Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Cải cách đất nước bắt đầu từ cải cách học thuật, tư tưởng – Phan Khôi

By npv • 17/04/2015

HTN: Trích bài viết của Phan Khôi về cuốn sách “Nhật Bản Duy Tân 30 năm“ đăng trên Sông Hương (Huế) số 32, ngày 27 tháng 3 năm 1937.
* * *

Nhiều người An Nam hay nói: Nhật Bản là nước đồng văn với nước ta, họ cũng theo đạo Khổng Mạnh, họ cũng là một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước mình, thế mà họ duy tân, tự cường được đến như thế, còn nước mình ra thế này, đáng lấy làm tức.

Người nào nói như thế là chưa biết rõ nước Nhật Bản. Phải, họ thuở xưa cũng theo đạo Khổng Mạnh, cũng làm một nước phụ dung văn hóa của nước Tàu như nước ta thật, nhưng mà có khác nhau nhiều lắm trong sự giống nhau ấy.

Đọc sách của ông Đào, chúng ta thấy người Nhật có những cái tinh thần riêng của họ để làm nền móng cho sự lập quốc, như Đại Hòa hồn, Võ sĩ đạo, những cái ấy đã đành là không có ở nước ta rồi. Kể đến sự theo văn hóa Trung Hoa, nước họ cũng khác với nước mình nữa.
Người Nhật theo đạo Khổng Mạnh nhưng không theo cái học khoa cử, không bắt chước làm những kinh nghĩa, thi, phú, là thứ văn chương vô dụng. Sĩ phu họ không bị những cái bả vinh hoa của cử nhân tiến sĩ làm mê muội đi. Đầu óc của họ thuở nào đến giờ vẫn trong sạch, cho nên khi thấy có Tây học thì họ nhận biết là đáng theo mà theo ngay.

Lại thêm, người Nhật theo văn hóa Tàu mà những cái dở, những sự mê tín của người Tàu họ không chịu theo. Tức như người Nhật không tin địa lý, cũng không tin quỷ thần, đốt vàng mã. Nhờ đó, trong tư tưởng họ không vướng víu những cái tối tăm dơ bẩn cần phải mất thời giờ để gột sạch đi rồi mới hấp thụ cái hay cái tốt được.

Người Việt Nam ta từ triều Trần triều Lê về sau chỉ biết tôn chuộng cái học khoa cử, là cái học phù hoa vô dụng, làm cho sĩ phu trở nên đui điếc. Đã vậy lại còn mắc nhiều sự mê tín của người Tàu đưa qua cho, như là tin phong thủy, bói, số cùng vô số thứ dị đoan. Hồi triều Tự Đức, người Nhật đã hăm hở theo Âu hóa rồi, nhưng người mình thì trong óc còn chất chứa không biết bao nhiêu sự tối tăm dơ bẩn, vậy nên cứ thủ cựu hoài mà không làm như họ được.

Cái trình độ văn minh của một nước thế nào, là coi ở học thuật tư tưởng của người nước ấy. Một nước mà muốn cải cách, cũng bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà cải cách đi.

Học thuật tư tưởng của người Nhật lúc chưa tiếp thọ Âu hóa cũng đã không đến hủ bại như nước ta, nhờ đó mà họ tiếp thọ Âu hóa một cách dễ dàng. Đến khi biết Âu hóa là đáng theo, và quyết kế theo rồi, thì họ lại còn biết phá hoại học thuật tư tưởng của họ mà không hề dùng dằng đoái tiếc.

Trong nước ta hiện có một hạng người thủ cựu cứ phao ngôn rằng người Nhật Bản lúc duy tân, theo Tây là chỉ theo về phương diện khoa học cơ khí mà thôi, còn về phương diện tinh thần thì họ vẫn giữ các điều họ sẵn có.

Đọc qua cuốn sách của ông Đào Trinh Nhất, sẽ thấy lời nói đó là không thật. Vả, trong thiên hạ chẳng có lẽ nào lấy cái tinh thần cũ ra mà làm được sự nghiệp mới bao giờ. Cải cách thì phải cải cách từ tinh thần, tức là học thuật tư tưởng.

Du nhập cái tư tưởng công lợi của người Anh và người Mỹ. Việc này do ông Phúc Trạch Dụ Cát đề xướng ra. Ông cả gan kêu gào phá hoại văn hóa cũ mà ông cho là cái dư độc của chế độ phong kiến. Họ Phúc Trạch sáng lập ra Khánh Ứng nghĩa thục, chuyên ban bố cái tinh thần giáo dục của phương Tây. Cái tinh thần ấy cốt ở những sự: hoài nghi, phá hoại và cải tạo, làm cho sĩ phu hướng chiều về đường thực học và bồi dưỡng cái óc tự do độc lập của quốc dân.

Du nhập cái tư tưởng tự do của người nước Pháp. Việc này do ông Bản Viên Thoái Trợ đề xướng. Sách Dân ước luận của J. J. Rousseau dịch ra trong buổi ấy. Từ đây có dấy lên nhiều cuộc vận động mới về chính trị.

Du nhập cái tinh thần của đạo Cơ Đốc. Cơ Đốc giáo vào nước Nhật đã lâu, nhưng cái tinh thần của đạo ấy được thấm khắp giữa người Nhật là từ hồi đầu triều Minh Trị. Bấy giờ có người tên là Tân Đảo Tương, một tín đồ của Chúa Cứu thế, lập ra cơ quan gọi là Đồng Chí xã, hết sức tuyên truyền giáo nghĩa của Chúa Gia Tô. Ông làm việc ấy bởi một đức tin chắc chắn, như có nói rằng: “Nếu không dùng đạo Cơ Đốc để cảm hóa quốc dân thì không bởi đâu truyền bá cái chân tinh thần của văn minh Âu châu được”.

Du nhập cái tư tưởng quốc gia của người nước Đức. Việc này do ông Gia Đằng Hoằng Chi đề xướng. Ông có làm ra sách Nhân quyền tân thuyết, phản đối các thuyết bình đẳng tự do mà cổ xúy cái Chủ nghĩa Quốc gia theo thuyết tiến hóa của Đạt Nhĩ Văn.

Theo một cuốn sách văn học sử Nhật Bản, người ta đã công nhận bốn điều ấy là trụ cột trong cuộc duy tân thành công của người Nhật, đáng đem để trên hết những sự chấn chỉnh ở bề ngoài, như là mở quốc hội, ban hiến pháp cùng là tập rèn cơ khí, khuếch trương công nghệ…

Sự nhớ cũ bao giờ cũng choán một phần trong tâm lý loài người. Do cái tâm lý ấy, lại thêm cái lòng tự trọng nữa, người Nhật đến ngày nay đã cường thịnh rồi, bèn cất cao giọng lên mà xướng cái thuyết bảo tồn quốc túy. Chứ kể theo sự thực trên lịch sử, nếu đương hồi Minh Trị mà người Nhật cứ khư khư giữ lấy cái cũ của mình, không phá hoại và cải tạo, thì làm sao có ngày nay được? Cái lẽ ấy dễ hiểu lắm: tức như nước ta vào thời Tự Đức đã bo bo giữ lấy học thuật tư tưởng cũ, chuộng khoa cử và không chừa bỏ được mọi sự tin tưởng nhảm nhí, đi đón rước lấy văn hóa Âu châu thì ta đã phải mất nước rồi.

Cứ như những lẽ nói đây đã đủ trả lời cho hai câu hỏi trên kia, câu hỏi phát ra trong óc mọi người sau khi đọc cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm của ông Đào Trinh Nhất.

Tôi còn xin nói thêm mấy lời nữa làm kết luận.

Nước ta vì thâm nhiễm các cái di độc của văn hóa Trung Hoa, khoa cử và dị đoan mê tín, nên sự nhận biết về văn minh thế giới đã phải chậm hơn người Nhật 50 năm. Từ ngày khoa cử bỏ, người mình có khai thông ra một chút, nhưng bao nhiêu sự hủ bại vẫn còn choán trong tư tưởng, thành thử không tiến bộ cho nhanh chóng được. Bây giờ, đọc sách ông Đào, lấy việc nước Nhật làm gương, ta còn nên gia công trong sự cải cách về tinh thần, trên cõi đất ấy còn có lắm phen phá hoại và kiến thiết rồi mới toan làm được việc gì…

ĐẠI KHÁI CÔNG CUỘC PHÁ CŨ ĐỔI MỚI TRONG 30 NĂM
(Trích “Nhật Bản Duy Tân 30 Năm” của Đào Trinh Nhất)
 
Công cuộc Nhật Bản duy tân vừa mau chóng mạnh bạo, vừa vĩ đại hoàn toàn, y như lời Minh Trị Thiên hoàng đã thề với trời đất thần minh, khi đã dốc lòng ra tay biến hóa cải lương, thì mỗi việc gì cũng biến hóa cải lương hết thảy. Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị giáo dục, nào là văn hóa võ bị, nào là công thương, lý tài, nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay một phương diện nào mà không hóa xưa theo nay, đổi cũ ra mới.

Có thể ví dụ như một cái vườn có ngàn gốc cây mọt hư khô héo, người Nhật là lão làm vườn, đã đào từng gốc cây đó liệng đi, mà trồng cây khác mới lạ tươi tốt thế vào. Cách ít lâu, cái cảnh nhánh khô lá rụng, tiều tụy thê lương của miếng vườn kia đều biến đi đâu hết, giờ ta ngó thấy toàn là cây lạ bông thơm, có muốn tìm lại những dấu tích xưa cũng không còn nữa. Thiệt, Nhật Bản trừ cựu canh tân tới vậy lận!

Dưới đây có nhiều việc quan hệ sẽ nói riêng hẳn từng nơi, nhưng ngay bây giờ thiết tưởng cũng nên tóm thâu cái đại quan cho biết công cuộc biến hóa của nước Nhật vừa mau chóng mạnh bạo, vừa vĩ đại hoàn toàn ra thế nào?

Sau khi vua Minh Trị hạ chiếu duy tân rồi, thì nước Nhật cũ bị xô một cái, là đổ ụp xuống. Về mặt chính trị, ngay năm Minh Trị thứ nhất, đã bãi Mạc phủ rồi, còn chư hầu tuy chưa bãi, nhưng chẳng qua họ chỉ còn danh nghĩa vậy thôi, chớ thực quyền như trước không có nữa. Triều đình vời các chúa phiên về kinh làm mấy chức Nghị định 議定 [Gijou] và Tham dự 参与 [Kinyo]; lại cho mỗi đất phiên lựa chọn đôi ba người có tài về triều làm Cống sĩ 貢士 [Koushi] tức là một chức quan nghị sự. Những người này hợp lại thành như một hội nghị để phò tá nhà vua trong việc quốc chính. Ban đầu, nhà vua làm như thế, là cách huấn luyện và sắp đặt cho dân sau này có nghị viện cả dân công cử như ở các nước.

Đến năm Minh Trị thứ 4 (1871), chế độ Phong kiến bãi hẳn: các Chúa phiên (les daimyos) đem hết đất nước của mình nạp lại triều đình, đổi ra làm huyện. Tới năm Minh Trị thứ 23 (1890) mới có Hiến pháp ban hành và có Chúng nghị viện 衆議院 [Shugiin] mở ra từ đó.

Về mặt bình dân, xưa kia họ là hạng người lao khổ, ở dưới quý tộc và sĩ tộc, tới năm 1867, lệnh duy tân tuyên bố hết thảy nhân dân bình đẳng; ruộng đất để tự do, người nông dân bây giờ làm chủ ruộng mình, không phải chỉ như khi xưa họ nai lưng cày cấy làm mọi cho Chúa phiên, cho quý tộc.

Các cửa biển đều mở toang ra cho ngoại nhân ra vô buôn bán tự do. Trải 1000 năm, Thiên hoàng vẫn đóng đô ở thành Kinh Đô 京都 [Kyoto], giờ vua Minh Trị dời đô về Đông Kinh 東京 [Tokyo] tức là thành Giang Hộ của Mạc phủ Đức Xuyên trước.

Cả âm lịch, triều đình y quan cũng bỏ cũ theo mới.

Tóm lại chỉ trong ít tháng, bao nhiêu dấu cũ lệ xưa của Nhật Bản biến tiêu đi hết, nhường chỗ cho những cách tây phép mới thay vô.

Sự thay cũ đổi mới của Nhật Bản mau lẹ quá chừng, ai cũng phải kinh hoàng sửng sốt.

Mỗi việc nhỏ lớn gì cũng phải tạo lập ra mới mẻ hết thảy, thế mà mỗi việc nhỏ lớn gì họ cũng tạo lập ra đủ hết. Không sót cái hay nào của Tây phương mà Nhật không bắt chước; không có cơ quan chế độ nào hữu ích của Tây phương mà Nhật không làm theo. Xe lửa, tàu thủy, nhà băng, xưởng máy, cùng là mọi việc giáo dục, công nghệ, khoa học… thứ nào Nhật Bản cũng tổ chức ra có đủ hết thảy trong một lúc.

Ta thử xem một vài con số như dưới đây, sẽ biết người Nhật họ chạy phăng phăng trên con đường duy tân mau lẹ ra thế nào?

Năm 1870, nghĩa là sau khi quyết chí cải cách mới có ba năm, thì đã làm xong con đường xe lửa thứ nhất, nối liền Đông Kinh với Hoành Tân, 28 cây số. Con đường này họ làm hết hai năm mới xong, là vì họ tự làm lấy, chỉ mua tài liệu của Âu châu và mướn một vài người Âu châu làm đốc công thôi. Đến năm 1880, đường xe lửa dài được 117 cây số. Qua 1893 được 3.010, tới 1903 lên 6.800.

Dây thép cũng tuôn ra mau như đường sắt vậy. Liền sau khi hạ lệnh cải cách một năm, cuối năm 1868, đã có đường dây thép thứ nhất từ Đông Kinh đi ra. Đến 1893, kéo dài được 13.576 cây số.

Việc quốc phòng cũng lo sắp đặt ngay từ ban đầu, học theo cách luyện quân của Pháp và Đức. Xưởng đúc súng đạn mở ra nhiều nơi. Sáu tháng đầu tiên, còn dùng người Âu châu, trông coi chỉ vẽ; từ sáu tháng sau trở đi thì nhất thiết người Nhật làm một mình. Về hải quân cũng vậy, trước hết họ còn mua của Âu châu một đội tàu chiến, gồm có 7 chiếc tuần dương, 7 chiếc thiết giáp, 17 chiếc khinh hạm, 30 chiếc ngư lôi, và lại phái nhiều thanh niên nhân tài đi qua Âu Mỹ học tập hải quân. Không bao lâu, họ tự mở ra trường luyện tập lấy và tự mở ra xưởng đóng tàu trận một mình, không phải nhờ cậy gì Âu Mỹ nữa.

Trong nước, từ trên xuống dưới, khắp chợ tới quê, ai nấy đều hăng hái về việc tự tân tự cường. Các ông Chúa phiên đã trả đất lại cho triều đình rồi thì xoay ra làm chủ ngân hàng, chủ xưởng tàu, chủ nhà máy, còn tên tá điền lao khổ của mấy ông lúc trước thì bây giờ ra làm thợ máy nọ kia.

Về việc kết xã lập hội để mở mang thương mãi kỹ nghệ, người Nhật cũng làm mau như bay, như biến. Kể tới năm 1894, nghĩa là duy tân chưa đầy 30 năm, trong xứ đã có: 1.200 công ty có vốn tới 300 triệu; 130 nhà băng lớn; 30 công ty bảo kê sinh mạng; 17 công ty điện khí.

Giữa thời kỳ duy tân, về mặt công nghệ bằng cơ khí, chỉ trong vòng mươi năm, người Nhật mở ra những nhà máy nọ nhà máy kia đầy rẫy ở các đô thị. Ngay hồi năm 1880, nghĩa là mới duy tân có 14 năm, đã có 20 nhà máy lớn, dùng tới 20.000 thợ. Nói chi bây giờ công nghệ cơ khí của họ phát đạt tới cực điểm, làm cho Âu Mỹ phải sợ; những ống khói nhà máy tua tủa lên trời, riêng một châu thành Osaka, ngó như một đám ngọn cỏ đâm cao lên trên mặt đất vậy.

Tàu buôn của họ cũng mở mang rất sớm: Năm 1890, đã có 855 chiếc tàu buồm và 580 chiếc tàu chạy bằng máy hơi rồi.

Việc canh nông tấn tới sửa sang có kết quả lạ lùng: Từ nghề trồng dâu trồng trà, cho đến làm ruộng cấy lúa, nhất thiết đều kinh doanh theo cách mới, cho nên hoa lợi thêm ra rất nhiều.

Công nho trong khoảng 20 năm đầu, tăng số thu nhập lên ba lần nhiều hơn; kho bạc mỗi năm thu vô tới 580 triệu. Số xuất cảng cũng tăng lên bốn lần trong khoảng 12 năm: Từ 347 triệu hồi năm 1890 mà lên tới 1.326 triệu trong năm 1902; thật cổ kim đông tây chưa ai có cái kết quả lạ lùng như thế.

Lúc đầu, Âu châu thấy Nhật Bản bắt chước họ thì họ cười thầm và nghĩ cho là vô hại, bởi vậy họ vẫn kêu là cậu nhỏ Nhật Bản (le petit Japon). Nhưng đến năm 1894, họ thấy cậu học trò của họ thì phải giật mình, đổi ngay cái tư tưởng khinh thị ban sơ. Năm 1894, cậu bé tí hon Nhật Bản dám đánh ông khổng lồ Trung Hoa, chỉ trong mấy trận, là ông khổng lồ bị cậu bé con đánh ngã nằm ngay đơ. Trung Hoa phải để cho Nhật chiếm cứ Triều Tiên là miếng mồi Nhật vẫn thèm muốn từ xưa; ngoài ra còn phải bồi thêm Liêu Đông nữa. Nhưng liệt cường Âu châu ép Nhật phải trả Liêu Đông cho Tàu; Nhật đành lấy Đài Loan thôi. Sau Tàu nhường Liêu Đông cho Nga; Nga được đất này, trong lòng hớn hở cho là mình thắng trận ngoại giao, không dè vì đó mà ít lâu về sau mang lấy một cái thua đại nhục.

Đến năm 1900, lại có dịp cho người Tây phương kính phục cái giá trị của Nhật Bản hơn nữa. Năm đó, nước Tàu có giặc Quyền Phỉ (les boxers)[1] nổi lên, chủ ý là thù nghịch đánh phá người ngoại quốc; có trút ngàn người Âu châu bị giặc bao vây ở Bắc Kinh, không đường tẩu thoát, mà cứu binh chưa tới, tình thế rất là hiểm nguy. Trong 8 nước cùng ra binh để can thiệp vào cuộc nội loạn này, đội binh Nhật Bản tức tốc tấn lên Bắc Kinh đầu hết, giải được trùng vây, nhờ đó mà những người Âu châu mới thoát nạn.

Rồi cách 4 năm sau, 1904-1905 bỗng dưng như một tiếng sét đánh rung đất vang trời, cả thế giới đều sửng sốt ngẩn ngơ: Cậu bé Nhật Bản dám nhảy lên đấm cú một ông khổng lồ khác là Nga La Tư [dân tộc Nga], lúc bấy giờ là một nước hùng cường đệ nhất thiên hạ. Ai không bảo ông khổng lồ này nhai ngấu Nhật Bản như chơi. Thế mà trong 18 tháng, Nga bị bại trận thảm thê: Trên bộ thì thua về tay Nãi Mộc tướng quân 乃木将軍 [Nogi shougun], binh Nga không còn manh giáp mà về; dưới nước thì thua về tay Đông Hương nguyên soái 東郷元師 [Tougou Heihachiro], cả đoàn tàu trận Nga trên ba chục chiếc bị Nhật bắn chìm ở eo biển Đối Mã. Lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại, người da vàng đánh ngã người da trắng. Chẳng phải riêng một mình người Nhật lấy làm khoan khoái vẻ vang, mà cả đại lục Á châu, dân tộc hoàng chủng cũng có ý vui mừng hỉ hả nữa. Từ đó, người Tây phương bắt đầu để tâm lo nghĩ về “cái họa da vàng” (péril jaune) mai sau. Từ đó, bắt đầu sản xuất cái vấn đề rắc rối lo ngại, gọi là vấn đề Thái Bình Dương (Question du Pacifique), mà người Nhật chính là chủ động!

Một vài việc làm, một vài con số, như đã lược thuật trên đây, đủ bày chứng cớ cho ta thấy công cuộc duy tân tự cường của Nhật Bản chỉ làm trong một thời kỳ rất ngắn, và được thành công mau lẹ, kết quả vẻ vang là dường nào?

Một nước đang cũ hết sức cũ, yếu hết sức yếu, bỗng chốc trong vòng chỉ có 30 năm, xoay đổi ra mới thiệt là mới, mạnh thiệt là mạnh, cái kết quả lạ lùng đó vẫn biết là trên nhờ có bực anh quân thánh chúa là Minh Trị Thiên hoàng, nhưng chính là do nơi cái thông minh, cái lực lượng, cái khí khái chung cả dân tộc Nhật Bản mà nên vậy.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại bài ca Á tế Á của cụ Tán Thuật[2] có đoạn nói về cái thành tích Minh Trị duy tân như vầy:

Mênh mông một dải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.
Cờ độc lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn.
Phương Đông nổi hiệu duy tân;
Nhật hoàng Minh Trị anh quân ai bì?
Sức Thần Võ riêng về một họ,
Vùng Phù Tang chói đỏ góc trời!
Kể đời một trăm hai mươi hai,
Năm hai ngàn rưỡi năm mươi có thừa.
Sẵn cơ hội trời đưa lại đó,
Chốn kinh thành Giang Hộ dời sang.
Dẹp Mạc phủ, bỏ Phiên bang,
Đổi dòng chánh sóc, thay lòng y quan.
Khắp trong nước dân đoàn xã hội;
Nhà học đường đã ngoại ba muôn.
Việc kỹ nghệ, việc bán buôn,
Nơi lờ nấu sắt, nơi khuôn đúc đồng.
Trà, tơ, lụa, gai, bông, nhung, vũ,
Mọi đồ sơn vân mẫu pha lê.
Gươm và quạt, tán và xe,
Đủ mùi hải lục, hiệp nghề công thương.
Đất Đại Bản mở trường đúc súng,
Xưởng Đông Kinh riêng cũng một nhà,
Trường Kỳ thuyền cuộc mở ra,
Dã Tân, Tu Hạ, ấy là hải quân.
Thuyền với pháo đã trăm lần chấn chỉnh,
Lại ngư lôi bác đĩnh ai tày?
Quan quân luyện tập đêm ngày,
Một nghề so với Thái Tây kém gì!


Duy tân rồi tới năm Giáp Ngọ (1894), vì chuyện Cao Ly mà Nhật Bản đánh Tàu đại thắng:
 
Năm Giáp ngọ đùng đùng sóng gió,
Vượt quân sang thắng trỏ Tam Hàn. 
Quân Lục áo, tướng Đại san,
Ra tay cho biết lá gan anh hùng.
Đông tam tỉnh đã thu trong tay áo,
Người trắng da ngơ ngáo giật mình.
Cuộc hòa đâu khéo thình lình,
Chủ trương này bởi Nga đình vẽ khôn,
Bụng ái quốc ghê hồn Nhật Bản,
Giận xung quanh khôn cản nghĩa đồng cừu.
Đã toan trở súng quay tàu,
Y Đằng khen khéo mưu sâu vãn hồi.
Nhận bồi khoản với Bánh đài nhượng địa,
Trong mười năm rồi sẽ xem nhau.
Nga kia lớn nước lại giàu,
Bên giường giấc ngáy dễ hầu chịu yên.


Tới trận Nhật Nga đại chiến hồi 1904-1905, Nhật cũng toàn thắng:

Giáp Thìn trong tháng chạp tây,
Chiến thư hai nước định ngày giao tuy.
Trận thứ nhất Cao Ly lừng tiếng,
Khắp hoàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Dương.
Hải quân nguyên soái Đông Hương,
Lục quân Nãi Mộc, ai đương anh hùng?
Hội liệt quốc diễn tuồng hòa nghị.
Chấu đá voi, sự ấy cũng nực cười.
Xem trong hòa khoản mười hai,
Điều nào Nga cũng chịu lui trăm phần.
Cuộc tang hải khuất thân từng lúc,
Đám liệt cường nay cũng chen vai.
Khen thay Nhật Bản nhân tài,
Từ đây danh dự còn dài về sau.

Cả bộ sử tấn hóa tự cường của Nhật Bản, cụ Tán Thuật mô tả thâu rút vào trong khuôn khổ mấy vần thơ khéo lắm.

[1]. Tức cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900. (BT)
[2]. Nguyễn Thuật, làm chức Tán tương quân vụ ở đời vua Hàm Nghi, sau bỏ nước đi qua Nhật Bản rồi về ẩn cư bên Tàu; tạ thế chừng ngoài mười năm nay. Cụ chính là nhạc phụ của Tôn Thất Thuyết. [Có lẽ tác giả bị nhầm, ở đây phải là Nguyễn Thiện Thuật mới chính xác. (BT)]
Nguồn: Học thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét