Buffett luôn đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai muốn có một cuộc sống khôn ngoan và thành công về mặt tài chính, cho dù bạn là một người mua nhà đang cân nhắc khoản vay thế chấp hay một lãnh đạo đang tính toán về thương vụ thâu tóm.
Nếu đặt câu hỏi “ Warren Buffett sẽ làm gì trong trường hợp này?”, sẽ không khó để đưa ra câu trả lời vì vị tỷ phú 85 tuổi thường xuyên đưa ra lời khuyên trong các bài phát biểu trước công chúng và đặc biệt là trong những lá thư thường niên được gửi đến cổ đông của Berkshire Hathaway.
Chủ nhật tuần này (27/2), Buffett sẽ lại gửi thư cho cổ đông. Do đó, hãy cùng nhìn lại những điều mà nhà đầu tư huyền thoại sẽ không bao giờ làm.
Trong đầu tư
Đừng quá tập trung vào những biến động hàng ngày của thị trường chứng khoán.
“Người thắng cuộc trong trò chơi này sẽ là người tập trung vào thực tế thay vì dán mắt vào bảng điện tử. Nếu bạn có thể không thèm đoái hoài đến giá cổ phiếu trong các ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, thử cố làm áp dụng điều này cho những ngày trong tuần xem sao” (thư thường niên gửi cổ đông năm 2014).
Bạn có lãi nhưng nếu toàn thị trường tăng điểm thì đừng quá vui mừng.
“Năm 1995, không có lý do gì để tung hô khi bạn kiếm bộn tiền từ chứng khoán. Đó là năm mà kể cả kẻ ngốc cũng có thể thắng lớn. Và chúng ta đã làm được điều đó” (1996).
Không bị lung lay bởi những dự báo về kinh tế vĩ mô
“Trong nghĩa địa dành cho những nhà tiên trì có một khu vực lớn chờ sẵn những nhà dự báo vĩ mô. Thực ra thì thỉnh thoảng Berkshire cũng đưa ra một vài dự báo về kinh tế vĩ mô, nhưng chúng không đem lại thành công bền vững”. (2009)
Đừng tự bó buộc bản thân trong một ngành nhất định
“Không có luật hay quy tắc nào quy định bạn phải đầu tư tiền vào nơi mà bạn vừa kiếm được tiền. Thậm chí sẽ là một điều sai lầm nếu làm như vậy: khi doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ các tài sản hữu hình, họ không thể có được mức lợi suất cao kéo dài nếu liên tục tái đầu tư phần lớn lợi nhuận”. (2008)
Không bị chi phối bởi các công thức
“Nhà đầu tư không nên hoàn toàn tin tưởng và các mô hình được xây dựng dựa trên các dữ liệu lịch sử. Hãy nhớ rằng không ít công thức có kèm theo giả định và nhà đầu tư thường xuyên quên mất việc phải kiểm tra những giả định này”. (2009)
Đừng để bản thân rơi vào tình trạng không có tiền mặt
“Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phụ thuộc vào lòng tốt của những người lạ mặt… Nên sắp xếp sao cho có thể đáp ứng được nhu cầu tiền mặt bất cứ lúc nào”. (2010)
Đừng coi thường nước Mỹ và tiềm năng kinh tế của nó
“Trong suốt 238 năm qua đã từng có ai được hưởng lợi khi đánh cược rằng Mỹ sẽ thua cuộc? Nếu so sánh thực trạng Berkshire hiện nay với năm 1776, bạn sẽ không tin nổi vào mắt mình… Chúng ta thường phàn nàn về Chính phủ, nhưng tôi cam đoan rằng những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ vẫn đang ở phía trước”. (2015)
Trong quản trị
Tự chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của bản thân
“Tự hành hạ bản thân vì những lỗi lầm là một sai lầm, nhưng nhận sai, phân tích nguyên nhân và rút ra bài học là những việc làm rất hữu ích, dù điều này hiếm khi xảy ra trong phòng họp hội đồng quản trị”. (2001)
Chẳng có tuổi nghỉ hưu chính thức nào cả
“Khi tôi đến thăm trường Kinh doanh Harvard năm ngoái, một sinh viên hỏi tôi về kế hoạch nghỉ hưu. Tôi trả lời rằng sẽ nghỉ hưu trong khoảng 5 đến 10 năm sau khi tôi chết”. (1992)
“Đừng hỏi người thợ cắt tóc rằng bạn đã nên cắt tóc hay chưa” vì chắc chắn anh ta sẽ đưa ra câu trả lời có lợi cho mình nhất. Một vị CEO không nên tham khảo ý kiến của ngân hàng tư vấn khi chốt một thương vụ, vì “những nhân viên ngân hàng thân thiện sẽ thuyết phục ông ấy theo cách sao cho ngân hàng thu được nhiều phí nhất có thể”. (1983)
Không chậm chạp lề mề
“Khi một vấn đề xuất hiện (dù thuộc lĩnh vực nào đi chăng nữa), cách tốt nhất là giải quyết nó ngay lập tức”. (2006)
“Đừng lo lắng về sức khỏe của tôi”, vì phần nhiều sự thành công của Berkshire gắn liền với Ajit Jain – người đang chèo lái mảng tái bảo hiểm. “Hãy lo cho cậu ấy”. (2011)
14:27 25/02/2016
Theo Tri Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét