(PetroTimes) - Người Hàn Quốc nổi tiếng là chăm chỉ và làm thêm giờ đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của xứ sở kim chi. Tập quán này được nhiều thế hệ người Hàn tự hào, xem là một trong những động lực chính đưa nước này từ một nước lạc hậu, nghèo đói trong thập niên 60-70 của thế kỷ trước trở thành một quốc gia phồn thịnh như hiện tại. Tuy nhiên, theo thời gian, người Hàn đã có cách nghĩ khác về “văn hóa làm thêm giờ” và điều đó được thể hiện trong dự luật lao động sửa đổi mới giới thiệu ở nước này.
Năng lượng Mới số 296
Theo dự luật sửa đổi, số giờ làm việc tối đa trong một tuần, tính cả thứ Bảy, Chủ nhật, không được quá 52 giờ/tuần. Thời gian làm việc vào những ngày nghỉ cuối tuần sẽ được tính là giờ làm thêm, không giống như một “công việc kỳ nghỉ” riêng biệt được xác định theo pháp luật lao động hiện hành.
Hiện nay, ở Hàn Quốc có quy định chính thức cho phép làm việc không quá 68 giờ trong một tuần. Trong đó có 40 giờ làm việc bình thường, 12 giờ làm thêm và 16 giờ làm việc vào cuối tuần và những ngày lễ. Tất nhiên, 68 giờ là thời gian tối đa có thể trong một tuần làm việc. Trên thực tế, thời gian làm việc của người dân Hàn Quốc thường là ngắn hơn, nhưng họ vẫn làm việc rất nhiều. Bằng chứng là trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), không lao động nước nào có số giờ làm việc nhiều hơn lao động Hàn Quốc. Theo dữ liệu của OECD, năm 2012, thời gian làm việc hằng năm của những nhân viên được trả lương ở Hàn Quốc lên tới 2.163 giờ. Để so sánh, người Mỹ làm việc trung bình 1.790 giờ trong một năm, còn người Pháp chỉ làm 1.479 giờ/năm (ít hơn một lần rưỡi so với Hàn Quốc).
Người Hàn Quốc mệt mỏi với việc phải làm thêm giờ |
Tuy nhiên, bây giờ là thời đại khác. Dù Hàn Quốc vẫn có những vấn đề, nhưng, nói chung, đây là một quốc gia giàu có, thịnh vượng, với trình độ giáo dục cao và người dân nước này không có ý định cống hiến toàn bộ cuộc đời cho lao động.
Một mặt, điều đó không còn là nhu cầu thiết yếu: nạn đói không đe dọa ai. Mặt khác, người dân của các nước phát triển muốn nghỉ ngơi, đi du lịch, dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình. Nói chung, họ muốn có thời gian cho niềm vui trong cuộc sống.
Những thay đổi trong văn hóa lao động đang diễn ra cả theo sáng kiến, nguyện vọng của chính phủ và những người lao động. Những người cao tuổi vẫn có thói quen sống tại nơi làm việc. Nhưng, những người trẻ có thái độ khác đối với việc làm thêm giờ. Những bà vợ Hàn Quốc không chấp nhận tình hình khi người chồng trở về nhà chỉ vào cuối tuần. Họ muốn để người chồng về nhà vào khoảng 19-20 giờ, mà đó là điều không thể tưởng tượng được theo tiêu chuẩn của thế hệ cao tuổi. Vào buổi tối, người Hàn Quốc hiếm khi đến nhà hàng hoặc quán bia để nói chuyện thoải mái với các đồng nghiệp hoặc khách hàng. Ngày càng có nhiều nhân viên văn phòng trẻ Hàn Quốc làm theo gương đồng nghiệp Pháp hoặc Đức - cuối ngày làm việc họ đứng dậy, nói lời tạm biệt và thản nhiên đi về nhà.
Tất nhiên, đây chưa phải là thói quen của đa số người khi những người nắm quyền lực hiện tại ở các doanh nghiệp chủ yếu là những người đã từng trải qua chiến tranh, đói nghèo và phải lao động cật lực như người Nhật Bản vào thời kỳ nhảy vọt. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, vào năm 2012, 45% người Hàn Quốc đã làm thêm giờ. Tuy nhiên, trong tương lai, xu thế giảm giờ làm sẽ phát triển. Một khi kinh tế Hàn Quốc phát triển đến tầm cao và khi thế hệ thanh niên hiện nay nắm được một vị trí quan trọng trong công ty, lúc ấy văn hóa làm thêm giờ của người Hàn Quốc sẽ mai một.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích xu hướng này. Năm 2004, Bộ Lao động Hàn Quốc đã đưa ra chính sách làm việc 40 giờ/tuần đối với các công ty có hơn 1.000 nhân viên và quy định ngày thứ bảy là ngày nghỉ trong các tổ chức công cộng và các doanh nghiệp lớn. Bộ Y tế Hàn Quốc hồi tháng 1/2010 cũng ra thông báo yêu cầu tất cả các văn phòng mỗi tháng một lần phải tắt điện trước 19 giờ 30 nhằm khuyến khích các nhân viên về nhà sớm để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Dự luật lao động sửa đổi là bước tiếp theo hướng này - cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao hiệu suất lao động. Các lĩnh vực khác và cấu trúc xã hội của Hàn Quốc ngày càng giống châu Âu hơn.
Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Hàn Quốc? Chắc là cũng không có lý do đáng để lo ngại về điều đó. Hàn Quốc đã vượt qua giai đoạn khi số lượng lao động đóng vai trò quan trọng nhất từ lâu. Bây giờ điều quan trọng hơn là chất lượng và hiệu quả. Thực tiễn của các nước châu Âu với tuần làm việc ngắn cho thấy rõ rằng, để sống tốt, nên làm việc tận tâm và hiệu quả, nhưng không nhất thiết phải làm việc từ sáng đến tối.
Linh Linh (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét