Điều 241 Bộ luật Dân sự quy định:
“Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được.
Nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước ...”.http://dantri.com.vn/…/khong-xac-dinh-duoc-chu-nhan-5-trieu…
Theo TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, việc tòa án từ chối thụ lý vụ việc nhặt được 5 triệu Yên Nhật là không đúng vì nó liên quan đến vấn đề sở hữu.
Phải đưa ra tòa?
Liên quan đến vụ việc bà Huỳnh Thị Ánh Hồng – một người nhặt ve chai phát hiện được hơn 5 triệu yên trong chiếc loa cũ và bà Phạm Thị Ngọt gửi đơn trình báo đến cơ quan công an, cho rằng chủ sở hữu 5 triệu yên này có thể là chồng mình, Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.
TS Thảo nói: “Theo bộ luật Dân sự, vụ việc được chuyển sang tòa án là hợp lý vì liên quan đến vấn đề về sở hữu. Việc xác định chủ sở hữu của số tiền đó phải đưa ra tòa. Nếu không xác định được chủ sở hữu thì sẽ sung công quỹ Nhà nước”.
TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội
Ông Thảo nói thêm: “Việc này khác với một vụ việc hình sự tức là cơ quan điều tra phải thông qua thủ tục truy tố của Viện kiểm sát nhân dân thì mới đưa sang tòa. Đúng là tòa án có quyền khước từ không thụ lý một vụ việc nếu không được quy định trong pháp luật (tức là chưa có căn cứ pháp luật). Tuy nhiên, đối với vụ việc này, cho đến thời điểm này, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, vẫn đủ cơ sở để tòa án phải thụ lý và giải quyết vì có liên quan đến vấn đề sở hữu. Theo luật dân sự, tòa án có thể trực tiếp thụ lý vụ việc và việc Tòa án Nhân dân quận Tân Bình từ chối thụ lý vụ án như vậy là không đúng”.
“Trong thời gian tới, khi Quốc hội sửa Bộ luật Tố tụng Dân sự thì sẽ cố gắng để làm Bộ luật bao phủ hết mọi hành vi trong đời sống xã hội, để tòa án không được lấy lý do là chưa có quy định của pháp luật để khước từ thụ lý”, ông Thảo cho hay.
Khi được hỏi về quan điểm xử lý số tiền 5 triệu Yên kia, TS Thảo cho rằng: “Trong trường hợp hiện tại, không thể trả cho bà Hồng số tiền 5 triệu yên được vì theo quy định, những tài sản do bắt được, đào được, nhặt được… mà có, nếu không xác định được chủ sở hữu thì sẽ thuộc về Nhà nước chứ không thể trả cho người nhặt được. Còn tất nhiên, người nhặt được thì sẽ được thưởng một phần nhất định”.
"Câu chuyện không giản đơn"
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, LS Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội cho hay: “Về việc nhặt được tiền mà có người nào đó đến bảo là tiền của tôi đánh rơi thì về mặt đạo lý, trước hết là phải cảm ơn người nhặt được. Nếu người chủ thực sự đến nhận mình là chủ sở hữu số tiền đó mà người nhặt được không tự nguyện trả lại thì sẽ dẫn đến tranh chấp. Và khi đó, vụ việc phải được đưa đến tòa án.
Trong vụ việc này, nếu hết thời hiệu thì bà Ngọt phải chứng minh được chồng mình có lý do bất khả kháng mà không đến nhận được số tiền đó. Việc bà Ngọt gửi đơn là việc của bà ấy nhưng bà ấy phải đưa ra được chứng cứ gì đó thì mới là nguyên đơn được.
Và để nhận lại số tiền đó thì người tự nhận mình là chủ sở hữu số tiền đó phải chứng minh được những tờ bạc đó có số seri như số tiền đã mất. Nếu không chứng minh được thì câu chuyện cũng không đơn giản”.
Về việc cơ quan công an quận tân Bình gửi vụ việc sang bên TAND quận Tân Bình, ông Thuận cho việc chuyển vụ việc sang phải hợp lý chứ không phải ai đưa đơn thì tòa cũng thụ lý.
“Việc công an quận Tân Bình chuyển hồ sơ sang cho TAND quận Tân Bình như vậy là chưa hợp lý vì chưa chứng minh được mối quan hệ của bà Ngọt với người được cho là mất tiền”, ông Thuận nói.
Dưới góc độ cá nhân, ông Trần Quốc Thuận cho biết ông ủng hộ việc để số tiền đó cho người nhặt ve chai hưởng nếu không có chủ nhận.
Về vấn đề này, luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay:
“Theo quy định của Bộ luật dân sự về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, về nguyên tắc người tìm được các tài sản đó, nếu không xác định được chủ sở hữu, thì phải có nghĩa vụ thông báo hoặc giao nộp tài sản đó cho Ủy ban nhân dân xã phường hoặc công an nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
“Trong trường hợp không có ai đến nhận tài sản, tùy theo tính chất của tài sản mà pháp luật có những quy định riêng để xử lý.
Ông Cường đưa ra ví dụ: “Nếu tài sản được xác định là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu, Điều 239 Bộ luật Dân sự quy định: “Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật ...”.
Nếu tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, Điều 241 Bộ luật Dân sự quy định:
“Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được.
Nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước ...”.
Luật sư Cường nói thêm: “Hiện nay, sau khi thông tin về việc tìm thấy khoản tiền 5 triệu yên được đang tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc xuất hiện người đến tự nhận là chủ sở hữu khoản tiền đó cũng hoàn toàn hợp lý và là quyền hợp pháp của công dân được pháp luật bảo hộ.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, người đến tự nhận là chủ sở hữu phải có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ có giá trị pháp lý để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của khoản tiền đó.
Trong trường hợp các bên liên quan (người tìm được tài sản, người đến tự nhận là chủ sở hữu, cơ quan chức năng ...) không thống nhất được với nhau, tức là đã phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu, theo quy định của pháp luật, việc xem xét, đánh giá các chứng cứ liên quan đến giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thuộc thẩm quyền của Tòa án chứ không thuộc thẩm quyền của cơ quan công an.
Trong trường hợp sau khi Tòa án thụ lý giải quyết, nếu đủ căn cứ xác định số tiền thuộc sở hữu của người đến nhận thì về nguyên tắc tài sản sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý cho các bên liên quan.
Trong trường hợp không đủ căn cứ xác định người đến tự nhận là chủ sở hữu, khoản tiền trên sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với trường hợp không xác định được chủ sở hữu”.
Minh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét