Tác·giả: Đoàn Hưng Quốc
Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Chủ nhật, 09 Tháng 11 2014.
Ông Obama đặt nền móng cho chính sách chuyển trục nhưng không hiểu như thế nào mà số ông vô cùng lận đận mỗi lần chuẩn bị công du sang châu Á. Tháng 11 năm nay ông đến khu vực lúc vừa thua trận thảm bại trong kỳ bầu cử năm 2014 khi đối thủ đảng Cộng Hoà thắng lớn tại cả Thượng lẫn Hạ Viện, khiến thế giới và dân Mỹ thắc mắc liệu ông có trở thành Tổng Thống “vịt què” (lame duck) khặp khểnh đi lòng vòng kêu ngoạc ngoạc mà chắng ai thèm quan tâm! Năm 2013 Obama đã phải hủy bỏ chuyến công du tháng 10 do thương lượng ngân sách giữa Hành Pháp và Lập Pháp bị bế tắc. Tháng 9-2011 chuyến công du Á Châu bị lu mờ vì chiến tranh Do Thái và Palestine trong cùng thời gian. Tháng 3 và tháng 6-2010 ông hoãn viếng thăm Indonesia liên tiếp hai lần để lo vận động cho chương trình bảo hiểm sức khỏe Obamacare, rồi đến vụ nổ nhà máy dầu vùng biển Louisiana.
Trong khi đó thì Trung Quốc tấn công ráo riết về ngoại giao và kinh tế trước mỗi lần họp Thượng Đỉnh nên có mòi sẽ thắng lợi năm nay. Vào tháng 10-2014 Bắc Kinh đã vận động 21 quốc gia (trong số đó có Việt Nam) ký kết thành hình Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Development Bank) với số vốn ban đầu từ 50-100 tỷ USD khi ra mắt vào năm 2015. Hoa Kỳ chống đối và can ngăn Úc, Nam Hàn và Indonesia không tham dự vì dự án này sẽ trở thành đối thủ của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) do Tây Phương hình thành từ sau Thế Chiến Thứ 2. Nhưng Á Châu hiện đang có nhu cầu 8000 tỷ USD để phát triển hạ tầng, nếu Bắc Kinh mở rộng hầu bao thì không thiếu lý do thu hút chú ý cho dù biết rằng sẽ đi kèm với những điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc cũng tương tự như Hoa Kỳ với World Bank và IMF.
Bên cạnh đó Bắc Kinh vận động thành hình Khu Vực Tự Do Mậu Dịch Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP) gây khó khăn cho Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Hoa Kỳ. Tiến trình thảo luận TPP vốn bị trì trệ nhiều lần vì các đối tác Mỹ, Nhật, Việt Nam, v.v… đều có những thị trường cần được bảo vệ, nay đảng Cộng Hòa nắm đa số trong cả Thượng lẫn Hạ Viện thì các nước lại càng thêm dè dặt e rằng thương thảo xong với Hành Pháp Obama thì lại bị Quốc Hội Cộng Hòa chống đối bác bỏ! Hơn thế Trung Quốc dù phát triển chậm đi nhưng nếu không suy sụp vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực qua mặt Hoa Kỳ với tương lai không xa.
Về ngoại giao Bắc Kinh đạt được thắng lợi quan trọng khi Nhật có vẽ đã nhượng bộ công nhận giữa hai nước có tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Senkaku / Điếu Ngư để có được cuộc gặp bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC giữa Chủ Tịch Tập Cận Bình và Thủ Tướng Abe. Dù ngôn ngữ ngoại giao rất tế nhị chỉ ghi nhận “bất đồng” nhưng thực chất như thế này cho dễ hiểu: từ trước đến giờ đất trong vườn sau nhà là của tôi nên chẳng cần tranh cãi với ai gì cả, vì rành rành cái đó là của tôi; nay phải nhìn nhận rằng anh láng giềng cũng đang dòm ngó muốn lấn đất, tức là thế thương thuyết bị lấn cấn yếu đi rất nhiều. Nguyên nhân nhượng bộ có lẽ một phần vì kinh tế Nhật đang kiệt quệ - hai tuần trước đây Ngân Hàng Trung Ương lại phải tung ra một gói kích cầu khổng lồ - nên lúc này Nhật đang cần đến thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Thực tế là các nước châu Á đều đi nước đôi tức vừa muốn buôn bán với Trung Quốc nhưng đồng thời cần Hoa Kỳ che chở về an ninh để không bị bắt nạt quá đáng. Nhưng kế hoạch chuyển trục của Mỹ bị chê là quá chậm trong khi Hoa Kỳ đang phải lung túng đối phó trên ba mặt trậnUkraine – Afghanistan – ISIS. Đảng Cộng Hòa nay thắng cử nên dự trù Thượng Nghị Sĩ John McCaine sẽ nắm chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng, trong khi có tin đồn Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel sắp bị mất chức đành phải hủy bỏ chuyến công du sang Việt Nam. Ông McCaine đã từng vận động thành công để bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng ông đồng thời lại đòi Mỹ phải viện trợ quân sự cho Ukraine, dội bom Syria, đem quân đánh ISIS v.v… nghĩa là cứ đánh nhau từ Đông sang Tây đến khi hết tiền thì vay nợ của Tàu để đánh tiếp mà không rõ ông có đặt trọng tâm nơi khu vực nào hay không.
Nhật, Nam Hàn, Đài Loan phần nào an tâm về sự bảo đảm của Hoa Kỳ vì chính họ là những nước giàu mạnh nên Mỹ không thể bỏ rơi. Phi Luật Tân yếu nhưng nằm xa ngoài biển nên Mỹ muốn bảo vệ cũng không khó. Indonesia và Mã Lai đông dân Hồi Giáo lại ở xa không dễ bắt nạt. Chỉ có Việt Nam vừa nằm sát Trung Quốc, trơ trọi lại què quặt nên bắt buộc phải tìm chỗ dựa nơi Mỹ cho dù biết rằng Hoa Kỳ không đứng thế mạnh nên khó lòng cạnh tranh với Hoa Lục trên địa bàn Đông Dương, giữa hai nước lại không thể nào trở thành đồng minh và Hà Nội cũng không thể biết sẽ được Hoa Kỳ hậu thuẫn đến mức nào. Lý do chính vì Việt Nam trễ nải 25 năm mê ngủ trước tham vọng của Trung Quốc, lại trì trệ không phát triển nên nay dù vội vã tìm cái phao cứu vớt nhưng vẫn là miếng mồi ngon của Bắc Kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét