Tác·giả: Trần Văn Chánh
Tôi chọn lối “tản mạn” để không bị ràng buộc phải theo một bố cục chặt chẽ khi trình bày một số vấn đề liên quan. Nói tới học chữ Hán, với một người mới chỉ có ý thích và ý định thôi nhưng thực tế chưa từng học qua thì tâm lý chung thường dẫn họ đến mấy câu hỏi đầu tiên đại loại như: chữ Hán với chữ Nho và chữ Nôm có gì giống và khác nhau, học chữ Hán dễ hay khó, học chừng bao lâu thì đạt được kết quả như mong muốn, có thể tự học được không hay bắt buộc phải có thầy dạy?...
Trước hết có thể xác định: Học chữ Hán, nếu là chữ Hán cổ với tính cách là một tử ngữ, học để nghiên cứu, đọc sách, viết hoặc dịch thuật… thì có thể tự học được. Học Hán ngữ hiện đại (tức tiếng phổ thông hay Bạch thoại) nếu cũng chỉ nhằm vào những mục đích tương tự như trên mà không nhằm giao dịch bằng lời nói thì cũng có thể tự học. Trái lại, nếu học Hán ngữ hiện đại với tính cách nó là một sinh ngữ dùng để đàm thoại trong giao dịch thông thường hoặc làm ăn mua bán thì thường thường, nếu không muốn nói nhất thiết, phải có thầy dạy, và những lớp dạy Hoa ngữ như vậy hiện nay đang có khắp nơi trong cả nước, ai muốn học cũng đều có thể ghi danh để học một cách dễ dàng.
Trước hết, để nói cho người chưa nhập môn, chúng ta nên phân biệt Hán cổ và Hán hiện đại, mà người ta còn gọi là Văn ngôn và Bạch thoại. Đây là hai thể văn của người Trung Quốc, trong đó Bạch thoại còn gọi Ngữ thể là thể văn viết theo tiếng nói thực tế ngoài xã hội, còn Văn ngôn hay Cổ văn (hay Hán cổ) là loại bút ngữ chỉ dùng trong việc biên chép hoặc trứ thuật thời trước. Ngày nay, Văn ngôn đã trở thành một tử ngữ chỉ dùng cho việc nghiên cứu văn hóa lịch sử của các triều đại, mà người Trung Quốc nếu không được dạy thêm cũng không thể viết hoặc đọc hiểu. Do vậy, ngay tại đất nguồn, người Trung Quốc cũng phải học cổ văn gần giống như học một ngoại ngữ, hoặc như người Việt học Hán cổ (chỉ khác về cách phát âm), mới có thể tiếp cận-thưởng thức được các công trình của tổ tiên họ. Rất nhiều sách dạy cổ văn từ bậc tiểu học đến bậc đại học đã được xuất bản, phổ biến tại Trung Quốc (kể cả lãnh thổ Đài Loan). Hầu hết các sách Hán cổ của họ đều đã được dịch ra và chú giải bằng Bạch thoại (Hán ngữ hiện đại), gọi là “ngôn văn đối chiếu”, hoặc “dịch chú”, “đối dịch”, “thông dịch”, “tân dịch” (bản dịch mới)…, giúp thế hệ con cháu đọc hiểu được tư tưởng của tiền nhân trong các sách cổ Thi kinh, Luận ngữ, Lão Tử, Trang Tử, Cổ văn quan
chỉ, Đường thi tam bách thủ, Tam tự kinh, Thiên tự văn… Cũng
nhờ vậy mà người Việt Nam chúng ta ngày nay cũng dùng “ké” vào được, điều đó có
nghĩa một người thông thạo Trung văn (Hán ngữ hiện đại) mà chưa rành cổ văn
cũng có thể tham khảo đọc hiểu được các bản cổ văn đã được chuyển dịch sang
Bạch thoại.
Văn ngôn tương đương với cái mà chúng ta gọi chữ Nho. Ngày xưa các cụ học chữ Nho là để đọc sách thánh hiền chứ không để nói, khi gặp một người Trung Hoa có học vấn, hai bên có thể “bút đàm” với nhau, như trường hợp cụ Phan Bội Châu thời xưa khi qua gặp Lương Khải Siêu (Trung Quốc) hoặc Khuyển Dưỡng Nghị (Nhật Bản) cũng phải giải quyết trở ngại ngôn ngữ bằng kiểu đó. Đây cũng là khía cạnh độc đáo của chữ Hán cổ, một loại chữ viết-văn viết chứ không để nói, mà thứ chữ đó đầu tiên được cấu tạo bằng các lối tượng hình, hội ý…, không ghi lại theo âm thanh của tiếng nói như trong trường hợp chữ Nôm ghi âm đọc tiếng Việt, hoặc các ký tự Latinh ghi âm đọc của chữ Pháp, chữ Quốc ngữ...
Lại nói về chữ Nôm và Hán Nôm. Chúng ta thường gặp nhiều người đã có trình độ học vấn phổ thông rồi nhưng vẫn chưa phân biệt được chỗ khác nhau giữa chữ Hán với chữ Nôm, và Hán Nôm khác với Hán ngữ nói chung như thế nào. Họ không hiểu rõ chữ Hán là chữ của dân tộc Hán tức người Trung Hoa, được viết bằng những nét “ngoằn ngoèo rối rắm” nhưng trông vào thì có vẻ đẹp hấp dẫn, còn chữ Nôm chính là một loại chữ Việt cổ, mượn nét của chữ Hán và phép cấu tạo hài thanh của nó để ghi thanh âm tiếng Việt, như khi Nguyễn Du làm câu thơ đầu truyện Kiều “Trăm năm trong cõi người ta” thì phải viết toàn chữ Nôm (chữ Việt cổ). Trong khi đó, nếu chữ Hán thì “trăm năm” phải nói “bách niên”, “bách tuế”…, “trong” là “trung”, còn “cõi người ta” là “nhân gian”, “nhân sinh”… chẳng hạn. Câu thơ trên khi Hoàng Dật Cầu (Trung Quốc) chuyển truyện Kiều sang chữ Hán, phải dịch là “nhân
sinh bất mãn bách”, là chỉ dịch thoát. Chữ (trăm) trong chữ Nôm được tạo
nên bằng chữ (bách) ở trên là trăm để chỉ ý nghĩa, và chữ (lâm) ở dưới để chỉ
âm đọc, cũng là một lối chữ hình thanh…, có cách cấu tạo tương tự chữ Hán. Do
chữ Nôm cấu tạo bằng những nét và thể thức của chữ Hán nên phải biết chữ Hán
kha khá trước rồi mới có thể học qua chữ Nôm được.
Còn Hán Nôm là gì? Hán Nôm thường để gọi gộp chung chữ Hán và chữ Nôm, đồng thời cũng chỉ vào những thư tịch cổ của người Việt Nam viết bằng chữ Hán, như các sách Khâm định Việt sử (Quốc sử quán triều
Nguyễn), Hải Thượng y
tông tâm lĩnh (Lê Hữu Trác), Hoạt nhân toát yếu (Hoàng
Đôn Hòa), Hoàng Việt văn
tuyển (Bùi Huy Bích), Thượng Sĩ ngữ lục, Thiền uyển tập anh ngữ lục (đời Trần),… hoặc những truyện Nôm, thơ Nôm, văn cúng viết
bằng chữ Nôm…, đều là nằm chung trong kho tàng Hán Nôm của người Việt. Về mặt
từ vựng và ngữ pháp, khi người Việt xưa sử dụng chữ Hán (mượn của Tàu) để diễn
đạt những vấn đề và sự vật của nước mình, đã phải sáng tạo ra một số từ ngữ mà
Trung Quốc không có, như nói “ngưu lao” là trâu bò, “cao” là sào (đơn vị đo
ruộng), “tượng phường binh” là lính giữ voi, “kiên thán” là than đá, “nam trân”
là trái loòng boong…, đều là những từ ngữ không tìm thấy trong bất kỳ từ điển
nào của người Trung Quốc. Một số từ Hán Việt hiện đại như “hoa hậu”, “hải
phận”… cũng không có trong kho từ vựng của Trung Quốc. Về ngữ pháp, một số hư
từ đã được dùng riêng theo lối Việt Nam như “hồ nhi” là (sao mà), “tồn như”
(còn như)… cũng không thấy trong tiếng Hán chính thức của người Hán.
Còn về ngữ âm, thì người Trung Quốc đọc chữ Hán theo âm của họ (khác nhau tùy theo địa phương), người Việt đọc theo âm Hán Việt, như hai chữ (trời đất) đọc theo âm Quảng Đông là “thín tì”, theo âm Bắc Kinh là “thí-ến tí”, đọc theo âm Hán Việt là “thiên địa”; chữ (ba) âm Quảng Đông đọc “xám”, âm Bắc Kinh đọc “sán”, âm Hán Việt đọc “tam”… Như vậy dù đọc theo âm nào, ở đâu, ai biết chữ nhìn vào chữ (tam) cũng biết ý nghĩa nó là “ba” (số lớn hơn 2, nhỏ hơn 4).
Cách đọc Hán Việt thường được hiểu đơn giản là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, bằng lối đọc riêng của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu, cách đọc này bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán thời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ VIII-IX, nhưng dần dần có sự biến đổi theo quy luật ngữ âm tiếng Việt để trở thành một cách đọc riêng biệt của người Việt… (xem Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1979, tr. 14-15).
Chữ Hán cổ đọc theo âm Hán Việt (tức chữ Nho) từ khá lâu đã trở thành một tử ngữ nhưng nó vẫn giữ vai trò rất quan trọng vì trong tiếng Việt hiện đại, có đến 50-70 % từ ngữ gốc Hán. Nếu không am hiểu chữ Hán sẽ rất khó hiểu đầy đủ và vận dụng tiếng Việt một cách chính xác, thuần nhã. Ngoài ra, để đi sâu nghiên cứu văn hóa-lịch sử cổ của Việt Nam, cũng như để thưởng thức được những danh tác thơ, văn, triết lý của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam vốn chứa đựng nhiều tinh hoa tư tưởng phương Đông rất thâm trầm sâu sắc liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống, nếu không biết chữ Hán thì cũng khó đi vào, đừng nói chi thâm nhập. Nói như ông Dương Ngọc Dũng có vẻ khẳng định nhưng không xa sự thật là mấy: “Đối với người Việt Nam học triết phương Đông đồng nghĩa với học tiếng Tàu mà tiếng Hán cổ thì khó quá. Ngay cả người Trung Quốc còn phải than tiếng Hán cổ là khó huống hồ là người Việt… Nếu chỉ cần đọc chơi cho biết thì không nói làm gì chứ thực sự muốn nghiên cứu dài hơi thì không thể không vượt qua khâu học tiếng Hán… Khó thì khó thật nhưng phần thưởng thật là lớn lao, xứng đáng. Không có niềm vui sướng nào lớn hơn khi nhìn thấy qua những nét bút ngoằn ngoèo phức tạp cả một thế giới ý nghĩa từ từ hiện ra. Có lẽ đó chính là niềm thích thú của những người học cổ văn. Đối với kẻ khác đó là một kho tàng bí mật mà chìa khóa đã bị quăng mất, nhưng đối với người am hiểu, kho tàng mở ra với bao nhiêu điều thú vị, những điều mà ngay cả một bản dịch tốt nhất cũng chỉ là những tiếp cận nhạt nhẽo không có sức sống, không có linh hồn…” (Đường vào triết
học, NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 58).
Trước năm 1975, ở miền Nam, theo chương trình giáo dục chính quy, chữ Hán cổ được dạy mỗi tuần một giờ ở bậc trung học, nhưng ít có trường nào thực hiện đúng vì thiếu giáo viên và cũng vì ít có giá trị thực dụng hơn so với tiếng Anh, tiếng Pháp, tuy nhiên lúc đó người ta vẫn duy trì ban D là ban cổ ngữ ở cấp thi tú tài I và tú tài II để thí sinh có thể tùy chọn giữa hai môn Hán cổ và cổ ngữ Latinh. Trên thực tế, chữ Hán chỉ được dạy chính thức ở các khoa Văn, Sử, Triết của bậc đại học (mỗi tuần vài giờ), hoặc trong một lớp chuyên tu Hán Nôm nào đó, và ở một số chùa chiền, còn phần lớn là học trong các sách tự học. Mà những người có cơ may học trong trường lớp, nếu không đeo đuổi tự học thêm thì sau một thời gian bao nhiêu chữ cũng trả lại hết cho thầy, đến đọc một đôi câu đối hoặc dòng chữ Hán trong toa thuốc bắc cũng không hiểu nổi!
Như trên đã nói, chữ Hán cổ hoàn toàn có thể tự học được, mặc dù nếu có thầy dạy thì vẫn tốt hơn. Theo sự hiểu biết của tôi thì một số cụ tiền bối giỏi Hán cổ như Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Tất Đắc, Phùng Tất Đắc (Lãng Nhân)…đều là những người chủ yếu tự học. Thế hệ bây giờ vẫn tiếp nối có những dịch giả tương đối trẻ với nhiều công trình nghiên cứu-dịch thuật khá giá trị như Lý Việt Dũng, An Chi (Võ Thiện Hoa), Nguyễn Tôn Nhan, Lê Anh Minh…, đều do tự học mà đạt được những thành tích rất đáng trân trọng.
Trong khoảng 50-60 năm trở lại đây, khi Hán học suy tàn, sách tự học chữ Hán trái lại được xuất bản lần lượt khá nhiều, như một cách để cứu vãn tình thế, còn trước đó nữa thì hầu như không có sách tự học. Truy lại khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, chúng ta được biết, ngoài những cuốn như Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Minh tâm bảo giám…
được một số dịch giả (có lẽ Trương Vĩnh Ký là đầu tiên) đem ra phiên âm, dịch
nghĩa, còn thì loe hoe chỉ có mấy cuốn đáng gọi “tự học” như Hán tự tự học của
Nguyễn Xuân Lâm (1942), Hán
học tiệp kính và Hán văn quy tắc của
Nguyễn Di Luân-Trần Quốc Trinh (cuốn sau, thư viện chùa Huệ Quang mới sưu tầm
được), Hán văn tự học (sau đổi thành Nho văn giáo khoa toàn thư) của Nguyễn Văn
Ba, Hán tự tân phương của Tạ Quang Phát …Để bổ sung, người tự học đôi khi phải tìm
thêm những sách dạy, nhất là về ngữ pháp, của một số tác giả người Pháp như
Cordier, Margouliès, Wieger, Ramusat… nhưng phần lớn những sách này đều biên
soạn rất sơ sài. Tại miền Nam trước năm 1975, còn có nhiều sách tự học chữ Hán
của một số tác giả khác như Võ Như Nguyện-Võ Hồng Giao, Lưu Khôn, Nguyễn Khuê,
Trần Trọng San, Trần Văn Quế, Huỳnh Minh Đức, Đào Mộng Nam…, mỗi cuốn đều có ưu
khuyết điểm riêng và cuốn nào dùng cũng lợi ích, nhưng riêng tôi thích nhất
bộ Hán văn của Trần Trọng San (NXB Thành Phố Hồ Chí Minh có tái bản lần I
năm 1996), chủ yếu lấy các bài khóa từ bộ Tân quốc văn của Trung Quốc làm
giáo trình, nhưng biên soạn cẩn thận, trình bày sáng sủa ngắn gọn mà có phương
pháp, lại có thêm phần văn phạm (ngữ pháp) và văn tuyển. Học hết quyển đó có
thể bắt đầu đọc gần hiểu được những sách thông thường viết bằng cổ văn, với
điều kiện là phải chịu khó tra thêm những chữ khó chưa biết.
Trong suốt thời gian 50-70 mươi năm, góp thêm vào việc tự học chữ Hán cổ, phải kể đến hai bộ tự-từ điển gồm Hán Việt từ điển của
Đào Duy Anh (1931) và Hán
Việt tự điển của Thiều Chửu (1942). Hai bộ này tuy
còn không ít khuyết điểm nhưng đều có công rất lớn cho việc tự học chữ Hán của
người Việt Nam trong suốt mấy mươi năm dài. Riêng cuốn của Thiều Chửu, nhờ có
số tự nhiều hơn và chứa đựng nhiều từ ngữ Phật giáo nên được các nhà sư dùng
nhiều, đến nay vẫn còn hữu dụng và được biên tập lại cho hợp lý hơn để tái bản
nhiều lần.
Nói “Hán học suy tàn”, nhưng càng về sau, sách dạy chữ Hán cả cổ lẫn hiện đại đều xuất hiện mỗi ngày một thêm nhiều, hoặc soạn mới, hoặc được tái bản từ những sách cũ trước đây. Riêng sách tự học Hán cổ, có những sách như Giáo trình Hán văn của Chu Thiên (do nhóm biên tập Bùi Xuân Trường-Lạc Thiện-Nguyễn Thịnh thực hiện, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002), Toàn thư tự học chữ Hán của Trần Văn
Chánh-Lê Anh Minh…; cuốn sau này nhờ biên soạn sau nên gom góp tham khảo được
một số ưu điểm của những người đi trước và hiện cũng đang được dùng khá phổ
biến. Về ngữ pháp, có những sách của Phạm Tất Đắc, Trần Văn Chánh, và một cuốn
gọn hơn, Ngữ pháp Hán
văn của nhà sư Thích Tuệ Dũng dùng thích hợp cho
các tu sĩ Phật giáo. Về hư từ, có những sách của Trần Thước, Trần Văn Chánh…
Riêng về từ điển Hán Việt (không kể của Đào Duy Anh và Thiều Chửu) thì có khá
nhiều, người học có thể tự chọn một quyển nào thích hợp cho hoàn cảnh mua sắm
và mục đích học tập của mình.
Ai biết tiếng Anh, có thể tìm thêm mấy cuốn sau đây, biên soạn rất tốt:
- J. Brandt, Introduction
to Literary Chinese, Ederick Ungar Publishing Company, New York.
- Harold Shadick, A First Course in Literary Chinese, Cornell University Press,
Ithaca and London, 1992.
- Gregory Chiang, Language of the Dragon, Cheng and Tsui Company, USA, 1998.
Chuyên về ngữ pháp Hán cổ, nếu có điều kiện, có thể tìm cuốn Outline of Classical Chinese Grammar của
Edwin G. Pulleyblank, do UBC Press / Vancouver in năm 2000.
Như vậy tính ra, với điều kiện mới bây giờ, người tự học chữ Hán có được thuận lợi hơn những lớp người đi trước đến cả chục lần, ấy là còn chưa kể đến những phương tiện hiện đại (nhất là các sách công cụ, từ điển lớn nhỏ, từ điển chuyên dùng đủ loại…) mà chúng ta có thể truy cập bất cứ giờ phút nào trên mạng internet.
Khi học được một vài trong số những sách đã được giới thiệu trên đây, coi như hết chặng đường đầu, người học tự nhiên sẽ có khả năng tham khảo trực tiếp dần những sách viết bằng chữ Hán xuất bản tại Trung Quốc, và khi đó tha hồ lựa chọn mà chẳng mấy cần phải có ai hướng dẫn, vì nó phong phú vô cùng, hiện có thể tìm được ở hiệu sách Đại Thế Giới (quận 5) hoặc Fahasa Tân Định, và vài hiệu sách tư nhân nhỏ ở góc Triệu Quang Phục-Nguyễn Trãi, TP. HCM.
Ở giai đoạn này, bạn có thể đọc vài tiểu thuyết chủ yếu viết bằng Văn ngôn như Tam Quốc chí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc chí…(bán rất nhiều ở mấy hiệu sách tiếng Hoa với giá rẻ lắm) để vừa
thưởng thức, vừa tự rèn luyện thêm khả năng đọc hiểu Hán cổ. Cụ Nguyễn Hiến Lê
khi tự học chữ Hán đến giai đoạn này, đã ghi lại cảm tưởng của mình trong
quyển Tự học một nhu cầu
thời đại: “Trước bạn học thấy khó nhọc bao nhiêu, thì
bây giờ bạn thấy thú bấy nhiêu. Công của bạn đã được đền bù. Không bao giờ tôi
quên được những phút say mê, khi mới biết lõm bõm ít chữ Nho, tôi đọc lời bình
phẩm Tam Quốc chí của Thánh Thán: Trời thì rét căm, ngọn đèn thì lù mù mà tới 11
giờ khuya tôi vẫn còn ngồi trước cuốn sách. Tôi tưởng ai học chữ Hán cũng được
phần thưởng vô giá ấy” (NXB Thanh Tân, Sài Gòn, 1967, tr. 133-134).
Để có thể tham khảo được sách Trung Quốc, người tự học trước đó cũng nên tự học qua văn Bạch thoại, bằng cách tìm hiểu các từ ngữ và ngữ pháp riêng của tiếng Hán hiện đại (khác nhiều với Hán cổ), và như thế trong tủ sách cũng không thể thiếu một bộ từ điển tiếng Hán hiện đại đáng tin cậy mà mình có thể lựa chọn thoải mái ở các hiệu sách với giá không cao lắm. Như vậy, để vừa học thêm cổ văn, đọc được các tác phẩm cổ từ Tứ thư Ngũ kinh đến bách gia chư tử…thông qua các bản dịch Bạch thoại, vừa có thể đọc được sách báo hiện đại của Trung Quốc.
Ngoài ra trong nhà cũng nên có sẵn một số bản dịch tiếng Việt các tác phẩm kinh điển, để vừa đọc vừa học, như Thi kinh (các bản dịch của Tản Đà, Tạ Quang Phát, Nguyễn Thị Hảo…), Luận ngữ (các
bản dịch của Đoàn Trung Còn, Lê Phục Thiện, Nguyễn Hiến Lê…), Đại học (các
bản dịch của Đoàn Trung Còn, Tạ Thanh Bạch …), Trung dung (các
bản dịch của Đoàn Trung Còn, Phan Khoang, Tạ Thanh Bạch…), Mạnh Tử (của
Nguyễn Đôn Phục-Nguyễn Hữu Tiến…), Lão Tử (các bản dịch của Nghiêm Toản,
Nguyễn Duy Cần, Phan Ngọc…), Đường thi (các bản dịch của Tản Đà, Ngô
Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Lê Nguyễn Lưu…), Cổ văn (tức Cổ văn quan chỉ,
các bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Khôi…), Sử ký Tư Mã Thiên (các
bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Nhữ Thành…). Một số loại sách đặc biệt khó đọc
như Văn tâm điêu
long của Lưu Hiệp… thì người đọc nhất thiết phải
tham khảo bản dịch sang Bạch thoại của Trung Quốc hoặc sang tiếng Việt (như của
Nguyễn Thị Hảo), mới có thể hiểu được, vì đối với loại sách này, các học giả
phần lớn phải khảo từng câu từng chữ để khám phá các ý nghĩa, chứ không ai đọc
ron rót được.
Ở Trung
Quốc, có khá nhiều sách công cụ để tra cứu riêng cho từng thể loại văn cổ, như có những sách tra riêng cho tiểu thuyết, thơ Đường, nhân danh, địa danh… Tự điển, từ điển Hán cổ phổ thông thì nên có ít nhất 3 bộ, trước đây thông dụng là Khang Hi tự điển, Từ nguyên, Từ hải, còn bây
giờ có thể chỉ cần Hán
ngữ đại tự điển, Hán ngữ đại từ điển và một
bộ Từ hải là đủ. Bộ sau cùng vừa có tính ngôn ngữ vừa có tính bách khoa,
còn hai quyển đầu tính cho đến hôm nay vẫn là công trình từ thư quốc gia lớn
nhất của người Trung Quốc, nhưng nếu chưa có nhu cầu gì lớn, có thể chỉ cần mua
bản rút gọn hay bản phổ cập (“súc ấn bản”, “phổ cập bản”) cho rẻ (cách nay mấy
năm, giá ở các hiệu sách chừng 500-600 ngàn).
Muốn đọc được chữ Hán theo lối phiên thiết, nên có bộ Khang Hi hoặc Từ hải bản in cũ (vì ấn bản mới, phần
chú âm phiên thiết đã bị loại bỏ), nhưng nếu có cơ hội, nên tìm bộ Vương Lực Cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa Thư Cục, 2000), trong đó phần chú âm phiên thiết
rất rõ ràng mạch lạc. Về Hán ngữ cận đại, tức những từ ngữ xuất hiện từ khoảng
Đường, Tống trở về sau, nên tham khảo quyển Cận đại Hán ngữ Từ điển của Tri
Thức Xuất Bản Xã in năm 1992, hơi khó tìm, nhưng tôi được biết tại thư viện Tu
viện Huệ Quang hiện có giữ được bản photo.
Nên nhớ, mỗi loại sách đều có đặc điểm ngôn ngữ và phong cách diễn đạt riêng, ai “chuyên trị” lĩnh vực nào thì chỉ
quen đọc hiểu sành hơn trong lĩnh vực đó. Về Hán cổ mà thuộc Hán Nôm, nên tìm
cho được bộ Cơ sở ngữ
văn Hán Nôm do Lê Trí Viễn chủ biên, gồm 4 tập
(NXB Giáo Dục, 1984-1987), trong đó riêng tập 4 có giới thiệu một số thể loại
Hán văn đặc thù như Văn bia, Thần tích, Sắc, Luật lệ, Bằng, Trát, Bẩm, Biên từ,
Đơn, Văn tự, Chúc thư, Gia phả, Văn cúng…của Việt Nam, mà nếu chỉ học cổ văn
thông thường thì chúng ta không thể đọc hiểu chúng một cách chính xác.
Riêng đối với các kinh luận, Phật thư, nó là một loại ngôn ngữ pha trộn giữa Hán cổ với cận đại (một thứ Bạch thoại cổ), có pha lẫn nhiều từ phiên âm gốc Phạn ngữ nên đọc ra thấy khác hẳn kinh truyện của Nho gia, đặc biệt là những tập ngữ lục của thiền sư Trung Hoa, Việt Nam. Khác về từ vựng lẫn ngữ pháp, như kiểu cấu trúc “hành thâm” thay vì “thâm hành” trong Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh, “như
thị ngã văn” thay vì “ngã văn như thị” của hầu hết các kinh… Để đọc hiểu kinh
Phật, chúng ta còn nên tham khảo thêm các loại từ điển riêng của Phật giáo. Ở
Việt Nam ngoài quyển của Đoàn Trung Còn thông dụng đã lâu, hiện còn có thêm
những quyển mới khác như Từ điển Phật học Hán Việt của Kim Cương
Tử (chủ biên), Từ điển
Phật học của Chân Nguyên & Nguyễn Tường
Bách, Từ điển Phật học
Huệ Quang (8 quyển, do Thích Minh Cảnh chủ
biên), Phật Quang Đại từ
điển (8 quyển) do Thích Quảng Độ dịch. Hai quyển
sau cùng đầy đủ nhất, nhưng chi phí mua hơi cao (đều trên dưới 3 triệu đồng).
Đặc biệt, nếu muốn đọc hiểu những thư tịch của Thiền Tông, chúng ta nên có thêm
bộ Từ điển Thiền Tông
Hán Việt do Hân Mẫn & Thích Thông Thiền biên
dịch, trong đó chứa đựng rất nhiều đặc ngữ của Thiền Tông, khác hẳn với ngôn
ngữ cổ thông thường và cũng không giống với Hán ngữ hiện đại. Ngoài ra, người
học khi đã ở trình độ kha khá, có thể tham khảo thêm những kinh điển Phật giáo
của người Trung Quốc dịch ra Bạch thoại, trong đó có những lời chú giải khá kỹ
cho những chỗ dùng đặc biệt về ngữ nghĩa và ngữ pháp, đại khái như các
sách Phật giáo nhập môn
Tam tự kinh (Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã,
2002), Phật học Văn học
Túy biên (Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 1999)…
Khi mới “nhập môn” bạn có thể dùng bất cứ loại sách tự học nào như đã kể trên kia. Trong các sách này, các tác giả phần lớn đều giới thiệu qua một số khái niệm và tri thức cơ bản, như 6 phép cấu tạo chữ Hán (gọi là Lục thư), giới thiệu 214 bộ chữ Hán truyền thống (các từ điển mới về sau đã có cải cách, nên không còn đúng 214 bộ nữa), chữ Hán phồn thể (viết đủ nét) và giản thể (viết rút gọn), cách tra và đọc chữ Hán trong các loại từ điển (theo bộ, theo số nét, theo tứ giác hiệu mã…), cách viết chữ Hán (theo lối “bút thuận”)…. Việc nắm vững 6 phép cấu tạo, cũng như học thuộc từ từ 214 bộ chữ Hán có ý nghĩa rất quan trọng, vì tuy nói chữ Hán “ngoằn ngoèo phức tạp” nhưng thật ra chúng cũng có quy củ nhất định. Nếu hiểu được 6 cách cấu tạo và thuộc được dần dần các bộ chữ Hán (tương đương như 214 chữ cái), chúng ta đã nắm được cái chìa khóa đầu tiên để đọc và nhớ được chữ Hán một cách không khó khăn lắm. Ngoài ra ta còn có thể căn cứ vào đó để đoán nghĩa tổng quát cho một số chữ Hán mới gặp. Chẳng hạn đã biết chữ đọc là “đồng” (cùng, cùng nhau), thì có thể đoán ra các chữ cũng đọc “đồng” nhưng chữ thứ nhất viết bộ “mộc” thì có nghĩa liên quan đến cây cối (cây ngô đồng), chữ thứ hai viết bộ “trúc” nên có nghĩa là cái ống, còn chữ thứ ba viết bộ “kim” nên có thể hiểu là một thứ kim loại có tên “đồng”. Chữ “tiêm” (nhọn) cấu tạo theo phép hội ý gồm chữ “đại” dưới, chữ “tiểu” trên, bởi vật gì trên nhỏ dưới lớn tất phải nhọn…
Muốn đọc được những chữ Hán lạ nhưng chưa được ghi trong các từ điển Hán Việt đã xuất bản, ta lại phải học thêm cách đọc phiên thiết, mà tôi đã có dịp trình bày trong bài “Đọc chữ Hán bằng phương pháp phiên thiết” đăng trong tập sách Suối Nguồn số
1 (tháng 5.2011).
Đến đây, chúng ta vẫn chưa trả lời hai câu hỏi học chữ Hán dễ hay khó, học chừng bao lâu… là những câu hỏi mà bất kỳ ai đang có ý định học cũng nôn nóng muốn biết.
Ở đây xin mượn kinh nghiệm của nhà văn hóa-học giả Nguyễn Hiến Lê (mà ông tự đánh giá là chỉ có trình độ thông minh trung bình như phần đông mọi người), kể lại trong cuốn Tự học một
nhu cầu thời đại mà tôi đã có dẫn trên kia. Ông học trong 4 vụ
hè, mỗi vụ chừng 1 tháng thì đạt được số vốn chừng 1.000 chữ. Rồi học thêm 4
tháng nữa, mỗi ngày ít nhất 9 giờ và dụng ngữ học được tăng lên khoảng 3.000
chữ, cộng là 4.000. Lúc đó, nghĩa là sau 8 tháng học có gián đoạn, ông đã bắt
đầu đọc Tam Quốc chí trong bản chữ Hán được. “Cuốn này
văn rất giản dị, tôi lại biết truyện rồi, mà đọc cũng chỉ hiểu sáu phần mười mà
thôi. Vậy một người thông minh trung bình học liên tiếp 6 tháng, mỗi ngày 7-8
giờ thì thuộc được độ 4.000 tiếng, tạm đủ để đọc những sách nho thông thường”
(sđd., tr. 125).
Theo kinh nghiệm cụ Nguyễn Hiến Lê, nên chia đoạn đường dài ra làm nhiều chặng cho đỡ ngán, chẳng hạn khi chưa biết một chữ Hán nào, nên lập chặng đầu (từ 3 tới 6 tháng tùy theo
thì giờ rảnh), học chừng 1.000 chữ và chút ít ngữ pháp. Chặng thứ nhì học
thêm 1.500 chữ nữa và nhiều ngữ pháp (cũng từ 3 tới 6 tháng vì lúc này học đã
dễ hơn trước rồi). Nhưng muốn thông chữ Hán thì còn phải học thêm nhiều nữa,
phải nhớ điển tích, thuộc cổ văn và học lối chữ thảo (chữ viết tháu, tức thảo
thư). “Những bạn nào muốn học chữ Nho mà còn do dự hãy mạnh bạo tiến đi! Dù
chẳng tới nơi tới chốn thì ít nhất cũng thuộc được ít ngàn chữ thông
thường. Một người Việt
Nam có học thức không thể thiếu cái gốc chữ Hán ấy được”
(sđd., tr. 135).
Tác giả Nguyễn Hiến Lê còn nêu thêm kinh nghiệm dùng thẻ để học chữ Hán, mỗi thẻ dùng cho một chữ, như học về chữ (mai) thì ghi trên thẻ: và số nét: 11; tên bộ và số nét: 4; cách đọc; những nghĩa của nó; những từ ngữ có chữ “mai”; những nhận xét riêng về chữ ấy, chẳng hạn nên phân biệt nó với chữ, vì cả hai đều có bộ phận chữ (mỗi) ở bên… Khi học được 3.000-4.000 chữ sẽ có được 3.000-4.000 thẻ, nếu sắp lại theo bộ sẽ có một bộ từ điển để dùng riêng, rất thích thú vì đó là kết quả công phu của chính mình…
Ngoài hai kinh nghiệm chia đoạn đường dài ra làm nhiều chặng, và lối học thẻ, ta không thấy học giả Nguyễn Hiến Lê cung cấp kinh nghiệm gì thêm. Tôi đã thử mở một trang diễn đàn trên mạng (Sachxua.net) nói về phương pháp học tiếng Hoa thế nào cho có hiệu quả, có hàng chục người tham gia đóng góp ý kiến-kinh nghiệm liên quan chữ Hán cổ, nhưng tựu trung cũng chỉ thấy có mấy kinh nghiệm thông thường như sau (ở đây chỉ xin tóm tắt và lấy ý viết lại cho gọn, mỗi gạch đầu dòng là ý kiến của một người):
- Chịu khó 1 ngày học 1 bài trong giáo trình, học cả văn phạm, từ vựng...chịu khó tìm tòi từ nguyên, tại sao nó có nghĩa như vậy, sẽ nhớ được lâu. Học được khoảng 3000 từ thì chịu khó đọc sách tiếng Hoa mỏng mỏng, rồi từ từ dầy lên theo số vốn từ mình học được.
- Chuyện nhớ chữ à? Vào trang
từ nguyên của Richard Sears
(Nguyễn Tiến Hải: http://www.chineseetymology.org/), cũng có giải
nghĩa nhiều chữ. Cứ
kiên nhẫn mỗi ngày mỗi
học sẽ dễ. Giống như dậy
sớm tập thể dục.
Dậy được đã khó. Tập mấy ngày đầu
thì rêm mình nhức mẩy.
Nhưng theo chừng một hai tháng
thì quen.
- Học như thế nào thì hiệu quả, điều đó cũng tùy thuộc vào năng khiếu và điều kiện của từng người: (1) Khuynh hướng của từng người: mỗi nguời có cách nhớ khác nhau, người thì nhìn và viết hoài sẽ nhớ; người thì phải phân tích tới cội nguồn mới nhớ; có người thích ghi nhớ qua âm thanh, phát âm đi chung với từ thì sẽ nhớ; (2) Hoàn cảnh: có người có nhân duyên tốt, gặp được thầy giỏi sách hay, có tiền mua tài liệu hoặc có thời gian rảnh rỗi đi học, có người thì phải mầy mò tự học thiếu những tài liệu hay, không người chỉ dẫn nên bỏ rất nhiều thời gian mà kết quả không cao. Do vậy, phải biết được mình để xác định phương thức hiệu quả nhất.
- Nên học căn bản trước, nắm được sơ sơ về các nguyên tắc của chữ Hán rồi thì cứ ôm Thiều Chửu mà tụng. Có ba điều lưu ý thế này: (1) Không nên học thuộc hết 214 bộ. Học ngoại ngữ nhưng đừng bao giờ có tư tưởng phải học thuộc cái gì. Ngôn ngữ là phải tự nó ngấm vào mình qua quá trình cọ xát, tiếp xúc chứ ép vào đầu nhanh thì nó cũng ra khỏi đầu nhanh. Cụ thể ở đây, chỉ cần nắm được vài chục bộ thủ thường gặp để tra từ điển là đã bao quát được gần hết các chữ cơ bản rồi; (2) Cách tụng Thiều Chửu là chữ nào tiếng Việt mình còn dùng thì học trước. Chính những chữ đó về nghĩa mình cũng đã hiểu sơ sơ rồi, không cần câu nệ từ nguyên nhiều quá. Nên học từ các tác phẩm, tốt nhất là các tác phẩm văn học quen thuộc cho dễ nhớ. Tuy vậy, với đặc thù chữ Hán, nên nắm được nghĩa riêng lẻ và trong tương quan với các chữ khác; (3)
Không học theo một giáo trình nào cả mà cứ thấy chữ Hán ở đâu thì mổ xẻ bằng từ điển. Dù sao nó cũng là một tử ngữ rồi, không thể giữ cách học như một sinh ngữ với các bài text khi mà khó có thể gặp lại trong cuộc sống. Chính các câu đối, hoành phi, thơ ca ta gặp mới là giáo trình sinh động và hiệu quả nhất.
- Phương pháp phân tích ngữ pháp Hán cổ bằng ký hiệu của Thích Minh Thanh (giảng viên môn Hán cổ tại HVPGVN tại TP-HCM soạn) rất khoa học và dễ hiểu cho người học, quen rồi khi nhìn vào sẽ hiểu không cần phải dùng ký hiệu nữa.
- Tại sao phải học thuộc 214 bộ
chữ Hán khi mới nhập môn Hán cổ?: (1) Bộ thủ là thành phần cốt yếu của từ
tiếng Hán, nó đóng vai trò gần như một "bộ chữ cái" trong tiếng Hán.
Hầu hết các chữ trong 214 bộ thủ đều là chữ độc thể tự, là những chữ không thể
phân tích nhỏ ra được nữa, nếu phân tích ra, các thành phần đều vô nghĩa, vì
vậy phải học thuộc bộ thủ; (2) Tại sao phải nhớ? Để tra tự điển, tra tự điển
theo bộ có phần dễ dàng hơn là đếm nét, vì đếm thường hay đếm sai. Tự điển
Thiều Chửu là quyển tự điển thông dụng nhất mà người ta hay sử dụng khi học Hán
cổ; (3) Chiết tự giúp nhớ lâu chữ Hán, đây mới là việc quan trọng. Ví dụ:
hưu có nghĩa là nghỉ ngơi, thì được ghép từ hai chữ nhân đứng và mộc, là việc
lấy hình ảnh con người khi làm việc mệt, hoặc đi đường mệt thường tựa vào gốc
cây (bộ mộc) để nghỉ, do đó ta có chữ “hưu” là nghỉ; (4) Đoán nghĩa của chữ:
khi biết bộ thủ thì một cách tương đối ta có thể đoán được chung chung nghĩa
của từ, như thấy bộ “thủy” là biết nghĩa sẽ liên quan đến sông nước, bộ mộc
liên quan đến cây cối, bộ tâm liên quan đến tình chí, cảm xúc của con người....
Chiết tự xảy ra với cả ba mặt hình - âm - nghĩa của chữ Hán, nhưng chủ yếu là ở
hai mặt hình và nghĩa. Chẳng hạn: “Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm, đó
là chữ “oanh. Chữ “oanh” được viết với ba chữ xa và có nghĩa là "tiếng
động của nhiều xe cùng chạy" (chiết tự về mặt ý nghĩa)…
- Thời gian học dài: Người học chữ Trung Quốc phải có nhiều (hai ba) năm mới nhớ được mặt chữ của ba bốn ngàn từ thường dùng; nếu dùng lối tượng thanh thì nhanh và đơn giản hơn; chữ viết phức tạp, nhiều nét: có những chữ trên hai mươi lăm nét. Cái lợi của chữ Trung Hoa cũng hiển nhiên: khi nhớ mặt chữ của một từ thì người học rất khó quên được ý nghĩa của nó, chẳng hạn chữ an gồm nữ (đàn bà) ở dưới miên (mái nhà) nên có nghĩa là an (an ổn), hoặc chữ minh gồm nhật (mặt trời) và nguyệt (mặt trăng) nên có nghĩa là sáng. Như vậy mỗi từ của Trung Hoa có tính chất sống động hơn từ của phương Tây và vì vậy đọc một bài thơ Trung Hoa viết bằng chữ Hán thì cảm thấy có ý nghĩa hơn, thú vị hơn khi đọc cũng bài thơ đó phiên âm ra chữ quốc ngữ.
Đối với những người chưa biết nhiều về chữ Hán, thì thường có một quan niệm sai lầm là họ cứ tưởng chữ Hán rất khó học. Thật ra không hoàn toàn đúng, nếu so sánh với việc học tiếng Anh, thì chữ Hán dễ học hơn. Lý do thật đơn giản vì người học chữ Hán chỉ cần nhớ được 3 ngàn chữ đơn là có thể đọc viết được các loại sách báo & tạp chí,
trong khi người học chữ Anh phải cần phải nhớ đến hơn con số đó nhiều...
- Có lẽ vì món Hán cổ vừa khó, ngữ pháp phiền nhiễu, nhất là ...các bản kinh Thư, Luận ngữ, Sở từ...nhiều câu,
nhiều đoạn phải tự luận, hoặc đối chiếu với văn cảnh phía trên mới hiểu tàm tạm
được…, thế nên chẳng có mấy người học được…Theo tôi, cứ cố gắng đọc, đọc không
được, không hiểu văn bản thì đem tới hỏi các bậc cao nhân, tiếp đó, bổ túc thêm
kiến thức về âm vận, ngôn ngữ lịch sử nữa (để đọc thêm chữ Nôm, nhất là Nôm thế
kỷ XVII về trước).
- Đọc các văn bản Hán cổ (Văn ngôn) của Tàu như kinh Thư, Luận ngữ, Sở từ ...,
nên tìm đọc các bản dịch Bạch thoại của chúng trước khi đọc chính văn thì sẽ dễ
hiểu hơn (vì hầu hết các văn bản Hán cổ của Tàu đều đã được họ chú thích và
dịch sang thể Bạch thoại). Còn về ngữ pháp Văn ngôn, chỉ cần nắm vững bốn hư từ
Chi Hồ Giả Dã là đủ xài rồi. Nắm vững chúng ta sẽ phân tích được câu, mà đã
phân tích được câu thì sẽ hiểu được văn bản, còn mức độ hiểu nhiều hay ít lại
còn tùy thuộc vào kiến thức nền của mình!
- Học chữ Hán, ngoại trừ việc chuyên cần, chăm chú viết lách, còn phải cố gắng trau dồi những kiến thức liên ngành như lịch sử, văn học, địa lý, ngoại ngữ, văn hóa-tư tưởng... Bởi tiếng Hán, chữ Hán chỉ là công cụ để từ đó ta hiểu hơn về ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc và rộng ra là cả thể giới! Vậy, học chữ Hán cổ nâng cao cũng không thể bỏ qua yếu tố văn hóa Trung Quốc và điển tích Trung Hoa…
Trích dẫn tới đây, tôi tưởng chắc cũng khó thể nêu thêm được một kinh nghiệm mới mẻ nào khác. Phần kinh nghiệm cá nhân tôi, mặc dù chẳng đáng kể ra cho lắm, nhưng thú thật tôi học cũng không có bài bản, không có ghi chép kỹ lưỡng như ông Nguyễn Hiến Lê chỉ dẫn, mà chỉ theo cách “mò đá qua sông” (“mô trước thạch đầu quá hà”), vừa mò mẫm tiến tới vừa tích lũy kinh nghiệm…. Do lúc còn rất trẻ thích văn chương, triết học Trung Quốc, nên vớ được bộ sách nào có chèn chữ Hán trong đó, như sách Minh tâm bảo giám,
bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim, tập Đường thi của Ngô Tất Tố… thì
đều để ý nhớ được một số câu chữ Hán có ý nghĩa sâu xa thâm trầm mà mình thích.
Sau đó, chừng lớp đệ tam (tức lớp 10 bây giờ), tôi học thêm trong vài cuốn sách
dạy chữ Hán của người đương thời biên soạn, nhưng không học hẳn cuốn nào, và
cũng thiếu tính hệ thống. Trong lúc học, tôi đặc biệt thích môn ngữ pháp, vì
sớm nhận ra rằng nếu không am hiểu ngữ pháp và các hư từ Hán cổ (đâu phải chỉ
có CHI, HỒ, GIẢ, DÃ) thì khó dịch được chính xác chữ Hán cổ, mới tìm được mấy
cuốn như Văn ngôn hư
tự của Lữ Thúc Tương, Hư tự dụng pháp cập luyện tập của Chu Dực Tân, Cao đẳng quốc văn pháp của Dương Thụ
Đạt… mua trong các tiệm sách cũ, mới ở Chợ Lớn.
Càng đọc (chứ chưa phải học) càng thấy có sự lôi cuốn, tôi mới “liều mạng” tự biên soạn một tập ngữ pháp Hán văn ghi chép tay đầy trên 4 cuốn sổ bìa đen, cộng lại dày chừng 800 trang giấy carô khổ lớn. Cùng khoảng thời gian này, ngày nào tôi cũng vào Thư viện Quốc gia Sài Gòn (bây giờ là Thư viện Tổng hợp TP. HCM) và Thư viện Viện khảo cổ (bây giờ là Thư viện KHXH TP. HCM) ghi
chép các tài tiệu chữ Hán và chữ Pháp, biên soạn được một quyển lấy tên Lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa, được một nhà
xuất bản nhận in nhưng sau đó vì thời cuộc mà nhà xuất bản phải dẹp và mất luôn
bản thảo. Riêng bản thảo về ngữ pháp mãi đến hơn 10 năm sau mới được chỉnh lý
lại để xuất bản thành cuốn Sơ lược Ngữ pháp Hán văn (NXB TP. HCM),
là một trong những sách ngữ pháp Hán cổ còn rất hiếm hoi ở Việt Nam trong những
năm 80 của thế kỷ trước. Trước đó một thời gian, do phải sống trong một tình
trạng gần như thất nghiệp, tôi rị mọ dịch đại quyển Lão Tàn du ký của Lưu Ngạc (1850-1910), một trong bốn bộ “khiển trách tiểu thuyết”
tức tiểu thuyết hiện thực phê phán nổi tiếng của Trung Quốc (giai đoạn cuối thế
kỷ 19 đầu thế kỷ 20), với trong tay chỉ có vỏn vẹn hai quyển từ điển của Đào
Duy Anh và của Thiều Chửu (và dường như còn có thêm bộ Từ vị của Đài
Loan xuất bản nữa, và một bản dịch tiếng Pháp của nhà Gallimard xuất bản dưới
sự bảo trợ của UNESCO). Đến năm 1989 thì sách này mới được xuất bản.
Tôi dịch không hay, mà bây giờ gần như cũng đã quên đi, nếu đọc lại chắc chắn sẽ thấy có một số chỗ sai sót đáng tiếc, nhưng phải nhận rằng sau lần dịch đó, số dụng ngữ thủ đắc được đã tăng tiến lên khá nhiều. Vậy nếu nói kinh nghiệm, thì kinh nghiệm của tôi là không đợi phải chín muồi rồi mới bắt tay biên soạn, dịch thuật, mà làm ngay như thể một cách tự ra bài tập cho mình làm, làm đến đâu học thêm đến đó. Giờ đây, được biết có một số bạn đồng thanh khí của tôi cũng tiến bộ được bằng con đường tương tự như thế. Điều này quả đúng với lời khuyên của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, cũng là tên một chương trong quyển Tự học… của ông: “Viết sách và dịch
sách cũng là một cách để tự học”.
Tôi tự xét không phải thuộc hạng người thông minh hoặc có ý chí sắt đá. Còn nói kinh nghiệm, thật ra cũng chẳng có hệ thống kinh nghiệm nào cho ra hồn cả, mà dường như chính sự đam mê, từ đó hứng thú, đã dẫn dắt người ta tự tìm lấy con đường học tập thích hợp cho chính mình. Đã có hứng thú thì không còn biết nệ nhọc mệt tìm tòi cho dù thức khuya dậy sớm, từ đó luôn tay tra cứu , “thủ bất thích quyển” (tay không rời sách), dần dần thâm nhập, thông qua một quá trình khổ học mà không cảm thấy khổ, công phu mà không thấy bỏ sức công phu, để đạt được những kỹ năng mong muốn lúc nào không hay. Vả chăng, kinh nghiệm nếu thật là kinh nghiệm thì cũng khó trao truyền, như câu chuyện “Đọc sách cổ” kể trong Cổ học tinh hoa (của Nguyễn Văn Ngọc-Trần Lê Nhân), với lời bình của dịch giả: “…
Cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút không thể tả hết được… Những
kẻ hay mượn bã giả của cổ nhân để buông ra những học thuyết dông dài làm ra
sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng lầm lắm”.
Nói chung không nên tin có một bí quyết hay “bí kíp” thần thông nào cả. Chỉ có thể khẳng định một kinh nghiệm đúng cho hầu hết mọi người, đó là học bất kỳ môn gì cũng nên bắt đầu từ lúc còn trẻ, còn có tinh thần hăng hái. Đợi đến từ quá bốn mươi trở lên nhiệt huyết không còn, trí nhớ cũng suy kém đi nhiều, một chữ tra từ điển đôi khi đến hơn mười lần vẫn không nhớ được!
Trong điều kiện hiện nay, nếu được tiếp cận với một lớp học chuyên tu chữ Hán (như các lớp ở khoa chuyên Văn trường đại học, ở Trường cao cấp Phật học, ở Tu viện Huệ Quang và một số chùa chiền khác) rồi tự học thêm thì sẽ đỡ vất vả và mau tiến bộ hơn nhiều, vì ít ra cũng có thầy hướng dẫn với sự ràng buộc và chương trình để theo. Nhưng cuối cùng muốn thật sự giỏi thì cũng phải tự học thêm, bằng tất cả mọi phương tiện, mà hiện nay đang rất phong phú so với thời trước. Nên thường xuyên đọc mọi loại sách chữ Hán cổ mình thích, rồi tự tập dịch những bài từ ngắn đến dài, từ dễ đến khó, chỗ nào không biết cứ hỏi người khác giỏi hơn hoặc tra từ điển. Các cuốn sách tra cứu cũng là ông thầy vì thật ra ông thầy cũng học từ các sách vở mà ra. Điều quan trọng là không câu nệ, cũng không nhất thiết phải có một ông thầy hay cuốn sách nào nhất định, theo lối học rộng mở “vô thường sư chi hữu” của Khổng Tử và “tận tín thư bất như vô thư” của Mạnh Tử. Nếu có ý định dịch thuật thì càng phải đọc sách cho nhiều để tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng, ngoài chữ Hán ra phải trau dồi thêm tiếng Việt để luôn cải tiến nghệ thuật diễn đạt, hành văn.
Nói về thời gian cần dành ra, cũng như mức độ thành tựu và những cảnh giới có thể đạt được trong việc học chữ Hán thì nó cũng mênh mông lắm. Học để đọc được sách báo phổ thông hoặc vài đoạn kinh Phật thông thường thì có khác hơn học với trình độ thâm cứu, dịch thuật, trứ tác nghiêm túc.
Nghe kể, có một dịch giả chuyên dịch tiếng Nga, sau tiếng Nga ít dùng, chuyển qua tự học chữ Hán chỉ trong vòng vài tháng, đã dịch được đến một, hai chục tác phẩm chữ Hán. Đó là một sự thật đáng nể. Dịch giả đó hiện nay đã quá cố, chúng ta không hỏi nhưng đoán chắc ông là người thông minh, và học theo cách vừa làm vừa học mới mau được như vậy. Để đạt được những công trình có chất lượng đi vào chiều sâu với những đề tài khó khăn hơn, chắc phải mất thời gian nhiều hơn. Cách nay mấy năm, báo chí phấn khởi đưa tin, nhờ sự hỗ trợ của công cụ máy vi tính, người ta có thể dịch trọn bộ Đại tạng kinh từ Hán ra Việt chỉ mất khoảng 24 tiếng đồng hồ, nhưng thật ra đây chỉ là một ảo tưởng phát sinh trong lúc vội vội vàng vàng quá tin tưởng vào sự thần diệu của máy móc. Bởi cứ cho như máy tính lập trình sẵn có thể giúp ta được một phần bằng cách dịch từng chữ Hán này ra từng chữ Việt kia, thì công tác biên tập lại cho tròn vành rõ nghĩa sao cho vừa dễ hiểu vừa có ý vị văn chương cũng phải mất thời gian thậm chí còn lâu hơn cả lối dịch thủ công cổ truyền nữa, trừ khi máy tính có thể làm thay con người tất cả mọi thứ.
Óc thực dụng đôi khi tốt nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho việc học tập chữ Hán cổ. Bởi vì, ngay trong các kinh sách Hán cổ, nhất là kinh Phật, dường như đã chứa đựng sẵn sự phê phán óc thực dụng đó rồi. Trong việc học chữ Hán cổ, cần thực học không cần hư danh, bởi nếu chỉ chuyên chủ chạy theo hư danh, hoặc quyền lợi đơn thuần vật chất, rất khó đạt được kết quả mỹ mãn, vì tinh thần thiếu sự chuyên nhất, tập trung. Nhưng như vậy cũng có một nghĩa khác có lẽ phải tạm chấp nhận, là bằng con đường học chữ Hán cổ và chữ Nôm, ít ai có thể làm giàu lên được! Nếu chọn được một công việc vừa hợp sở thích vừa tạm đủ ăn qua ngày, như thế đã là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Còn đối với một số nhà sư dịch kinh Phật, thì tính bất vụ lợi lại càng rõ hơn, chỉ cần ăn chay niệm Phật mỗi ngày, các thầy vẫn có thể hoan hỉ làm việc hăng hái được.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận chữ Hán có đến khoảng 85.000 đơn tự nhưng số lượng thực tế sử dụng chỉ nằm trong khoảng từ 6.000 đến trên 12.000. Nếu không tính những chữ thuộc loại chuyên dùng thì số chữ được dùng chỉ vào khoảng 6-7 ngàn, như vậy nếu siêng học liên tục chừng 2 năm có thể nhớ được. Tuy nhiên bể học thì mênh mông, nhiều khi để đọc được một đoạn Hán cổ, người ta phải “khảo” từng chữ chứ không thể đọc như đọc sách báo thông thường được, và kinh nghiệm thực tế cho thấy lắm khi chỉ một chữ nào đó trong cùng văn bản nào đó mà nhiều nhà chú giải giảng không giống nhau, các từ điển cũng giải khác nhau, không biết ai trúng ai trật, hễ ai có lý thì tạm được đa số chấp nhận. Nhiều từ ngữ đọc mãi không hiểu mà tra hết các sách vẫn không chỗ nào giúp cho ta giải hoặc được. Chính vì vậy mà đức khiêm tốn trong học vấn có lẽ là một thứ đạo đức đáng được đề cao, trong tinh thần càng học càng thấy mình càng kém, và cái đạo của học vấn, nói theo Mạnh Tử, không phải là thứ gì khác, chẳng qua chỉ là để tìm lại cái tâm chất của mình đã bị đánh mất đi mà thôi, tức có nghĩa không để cho mình vì sự tăng trưởng của tri thức mà trở nên ngã mạn, đến bị vong thân, tha hóa, mình không là mình (Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ). Còn nói theo Lão Tử thì “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (Theo đường học thì mỗi ngày một tăng thêm, theo đường đạo thì mỗi ngày một giảm đi, giảm rồi lại giảm, cho đến lúc chỉ còn số không). Người ta nói, học chữ Nho cũng là học đạo, để khám phá tiền nhân và soi rọi lại chính mình, nhằm cải thiện cuộc sống chủ yếu về phương diện tâm linh chứ không phải vật chất, có phải là những nghĩa như thế này chăng?
Nguồn: Đặc san Suối Nguồn, số 3 & 4, tháng
1.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét