Năm 1983, GS. Phan Ngọc viết: "Trong Truyện Kiều, ngữ pháp Việt Nam" chưa có ngữ dẫn xuất tức chưa được khu biệt hóa (...) chưa có sự chuyển hóa và cấp độ hóa (…) chỉ có kiến trúc động từ mà không có kiến trúc danh từ, chỉ có kiến trúc chủ động mà không có kiến trúc bị động, chỉ có cú phụ bậc một mà chưa hề có cú phụ bậc hai, bậc ba, vân vân" (1).
Ở một số đoạn sau, ông nói rõ thêm:
"Đoản ngữ danh từ là một sản phẩm mới của ngữ pháp Việt Nam, ra đời do sự tiếp xúc với đoản ngữ danh từ của châu Âu (…). Lí do chính của sự ra đời đoản ngữ danh từ là sự đối lập giữa danh từ Việt Nam với danh từ châu Âu (...).
Những khái niệm về số có mặt thường xuyên trong danh từ châu Âu cũng thúc đẩy người Việt Nam phải sử dụng những công cụ ngữ pháp tương đối thường xuyên để chỉ số. Do đó, ngày xưa nói người, ngày nay nói tám cách: người, con người, một người, một con người, những người, những con người, các con người, các người".
Muốn xây dựng được một ngôn ngữ thích hợp với sự diễn đạt khoa học [...], tiếng Việt chỉ có một cách là mạnh dạn thực hiện sự sao phỏng ngữ pháp (tôi nhấn mạnh - Cao Xuân Hạo) để làm cho ngôn ngữ mình có được mọi ưu thế của ngôn ngữ châu Âu.
[...] "Công cuộc sao phỏng ngữ pháp châu Âu của tiếng Việt tiến mạnh nhất sau khi giành độc lập, [...] giúp cho việc phiên dịch từ tiếng châu Âu sang tiếng Việt ngày nay dễ hơn giai đoạn trước...
Đúng như GS. Lương Văn Hy có nhận xét trong một công trình nghiên cứu xã hội ngôn ngữ học xuất bản sau đó 17 năm (2): "Đấy là một khám phá khá quan trọng, và nếu lý giải được nguyên nhân của sự thay đổi này, thì đấy là một đóng góp quan trọng cho ngôn ngữ học thế giới" (tr. 231).
Trong các tiêu đề dành cho tiểu mục thứ nhất, thứ ba và thứ tư của bài Biến thể cú pháp..., Lương Văn Hy đặt tên cho ý kiến của Phan Ngọc là "Giả thuyết Phan Ngọc" và dành gần hết 33 trang còn lại cho việc "giám định" giả thuyết này.
Cho nên tuy bài của Phan Ngọc viết cũng đã lâu, song có lẽ giới ngôn ngữ học cũng cần quan tâm, ít nhất là một lần nữa, đến nó, vì tầm quan trọng của Giả thuyết Phan Ngọc có lẽ còn vượt xa hơn cả những điều mà Lương Văn Hy đã nói, ít nhất là về hai phương diện sau đây:
1 Nó biện hộ cho việc xếp nước ta vào cái khối cộng đồng gọi là les pays francophones, mà ta dịch rất khéo là các nước có dùng tiếng Pháp.
2. Nó thanh minh hoàn toàn cho các sách vở ngôn ngữ học của ta, nhất là các sách giáo khoa dạy tiếng Việt, vốn được viết trên cơ sở sao phỏng một cách khá trung thành sách ngữ pháp Ấn Âu (3).
4. Trước hết cần nói rằng Lương Văn Hy không phải là người đầu tiên quan tâm đến Giả thuyết Phan Ngọc. Đúng một năm trước khi cuốn sách do Lương Văn Hy chủ biên được xuất bản, còn có một tác giả khác viết bài về nó. Đó là TS. Nguyễn Thị Ly Kha (4).
Vậy hai tác giả Nguyễn Thị Ly Kha và Lương Văn Hy nhận định như thế nào về Giả thuyết Phan Ngọc?
Nguyễn Thị Ly Kha tiến hành công việc thẩm định bằng cách chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du (thế kỷ XVIII) và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) và đem so sánh cách dùng các từ công cụ (quán từ, lượng từ, loại từ) của hai tác giả này với cách dùng chính các từ ấy trong thơ hiện đại (Xuân Diệu). Làm như vậy tôi thấy là hợp lý, vì khi so sánh những văn kiện cùng thể loại, cùng chịu những sự hạn định về từ vựng và ngữ pháp như nhau, đúng như Lương Văn Hy có nhận xét về cách chọn Truyện Kiều của Phan Ngọc, ta có thể thấy rõ hơn những chỗ giống nhau và khác nhau giữa hai bên. Kết quả của việc so sánh đã cho phép Nguyễn Thị Ly Kha kết luận như sau:
1. Khác với nhận định của Giả thuyết Phan Ngọc, tiếng Việt của Quốc âm thi tập và Truyện Kiều (từ thế kỷ XV trở đi) đã có đủ các loại danh ngữ như ta vẫn thấy dùng ngày nay (5).
2. Những từ công cụ mà Giả thuyết Phan Ngọc cho là do quá trình sao phỏng tiếng Âu châu mới có cũng đều xuất hiện đều đặn trong Quốc âm thi tập cũng như trong Truyện Kiều.
3. Những từ công cụ này đều giữ nguyên ý nghĩa ngữ pháp hóa vốn có của nó, kể cả khi được dùng theo một nghĩa "tình thái" hay theo phép ẩn dụ (6).
Trong khi đó Lương Văn Hy dùng những phương pháp nghiên cứu khá chính xác của xã hội ngôn ngữ học để cho thấy rằng:
1 Sở dĩ Giả thuyết Phan Ngọc hình thành được là do tác giả của nó dùng những dữ liệu quá xa với tiếng nói thường ngày của người dân (Truyện Kiều và Phép giảng tám ngày); chứ "nếu so sánh [...] với "thơ lục bát hiện đại thì không chắc tính khu biệt cấp độ và chuyển hóa đã cao hơn Truyện Kiều" (tr.235).
2. "Về phương diện lịch đại, tư liệu do Phan Ngọc thu thập đã không khẳng định giá trị của Giả thuyết Phan Ngọc về ảnh hưởng của cú pháp Âu châu đến tính khu biệt và chuyển hóa của tiếng Việt. Sau năm 1945, tỷ lệ những từ đa chức năng đã được danh hóa không những không tăng mà còn giảm đi rõ rệt (từ tỷ lệ 60% xuống đến 22%-48%)" (tr.246).
3. "Khi sử dụng những từ công cụ này trong ngôn từ ứng khẩu (spontaneous speech) [...] khuynh hướng chung là dùng loại từ và từ chỉ xuất "cái", có lẽ vì đây là công cụ danh hóa phổ biến và lâu đời trong tiếng Việt họ đã quen sử dụng và đã đi sâu vào tâm thức" ... đến nỗi trong tục ngữ ta cũng thấy có những câu như:
Cái khó nó bó cái khôn,
Cái nết đánh chết cái đẹp (7) (tr. 255) |
Như vậy, hai tác giả nói trên dường như nhất trí với nhau mà nhận định rằng Giả thuyết Phan Ngọc hoàn toàn thiếu căn cứ: trong bài viết nói trên của Phan Ngọc không hề có một dẫn chứng nào cho thấy những từ công cụ thông dụng hiện nay chưa từng được dùng (hay ít được dùng) như là công cụ ngữ pháp trong Quốc âm thi tập và Truyện Kiều.
Dĩ nhiên, chúng minh sự thiếu vắng của một hiện tượng nào đó có phần khó hơn chứng minh sự có mặt của nó, nếu không có đủ tư liệu. Nhưng trong bài của Nguyễn Thị Ly Kha ta thấy Quốc âm thi tập và Truyện Kiều có đủ những từ công cụ và những kết cấu ngữ pháp mà Phan Ngọc cho là chỉ sau khi sao phỏng tiếng Pháp mới có. Vậy không phải vì thiếu tư liệu mà Phan Ngọc phủ nhận sự tồn tại của những hiện tượng hữu quan. Chẳng qua ông không có đủ thì giờ tìm đọc những tư liệu ấy, hoặc ông không muốn những chuyện vặt ấy làm mất giá trị của một giả thuyết quá quan trọng đối với lý luận ngôn ngữ học.
Riêng tôi, tôi xin thú thật rằng, sau khi nhớ lại những sự kiện cụ thể của tình hình tiếp xúc ngôn ngữ ở nước ta trong hai thời kỳ lớn được phân chia bằng cái mốc 1945, tôi không cưỡng được cái cảm giác là hai tác giả đáng kính của chúng ta đã đi đến cái kết luận của họ qua một hành trình quá tốn kém.
Vì ai ai cũng biết rằng nước ta chưa bao giờ là một nước "francophone" cả, dù là trước 1945 hay sau 1945 (hoặc trước hay sau Quốc âm thi tập và Truyện Kiều cũng thế thôi). Pays francophone tuyệt nhiên không phải là "nước có dùng tiếng Pháp", mà là "nước dùng tiếng Pháp như một phương tiện giao tiếp thường ngày" (tuy không nhất thiết phải là công cụ giao tiếp duy nhất).
Nếu pays francophone là "nước có dùng tiếng Pháp" thì trên trái đất này nước nào mà chẳng là francophone? Một trong những nỗi kinh ngạc lớn nhất của những người Pháp khi mới đến Việt Nam lần đầu là khi họ phát hiện ra rằng, khác hẳn với những vùng francophones ở châu Phi. Tìm được một người Việt biết tiếng Pháp chẳng dễ hơn đáy bể mò kim bao nhiêu.
Trong thời Pháp thuộc (trước 1945), số người học tiếng Pháp (dù chỉ học hết cấp tiểu học mà thôi rồi sau đó quên dần đi) chưa bao giờ lên đến quá 0,3% tổng số dân, và số từ ngữ Pháp được vay mượn vào tiếng Việt và trở thành thông dụng ít nhiều chưa bao giờ vượt quá con số mấy chục, và trong con số này chưa bao giờ có lấy một từ công cụ, dù là liên từ, giới từ, số từ hay loại từ (dù quan niệm đó chỉ là một tác tử danh hóa).
Từ 1945 trở đi, số người học tiếng Pháp giảm hẳn, vì thứ tiếng này chỉ còn là một trong hai (hay ba) ngoại ngữ được học ở một số trường nào đó mà thôi. Tình hình này khác một trời một vực với tình hình của những nước francophones như Ca-na-đa, Bỉ, Thụy Sĩ, Romande hay An-giê-ri, Tuy-ni-di. Vậy thì làm sao tiếng Pháp lại có - thể được toàn dân Việt Nam "sao chép" một cách trung thành đến nỗi không những từ vựng, mà ngay cả ngữ pháp cũng trở thành ngữ pháp tiếng Pháp?
Vấn đề loại từ, một trong những từ loại mà Giả thuyết Phan Ngọc coi là chỉ xuất hiện như một kết quả của quá trình sao phỏng tiếng Pháp, đáng được chúng ta chú ý nhiều hơn.
Từ rất xưa, tiếng Hán và tiếng Việt đã nổi tiếng với tư cách là những ngôn ngữ có loại từ (classifier languages, langues à classificateurs), và từ đó trở đi, người ta làm như thể loại từ là một từ loại gì đặc biệt chỉ có trong vài ba thứ tiếng exotic hiếm hoi (và kỳ quặc) nào đó mà thôi.
Mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX mới có một tác giả (M.A.K. Halliday) thấy được tính phi lý của thuật ngữ loại từ khi biết rằng đó chỉ là một trong những chức năng của từ loại danh từ (mà ông gọi là measure 'định ngữ đo lường', hay 'đạc ngữ') và tuy vẫn giữ thuật ngữ classifier mà ông dùng để chỉ định ngữ chỉ loại (có thể là do danh từ hay tính từ đảm nhiệm) như trong danh ngữ race horse' 'ngựa đua' trong đó race 'đua' là classifier 'định ngữ chỉ loại' của horse, ông vẫn không thấy đó là một cái gì quá đặc biệt đến nỗi phải coi như một tiêu chí để tách ra một loại hình ngôn ngữ gồm những thứ tiếng "có loại từ".
Từ đó trở đi, ít nhất là ở Anh, ở Úc và một số trường ở Ấn Độ, ngôn ngữ học đại cương và tiếng Anh bắt đầu được giảng theo quan điểm của Halliday về "loại từ".
Trước đó gần đúng một thế kỷ, Trương Vĩnh Ký (1883) đã cho ta một danh sách gồm 320 danh từ mà ông gọi là danh từ số (noms numériques) được ông miêu tả như những danh từ chính danh, trong đó có những danh từ "có tác dụng làm cho những vì từ và tính từ trở thành danh từ". Danh sách này gồm có những từ được đa số các tác giả gọi là "loại từ" như cái, con, cây, hòn, tấm và mấy trăm danh từ khác có những thuộc tính ngữ pháp hoàn toàn đồng nhất với các từ này về mọi phương diện (8).
Một thuộc tính được coi là một nét đặc thù khiến cho tiếng Việt và tiếng Hán từng được ngôn ngữ học xếp vào một loại riêng như vậy làm sao có thể coi là kết quả của một quá trình sao phỏng từ tiếng Pháp, một thứ tiếng không có loại từ?
Nói của đáng tội, không phải tiếng Pháp, nhất là trước 1945, không có ảnh hưởng gì đến tiếng Việt. Nhưng ảnh hưởng đó có thể nói là đã len qua một lỗ rò rỉ rất hẹp: những bản dịch kém cỏi sao chép từng chữ một từ nguyên bản, giữ nguyên cả các phạm trù ngữ pháp không thể có trong tiếng Việt, như khi một số dịch giả dịch tên gọi chung của dân tộc hay quốc tịch như Les Muong; les Francais là 'những người Mường', "những người Pháp", hay như khi hễ thấy trong nguyên bản dùng thì quá khứ thì dịch ngay bằng chữ đã v.v...
Những kiểu dịch như thế tuy khá phổ biến, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng chưa bao giờ có ảnh hưởng đến tiếng nói thường ngày của người dân, ít nhất là cho đến ngày nay. Có lẽ một trong những trường hợp mà một cách viết chưa thấy có trong các văn bản cũ đã dần dần được chấp nhận và trở thành quen thuộc đối với mọi người là trường hợp dùng tổ hợp quá... để như trong câu Nó còn quá trẻ để đi lính mà mới cách đây vài mươi năm bất cứ biên tập viên nào cũng thấy phải sửa thành Nó còn quá trẻ nên chưa đi lính được.
Những trường hợp "sao phỏng" như vậy sở dĩ có thể diễn ra là vì những cách viết như thế không trái với những quy tắc cơ bản của tiếng Việt đã tồn tại từ năm trăm năm nay không hề thay đổi. Dù sao, những kiểu sao phỏng như vậy cũng chưa bao giờ trở thành thông dụng trong ngôn từ của toàn dân.
Quốc âm thi tập có những câu khó hiểu là vì Nguyện Trãi dùng nhiều từ ngữ ngày nay không ai dùng nữa, như song viết, càng la, nón ánh, tu rích, v.v. . . Nhưng trên bình diện ngữ pháp thì chưa thấy có ai nêu ra được một dẫn chứng nào cho thấy Quốc âm thi tập dùng một kết cấu ngữ pháp khác về chất so với các kết cấu ngữ pháp của tiếng Việt hiện đại. Đó cũng là một điều rất tự nhiên, vì trái với vốn từ vựng, hệ thống ngữ pháp là một lĩnh vực rất khó thay đổi, nhất là một hệ thống không dùng hình thái học, lại được vận hành một cách gần như tuyệt đối nhất quán, như ngữ pháp tiếng Việt.
Còn những kết cấu ngữ pháp mà Phan Ngọc cho là mới sao phỏng của tiếng Pháp sau 1945 như thái bị động chẳng hạn thì trước hay sau 1945 đều không thể có được vì một ngôn ngữ "thiên chủ đề" như tiếng Việt tuyệt nhiên không cần đến kết cấu này, (một cái Đề đứng đầu câu như trong Bàn lau rồi đấy; Cơm đã dọn lên; hay Vườn trồng toàn nhãn; hoàn toàn không cần có được hay bị theo sau, và trong Tôi được bạn giúp, chữ được có một chức năng biểu hiện "tình thái" hoặc tạo kết cấu "gây khiến" không khác với những vị từ như có, cần, mong, nhờ, cậy, để, xin, cho (9).Trong khi đó thì một câu như * Tôi được giúp bởi bạn không thể nuôi chút hy vọng nào là sẽ trở thành một câu tiếng Việt được người bản ngữ chấp nhận và sử dụng hàng ngày, vì nó trái với những quy tắc cơ bản và cố hữu của ngữ pháp tiếng Việt.
Cuối cùng, để trả lời thẳng vào câu hỏi được dùng làm đầu đề cho bài này, xin đáp rằng ít nhất là từ thế kỷ XV cho đến nay chưa bao giờ có sự "sao phỏng ngữ pháp tiếng Pháp" trong tiếng Việt. Chỉ có những hiện tượng hãn hữu, không đáng kể: 1. trong một vài bản dịch kém cỏi sao từng chữ một từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; 2. trong một số sách dạy tiếng Việt và một số ít công trình ngôn ngữ học; 3. trong Giả thuyết Phan Ngọc. Chứ xưa nay ngữ pháp tiếng Việt vẫn là thứ ngữ pháp tiêu biểu của loại hình ngôn ngữ đơn lập, lấy tiếng (âm tiết - hình vị) làm đơn vị ngôn ngữ học cơ bản, và dùng trật tự "chính trước phụ sau với một sự nhất quán rất ít khi thấy có (rất gần với tần suất 100%) trong những thứ tiếng đã từng được biết rõ.
Chú thích:
- Phan Ngọc, Ảnh hưởng của ngữ pháp châu Âu tới ngữ pháp tiếng Việt - Sự tiếp xúc về ngữ pháp, in trong "Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á", Viện Đông Nam Á, Hà Nội 1983. Tr. 220 ss. 269.
- Lương Văn Hy (Hy V. Luong). Biến thể cú pháp và vị thế xã hội: một nghiên cứu lịch đại và đồng đại tại hai cộng đồng miền Bắc Việt Nam. In Lương Văn Hy (chủ biên), ẹt al, Ngôn từ, giới và nhóm xã hội, từ thực tiễn tiếng Việt, Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2000, tr.230-265.
- Trong một cuốn sách do Bộ Giáo dục phát hành năm 1998, tác giả Trần Trí Dõi viết: "Về ngữ pháp, tiếng Việt đã "sao phỏng ngữ pháp" châu Âu, mà cụ thể là ngữ pháp tiếng Pháp như cách nói của giáo sư Phan Ngọc. Và cái diện mạo mà chúng ta có được ngày nay của tiếng Việt là có một sự đóng góp hữu hiệu của hiện tượng sao phỏng này" (x. Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Đào Thanh Lan, Cơ sở tiếng Việt, Hà Nội, 1998, NXB Giáo Dục, tr. 5-31).
- Nguyễn Thị Ly Kha, Danh ngữ tiếng Việt là kết quả sao phỏng Ngữ pháp châu Âu? Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 năm 1999, tr. 66-75.
- Sau đây là bảng thống kê của Nguyễn Thị Ly Kha trên tổng số Danh từ dùng đơn lẻ so với Danh ngữ đầy đủ (có loại từ, quán từ và số từ) được Giả thuyết Phan Ngọc cho là sao phỏng của tiếng Pháp, trong Quốc âm thi tập, Truyện Kiều và thơ Xuân Diệu:
Quốc âm thi tập: Danh từ: 42,8%, Danh ngữ: 57,2%
Truyện Kiều: Danh từ: 43,4%, Danh ngữ: 56,6%
Thơ Xuân Diệu: Danh từ: 44,9%, Danh ngữ: 55,1% - Sau đây là một số thí dụ của Nguyễn Thị Ly Kha dẫn từ Quốc âm thi tập trong đó có đủ tất cả những kiểu danh ngữ mà theo Giả thuyết Phan Ngọc thì chỉ sau khi bắt đầu sao phỏng tiếng Pháp tiếng Việt mới có:Hai chữ công danh biếng vã vê
Mấy người ngày nọ thi đỗ
Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớ
Danh thơm một áng mây nổi;
Một trường ân oán những hằm hè
Lòng người một sự yêm chăng một,
Đã mấy thu nay để lệ nhà
Hai quyển Thi Thư ấy báu chôn
La ngàn non nước một thằng hề
Láng giềng một áng mây bạc
Một niềm trung hiếu làm lèo cả. - Tôi xin không nhắc đến những luận cứ mà tôi thấy là không mấy liên quan đến Giả thuyết Phan Ngọc như những số liệu thống kê tần số sử dụng của từng nhóm xã hội hay những trường hợp có mâu thuẫn giữa cứ liệu đồng đại và lịch đại trong từng đối tượng khảo sát.
- Cũng như trong những danh sách do các tác giả khác đề nghị, hầu hết các "loại từ" đều không có nghĩa "chỉ loại" như ái, con, cây, người, mà chỉ một đơn vị (dù đó là một cá thể hay một tập hợp). Chúc năng chính của những danh từ này là, với tư cách trung tâm ngữ đoạn, làm cho toàn bộ ngữ đoạn trở thành một danh ngữ đếm được...
- Đó là chức năng của một vị từ tình thái làm trung tâm cho ngữ đoạn vị từ kế theo, đồng thời là tác từ có công dụng tình thái hóa toàn ngữ đoạn vị từ làm bổ ngữ trực tiếp của nó. Nếu thay được bằng một trong những vị từ kể trên, ý nghĩa "bị động" sẽ được giữ y nguyên: Tôi có bạn giúp; Tôi cần bạn giúp; Tôi nhờ bạn giúp, Tôi để cho bạn giúp v.v. (Nhưng không thể thay được bằng bị: Tôi bị bạn giúp). Đó là chưa kể đến việc được và bị có ý nghĩa "chủ động" trước một số vị từ nhiều gấp 3,6 lần so với số vị từ có ý nghĩa "bị động" khi được đặt sau được và bị (Tôi được ăn hay Tôi bị ngã).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét