Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Tự sự của người nói ngọng

Ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất cơ hội kiếm việc bởi nói ngọng “l, n” là thực tế đã và đang diễn ra đối với nhiều người ở nơi làm việc.Xung quanh câu chuyện Hà Nội chữa nói ngọng, VietNamNet đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi, tranh luận về việc có nên hay không nên sửa cách phát âm “l,n”. Nhiều trong số đó là chia sẻ của chính những người nói ngọng.

Người nghe khó lọt tai

“Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên thuộc miền Bắc. Hiện giờ tôi đang sống và làm việc tại miền Nam. Tôi đã học xong đại học và cảm thấy thực sự nhục nhã khi mình nói ngọng. Điều này làm nghề nghiệp của tôi bị ảnh hưởng trầm trọng” – bạn đọc Hà Thị Tình tâm sự.

Chia sẻ về điều này, bạn đọc Trần Trung cho rằng: “Tôi đã thấy nhiều người sửa được lỗi "l,n" này, và khi sửa được thì giao tiếp sẽ tốt hơn. Khác với các trường hợp ngọng khác, trường hợp ngọng "l,n" này thường làm người nghe cảm thấy hơi sốc và khó lọt tai. Vì vậy, nếu sửa được thì sẽ rất tốt.

Tôi cũng ủng hộ rằng cần phải có chuẩn mực chung, như thế sẽ thuận tiên hơn cho việc giao tiếp. Tóm lại, lỗi nói ngọng này nhất thiết phải sửa, hãy hành động ngay hôm nay, để 10, 20 năm nữa khi các em nhỏ lớn lên và đi giao tiếp trong xã hội thì các em không phải mặc cảm tự ti vì các phản ứng của xã hội”.


Ứng viên dễ bị mất điểm khi đi phỏng vấn tuyển dụng với phát âm lẫn lộn "l, n" và khó khăn khi học ngôn ngữ nước ngoài. Ảnh có tính chất minh họa. Lê Anh Dũng 

Bị tẩy chay
Trong dòng cảm xúc gửi về tòa soạn, bạn đọc Hà Thị Tình không khỏi băn khoăn: “Các thầy nghĩ sao khi nói chào người nước ngoài "Henno"? Hay nói về “Hà Lội” lại nói ngọng. Người ta sẽ chẳng biết bạn nói gì?

Người miền Nam rất ghét người miền Bắc về cái tật này và người ta không chịu và muốn tẩy chay, coi thường người nói ngọng. Điều này hoàn toàn đúng: Nếu Việt Nam muốn hội nhập với thế giới mà nói người ta chẳng hiểu gì thì làm sao hội nhập nổi”.

Bạn đọc Nguyễn Tử phân tích: “Ngôn ngữ nào cũng có phương ngữ và phát âm khác nhau; đó là điều tự nhiên và còn làm phong phú tiếng nói của một dân tộc. Nhưng khi cả cộng đồng thấy rằng với cùng một từ mà nói và viết của một vùng khác với đại đa số đến mức gây trở ngại cho việc thông tin chung thì cần phải sửa.

Những người "bị lẫn" khi học ngoại ngữ hay ra nước ngoài đều biết đã phải sửa sai khổ sở như thế nào. Không chỉ ở ta mà các nước láng giềng cũng gặp khó như vậy. Ngoài l/n, còn nhiều cặp như r/l, đ/t, p/ph... cũng bị lẫn lộn, nhưng ở ta cặp l/n đáng phải sửa hơn cả. Kiên trì thì chắc chắn sẽ có kết quả”.

Nói “không” với nói ngọng

Trao đổi với báo giới, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói mình không bao giờ nhận giáo viên nói ngọng. Khi nhận một giáo viên về trường, ông sẽ xem hồ sơ và phỏng vấn.

"Trong quá trình phỏng vấn ai nói ngọng là tôi biết ngay, và dù giáo viên ấy chuyên môn có tốt đến đâu tôi cũng nhất định không nhận.

Với học sinh, nhất là học sinh lớp lớn, khi nghe thầy cô nói ngọng các em cũng dễ phản cảm và khó tiếp thu. Với những học sinh cấp 1 thì điều này còn nguy hiểm hơn nhiều”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ, ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn Hà Nội phân tích: “Khi xác định đây là lỗi phát âm thì cần phải sửa ngay. Việc nói ngọng sẽ gây ức chế trong quá trình tiếp nhận thông tin. Nặng hơn là hiểu sai vì nghĩa của từ thay đổi,…Còn ảnh hưởng về học ngoại ngữ thì đấy, chỉ đơn giản những từ như “hello, listen” mà anh nói là “henno, nisten” thì thật buồn cười”.

Trong câu chuyện của mình, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn lấy ví dụ: “Trước đây mình có cậu học trò hay lẫn lộn cách phát âm “l,n”, khó khăn khi xin việc. Sau đó qua hướng dẫn và bản thân tích cực sửa nên giờ anh đang làm ở một công ty truyền thông, lương khá tốt.

Hay chẳng đâu xa, năm 1993 khi PGS Cổn đi công tác nước ngoài, con gái nhỏ ở nhà có người giúp việc. Lúc về thăm, thấy con có dấu hiệu lẫn lộn “l,n” do ảnh hưởng từ cách phát âm sai của người giúp việc, ông cho cháu sang với tôi 1 tháng. Sau thì cháu sửa được”.

Theo vị chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ: “Những mối nguy hại của việc nói ngọng đã rõ. Các cơ quan Nhà nước hay các trường học,…cần đặt vấn đề này để sửa. Riêng chuyện không nhận một giáo viên dù anh chuyên môn giỏi nhưng nói ngọng tôi thấy hơi cứng nhắc. Anh có thể vẫn ký hợp đồng nhưng cho họ thời gian, hạn định để yêu cầu họ sửa. Như vậy hợp lý hơn”.

======
Họ tên: GS Nguyễn Tử Siêm
Tiêu đề: Nên sửa

Ngôn ngữ nào cũng có phương ngữ và phát âm khác nhau; đó là điều tự nhiên và còn làm phong phú tiếng nói của một dân tộc. Nhưng khi cả cộng đồng thấy rằng với cùng một từ mà nói và viết của một vùng khác với đại đa số đến mức gây trở ngại cho việc thông tin chung thì cần phải sửa. Nhưng người "bị lẫn" khi học ngoại ngữ hay ra nước ngoài đều biết đã phải sửa sai khổ sở như thế nào. Không chỉ ở ta mà các nước láng giềng cũng gặp khó như vậy. Ngoài l/n, còn nhiều cặp như r/l, đ/t, p/ph... cũng bị lẫn lộn, nhưng ở ta cặp l/n đáng phải sửa hơn cả. Kiên trì thì chắc chắn sẽ có kết quả.

Họ tên: Phương Nhi
Tiêu đề: Nói ngọng
Là người Hải Phòng, tôi thấy giờ đây ai cũng biết nói ngọng là không nên và cũng không muốn nói ngọng. Vì thế, giờ chỉ còn những người già thuộc tầng lớp cũ là nói ngọng thôi. Còn thế hệ trẻ bọn tôi cũng biết và cũng cố gắng để sửa rồi. 

Văn Chung
22/11/2011  13:13 GMT+7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét