8:00 AM | 15/08/2014 - Khỏe +
(SKGĐ) Thở là lẽ tự nhiên bình thường từ khi hình thành kiếp người. Nhưng có thể những gì bạn sắp đọc trong bài viết này sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng: “Hóa ra mình chưa biết thở”.
Thở bằng bụng không phải bằng ngực
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Dưỡng sinh Việt Nam (Hà Nội) cho biết, mọi người cứ nghĩ thở là đơn giản hít vào thở ra nhưng thực tế, cách thở thông thường của chúng ta không thuận theo cách tự nhiên mà bị chi phối bởi hành động, tâm lý, cảm xúc, sức khỏe…
Theo một quy luật tự nhiên, mọi đứa trẻ sinh ra đều thở bằng bụng tức là dùng cơ hoành vận khí. Cách thở này phát huy toàn bộ chức năng của phổi, nâng cao lượng ôxy cho cơ thể, và massage ngũ tạng giúp các cơ quan này thêm khỏe mạnh. Nhưng đa phần người lớn lại có thói quen thở bằng ngực do bị chi phối bởi tâm lý, lao động, sức khỏe… dẫn đến lượng không khí trong lành đến đáy phổi sẽ ít hơn làm giảm hiệu quả vận chuyển ôxy. Đồng thời thở ngực khiến cho phần đáy phổi xẹp dần dễ đến lượng khí ở vùng này “tù túng” không được thoát ra hết, chất chứa khí độc và vi khuẩn gây bệnh.
Vì vậy để thực hành thở bụng trong đời sống thường nhật, bạn nên cố gắng thổi phồng dạ dày khi hít vào và giữ cho ngực không chuyển dịch. Những người bình thường khi thở sẽ phập phùng trên ngực, nhưng người đã luyện tập thở bụng một thời gian thì sẽ dần có phản xạ thở bụng. Vì vậy, mỗi ngày bạn luyện tập đều đặn phương pháp thở bụng này sẽ hình thành phản xạ thở đúng.
Dùng mũi không dùng miệng
Ai cũng biết mũi sinh ra để thở nhưng nhiều người có thể vì thói quen, có thể vì bất đắc dĩ (nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang…) mà vẫn phải thở bằng miệng. Số khác lại do lao động mệt, không kìm chế được nên thở bằng miệng để “giải quyết tức thì” nhu cầu ôxy của cơ thể. Sự thật thở bằng miệng có thể khiến bạn bị nhiễm khuẩn, cơ quan ngũ tạng nhiễm lạnh.
“Khi hơi thở ‘lạc lối’ thì tâm trí cũng không ổn định.Nhưng khi hơi thở bình tĩnh thì tâm trí cũng sẽ tĩnh tại, và cuộc sống sẽ kéo dài. Vì thế điều đầu tiên là nên học cách kiểm soát hơi thở”. —Svatmarama |
Giải thích cho điều này, BS. Nguyễn Tấn Trí, tác giả cuốn sách Yoga sức khỏe và hạnh phúc phân tích, nếu thở bằng miệng, khí hít vào không được lọc sạch nên mang nhiều mầm bệnh. Còn cấu tạo của mũi có màng nhầy lọc khí ngăn ngừa vi khuẩn và dị nguyên nên bảo vệ cơ thể. Hơn nữa, thở bằng mũi thì không khí được đi qua một quãng đường dài hơn, được sưởi ấm bằng thân nhiệt nên không làm cho các cơ quan nội tạng bị “choáng” và lạnh.
Thở bằng miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hình dáng miệng, ngực và cơ quan hô hấp trên. Hệ lụy là khứu giác giảm, răng hở, hàm vâu, tăng kích thước amidan… Để thở bằng mũi thì mỗi người nên tự hình thành thói quen ngậm miệng, hít hơi từ mũi; khi có bệnh về hô hấp nên điều trị ngay, không lạm dụng dùng miệng để thở.
Làm việc cũng cần thở sâu
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng thở sâu chỉ thực hiện được khi thư giãn, tỉnh táo, còn khi làm việc thì luôn thở ngắn, thở gấp. Không ít người vì làm việc quá tập trung nên quên thở, thở ít. Điều đó dẫn tới hiện tượng mệt mỏi, stress, ngáp và hơi thở dốc, làm việc không hiệu quả. Hiện tượng nhịn thở để làm việc tưởng chừng tiết kiệm thời gian nhưng thực chất càng làm hiệu quả công việc giảm sút vì não bộ đã bị hạn chế ôxy, khí độc trong cơ thể không được tống hết ra ngoài.
Khi thấy dấu hiệu ngáp nhiều, bạn nên dừng lại công việc, hít hơi thật sâu và thở ra từ từ. Để tiết kiệm thời gian lại nâng cao hiệu quả thở thì bạn nên ra ngoài ban công, kết hợp với động tác chân tay, ưỡn ngực ra trước.
Chỉ tập thở khi tâm thanh thản
Tập thở đang ngày càng trở nên thu hút, từ người già tới thanh niên nhằm tạo ra phản xạ thở đúng và giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Bài tập thở 4 [xem bên dưới] khuyến khích người ta thở sâu, thở bằng bụng và nhịp nhàng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hoài, Chủ nhiệm câu Lạc bộ Thiền và Yoga Tây Tạng (Hà Nội) không phải cứ thở sâu là tốt, nếu thở sâu khi tâm không thanh thản sẽ làm loạn khí huyết, sinh bệnh tật, thậm chí gây tẩu hỏa nhập ma (thân, tâm không nhất trí với nhau).
Vì vậy, bạn chỉ được thực hành bài tập thở khi đã thư giãn, ở nơi không khí thoáng đãng và trong lành. Một số người chưa biết kỹ thuật, cố thở sâu thì phế nang căng đầy nhưng vẫn đuối hơi, cơ thể không cảm thấy sảng khoái và không khỏe mạnh. Thực hiện không đúng kỹ thuật có thể dẫn tới ngộp thở, nhức đầu, buồn ngủ…
Bài tập thở về cơ bản được giữ nguyên nhưng thời lượng và tư thế tập cần được điều chỉnh phù hợp với thể trạng, tuổi, bệnh lý để tránh gây tác dụng ngược. Ví như đối với người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch nặng khi tập động tác này không nên cúi xuống hoặc nín hơi nhiều, chỉ cần đứng thẳng người và thở vào thở ra nhẹ nhàng. Vì vậy, mỗi người không nên tự ý tập thở mà cần tham khảo chuyên gia để có hướng dẫn cho từng đối tượng.
Hướng dẫn cách thở Bài tập thở 4 thì của cố GS.BS. Nguyễn Văn Hưởng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế là bài tập thở đơn giản, phổ thông tại các lớp dạy thở hiện nay. Trọng tâm của phương pháp là luyện thần kinh, để chủ động hai quá trình ức chế và hưng phấn nhằm an thần, đồng thời tạo hơi thở càng ngày càng mạnh lên giúp khí huyết lưu thông tốt, không bị ứ trệ: Tư thế tập: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8cm, tay trái đặt trên bụng, tay phải đặt trên ngực, nhắm mắt chú ý vào việc tập thở. <Thì 1> Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và cứng, hít vào cho bụng nở ngực căng nhằm cho không khí đến tận cùng phế nang, máu về tim phổi dễ dàng. Yêu cầu bụng phình song phải cứng nghĩa là các cơ bụng, cơ hông, cơ đáy chậu phản ứng trở lại cơ hoành để kìm phủ tạng không bung ra. <Thì 2> Giữ hơi, cơ hoành và các cơ lồng ngực đều co thắt tối đa, thanh quản mở, giơ chân dao động rồi để chân xuống. Để tập động tác này, sau thì 1, bạn hãy cố hít thêm tối đa. <Thì 3> Thở ra thoải mái, tự nhiên, không kìm, không thúc. Tất cả các cơ hoàn toàn buông xuôi. Thở ra tự nhiên, thoải mái, nhờ sức nặng và tính đàn hồi của ngực bụng làm cho nó xẹp xuống; chỉ thở ra ở mức gần triệt để (không ép bụng, ép ngực để thở ra triệt để). Cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu, khỏe khoắn. <Thì 4> Thư giãn hoàn toàn, có cảm giác nặng và ấm. Trong kỹ thuật thở này, thời gian của 4 thì khoảng 4-6 giây. Nhịp thở ban đầu khoảng 15 lần/phút, về sau giảm xuống còn 12 lần, 10 lần, 8 lần… Bài tập sẽ hiệu quả cao hơn khi được thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày, mỗi lần 10-15 phút. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét