Thứ năm, 13/11/2014 | 12:21 GMT+7
Dân phượt mê mẩn hệ sinh thái hang Sơn Đoòng
Cho rằng giá trị thật sự của Sơn Đoòng không phải là hang động lớn nhất thế giới mà là sự nguyên thủy bên trong lòng hang, nhiều phượt thủ lo lắng việc xây cáp treo có thể phá vỡ hệ sinh thái đặc biệt này.
Dù đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Bình khi tổ chức buổi họp báo để trả lời những vấn đề mà dư luận quan tâm về cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó ga số 2 cách cửa hang Sơn Đoòng 300 m, chị Lê Nguyễn Thiên Hương, 27 tuổi, ở TP HCM bày tỏ quan điểm không đồng tình xây cáp treo vào hang.
Vừa có chuyến trải nghiệm Sơn Đoòng trong 7 ngày 6 đêm với 8 người khác, chị Hương cho rằng nhiều người tìm đến chỉ vì tò mò Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới chứ không thật sự là mong muốn khám phá và nếu đúng như vậy thì thật là uổng phí. Bởi giá trị lớn nhất của nó không nằm ở danh hiệu này mà ở sự nguyên thủy bên trong lòng hang.
Chị Lê Nguyễn Thiên Hương (mặc áo đỏ) trong chuyến du lịch Sơn Đoòng. Ảnh: NVCC.
|
"Sơn Đoòng ở đẳng cấp hoàn toàn khác", chị Hương nhấn mạnh và cho biết nếu như các hang khác ít nhiều có dấu vết con người như Hang Tôn của Tú Làn (Quảng Bình), hang Mogua của Trung Quốc, thì Sơn Đoòng chưa hề có dấu chân con người trong 5 triệu năm qua.
Theo mô tả của chị, cửa trước hang nằm khuất trong góc nhỏ ẩn dưới nhiều tảng đá lớn. Từ cửa xuống hang gần như góc thẳng 80 mét, tương đương với tòa nhà 25 tầng. Cửa sau nằm chơi vơi lưng chừng núi, và nếu vào từ cửa sau thì mọi người sẽ bị chặn bởi "Vạn lý trường thành Việt Nam" ( Great Wall of Viet Nam) hơn 60 mét.
"Đẳng cấp" của Sơn Đoòng theo chị Hương còn thể hiện ở hệ sinh thái tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là ở sâu bên trong hang có hệ động vật mù và hệ động vật bạch tạng chưa từng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vào ban đêm, ở bãi cắm trại số 2 "Beach Camp" khách du lịch thường nghe thấy tiếng của loài chim, nhưng giới khoa học chưa biết đó là loài gì.
Thế giới ngầm này còn có thảm thực vật phát triển rậm rạp. Những cây dương xỉ - loài đầu tiên có thân và lá trong chuỗi tiến hóa của thực vật - cho thấy sự nguyên sơ của Sơn Đoòng.
"Cả thế giới ngầm bí ẩn và tách biệt với loài người là điều tôi mơ ước từ lâu và đến nay tôi mới được khám phá", chị Hương nói và cho rằng nếu có cáp treo cùng với lượng khách lên tới hàng nghìn người thì đâu còn những dương xỉ, động vật bạch tạng nữa mà thay vào đó là tiếng ồn, là ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái của di sản sẽ bị phá hủy.
Cách đây hai tháng, Trung Quốc từng cho rằng, hang Miao của họ là lớn nhất thế giới, nhưng thực tế nó chỉ đạt 10,8 triệu m3, trong khi Sơn Đoòng 38,5 triệu m3. "Nếu ai đó muốn đến Sơn Đoòng chỉ vì danh hiệu là cái hang lớn nhất thế giới thì mong đừng đến. Nếu không muốn vất vả, bạn hãy đến hang Phong Nha hay Thiên Đường cùng nhiều hang động khác ở Việt Nam", chị nói thêm.
Theo chị Hương, Quảng Bình có rất nhiều thắng cảnh khác có thể quảng bá và phục vụ du lịch. Nếu ai muốn trải nghiệm thật ở Sơn Đoòng chắc chắn họ thích loại hình du lịch mạo hiểm hiện nay, còn ai đó thích du lịch nhàn nhã thì có thể tìm đến nơi khác.
81% độc giả VnExpress không đồng ý với quan điểm xây dựng cáp treo của Quảng Bình.
|
Một số khách du lịch từng đến Sơn Đoòng cũng phản đối ý định xây dựng cáp treo của Quảng Bình. Anh Lê Thanh Tùng ở TP HCM, người vừa thực hiện chuyến đi vào tháng 6 năm nay cho rằng, bài học cáp treo từ các nơi như Bà Nà vẫn còn đó. Ngay cả hang Thiên Đường hay động Phong Nha ở Quảng Bình nếu ai từng đến đây sẽ chỉ thấy mùi hôi khó chịu từ môi trường xung quanh.
Cáp treo được xây dựng đồng nghĩa với việc số lượng người đến ngày càng đông và hiển nhiên theo anh Tùng, di sản sẽ bị ảnh hưởng. "Tôi vẫn còn nhớ trong chuyến đi vừa rồi, khi tới hồ nước nhỏ, các chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đã không cho phép tôi đụng tay vào đó vì sợ mồ hôi ở tay có thể làm xáo trộn môi trường sống. Điều này cho thấy Sơn Đoòng đang được bảo tồn rất tốt", anh Tùng kể.
Anh Tùng cũng cho rằng, ở Quảng Bình đâu chỉ có Sơn Đoòng mà còn có nhiều hang khác để phát triển du lịch như Tú Làn. Anh cho biết, các nước trên thế giới rất hạn chế xây dựng cáp treo, đưa du khách vào di sản thiên nhiên.
"Không phải nhà có cái gì là mang ra cho người khác chiêm ngưỡng, mà tôi chỉ mang ra với những người thật sự biết giá trị, hiểu và trân trọng nó", anh Tùng ví von và nói: "Nếu bị khai thác cạn kiệt thì làm gì còn ai tới đây nữa".
Nhà báo Thái A từng đến Sơn Đoòng cũng lên tiếng không tán đồng ý định xây cáp treo, vì lo ngại nếu làm du lịch đại trà di sản sẽ bị tàn phá.
Trên trang web thepetition.com lấy ý kiến về chiến dịch "Stop the Construction: Save the Son Doong Cave" (tạm dịch là Dừng xây dựng: Hãy cứu lấy hang Sơn Đoòng) đã lấy được chữ ký online của gần 64.000 cá nhân phản đối việc xây dựng tuyến cáp treo qua hang động đặc biệt này.
|
Với loại hình du lịch mạo hiểm hiện có ở Sơn Đoòng, những vị khách từng tham gia đều nhận định giá 3.000 USD mỗi người là không đắt. Bởi khi tham gia, họ được chăm sóc và đảm bảo sức khỏe bởi một đội ngũ nhân viên đông đảo, đồng thời cũng thực hiện việc bảo tồn Sơn Đoòng.
Theo thống kê của công ty Oxalis, đơn vị đang thực hiện các tour khám phá hang động Sơn Đoòng, từ đầu năm đến nay có 243 người trải nghiệm. Trong đó, 5 người quay về (2 người hủy tour; 3 người không đảm bảo sức khỏe và các chuyên gia khuyên không nên đi tiếp). Quá trình đi lại, mọi người có thể bị xước tay chân nhẹ chứ không thương tích quá nguy hiểm.
Hương Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét