Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Về phương·pháp phân·tích câu theo cấu·trúc vị·từ - tham·thể

Tác·giả:  TS. Trần·Kim·Phượng
Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội
(E-mail: tkphuong70@yahoo.com)

Tóm·tắt:
Một câu tiếng Việt hiện nay có thể được phân tích theo bốn phương pháp: (1) theo cấu trúc chủ - vị (ngữ pháp truyền thống), (2) theo cấu trúc vị từ - tham thể (ngữ pháp ngữ nghĩa), (3) theo cấu trúc đề - thuyết (ngữ pháp chức năng), và (4) theo cấu trúc nêu - báo (lý thuyết thông tin). Trong số bốn phương pháp trên thì phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể là phương pháp ra đời tương đối muộn, bề dày lý thuyết chưa nhiều. Phương pháp này có được giảng dạy ở bậc đại học nhưng với số tiết khiêm tốn, do vậy, sinh viên thường lúng túng khi phải thực hiện nó. Chúng tôi viết bài báo này với mục đích giúp sinh viên và những người quan tâm hiểu sâu sắc hơn về phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể. Đặc biệt, chúng tôi giới thiệu một cách chi tiết các bước tiến hành phân tích câu theo phương pháp này cũng như ưu điểm, nhược điểm của nó. Một điểm mới nữa của bài viết chính là ở phần so sánh: phương pháp này sẽ được so sánh với phương pháp phân tích câu truyền thống - phân tích câu theo cấu trúc chủ - vị.

Những kết·luận chính:
  • Phân tích câu theo cấu trúc vị từ tham thể là một hướng phân tích câu theo lối mới. Ưu điểm chính của nó là phản ánh được mặt nghĩa học của câu, làm rõ mối liên quan giữa nội dung câu với thực tế khách quan. Nhược điểm chính của nó là không làm rõ được đâu là thông tin mới trong câu.
  • Có 4 bước tiến hành phân tích câu theo cấu trúc này: (1) xác định vị từ trung tâm; (2) tìm các tham thể; (3) xác định tham thể bắt buộc và tham thể mở rộng; (4) ghi tên các tham thể. Trong các bước này thì bước (4) là khó thực hiện nhất.
  • Có những sự tương ứng nhất định giữa cấu trúc vị từ - tham thể và cấu trúc chủ -vị. Do vậy, người học có thể sử dụng những hiểu biết của mình về cấu trúc chủ -vị để suy ra cấu trúc vị từ - tham thể.
Summary: 
About the method of analyzing sentence with structure predicator - arguments
Now, one Vietnamese sentence can be analyzed with four methods: (1) analyze sentence with structure subject - predicate (traditional grammar), (2) analyze sentence with structure predicator - arguments (semantical grammar), (3) analyze sentence with structure topic – comment (functional grammar), (4) analyze sentence with structure topic – comment (actual division of the sentence). The method of analyzing sentence with structure predicator - arguments was born late, the research about it is not much. Therefore, the students always feel disconcerted when they have to do it. Our article will help the students understand this structure better and use it easily.

The main conclusions

1. Analyzing sentence with structure predicator - arguments is a new method. Its major strength is reflecting the semantics of a sentence. Its major weakness is that it doesn’t clarify the new information in a sentence.

2. There are four steps :

(a) Confirm predicator

(b) Find the arguments

(c) Confirm forced argument (actant) and unforced argument (circonstant).

(d) Write the argument’s name.

In four steeps, the fourth step is the most difficult.

3. There are some the correspondence between the structure subject - predicate and the structure predicator - arguments. So the studiers can deduce structure predicator - arguments from structure subject - predicate.

Về phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể


TS. Trần Kim Phượng

Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội

Đặt vấn đề
Một câu tiếng Việt hiện nay có thể được phân tích theo bốn phương pháp: (1) theo cấu trúc chủ - vị (Ngữ pháp truyền thống), (2) theo cấu trúc vị từ - tham thể (Ngữ pháp ngữ nghĩa), (3) theo cấu trúc đề - thuyết (Ngữ pháp chức năng), và (4) theo cấu trúc nêu - báo (Lý thuyết thông tin).

Trong các phương pháp này thì phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể là phương pháp ra đời tương đối muộn, bề dày lý thuyết chưa nhiều. Phương pháp này có được giảng dạy ở bậc đại học nhưng với số tiết khiêm tốn, do vậy, sinh viên thường lúng túng khi phải thực hiện nó.

Chúng tôi viết bài báo này với mục đích giúp sinh viên và những người quan tâm hiểu sâu sắc hơn về phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể. Đặc biệt, chúng tôi giới thiệu một cách chi tiết các bước tiến hành phân tích câu theo phương pháp này cũng như ưu điểm, nhược điểm của nó.

Một điểm mới nữa của bài viết chính là ở phần so sánh: phương pháp này sẽ được so sánh với phương pháp phân tích câu truyền thống - phân tích câu theo cấu trúc chủ - vị.

Nội dung chính

Một số vấn đề lý thuyết liên quan đến phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể

Đây là phương pháp phân tích câu nhìn từ góc độ ngữ nghĩa, do vậy, mỗi đối tượng trong câu đều ứng với một đối tượng của thực tế khách quan, nội dung của câu là một sự tình của thế giới khách quan ấy. Nói cách khác, mỗi câu phản ánh một sự tình. Trong cấu trúc của một sự tình thì động từ vị ngữ (predicator) là trung tâm. Xoay xung quanh động từ vị ngữ là các tham tố (tham thể - argument). Mỗi tham thể đảm nhiệm một vai nghĩa (semantic role) nhất định. Trong cấu trúc này, chủ ngữ cũng chỉ là một trong những tham thể của vị từ mà thôi, nó không quan trọng như vị từ; tuy nhiên, trong số các tham thể thì nó được xem là tham thể quan trọng nhất.

Vị từ (VT)

Trước hết, cần xác định vị từ trong cấu trúc nghĩa không giống với vị từ trong cấu trúc ngữ pháp. Vị từ trong ngữ pháp thuộc phạm trù từ loại, là thuật ngữ chỉ chung cho hai từ loại động từ và tính từ. Còn trong cấu trúc nghĩa, vị từ thuộc phạm trù chức năng - nghĩa.

Trên thực tế, cũng có loại vị từ không đòi hỏi một tham thể nào (vd trong tiếng Pháp: động từ pluit: Il pleut (mưa) không có tham thể nào; il là một chủ ngữ làm vì, không phải tham thể). Trong tiếng Việt, loại câu đặc biệt vị từ có thể xem là minh chứng cho trường hợp vị từ không đòi hỏi tham thể. Ngoài ra, các vị từ đều đòi hỏi các tham thể. Số lượng các tham thể do vị từ đòi hỏi không ngang bằng nhau.
  • Vị từ đòi hỏi một tham thể (vị từ trạng thái, vị từ chỉ tính chất, đặc điểm, một số vị từ hoạt động… Những vị từ này chỉ cần tham thể chủ thể của hành động.) VD: Nó hát. / Cô ấy hơi béo.

  • Vị từ đòi hỏi hai tham thể (các vị từ tác động, vị từ nói năng, vị từ quan hệ…) VD: Thầy giáo đã chữa bài tập tiếng Anh./ Tường này bằng gạch.

  • Vị từ đòi hỏi ba tham thể (các vị từ mang ý nghĩa sai khiến, trao tặng). VD: Tôi bảo nó đun nước./ Tôi tặng bạn quyển sách.

  • Vị từ đòi hỏi bốn tham thể (các vị từ đổi, mua, bán…). Những vị từ này đòi hỏi các tham thể là người đổi, người mang đi đổi và hai vật để đổi. VD: Thằng Bờm đổi cái quạt mo cho Phú Ông lấy nắm xôi. Đây là trường hợp có lẽ chỉ tồn tại trong lý thuyết. Trên thực tế, tuỳ theo từng hoàn cảnh, bốn tham tố này có thể không đồng thời xuất hiện.

Tham thể bắt buộc (TTBB) và tham thể mở rộng (TTMR)

* Tham thể bắt buộc: Là những thực thể xung quanh vị từ mà sự có mặt của chúng là do vị từ đòi hỏi. VD, trong câu: “Tôi đã tặng một cuốn sách cho anh ấy.” thì tôi, một cuốn sáchanh ấylà những tham thể bắt buộc.

Cao Xuân Hạo gọi tham thể bắt buộc là diễn tố (actant). Theo ông, “diễn tố là tham tố của vị từ tham gia vào nội dung biểu hiện của khung ngữ vị từ1 như một nhân vật được giả định một cách tất yếu trong nội dung nghĩa của vị từ, mà nếu thiếu đi thì cái sự tình hữu quan không thể được thực hiện, không còn là nó nữa”. [5, tr113].

* Tham thể mở rộng (chu tố - circonstant): Là những thực thể xuất hiện trong sự tình, song sự có mặt của chúng không do vị từ đòi hỏi mà do tình huống, hoàn cảnh mách bảo. VD trong câu: “Chiều nay, tôi đã tặng một cuốn sách cho anh ấy.” thì chiều nay là tham thể mở rộng.

Sự phân chia tham thể bắt buộc – tham thể mở rộng hay diễn tố – chu tố chỉ có tính tương đối. Một tham thể bắt buộc trong một khung ngữ vị từ này có thể là một tham thể mở rộng trong một khung ngữ vị từ khác. VD:
  • Tôi ở trong lòng thành phố -> TTBB

  • Trong lòng thành phố, xe cộ đông như mắc cửi -> TTMR

  • Hôm qua là chủ nhật -> TTBB.

  • Hôm qua, tôi đi siêu thị mua đồ -> TTMR.

  • Anh Nam đến từ Hà Nội. -> TTMR.

  • Anh Nam đã rời Hà Nội. -> TTBB.
Tên gọi các tham thể

Về tên gọi của các tham thể hay cách xác định vai nghĩa cho các tham thể, theo Parson, có ba phương thức để đánh dấu vai nghĩa là:
  • Dùng trật tự từ. Ví dụ, trong tiếng Việt, vai người tác động và vai người bị tác động phân biệt với nhau bằng trật tự sắp xếp: Nó đánh tôi; Tôi đánh nó.

  • Dùng biến tố. Phương thức này chỉ áp dụng cho những ngôn ngữ biến hình như tiếng Nga, tiếng Anh; không áp dụng được với tiếng Việt.

  • Dùng giới từ. Ví dụ, trong tiếng Việt, vai công cụ có thể được đánh dấu bằng giới từ “bằng”: Nó đến trường bằng xe đạp.
Cái khó là ở chỗ, cùng một mác đánh dấu có thể biểu thị hơn một vai nghĩa khác nhau; ngược lại, cùng một vai nghĩa có thể được đánh dấu bằng nhiều mác. Nguyễn Văn Hiệp khắc phục tình trạng này bằng cách dùng những thao tác cải biến cú pháp để làm bộc lộ thái độ cú pháp (syntactic behavious) của ngữ đoạn. Ví dụ:
  • Nó đá con chó.

  • Chàng chết mê chết mệt nàng.
Cả hai câu đều có cấu trúc cú pháp giống nhau: chủ ngữ + vị ngữ + bổ ngữ. Dùng phép cải biến bị động để phân biệt sự khác biệt về vai nghĩa mà hai bổ ngữ (con chó, nàng) trong hai câu trên biểu thị. Chỉ có câu thứ nhất mới chấp nhận phép cải biến bị động (Con chó bị nó đá), còn câu thứ hai không chấp nhận phép cải biến này (Không thể nói: Nàng bị chàng chết mê chết mệt). Vậy “con chó” biểu thị vai vật bị tác động (patient) còn “nàng” biểu thị vai nguồn (source).

Chúng tôi xin giới thiệu hệ thống các vai nghĩa mà Nguyễn Thiện Giáp đã tổng kết dựa trên quan điểm của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Những thuật ngữ mà ông sử dụng khá giản dị và gần gũi. ( Xin trình bày thành bảng để người đọc tiện theo dõi).

Bảng 1
STTTÊN GỌINỘI DUNGVÍ DỤ
1Người hành động (hành thể - actor)Chủ thể trong một sự tình động mà nó vừa là người tác động, vừa là người bị tác động.Mẹ
đi chợ.
2Người tác động (động thể - agent)Chủ thể của hành động do động từ biểu thị, khác với người hành động ở chỗ nó tác động vào một đối tượng, trong khi người hành động chỉ tác động đến bản thân mình mà thôi.Nam
viết thư.
3Lực tác động (force)Chỉ sức mạnh tự nhiên tác động đến một vật gây nên một quá trình.Gió
thổi tắt nến.
4Người thể nghiệm (nghiệm thể - experiencer)Chỉ vai trải qua hoặc gánh chịu trạng thái nội tại.Cháu
đau chân.
Mẹ
buồn.
5Người/ vật bị tác động (đối thể - patient)Đối tượng của sự tác độngBàn
lau rồi.
Sách này
đọc rất thích.
6Vật tạo tác (tạo thể - factive)Vật sinh ra do kết quả của hành động do động từ biểu thịBàn này
do tôi đóng.
Tôi đóng
bàn
.
7Người / vật mang trạng thái (patient state)Chỉ bất kỳ vật gì được biểu thị bằng một danh từ mà vai trò của nó trong hành động hay trạng thái được động từ biểu thị, được chính cách thuyết minh nghĩa của động từ quy định.Hàng
bán rồi.
8Người nhận (tiếp thể - recipient)Động vật chịu ảnh hưởng của trạng thái hay hành động do động từ biểu thị.Tôi cho
Huyền
.
9Người hưởng lợi (beneficiary)Vai hưởng lợi trong hành động do động từ biểu thị.Chiến đấu vì
nhân dân
.

được cô chỉ tóc cho.
10Nơi chốn (locative)Chỉ vị trí hay hướng không gian của trạng thái hay hành động do động từ biểu thị.Nam chạy
ngoài sân
.
11Đích (goal)Chỉ điểm tột cùng của sự di chuyển, thường được biểu thị bằng một giới ngữ có đến, tới, ra, vào… làm trung tâm.Tàu chạy
đến Vinh
thì dừng.
12Hướng (direction)Chỉ phương hướng của sự chuyển động do động từ biểu thị. Vai này được biểu hiện bằng trạng ngữ đặt sau vị từ như lên, xuống, ra, vào…Nó vào
Nam
rồi.
13Nguồn (source)Chỉ chỗ xuất phát của chuyển động do động từ biểu thị.
từ Mĩ
sang.
Mẹ
đi chợ
về.
14Lối đi (path)Chỉ con đường được chọn cho sự di chuyển, có thể được biểu hiện bằng một vật nằm trên con đường ấy; thường được biểu thị bằng một giới ngữ có dọc, theo, qua… làm trung tâm, đặt sau vị từ.Cô ấy chạy
dọc bờ sông
.
Xe đi
qua cầu
.
15Phương thức (manner)Chỉ phương thức hành động; thường biểu thị bằng trạng ngữ, vị ngữ phụ.Mới lên 5
, nó đã học toán lớp ba.
Tay bưng chồng sách
, nó bước vào phòng.
16Công cụ (instrument)Chỉ công cụ của hành động do động từ biểu thị; thường được thể hiện bằng giới ngữ có trung tâm là bằng hay với hoặc bằng kết cấu dùng/ lấy.Đóng đinh
bằng búa
.
Lấy búa
đóng đinh.
17Thời gian (time)Chỉ thời điểm, thời lượng, khoảng cách thời gian của trạng thái hay hành động do động từ biểu thị.Hai ngày nữa
mẹ sẽ về.
18Khoảng cách không gian (extent)Chỉ tầm xa của sự chuyển động; thường biểu hiện bằng một cặp giới từ sóng đôi: từ… đến.Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau
.
19Nguyên nhân (cause)Chỉ nguyên nhân của hành động. Sau ngữ đoạn chỉ nguyên nhân chỉ có thể có nên, mà chứ không có thì.Vì anh
mà em khổ.
20Người/ vật tồn tại (existent)Trong câu tồn tại, ta có vai người/ vật tồn tại.Trong túi
có tiền.
21Điều kiện (condition)Vai điều kiện là một kiểu cú làm thành một khung đề của câu; hoặc là một trạng ngữ đặt sau vị ngữ.
22Trở ngại (adversative - trạng ngữ nhân nhượng hay nhượng tiến)Thường được biểu thị bằng một đại từ, một danh ngữ hay một tiểu cú mở đầu bằng tuy, mặc dù, mặc cho…, diễn đạt ý của người nói chịu thừa nhận một sự tình có thật.


[2, tr255-257]

(Có thể xem thêm Câu tiếng Việt của Nguyễn Thị Lương. Tác giả này đã trình bày khá kỹ vai nghĩa của bốn thành phần: chủ ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, khởi ngữ [7, tr153-165]).

Các bước phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể

Chúng tôi đề ra qui trình phân tích câu gồm 4 bước sau:

Bước 1: Tìm vị từ trung tâm (VTTT)

Muốn phân tích câu theo cấu trúc nghĩa, trước hết ta phải tìm được cái từ được xem là đỉnh của câu, là đầu mối của mọi quan hệ trong câu, tức là đi tìm vị từ trung tâm. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ta đặt được câu hỏi với từ nào nhiều nhất thì từ đó sẽ là trung tâm. Vì từ trung tâm phải có mối quan hệ với toàn bộ các thành tố trong câu về mặt nghĩa. VD: Tôi đọc sách. Ta đặt được một câu hỏi với từ tôi (Tôi làm gì?), hai câu hỏi với từ đọc (Ai đọc?Đọc gì?), không đặt được câu hỏi nào với từ sách. Vậy từ đọc là trung tâm.

Chúng tôi nhận thấy, vị từ trung tâm còn có quan hệ với các thành tố nghĩa chỉ thời gian, địa điểm, phương tiện, nguyên nhân… (Ngữ pháp truyền thống gọi là trạng ngữ), và chúng ta có thể dùng vị từ để đặt các câu hỏi tìm các thành tố này. VD: “Vì đau khổ và thất vọng, buổi tối hôm ấy, trong một góc ký túc xá sinh viên, cô ấy khóc”. Ngoài câu hỏi cơ bản: Ai khóc?, còn có thể đặt thêm các câu hỏi: Khóc ở đâu/ Khóc lúc nào?/ Vì sao khóc? Vậy từ khóc là cái đỉnh của câu.

Cách thứ hai để tìm cái đỉnh của câu là ta đi tìm động từ trong câu. Theo thống kê của Nguyễn Kim Thản (trong cuốn sách Động từ trong tiếng Việt) thì 90% các câu tiếng Việt có vị ngữ là động từ hoặc cụm động từ. Do vậy, trước hết ta đi tìm động từ trung tâm trong câu. Động từ này thường đứng ở vị trí sau chủ thể, sau các phó từ chỉ sự tiếp diễn đồng nhất, phó từ thời gian, mệnh lệnh… VD trong câu “Anh ta đã đến đây hôm qua.” thì từ đếnlà vị từ trung tâm. Nó đứng sau chủ thể anh ta và sau phó từ thời gian đã.

Nếu trong câu có tới hai động từ thì theo chúng tôi, động từ đứng trước vẫn giữ vai trò vị từ trung tâm. VD: “Nó bắt đầu hát.” Ta có hai động từ là bắt đầuhát. Song khi đặt câu hỏi thì mọi câu hỏi đều sẽ liên quan tới từ bắt đầu. Ai bắt đầu? (tìm chủ thể) và bắt đầu làm gì? (tìm nội dung). Vậy bắt đầu là vị từ trung tâm.

Còn 10% các câu trong tiếng Việt có vị ngữ không phải là động từ thì chúng ta giải quyết thế nào? Trung tâm của vị ngữ có thể là tính từ, danh từ số từ và cả đại từ nữa.2

Đối với những trường hợp vị từ trung tâm là tính từ thì cách xác định cũng tương tự như động từ. (Vì trong tiếng Việt, tính từ có nhiều đặc điểm giống với động từ).

Đối với những câu có cấu trúc C là V, theo chúng tôi, nên xác định là vị từ trung tâm, mặc dù ngữ pháp truyền thống vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về bản chất của từ . Chúng tôi đề nghị tất cả những câu kiểu như: Giấy này để viết thư./ Vòng này bằng bạc Thái./ Nam Cao là một nhà văn lớn. đều nên phân tích theo cấu trúc một vị từ trung tâm (để, bằng, là) và hai tham thể.

Đối với những câu có vị ngữ là danh từ hoặc cụm danh từ tỉnh lược từ , chúng tôi rất băn khoăn. VD: Cô ấy người Hà Nội. Nếu câu này diễn đạt theo kiểu: Cô ấy là người Hà Nội thì chúng ta qui vào kiểu câu C là V như trên. Nhưng khi không có từ thì rõ ràng cách đặt câu hỏi tìm vị từ trung tâm không áp dụng được vì ta có thể đặt cho mỗi thành tố một câu hỏi (Ai người Hà Nội? Cô ấy là ai?).

Trường hợp này tương tự như trường hợp: Nó 18. (vị ngữ là số từ) hay Tôi vẫn thế (vị ngữ là đại từ). Theo Nguyễn Thị Lương [7] thì người Hà Nội, 18 (và cả từ thế) sẽ là đỉnh của câu. Nhưng tác giả không giải thích lý do cho sự lựa chọn này. Nguyễn Văn Hiệp thì cho rằng khái niệm vị từ cần được hiểu theo tinh thần của ngữ nghĩa học hiện đại, đó là những từ có thể làm vị tố trong câu, còn vị tố là yếu tố còn lại trong câu sau khi loại bỏ các biểu thức quy chiếu hoặc là yếu tố chủ yếu mang nghĩa miêu tả trong số các yếu tố còn lại trong câu sau khi loại bỏ các biểu thức quy chiếu… Theo miêu tả như vậy, vị từ làm vị ngữ trong câu có thể là danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ và cả giới từ. Trong một số trường hợp, vị ngữ có thể là một tổ hợp, ví dụ: “Nó bốn mươi tuổi”. [6, tr330].

Như vậy có nghĩa là đối với câu “Cô ấy người Hà Nội” thì người Hà Nội chủ yếu mang nghĩa miêu tả, nên nó là vị từ trung tâm. Còn trong câu “Tôi vẫn thế” thì thế sẽ là vị từ trung tâm. Chúng tôi quả thực chưa tìm thấy câu nào có giới từ làm vị từ trung tâm.

Đối với kiểu câu tồn tại của tiếng Việt, chẳng hạn như Trên bàn đặt một lọ hoa, theo quan điểm của Nguyễn Văn Hiệp, trên phương diện nghĩa, câu này được phân tích như sau:

Trên bàn / đặt / một lọ hoa.

Vai vị trí Vị từ tồn tại Chủ thể tồn tại

Và về phương diện cú pháp, nó được phân tích như sau:

Trên bàn / đặt / một lọ hoa.

Chủ ngữ vị ngữ bổ ngữ

Chúng tôi nhất trí với Nguyễn Văn Hiệp trong cách phân tích câu trên phương diện nghĩa song không nhất trí với ông trong cách phân tích câu trên phương diện cú pháp. Theo chúng tôi, kiểu câu này vẫn nằm trong hệ thống câu đặc biệt của tiếng Việt, nó được phân tích như sau:

Trên bàn đặt một lọ hoa.

Về mặt từ loại: giới từ + danh từ + động từ tồn tại + cụm danh từ

Về thành phần câu: trạng ngữ + vị từ (trung tâm của vị ngữ) + bổ ngữ

Câu này không có chủ ngữ nhưng không phải là câu tỉnh lược, cũng không phải là câu sai ngữ pháp, lại càng không phải là câu đảo. Nó là câu đặc biệt chỉ sự tồn tại. Mô hình chung của loại câu này là TR + V tồn tại + BN.

Bước 2: Tìm các tham thể

Câu trả lời cho các câu hỏi có liên quan đến vị từ sẽ chính là các tham thể cần tìm. Tên gọi của các tham thể chính là các vai nghĩa mà tham thể đảm nhiệm. VD:

Ngày 8-3, tôi tặng cho người yêu một bó hoa hồng.

Ta có thể đặt một loạt các câu hỏi: Ai tặng? Tặng cho ai? Tặng cái gì? Tặng lúc nào? Và ta sẽ được kết quả: tham thể 1: tôi; tham thể 2: người yêu, tham thể 3: một bó hoa hồng, tham thể 4: ngày 8-3.

Bước 3: Xác định tham thể bắt buộc và tham thể mở rộng

Việc xác định TTBB và TTMR vẫn phải dựa vào vị từ trung tâm. Cách tốt nhất là lược bớt các thành tố để xem vị từ trung tâm có còn trọn vẹn về nghĩa không. Chẳng hạn với vị từ trao nhận, chắc chắn cần có chủ thể trao nhận, vật trao nhận, người tiếp nhận. Vậy cả ba tham thể này đều là bắt buộc. Còn trao nhận ở đâu, vì mục đích gì… không quan trọng; các tham thể thể hiện những ý nghĩa này sẽ là tham thể mở rộng.

Trong ví dụ trên, các tham thể 1, 2, và 3 là TTBB; còn tham thể thứ 4 là TTMR.

Bước 4: Ghi tên các tham thể

Đây là một thao tác tương đối khó vì tên gọi các tham thể rất phức tạp. Theo chúng tôi, trước hết, ta nên chú ý tới mối quan hệ của tham thể với vị từ trung tâm; thứ hai, bắt buộc phải học thuộc lòng hệ thống tên gọi các tham thể theo các vị từ nhất định.

Chẳng hạn, với vị từ trao nhận, ta luôn có ba tham thể: chủ thể của hành động (hành thể), đối thể của hành động (người hưởng lợi - đắc lợi thể/ tiếp thể), vật trao nhận (đối thể)

Một số ví dụ:

Con mèo nhảy mạnh
làm đổ
lọ hoa
.
TTBB (thể nguyên nhân) VTTT TTBB (đối thể)

Tôi
lại
tưởng

anh ta không muốn đến
.
TTBB (thể cảm nghĩ VTTT TTBB (thể nội dung)

Những ưu, nhược điểm của phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ – tham thể

Ưu điểm

(a) Các thành tố trong cấu trúc vị từ - tham thể phản ánh sự tương ứng về nghĩa của chúng với các sự vật trong thực tế khách quan. Toàn bộ nội dung câu phản ánh một sự tình của thế giới ấy. Thông qua cấu trúc này, ta hiểu hơn về sự gắn bó giữa ngôn ngữ học với cuộc sống con người.

(b) Các vai nghĩa mà các tham thể đảm nhiệm cho chúng ta một cái nhìn “động” về câu tiếng Việt.

Nhược điểm

(a) Cấu trúc vị từ - tham thể chỉ quan tâm đến các thực từ (danh từ, động từ, tính từ, đại từ), không quan tâm đến các hư từ. Điều này dễ lý giải. Vì đây là cấu trúc ngữ nghĩa, mà ngữ nghĩa lại do các thực từ đảm nhiệm. Thực ra, nhờ nghĩa (nghĩa ngữ pháp, nghĩa quan hệ) của hư từ, ta dễ dàng xác định được tên gọi của các tham thể. VD:
  • Tôi nói với anh ta bằng tiếng Việt rất nhanh rằng tôi không đến vì bận.
Trong câu này có tới 4 quan hệ từ: với, bằng, rằng, vì. Nhờ các quan hệ từ này, ta dễ dàng xác định ý nghĩa của các tham thể:

Tham thể bắt buộc 1: tôi (chủ thể - phát ngôn thể)

Tham thể bắt buộc 2: anh ta (tiếp ngôn thể)

Tham thể bắt buộc 3: tôi không đến vì bận (ngôn thể)

Tham thể mở rộng 1: tiếng Việt (thể phương tiện)

Tham thể mở rộng 2: rất nhanh (thể cách thức)

(b) Cấu trúc này không phân tích được cạn kiệt các thành phần trong câu. Chẳng hạn không làm rõ được thành phần định ngữ có vai trò gì trong cấu trúc nghĩa sự vật. VD:

+ Cô gái nhỏ nhắn ấy là bạn tôi.

Toàn bộ cụm danh từ cô gái nhỏ nhắn ấy là một tham thể; bạn tôi là một tham thể. Còn nhỏ nhắn tôi có vai trò gì thì không quan tâm đến.

(c) Cấu trúc này không làm rõ mặt thông tin của câu (không cho biết đâu là tin cũ, đâu là tin mới). Vị từ trung tâm chỉ quan trọng trong việc biểu hiện nghĩa sự vật, trong khi thông tin chính của câu có thể không nằm trong vị từ trung tâm mà nằm trong một tham thể nào đó. VD:
  • Nó hát được không?
  • Nó hát khá hay đấy. (Hát là vị từ trung tâm song thông tin chính lại nằm ở tham thể khá hay).
Thêm vào đó, cấu trúc này cũng không cho biết mục đích phát ngôn của câu, không quan tâm tới việc người nói nói ra câu nói đó để làm gì. VD, trong câu Anh đến rồi à? có vị từ trung tâm là đến, tham thể bắt buộc là anh, một tham thể ẩn là đây chỉ vị trí, đích đến. Nhưng người ta nói ra câu này để làm gì? Để chào hay hỏi? Chỉ nghiên cứu câu trên phương diện dụng học mới làm rõ được điều này.

(d) Do mới được nghiên cứu nên cấu trúc vị từ - tham thể chưa có một bề dày lý thuyết xứng đáng. Nhiều trường hợp rất khó phân tích theo cấu trúc này. Chẳng hạn:
  • Hay là anh cho tôi mượn cái chày giã cua?

  • Hoẵng hoảng quá vội vã chạy trốn.

  • Cô ấy ôm mặt khóc.
Trong câu thứ nhất, vị từ trung tâm là cho hay mượn? Hay cả cho mượn? Trong câu thứ hai, hoảng, vội vã hay chạy trốn làm vị từ trung tâm? Trong câu thứ ba, ôm hay khóc làm trung tâm? Hơn thế nữa, vị từ trong các ngôn ngữ Ấn Âu thì luôn luôn xuất hiện, do vậy, người ta có thể nhìn thấy ngay vị từ trung tâm. Còn trong tiếng Việt, có những câu không có vị từ, việc xác định thành tố trung tâm sẽ rất phức tạp. Đôi chỗ chúng ta khó lý giải một cách thấu đáo.

Đối với câu phức, câu ghép, câu có nhiều vị ngữ, hay nói chung, đối với những câu có cấu trúc tầng bậc, cồng kềnh; chúng ta sẽ phân tích như thế nào? Liệu có thể phân tích toàn bộ các tầng bậc ấy không? VD: Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca ngợi cảnh núi non hoa cỏ, núi non hoa cỏ trông mới đẹp, từ khi có kẻ lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay.

- Rất khó xác định vai nghĩa mà các tham thể đảm nhiệm do không có dấu hiệu hình thức rõ ràng.

Chúng tôi đã tiến hành điều tra sinh viên năm thứ 4, khoa Ngữ văn, trường ĐHSP. Câu hỏi đưa ra là: Với phương pháp phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể, theo anh (chị), bước khó nhất là xác định: (1) Vị từ; (2) Tham thể; (3) Tên gọi các tham thể.

100% người được hỏi chọn câu trả lời là (3). Như vậy, cái khó đối với sinh viên không phải là xác định vị từ, xác định tham thể mà là gọi tên các tham thể theo các vai nghĩa mà chúng đảm nhiệm.

(e) Có một thực tế là người ta vẫn dựa vào sự tương ứng giữa các thành tố của cấu trúc vị từ - tham thể với các thành phần câu trong cấu trúc chủ - vị để từ cấu trúc chủ - vị, suy ra cách phân tích câu theo cấu trúc vị từ - tham thể. Điều này, suy cho cùng, không phải là nhược điểm; song như vậy rõ ràng là muốn phân tích câu (dù theo cách nào), vẫn phải học cấu trúc chủ - vị trước.

So sánh cấu trúc vị từ – tham thể với cấu trúc chủ - vị

Theo quan sát của chúng tôi, cấu trúc vị từ - tham thể và cấu trúc chủ - vị có những sự tương ứng sau đây:

Bảng 2
CẤU TRÚC CHỦ - VỊCẤU TRÚC VỊ TỪ - THAM THỂ
Chủ ngữTương ứng với tham thể bắt buộc (là tham thể quan trọng nhất)
Trung tâm của vị ngữTương ứng với vị từ trung tâm (toàn bộ vị ngữ có thể tương đương với cả vị từ trung tâm + tham thể bắt buộc / không bắt buộc).
Bổ ngữ: 2 loại:+ BN bắt buộc (của VT trao nhận, sai khiến…)+ BN không bắt buộc (BN thời gian, địa điểm, mục đích….)+ Tương ứng với tham thể bắt buộc.+ Tương ứng với tham thể không bắt buộc.
Định ngữKhông tương ứng với một tham thể. Nó cùng với danh từ trung tâm làm thành một tham thể.
Đề ngữTương ứng với tham thể bắt buộc do nó có quan hệ về nghĩa với nòng cốt câu hoặc các thành tố trong câu.
Trạng ngữTương ứng với tham thể mở rộng, có thể lược bỏ (chu tố).
Các thành phần biệt lập (phụ chú ngữ, liên ngữ, hô ngữ, tình thái ngữ)Không tương ứng với bất kỳ thành tố nào trong cấu trúc vị từ - tham thể vì các thành tố này không tham gia vào việc biểu hiện nghĩa sự vật.
Vị ngữ phụTương ứng với tham thể mở rộng, có thể lược bỏ (chu tố).

Kết luận
  • Phân tích câu theo cấu trúc vị từ tham thể là một hướng phân tích câu theo lối mới. Ưu điểm chính của nó là phản ánh được mặt nghĩa học của câu, làm rõ mối liên quan giữa nội dung câu với thực tế khách quan. Nhược điểm chính của nó là không làm rõ được đâu là thông tin mới trong câu.

  • Có 4 bước tiến hành phân tích câu theo cấu trúc này: (1) xác định vị từ trung tâm; (2) tìm các tham thể; (3) xác định tham thể bắt buộc và tham thể mở rộng; (4) ghi tên các tham thể. Trong các bước này thì bước (4) là khó thực hiện nhất.

  • Có những sự tương ứng nhất định giữa cấu trúc vị từ - tham thể và cấu trúc chủ -vị. Do vậy, người học có thể sử dụng những hiểu biết của mình về cấu trúc chủ -vị để từ đó suy ra cấu trúc vị từ - tham thể.

Tài liệu tham khảo chính

  1. Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.

  2. Nguyễn Thiện Giáp (2007), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

  3. Halliday MAK (2001), Dẫn luận ngữ pháp chức năng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

  4. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng Tập 1, Nxb KHXH, Tp Hồ Chí Minh.

  5. Cao Xuân Hạo (chủ biên), Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn Bằng, Bùi Tất Tươm (1999), Câu trong tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.

  6. Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, NXB Giáo dục, Hà Nội.

  7. Nguyễn Thị Lương (2006), Câu tiếng Việt, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

  8. Lyons John (2006), Ngữ nghĩa học dẫn luận, NXB GD, Hà Nội.

  9. J.Austin (1962), How do to things with words, Cambridge, Harvard University Press.

  10. Frawley W. (1992), Linguistic Semantics. Hillsdale, New Jersey: Lawrence Erlbaum.

Footnotes

  1. Khung ngữ vị từ là thuật ngữ của Cao Xuân Hạo. Theo ông, khung ngữ vị từ không phải là ngữ, cũng không phải là câu, ở đây là cái khung nghĩa. [5, tr113]

  2. Cao Xuân Hạo cho rằng: “Vị từ là những từ như động từ, tính từ, phụ từ tình thái, từ tượng hình, tượng thanh…” [30, tr113] Chúng tôi không thật hiểu quan điểm của ông về trường hợp vị từ là phụ từ tình thái.
Nguồn: Thư-viện Học-liệu Mở Việt-Nam, url:http://webcache.googleusercontent.com/ // //

2 nhận xét:

  1. Nguyễn Thế Trọnglúc 15:30 16 tháng 3, 2012

    Thưa tiến sĩ, tôi là một GV dạy cấp 2, tôi đang gặp khó khăn khi phân tích cấu trúc ngữ pháp câu: "Có kẻ nói từ khi các thi sĩ ca ngợi cảnh núi non hoa cỏ, núi non hoa cỏ trông mới đẹp, từ khi có kẻ lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay."

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Thế Trọnglúc 15:32 16 tháng 3, 2012

    Rất mong được TS giúp đỡ, tôi chân thành cảm ơn TS

    Trả lờiXóa