Quốc bởi lượng khách đã giảm mạnh sau thỏa thuận THAAD.
Thiệt hại không nhỏ
Các biện pháp trừng phạt này sẽ khiến kinh tế Hàn Quốc thiệt hại không nhỏ. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, du khách Trung Quốc chiếm tới một nửa tổng du khách tới nước này trong năm 2016. Lệnh cấm du lịch của Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sụt 20%, theo Credit Suisse. Ngân hàng này hiện đang dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,5% năm 2017. Tình hình hiện nay có thể sẽ gây áp lực lớn với kinh tế nước này, Andrew Gilholm, giám đốc bộ phận tư vấn kiểm soát rủi ro tại khu vực Trung Quốc đại lục và Bắc Á của Credit Suisse nhận định. Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc, người sẽ được bầu vào tháng 5 tới, có thể sẽ xem xét lại thỏa thuận tên lửa phòng thủ THAAD, ông nói.
“Chính quyền Trung Quốc cho rằng bằng việc gây ảnh hưởng tới các công ty lớn của Hàn Quốc, họ có thể đảo ngược quyết định lắp đặt hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD”, Gilholm nói. “Tuy nhiên, hệ thống này đã được triển khai một phần và khó có thể đảo ngược”.
Trong khi đó, làn sóng tẩy chay Hàn Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu rệu rã. Tuần trước, một video quay hình ảnh nhóm học sinh 7 tuổi kêu gọi tẩy chay hàng Hàn Quốc được một học sinh cấp hai ở tỉnh Hebei đăng tải khiến nhiều người cảm thấy sốc thay vì ủng hộ.
“Không nên reo mầm thù hận trong tim trẻ thơ. Giáo viên ở đó không có gì khác để dạy sao?”, người dùng tên TinyHunk viết trên mạng xã hội Sina Weibo.
Chính quyền Bắc Kinh vẫn tìm cách gia tăng áp lực lên các công ty Hàn Quốc ở nước này. Động thái này sẽ ảnh hưởng tới các hãng điện tử khổng lồ như Samsung và LG, Gilholm nhận định.
Nguồn: Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét