•19:14 - 31 tháng 8, 2014
Sau gần 2 năm điều tra, thu thập các tư liệu để chứng minh những điểm “mập mờ” trong các câu chuyện được sử dụng như căn cứ chắc chắn chứng minh cho khả năng ngoại cảm siêu việt của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, PV đã được bà Hằng chủ động liên hệ gặp để đưa ra những lời giải thích. Tuy nhiên, những lời giải thích này lại càng khiến cho những câu chuyện mà bà Hằng kể ra trước đó thêm khó tin...
Bài 1: Không ai làm chứng cho câu chuyện bà Hằng "bị chó dại cắn"
Câu chuyện đầu tiên mà PV lần theo chính là sự kiện về đám tang ở tuổi 17 của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sau khi Hằng bị chó dại cắn. Có thể nói, lần chết đi sống lại này là bước ngoặt khai sinh ra một “huyền thoại ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng ngày hôm nay.
Câu chuyện đầu tiên mà PV lần theo chính là sự kiện về đám tang ở tuổi 17 của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sau khi Hằng bị chó dại cắn. Có thể nói, lần chết đi sống lại này là bước ngoặt khai sinh ra một “huyền thoại ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng ngày hôm nay.
PV đã tập trung vào các tình tiết được nhiều người biết đến và vẫn tin tưởng: Có thực sự bà Bích Hằng bị chó dại cắn chết? Đám tang với các tình tiết bố bà Bích Hằng – một vị đại tá quân đội (như lời bà Hằng giới thiệu) đã bắn 7 phát súng lên trời để tỏ lòng thương tiếc con gái có thật hay không? Có hay không chuyện ông lang Rồng – người đã bốc thuốc bằng gỗ ván thôi cho bà Hằng uống để trị những cơn dại do chó dại cắn? Người bạn gái học cùng bà Hằng cũng bị chó dại cắn và qua đời trước khi bà Hằng chết lâm sàng có thật hay không?
Gặp những nhân chứng về chuyện bà Hằng bị chó dại cắn
Để trả lời hàng loạt câu hỏi mang tính quyết định này, PV đã mất nhiều ngày tìm về xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (quê nhà của bà Phan Thị Bích Hằng) để tìm những chứng cớ thuyết phục. Tuy vậy, khi tìm hiểu, hỏi chuyện những người hàng xóm gần nhà bà Hằng gần như không hay biết về đám tang của một cô gái trẻ với những phát đạn chát chúa từ người bố - vị đại tá quân đội. Bà Phạm Thị Cạnh, một người hàng xóm sống cách nhà của Bích Hằng chưa đầy 300m, có con trai học cùng cấp 3 với bà Bích Hằng khẳng định như đinh đóng cột: “Đám tang nào nhỉ? Tôi không biết! Cái Hằng nó có chết thực vật hồi nào đâu mà bảo nó có đám tang?”.
“Ngày xưa, tôi và Bích Hằng có học cùng một lớp nhưng quả thực về việc chết hụt của cô ấy và đám tang như lời anh kể thì tôi không biết gì” - anh Thuần, con trai của bà Cạnh tiếp lời. Anh Thuần cũng khẳng định lớp mình học – cũng là lớp của bà Bích Hằng - không có bất kỳ bạn nữ nào bị chó dại cắn chết. Đây cũng là lời khẳng định của thầy Nguyễn Tử Nhiên, giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp III của bà Phan Thị Bích Hằng và anh Thuần (khóa lớp A2 khóa 1986 – 1988 tại Trường cấp 3 Yên Khánh B). Anh Vũ Văn Chinh, học trò cũ của thầy Nhiên và là bạn cùng lớp cấp 3 với Bích Hằng cũng khẳng định: “Lớp tôi học không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
Về chuyện chữa trị bệnh chó dại cắn, bà Hằng có kể lại trong clip được đưa lên mạng và nhiều người theo dõi rằng: Gia đình đưa cô đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song các bác sĩ, thầy lang đều lắc đầu, bởi bệnh này từ xưa đến nay không ai chữa khỏi. Khi đến nhà một ông thầy lang theo Thiên chúa giáo, ông xem xét kỹ biểu hiện cơ thể rồi nói một câu an ủi: “Chúa lòng lành sẽ che chở cho con”. Sau đó, ông bảo người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván (ván thôi) người ta vừa bốc lên hôm trước, rồi bào chế với vài vị thuốc. Để giành giật lại sự sống, gia đình đã cho cô uống ngay vị thuốc khủng khiếp này và quả nhiên, cô qua khỏi cơn nguy kịch.
Để kiểm chứng thông tin ông lang Rồng, người đã bốc vị thuốc có gỗ ván thôi tại nghĩa địa cho bà Bích Hằng uống, trong vai một người có người nhà bị chó dại cắn, PV đã khẩn khoản nhờ bà Thọ, mẹ bà Bích Hằng: “Cháu đọc báo thấy bảo cô Bích Hằng nhà mình từng bị chó dại cắn, nhưng nhờ được một ông lang cho uống vị thuốc lạ có gỗ ván thôi nên qua khỏi cơn nguy kịch. Cháu mong bà chỉ giúp cháu địa chỉ của ông lang đó để cháu tới xin thuốc cứu người nhà”. Trả lời, bà Thọ chỉ nói ngắn gọn: “Ông lang đó là ông lang Rồng, nhà ở Ninh Sơn, Ninh Bình. Nhưng tiếc là ông ấy chết được mấy năm rồi”.
Quyết tìm hiểu tới cùng, theo lời chỉ dẫn của bà Thọ, PV đã tìm đến phường Ninh Sơn, TP.Ninh Bình. Đúng như lời bà Thọ nói, ông lang Rồng đã qua đời từ mấy năm trước. Khi tìm đến hiệu thuốc mang tên ông lang này, đang được quản lý bởi anh Phạm Văn Hà, con trai thứ hai của ông lang Rồng, PV được anh Hà cho biết: "Đúng là bố tôi có chữa chó dại cắn cho chị Bích Hằng. Nhưng chị Bích Hằng chưa hề đến nhà tôi mà chỉ có người nhà của cô ấy đến lấy thuốc mà thôi. Và bố tôi cũng không phải là người theo đạo Thiên chúa". Anh Hà cũng thừa nhận: “Thuốc chữa dại mà bố tôi bốc cho Bích Hằng có cả vị gỗ ván thôi”. Sau khi chết hụt, trong câu chuyện mang màu sắc huyền bí của mình, nhiều lần bà Hằng khẳng định mình có khả năng biết trước cái chết sẽ đến với một số người như ông Vũ Văn Trác, Bùi Văn trai...
Để xác minh những chuyện này, PV đã gặp vợ, con của ông Trác và ông Trai. Những người trong gia đình này đều khẳng định chồng, cha họ mất vì bạo bệnh và thời gian mất khác xa so với lời kể của bà Hằng. “Theo lời chị Hằng, bố chồng tôi sẽ chết trước ngày 15.7. Tuy nhiên, thông tin này không đúng vì bố tôi mất vào ngày 14.4.1989. Bố tôi mất là do trước đó bị bệnh lao” - một người con của ông Vũ Văn Trác nói.
“Đúng là ông nhà tôi đã mất. Tuy nhiên, tôi đọc báo thì thấy Bích Hằng bảo ông ấy sẽ chết vào tháng Giêng, cụ thể là ngày 24. Nhưng ông nhà tôi mất vào ngày 16.5.1990 tại BV 108. Khoảng 5 tháng trước khi ông nhà tôi mất, do bệnh của ông diễn biến quá nặng quá nên gia đình đã phải đưa ông lên Viện Quân y 108 để chữa trị” - bà Phạm Thị Cạnh, vợ ông Bùi Văn Trai kể lại.
Tiếp tục lần theo những đầu mối thông tin, PV tìm đến nhà ông Phan Văn Khải, chú ruột của Phan Thị Bích Hằng. Nhà ông Khải cũng sát nhà bà Bích Hằng. Trong câu chuyện của mình, Bích Hằng từng khẳng định: “Nhà ông chú ruột tôi ai cũng bị bệnh kỳ lạ, teo một bên chân, nghẹo một bên đầu, hoàn toàn về bên phải”. Khi phóng viên đến, ông Khải không có nhà mà chỉ có người vợ và anh con rể người Nam Định ở nhà. Bà này khẳng định: Nhà tôi không có ai bị teo chân, nghẹo cổ cả. Chỉ có tôi bị viêm đa khớp và đau ở chân vào khoảng năm 2004. Tuy nhiên, mẹ của Hằng đã cho mấy viên thuốc được mua từ bên nước ngoài về, tôi uống rồi khỏi liền.
“Tôi không dám chắc là mình bị chó dại cắn chết”
Mở đầu câu chuyện với PV, bà Phan Thị Bích Hằng bày tỏ quan điểm: “Tôi được nghe là bạn về quê tôi tiến hành điều tra. Nếu cần gì, bạn cứ liên lạc với tôi để trao đổi. Tôi sẵn sàng hợp tác cho công tác điều tra. Là một nhà ngoại cảm chân chính, tôi cũng rất bức xúc với những người dùng ngoại cảm để bịp bợm, kiếm tiền”.
Ngay sau lời mở đầu đầy thiện chí của bà Hằng, PV đề cập với bà Hằng về những nghi vấn xung quanh cái chết của bà: Việc bà bị chó dại cắn và chết lâm sàng có thật hay không? Ai là người trực tiếp tham gia vào việc chữa trị? Ai là người chứng kiến cái chết? Bà Hằng cho hay: "Ngày đó, tôi bị con chó nhà hàng xóm cắn. Một thời gian sau tôi bắt đầu có dấu hiệu lên cơn dại. Nhà tôi đã chạy chữa khắp nơi. Có hai ông lang đã chữa bệnh cho tôi là ông lang Rồng và cụ Trương An. Cụ Trương An là người theo đạo đã nói câu: “Chúa lòng thành sẽ ban phước lành cho con”.
So với các câu chuyện đã kể, đây là lần đầu tiên tên của những vị thầy thuốc đã chữa bệnh chó dại cắn được bà Hằng tiết lộ. Cũng theo lời Bích Hằng, bà cũng không dám khẳng định là mình bị chó dại cắn chết. “Biết đâu là do uống thuốc, do bị sốc vì ảnh hưởng từ cái chết của người bạn thân?”- bà Hằng nói.
“Vào cái đêm tôi bị chết lâm sàng, lúc tôi bắt đầu lên cơn là 9 giờ tối. Lúc đó, chỉ có mấy người trong nhà biết với nhau gồm cụ, 2 người anh em của bố mẹ tôi là bác Phạm Văn Miên, bác Tranh. Có một người nữa gia đình cũng tìm đến khi có chuyện là cụ Ký người cùng làng. Nhưng bây giờ cụ đã chết”- vẫn lời bà Hằng.
Khi PV đặt câu hỏi: Tại sao cái chết của cô người làng lại rất ít biết, ngay cả những người thân như dì ruột cũng không nhớ? Bà Hằng trả lời: Lúc đó, trời rất tối, gia đình lại không muốn chuyện lan rộng. Bà dì ruột không được cho biết vì bà là người rất ốm yếu, dễ bị sốc (?).
Một thông tin cũng đáng lưu tâm là việc ông Thọ, bố bà Hằng đã dùng súng bắn nhiều phát lên trời khi con gái mình bị chết, tuy nhiên, việc này lại không hề kinh động tới xóm làng dù lúc đó là 7 giờ sáng. Lý giải về điều này, bà Hằng khẳng định: “Lúc đó, bố tôi là quân dự bị hạng nhất, có mang súng theo người. Việc bắn súng là có thật”. Khi PV hỏi sau chuyện đó, ông Thọ có bị kỷ luật không thì bà Hằng cho biết: “Không! Có thể mọi người nghe hơi khó tin, thấy vô lý nhưng sự thật là như vậy!” - bà khẳng định lại.
Không chính xác 100% đâu có làm tổn hại tới ai?
Tiếp tục câu chuyện, PV đặt câu hỏi xung quanh những cái chết được Bích Hằng dự đoán. Nhà ngoại cảm này thừa nhận trường hợp của ông Bùi Văn Trai và Vũ Văn Trác không trùng hợp với thời gian chết thật của hai nhân vật này. “Tôi chỉ nhớ một người chết vào mùa đông, một người chết vào mùa hè. Trong lúc nói chuyện, có thể do tôi hưng phấn nên không nhớ đúng về mặt thời gian” - Bích Hằng giải thích.
Tuy nhiên, trong câu chuyện mà Bích Hằng từng nói vào năm 2004 về đề tài ngoại cảm trước đông đảo công chúng và giới ngoại cảm, bà đã từng nhắc rất cụ thể về thời điểm chết của hai người này đến từng giờ, từng ngày: “Cuộc sống cứ như thế trôi qua, đến ngày truyền thanh 3 cấp của xã đọc tin cáo phó cụ Vũ Văn Trác chết hồi 2 giờ chiều ngày 15.7 cả làng mới ngã ngửa ra. Thời gian tôi nói và thời gian ông mất quá gần”. Trường hợp ông Bùi Văn Trai được Bích Hằng nói rõ là mất ngày 24 tháng Giêng. Tuy nhiên, theo gia đình thì ông Trác mất vào ngày 14.4.1989.
Ngoài ra, cả hai gia đình của hai người đã khuất trên đều nói là hai người này bị bệnh nặng trước khi chết. Riêng ông Trác đã nằm viện 5 tháng trước khi mất. Điều này khác hoàn toàn với lời Bích Hằng nói họ là những người hoàn toàn khỏe mạnh.
Như để biện hộ thêm cho những sự sai lệch này của mình, bà Hằng cho rằng: “Đó là những câu chuyện thuộc về quá khứ. Tôi không làm công trình khoa học, cũng có trình bày với cơ quan pháp luật đâu mà phải chính xác tuyệt đối. Nó có thể du di, nhưng nó có làm hại tới ai đâu?”.
Về cô bạn cùng làng bị chó dại cắn chết, bà Bích Hằng đã “làm mới” lý lịch của nhân vật này khi đính chính lại: Đó không phải là cô bạn cùng lớp mà là cô bạn cùng đội ôn thi học sinh giỏi. Người bạn này không ở cùng làng mà ở xã bên cạnh.
“Khi cô kể câu chuyện đó là năm 2004, người bạn này đã chết. Khi cô nhắc về người bạn này, cô của người bạn này đã cầm một tờ báo sang và nói đừng nhắc lại về cái chết của cháu gái cô ấy vì gia đình rất đau buồn. Hơn nữa, theo gia đình bên đó thì chưa hẳn người bạn này chết vì bệnh dại”- Bích Hằng giải thích.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị bà Hằng cung cấp thông tin cụ thể về nhân thân người bạn kia để PV xác thực lại câu chuyện thì bà Hằng đã từ chối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét