I . Mở đầu
Ví dụ ta lấy từ héo.
Muốn làm giảm nghĩa của héo, ta có hai cách :
- hoặc dùng cú pháp từ hơi, ta có hơi héo- hoặc dùng từ pháp bằng cách lặp lại từ héo nhưng lại thay đổi thanh điệu, ta sẽ có heo héo.
- hoặc dùng cú pháp từ hơi, ta có hơi héo- hoặc dùng từ pháp bằng cách lặp lại từ héo nhưng lại thay đổi thanh điệu, ta sẽ có heo héo.
Phương pháp thứ hai gọi là láy rất thông dụng trong tiếng Việt. Rất nhiều tác giả, Việt Nam cũng như ngoại quốc, khi nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt đều có đề cập đến vấn đề láy từ. Nhưng các tác giả này, người thì không phân biệt những từ láy sống với những từ láy chết, người thì sau khi đã phân biệt hai diện sống/chết của sự láy vẫn xếp những từ thuộc loại sống vào các từ thuộc loại láy chết.
Thế nào là láy sống và láy chết ?
Láy sống là một sự láy sinh động mà mỗi người Việt hoặc thông hiểu tiếng Việt có thể từ một từ gốc tạo thành một từ láy theo qui luật hoặc đã thâu nhận được qua kinh nghiệm hoặc đã được minh định rõ ràng sau một cuộc tìm tòi nghiên cứu. Ví dụ từ heo héo ở trên đã được tạo ra do một sự láy sống mà sau đây chúng tôi sẽ nêu rõ những đặc điểm của nó.
Trái lại sự láy chết là một hiện tượng đã hết khả năng sản xuất. Những từ láy chết đến với ta như một hiện tượng đã hình thành, ta không biết hoặc chưa biết vì đâu mà chúng có. Những từ láy chết không thể là những mô hình từ đó chúng ta có thể tạo ra những từ mới trong hiện tại. Từ nhỏ nhẻ ( từ gốc : nhỏ ) là một ví dụ.
Trong bài này chúng tôi chỉ xét đến hai loại láy sống : láy giảm như đã nói ở trên và láy tăng mà sau đây là một ví dụ : héo > héo hẹo ( rất héo ). Hơn nữa chúng tôi chỉ đề cập đến hai loại láy này trên một từ loại chính : động từ trạng thái ( hoặc là hình dung từ theo một số đông tác giả ).
II. Sự khác biệt giữa láy tăng và láy giảm
Về nhiệm vụ ngữ nghĩa (fonction sémantique), sự khác biệt giữa hai loại láy trên đã quá rõ. Nhưng sự khác biệt này đi đôi với những sự khác biệt về hình thức (différences formelles) nào, đó là câu hỏi cần được giải đáp.
Trong luận án trình tại Đại học Paris VII tháng 3, 1973, và được xuất bản thành sách (Nguyễn phú Phong, 1976, tr. 47-51), chúng tôi đã nêu ra ba điểm khác biệt như sau :
1. Về hướng láy (lấy từ gốc làm chuẩn)
Láy giảm luôn luôn được thực hiện từ mặt qua trái. Như vậy thứ tự của các thành tố sẽ là : từ đệm-từ gốc : héo > heo héo.
Hướng láy tăng có thể là :
- từ mặt qua trái ; thứ tự các thành tố là : từ đệm-từ gốc. Ví dụ : con > cỏn con.
- từ trái qua mặt; thứ tự các thành tố là : từ gốc-từ đệm. Ví dụ : héo > héo héo.
- từ mặt qua trái ; thứ tự các thành tố là : từ đệm-từ gốc. Ví dụ : con > cỏn con.
- từ trái qua mặt; thứ tự các thành tố là : từ gốc-từ đệm. Ví dụ : héo > héo héo.
2. Về số lần láy
Nếu n là số lần láy, thì
- với láy giảm, n = 1
héo > heo héo
héo > heo héo
- với láy tăng, n >= 1
héo > héo hẹo ( n = 1 )
héo > héo hèo heo ( n = 2 )
héo > héo hẻo hèo heo ( n = 3 )
héo > héo hẹo ( n = 1 )
héo > héo hèo heo ( n = 2 )
héo > héo hẻo hèo heo ( n = 3 )
Lẽ dĩ nhiên, n có giới hạn trên là n =< 5 , vì trong tiếng Việt, phương ngữ giàu thanh điệu nhất cũng chỉ có 6 thanh (ton), và trong khi láy ta không kể thanh của từ gốc.
Tóm lại :
n = 1 : láy giảm và láy tăng
2 =< n =< 5 : láy tăng
Láy nhiều lần chỉ có thể làm tăng nghĩa mà thôi.
n = 1 : láy giảm và láy tăng
2 =< n =< 5 : láy tăng
Láy nhiều lần chỉ có thể làm tăng nghĩa mà thôi.
Chú ý : Vì láy tăng là một hiện tượng hai hướng và có thể làm nhiều lần nên các thành tố trong một từ láy tăng có thể theo thứ tự : từ đệm ... từ gốc ... từ đệm ...
Ví dụ : sạch > sách sạch sành sanh.
Ví dụ : sạch > sách sạch sành sanh.
3. Về cách xếp đặt thanh điệu
6 thanh điệu trong tiếng Việt được xếp đặt theo bảng sau đây :
Căn cứ theo bảng này, ta nhận thấy dầu từ gốc có thanh điệu nào đi nữa, thanh điệu của một từ đệm trong một từ láy giảm vẫn chỉ là thanh bằng cùng âm tầng với thanh điệu từ gốc.
Ví dụ :
Tóm lại, trong sự láy giảm thì 2 thanh bằng là 2 điểm hội tụ ( point focal ) của các thanh điệu cùng âm tầng. Trong sự láy này 6 thanh điệu được chia theo chiều ngang thành 2 nhóm cao thấp và theo chiều dọc thành 2 nhóm bằng trắc, còn yếu tố ngắn dài không có ảnh hưởng gì cả.
Cũng có trường hợp ngoại lệ như khẽ > khe khẽ ( thay vì khè khẽ ).
Một nhận xét nữa là nếu ta lấy từ gốc làm chuẩn thì trong sự láy giảm, hướng láy và hướng xê dịch của thanh điệu ( căn cứ theo bảng xếp đặt ở trên ) là một, nghĩa là từ mặt qua trái.
Trái lại hướng xê dịch của thanh điệu trong sự láy tăng không đồng nhất :
- khi thì từ trái qua mặt : héo > héo hẻo
- khi thì từ mặt qua trái : héo > héo heo
- khi thì thay đổi âm tầng : héo > héo hẹo
hoài > hoải hoài
- khi thì từ mặt qua trái : héo > héo heo
- khi thì thay đổi âm tầng : héo > héo hẹo
hoài > hoải hoài
- cũng có thể vừa thay đổi âm tầng vừa xê dịch trong một âm tầng : héo > héo hẹo hèo heo
Có lẽ chính vì sự không đồng nhất về hướng láy và hướng xê dịch của thanh điệu trong sự láy tăng nên L. Thompson đã không xếp loại láy tăng vào loại láy có khả năng sản xuất ( L. Thompson, 1965, tr. 155-178). Dù sao đi nữa thì ai cũng phải công nhận rằng láy tăng là một loại láy sống có qui luật.
Nhưng chính vì láy tăng có rất nhiều khả năng kết hợp giữa các thành tố trong một từ láy nên gây ra ấn tượng là không có quy luật, không thể định rõ những đặc điểm của nó.
Với chỉ một từ gốc, số lượng từ láy tăng tương ứng rất nhiều, không tiện nêu rõ tất cả các mô hình của những từ láy này. Tuy vậy nếu ta không thể kể rõ tất cả các trường hợp cá thể của sự láy tăng, bằng phương pháp loại trừ chúng ta cũng có thể nắm được qui luật của loại láy tăng. Đó là việc mà chúng tôi sẽ làm ở phần sau đây.
III - Khả năng trên mặt lý thuyết của tiếng Việt trong sự láy
Năm 1973, những kết luận về vấn đề láy từ của chúng tôi được rút ra từ sự quan sát thực tế của tiếng Việt qua kinh nghiệm và sự hiểu biết của chính bản thân chúng tôi là người Việt nói tiếng Việt, qua sự tham khảo với một số bạn đồng hướng và nhất là qua các tài liệu viết. Nhìn lại vấn đề chúng tôi thấy mình tuy đã có dựa vào "lời ăn tiếng nói" trong dân gian nhưng cũng đã để cho tài liệu viết giới hạn quá nhiều. Chúng ta thường tin vào những gì đã được ghi chép trong sách vở. Nói có sách, mách có chứng mà ! Những gì không được viết với mực đen trên giấy trắng thường gieo rắc sự hồ nghi trong óc phán đoán của người ta. Nhưng khả năng của ngôn ngữ ít khi được khai thác đến mức cuối và những gì trong sách vở chỉ là một phần của khả năng ấy mà thôi. Bởi vậy, chúng tôi thấy người làm công tác nghiên cứu nếu trước hết phải dựa vào những sự kiện, tài liệu đã được ghi chép để bắt đầu công cuộc nghiên cứu, khảo sát thì sau đấy không để bị giới hạn vì những cái ấy. Vì vậy, chúng tôi xin đưa ra những suy nghĩ và nhận xét sau đây.
Như chúng ta ai nấy đều biết, trong tiếng Việt, một từ (mot) thường chỉ có một âm tiết (syllabe). Một âm tiết có hai phần : phần siêu âm đoạn tính (supra segmental) và phần âm đoạn tính (segmental). Phần siêu âm đoạn tính tức là thanh điệu. Vậy bây giờ ta lấy một âm tiết trong tiếng Việt gồm có phần siêu âm đoạn tính là y và phần âm đoạn tính là X. Âm tiết ấy sẽ được ghi là .
Nếu X có những âm cuối vần là những phụ âm tắc p, t, c, ch thì y chỉ có hai khả năng, hoặc thanh /sắc/ thoặc thanh / nặng/
Nếu những âm cuối vần của X không phải là những phụ âm tắc thì y chỉ có 6 khả năng theo phương ngữ miền Bắc nước ta.
Láy giảm và láy tăng đều là một loại láy chỉ thay đổi thanh điệu mà thôi. Vậy với một từ gốc không có âm cuối vần là p, t, c, ch, chúng ta có thể láy 5 lần và từ láy sẽ có nhiều nhất là 6 thành tố: một từ gốc và 5 từ đệm; các thành tố chỉ khác nhau về thanh điệu mà thôi.
Chúng ta cho rằng hai từ láy là khác nhau nếu chúng có số thành tố bằng nhau và những thành tố của chúng giống hệt nhau nhưng cách sắp đặt giữa các thành tố trong từ này khác với cách xếp đặt trong từ kia. Ví dụ : từ gốc héo; từ láy : héo hẻo hẽo hẹo hèo heo <> héo hẻo hẹo hẽo hèo heo. Nói một cách tổng quát hơn, nếu ta có n yếu tố, trong đó có k yếu tố (0 =< k =< n-1 ) không sử dụng thì công thức sau đây sẽ cho chúng ta tổng số A cách xếp đặt của n - k yếu tố còn lại. Hai cách xếp đặt khác nhau của n - k yếu tố tương đương với 2 từ láy khác nhau.
A = ( n - k ) [ ( k + 1 ) ( k + 2 ) ( k + 3 ) ... ( n - 2 ) ( n - 1 ) ]
Với một từ gốc không có âm cuối là p, t, c, ch thì n : 6
- nếu láy 5 thì k = 0 ( tất cả 6 thanh điệu đều được sử dụng ) A = 6. 1.2.3.4.5 = 720 từ láy- nếu láy 4 lần thì k = 1 A = 5. 2.3.4.5 = 600 từ láy- nếu láy 3 lần thì k = 2 A = 4. 3.4.5 = 240 từ láy- nếu láy 2 lần thì k = 3 A = 3. 4.5 = 60 từ láy- nếu láy 1 lần thì k = 4 A = 2. 5 = 10 từ láy
Vậy trên lý thuyết, với một từ gốc, chúng ta sẽ có tối đa là 1630 từ láy với điều kiện là từ gốc không có âm cuối vần là những phụ âm tắc p, t, c, ch, hoặc nếu có thì những phụ âm tắc này phải chuyển qua những phụ âm mũi (consonnes nasales) tương ứng khi gặp những thanh / 0 / , / huyền / , / hỏi / , / ngã /
p - m hẹp > hèm hẹp
t - n sát > san sát, sát sàn sạt
c - ng rực > rừng rực
ch - nh sạch > sành sạch, sách sạch sành sanh
Trong 1630 từ láy này, ta trừ ra một từ láy thuộc loại láy giảm, số còn lại 1629 từ thuộc loại láy tăng.
Vì chúng ta biết đặc điểm chung của hai loại láy giảm và tăng - chúng đều là loại láy thay đổi thanh điệu - , vì chúng ta biết các đặc điểm riêng của loại láy giảm ( như đã nêu ở mục II ), bằng phương pháp loại trừ chúng ta có thể kết luận về đặc điểm của loại láy tăng như sau : bất kỳ từ láy nào thoát thai từ một phép láy chỉ thay đổi thanh điệu mà thôi, mà không có đặc điểm của một từ láy giảm, thì chỉ có thể là một từ láy tăng.
IV. Những mô hình của sự láy tăng và mức độ chấp nhận của những mô hình ấy.
Với một từ gốc, chúng ta có 1629 từ láy tức là 1629 mô hình. Vì láy tăng chỉ là một loại láy thay đổi thanh điệu thì 1629 mô hình trên chung qui chỉ là 1629 cách xếp đặt khác nhau của vừa là tổng số 6 thanh điệu kia, với điều kiện dĩ nhiên là trong từng phần này phải luôn luôn có một thanh điệu của từ gốc.
Trong 1629 mô hình này, có bao nhiêu mô hình được chấp nhận ? và những mô hình nào ? Chúng ta lại phải bàn tới tiêu chuẩn chấp nhận. Chúng ta có những mô hình chắc chắn được chấp nhận vì đã được xác nhận, trong lời nói của dân gian, trong các bài viết, và những mô hình khác mà khả năng được chấp nhận thuộc nhiều yếu tố khác nhau, chúng tôi sẽ lần lượt nói đến.
1. Các mô hình đã được xác nhận trong văn viết và lời nói dân gian
Những từ láy trong các mô hình không quá 4 thành tố :
2. Những mô hình khác
Có những mô hình, chúng tôi chưa từng gặp bao giờ, trong khi đọc cũng như trong khi nghe và nói, nhưng không vì thế mà có thể tiên quyết cho chúng là không chấp nhận được.
Ví dụ như từ láy 6 thành tố dưới đây :
Ví dụ như từ láy 6 thành tố dưới đây :
héo > héo hẻo hẽo hẹo hèo heo
Tôi đã đem từ láy này điều tra và ai cũng cho rằng mình chưa từng gặp một từ láy như vậy nhưng ai cũng nghĩ rằng từ này không có lý do gì không thể chấp nhận được.
Chúng tôi nghĩ rằng ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp thường được dùng đến một cách phải chăng, không thừa thãi. Vậy trong câu chuyện bình thường, một từ láy 4 thành tố cũng đủ rồi, chẳng cần đến 6 thành tố nhưng nếu vì một lý do nào đó người nói chuyện muốn thêu dệt thêm lời nói của mình thì láy 5 lần là một khả năng chấp nhận được.
Một yếu tố khác có liên quan đến phương ngữ : Đối với người Việt từ Huế trở vào, thanh / hỏi / và / ngã / không được phân biệt, vậy một từ láy 5 thành tố là tối đa.
Có thể sự hài thanh là một điểm quan trọng trong việc chấp nhận một từ láy. Ví dụ với từ gốc con , các từ láy sau đây đã làm nhiều người phân vân, ngập ngừng, không dứt khoát :
Các người được hỏi, ngay lúc ban đầu, đều nói rằng sự kết hợp thanh điệu trong các từ trên nghe không thuận tai và vì thế các từ này khó chấp nhận được, nhưng sau khi lẩm nhẩm một hồi lại tỏ vẻ không nhất quyết. Muốn hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần phải xúc tiến một cuộc nghiên cứu kỹ càng hơn bằng phương pháp thống kê và điều tra. Nhưng ở trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng thế, thường thường có sự so le giữa khả năng (compétencd) và sự vận dụng (performance) và tùy theo mục tiêu của chúng ta, khảo sát ngữ pháp về khả năng hoặc về vận dụng mà đặt vấn đề. Tiện đây, chúng tôi cũng xin nêu ra một sự kiện có liên quan đến đề tài này. Hồi nhỏ, lúc chúng tôi khoảng 3 tuổi, mỗi lần vú chúng tôi muốn dỗ chúng tôi nín khóc thường bảo :
"Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ngày kía, ngày kỉa, ngày kịa, ngày kìa, vú sẽ mua cho con một con ngựa ".
Vú tôi là một người đàn bà miền Trung, không biết đọc, không biết viết nhưng đã vận dụng được một cách phong phú khả năng về thanh điệu của tiếng Việt để làm tăng dần khoảng cách giữa thời điểm này với thời điểm khác và đã thành công trong việc truyền bá ý nghĩ của mình tới một đứa bé mới 3 tuổi.
Bây giờ tôi thử tìm trong các từ điển, nhiều nhất tôi chỉ thấy được 3 từ mà thôi : kia, kìa, kỉa (2). Như vậy đã có sự so le giữa ngôn ngữ viết và nói, và trong ngôn ngữ nói thì như ta đã thấy, mức độ chấp nhận của sự vận dụng còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác, những yếu tố này đôi khi lại nằm ở ngoài ngôn ngữ (ví dụ như yếu tố trí nhớ : nói một câu dài quá, có nhiều câu lồng (phrase enchâssée) quá khó được chấp nhận vì không ai có thể nhớ hết từ đầu đến cuối của câu này để hiểu chẳng hạn, mặc dầu câu nói vẫn đúng ngữ pháp hoàn toàn).
V. Kết Luận
Những nhận xét sơ khởi trình bày ở trên có mục đích gợi ý và gây ra những suy nghĩ về sự vận dụng cũng như khả năng của tiếng Việt, đồng thời cũng nêu ra những câu hỏi băn khoăn của người làm công tác nghiên cứu, đối với chính đối tượng của mình và với chính mình.
Tuy thế, những kết quả của sự nghiên cứu về láy tăng và láy giảm vẫn có cơ áp dụng, vào việc làm từ điển chẳng hạn. Trong các từ điển hiện nay, sau một từ đơn âm thuộc loại động từ chỉ trạng thái, khi thì có ghi từ láy giảm tương ứng, khi thì không. Từ láy tăng tương ứng rất hiếm khi được ghi và giải nghĩa. Như vậy chúng ta có thể đi đến kết luận rằng những từ láy không được ghi là những từ không thể có được trong tiếng Việt và như thế là lầm. Các nhà làm từ điển có thể nghĩ rằng vì lý do tiết kiệm, chỉ cần ghi những từ láy thường gặp thấy mà thôi, còn những từ láy khác cùng loại khi gặp trong sách vở, độc giả cũng hiểu được bằng cách suy diễn. Lập luận như thế, nếu có, thì thật chủ quan và nếu là chủ quan thì không khoa học. Chúng tôi đề nghị giải pháp sau :
- nếu muốn tiết kiệm hoàn toàn : khỏi cần phải ghi các từ láy giảm và tăng nữa nhưng ở phần ngữ pháp của cuốn từ điển (vì từ điển nào cũng cần có phần ngữ pháp) phải có giải thích rõ ràng các đặc điểm của hai sự láy tăng và giảm với những ví dụ cụ thể.
- vừa muốn tiết kiệm vừa muốn thực dụng : cứ tiếp tục ghi những từ láy tăng và giảm thường dùng nhưng phải có phần giải thích chung về đặc điểm của hai loại láy này.
Ngoài ra, trong bài này, chúng tôi chỉ đặt vấn đề láy tăng và giảm qua sự láy có thay đổi thanh điệu. Hai loại láy này cũng có thể thực hiện qua loại láy toàn diện (redoublement complet) (3) nhưng vì khuôn khổ bài này, chúng tôi không tiện đề cập đến.
Sự láy tăng và giảm ở đây cũng chỉ được bàn đến trên diện đồng đại (aspect synchronique). Chúng tôi sẽ có dịp trở lại trên diên lịch đại (aspect diachronique).
Chú thích
(1) Thanh bằng cao ở đây có khi được ghi bằng dấu 0 cho dễ nhận ra.
(2) Từ kỉa chỉ được tìm thấy trong quyển Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ - Nhà x.b. Khai Trí, Sài-Gòn, 1970.
(3) Chi tiết đầy đủ về sự láy toàn diện đã được trình bày trong sách đã dẫn của Nguyễn Phú Phong, tr. 53-54.
Tài liệu tham khảo
- Maspero, H. "Etude sur la phonétique historique de la langue anamite", Bulletin de l'Ecole Française d'Extrême-Orient, 12, 1-123, 1912
- Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Hà nội, Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp, 1975
- Nguyễn Phú Phong, Le syntagme verbal en Vietnamien (Đoãn ngữ động từ tiếng Việt), Paris, La Haye, Mouton, 1976
- Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, Hà nội, Nhà xuất bản khoa học, tập I, 1963
- Thompson, L.C., A Vietnamese grammar, Seattle, The University of Washington Press, 1965.
Thông·tin thêm về bài·báo:
Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt (Sur le redoublement en vietnamien), Tập san Khoa Học Xã Hội (Revue des Sciences Sociales) n°1, 1976 :73-81. Paris. Repris dans Ngôn Ngữ (Revue Langages), 2, 1977: 61-68. Hanoi, Vietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét