Tác·giả: Giáo·sư Hoàng·Phê, 1979
1. Khái niệm chuẩn và chuẩn hoá
Khái niệm chuẩn - không chuẩn không đồng nhất với khái niệm đúng - sai.
Cấu trúc ngôn ngữ cung cấp những kiểu: kiểu cấu tạo âm tiết, kiểu cấu tạo từ, kiểu tổ hợp cú pháp, v.v. Ngôn ngữ chỉ sử dụng một số những gì các kiểu có thể tạo ra. Những thực tế ngôn ngữ này, đề nghị gọi là những mẫu ngôn ngữ. Mẫu có tính bắt buộc tuyệt đối, có tính ổn định rất cao. Trừ trường hợp cá biệt, vi phạm mẫu bị đánh giá là sai. Có thể coi mẫu, cũng như cấu trúc, là phạm trù thuần tuý ngôn ngữ.Khi có hai ba (đôi khi nhiều hơn) mẫu khác nhau cho cùng một yêu cầu diễn đạt, thì đó là trường hợp đề nghị gọi là lưỡng khả. Trong ngôn ngữ nói tự nhiên thường ngày, tình trạng lưỡng khả không có nhiều và thường chỉ có tính chất nhất thời. Một đặc điểm của ngôn ngữ văn hoá, dùng cho nhiều phong cách khác nhau và thống nhất trong cùng một cộng đồng ngôn ngữ lớn (thường là một dân tộc), là tình trạng lưỡng khả có nhiều và không phải là nhất thời, do có sự khác biệt giữa các phương ngữ và do có những yêu cầu khác nhau của các phong cách. Khi có lưỡng khả thì chuẩn ngôn ngữ là kết quả sự đánh giá, lựa chọn của xã hội đối với các mẫu mà ngôn ngữ cung cấp. Sự đánh giá, lựa chọn này không dễ có được sự nhất trí hoàn toàn, nó lại có thể thay đổi tuỳ theo nhận thức và tâm lí của xã hội. Tính chất bắt buộc cũng như tính ổn định của chuẩn chỉ là tương đối. Chuẩn là một phạm trù ngôn ngữ - xã hội.Không nên đồng nhất chuẩn với mẫu, như chẳng hạn trong định nghĩa của E. Coseriu, cho rằng chuẩn ngôn ngữ là kết quả "sự lựa chọn trong phạm vi những khả năng thực hiện mà hệ thống cho phép". Thật ra, chuẩn không có quan hệ trực tiếp với hệ thống. Mẫu và chuẩn đều là kết quả sự lựa chọn của xã hội, nhưng một đằng là một sự lựa chọn đã hoàn toàn thuộc về quá khứ, một đằng là một sự lựa chọn đang diễn ra trong hiện tại. Đồng nhất chuẩn với mẫu là đồng nhất đương thời với lịch sử, đồng nhất đồng đại với lịch đại; là đồng nhất cái thuộc phạm vi tác động trực tiếp của con người với cái đã ra ngoài phạm vi ấy. Kết quả là chỉ nhìn thấy ở chuẩn cái đã hình thành, một nhân tố ổn định, mà không đồng thời nhìn thấy cái đang hình thành, một nhân tố phát triển.Con người có thể tác động trực tiếp đến sự hình thành và sự thay đổi của chuẩn ngôn ngữ. Tác động chuẩn hoá này là một tác động thường xuyên. Chính qua tác động chuẩn hoá mà con người có thể tác động đến mẫu ngôn ngữ và, trong những điều kiện nhất định, đến cả cấu trúc ngôn ngữ. Khi tác động chuẩn hoá trở thành một hoạt động có ý thức rõ rệt, thì đó là công tác chuẩn hoá. Đối tượng của công tác chuẩn hoá chỉ là ngôn ngữ văn hoá, và phạm vi của chuẩn hoá chỉ là những trường hợp lưỡng khả mà chuẩn chưa được xác định rõ ràng.
2. Chuẩn hoá tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng ViệtTiếng Việt ở đây phải hiểu là tiếng Việt văn hoá.Tiếng Việt đang ở trong một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, không tránh khỏi những hiện tượng ồ ạt. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là giữ gìn cho tiếng Việt luôn luôn trong sáng trong quá trình phát triển của nó.
Muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì nhất thiết phải làm tốt công tác chuẩn hoá tiếng Việt. Mặt khác, chuẩn hoá tiếng Việt là nhằm làm cho tiếng Việt không những thống nhất hơn (ở dạng ngôn ngữ văn hoá), mà đồng thời cũng phát triển tốt hơn. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nội dung, phương hướng của chuẩn hoá tiếng Việt.
Chuẩn hoá ngôn ngữ và giữ gìn trong sáng của ngôn ngữ đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chung, tổng quát: nhiệm vụ trau dồi ngôn ngữ: trau dồi công cụ ngôn ngữ và trau dồi bản thân lời nói, câu văn của mỗi người.
3. Quan điểm trong công tác chuẩn hoá
Công tác chuẩn hoá ngôn ngữ không thể làm được tốt, nếu chỉ nghiên cứu xác định hoặc quy định những chuẩn cụ thể mà không, trước hết, làm sáng rõ những vấn đề về quan điểm, làm tan những định kiến trong vấn đề ngôn ngữ, phổ biến những nhận thức đúng đắn, tạo ra một dư luận xã hội thuận lợi.
Chuẩn hoá ngôn ngữ đòi hỏi một quan điểm toàn diện: không xem xét từng hiện tượng một cách cô lập, mà xem xét trong mối liên hệ có tính hệ thống với những trường hợp tương tự, chú ý đầy đủ đến mặt ngôn ngữ cũng như mặt xã hội của vấn đề.
Đặc biệt cần đấu tranh khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa thuần tuý. Chủ nghĩa thuần tuý xuất phát từ ý nghĩ muốn "bảo vệ ngôn ngữ", giữ gìn sự trong sáng của nó, nhưng quan niệm sự trong sáng của ngôn ngữ một cách ít nhiều đơn giản, theo một vài yêu cầu ít nhiều đã được tuyệt đối hoá. Do cường điệu mặt xã hội, coi nhẹ mặt ngôn ngữ của vấn đề, chủ nghĩa thuần tuý thường có những chủ trương sửa đổi máy móc, thực chất là muốn áp đặt cho ngôn ngữ những chuẩn theo một lí tưởng nào đó. Chủ nghĩa thuần tuý là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa ý chí trong các vấn đề ngôn ngữ, dựa trên những nhận thức và quan điểm phiến diện. Vì vậy, nó là bảo thủ và phản khoa học, thường là trở ngại lớn cho sự phát triển bình thường và lành mạnh của ngôn ngữ văn hoá.
Những dạng chủ yếu của chủ nghĩa thuần tuý là chủ nghĩa thuần tuý dân tộc, chủ nghĩa thuần tuý lịch sử và chủ nghĩa thuần tuý logic.
Chủ nghĩa thuần tuý dân tộc xuất phát từ một quan điểm dân tộc ít nhiều hẹp hòi, muốn bài trừ những yếu tố vay mượn của ngôn ngữ nước ngoài, không phân biệt những vay mượn không cần thiết với những vay mượn thật sự cần thiết. Cần chống lạm dụng từ ngữ vay mượn để tận dụng và phát huy khả năng vốn có của ngôn ngữ dân tộc và cũng để dân chủ hoá ngôn ngữ văn hoá. Nhưng mặt khác, cũng cần thấy vay mượn giữa các ngôn ngữ là một hiện tượng bình thường, tất yếu, hợp quy luật đối với mọi ngôn ngữ trong quá trình các nền văn hoá, các ngôn ngữ tiếp xúc với nhau; nó là một nguồn quan trọng làm giàu cho ngôn ngữ.
Chủ nghĩa thuần tuý lịch sử xuất phát từ một quan điểm phản biện chứng, muốn lấy xưa làm chuẩn cho nay, đối chiếu với lịch sử mà cho rằng ngôn ngữ thường bị "làm hư hỏng", chủ trương uốn nắn lại nhiều cái "sai", không kể trong đó có những hiện tượng đã từ lâu rất phổ biến. Đúng là có những hiện tượng sử dụng ngôn ngữ nhầm lẫn hoặc sai, và việc uốn nắn là cần thiết, nhưng khi một nhầm lẫn lại được số đông chấp nhận, và bất chấp mọi sự uốn nắn, nó vẫn cứ là phổ biến, thì ở đây đã có một sự chuyển biến biện chứng từ sai thành đúng rồi. Và nếu nghiên cứu kĩ thì nhiều khi phát hiện có tác động của những quy luật ngữ âm, ngữ nghĩa nào đó, và sự nhầm lẫn hoá ra là một sự vận dụng không tự giác những quy luật ấy. Nói như Bali (Ch. Bally), có những cái sai "có lí do tồn tại của nó", và "chính ngôn ngữ ngày mai đang được chuẩn bị trong một loạt những cái sai như thế".
Chủ nghĩa thuần tuý logic xuất phát từ một quan điểm máy móc, muốn cho ngôn ngữ phải thật "logic", lấy logic hình thức làm chuẩn. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, hình thức ngôn ngữ phải đáp ứng những yêu cầu của tư duy logic. Nhưng ngôn ngữ không chỉ là tư duy logic, mà còn là tư duy nghệ thuật, là cuộc sống, là hiện thực đa dạng và đầy mâu thuẫn; ngôn ngữ không chỉ là hiện tại, nó còn là cả quá khứ. Ngôn ngữ có cái logic riêng của nó, cái logic này thường phải tìm ở trong bản thân cấu trúc ngôn ngữ.
Chủ nghĩa thuần tuý còn có những dạng biểu hiện khác. Chẳng hạn, có thứ chủ nghĩa thuần tuý thẩm mĩ, nó yêu cầu ngôn ngữ phải "đẹp", với một khái niệm đẹp ít nhiều mơ hồ nhưng đã được tuyệt đối hoá. Nó chống lại những lối nói nào đó, thường là trong khẩu ngữ, chỉ vì cho rằng nói như thế "không đẹp", mặc dầu đó là những lối nói phổ biến, đáp ứng những yêu cầu nhất định của ngôn ngữ.
Mẫu ngôn ngữ thường là giao điểm của nhiều mối quan hệ có tính hệ thống phức tạp, cho nên đối với mẫu ngôn ngữ, nhất là những mẫu đã hình thành từ lâu đời, đã đi vào thói quen của nhiều thế hệ, nên có thái độ thận trọng, chỉ nên chủ trương sửa đổi trong những trường hợp cá biệt thật sự có yêu cầu.
Nhiệm vụ chủ yếu vẫn là giải quyết những trường hợp lưỡng khả mà chuẩn chưa được xác định.
4. Hướng chuẩn hoá từ vựng
Với từng loại lưỡng khả, yêu cầu và phương hướng chuẩn hoá có khác nhau.
Lưỡng khả từ vựng cần được giải quyết chủ yếu thuộc hai lớp từ khác nhau: từ địa phương và từ mới sáng tạo, không phải địa phương.
Với từ địa phương, trong tiếng Việt văn hoá, quá trình chuẩn hoá tự nhiên đã kết thúc với phần lớn từ, cho thấy một xu hướng khá rõ: trên cơ sở phương ngữ miền Bắc. Có bổ sung và tận dụng tất cả những yếu tố từ vựng ít nhiều có tác dụng tích cực của các phương ngữ khác. Công tác chuẩn hoá đối với phần còn lại của từ địa phương cũng phải theo phương hướng đó, đẩy mạnh và hoàn thành một quá trình chuẩn hoá đã diễn ra trong khách quan.
Cần chú ý là với danh từ cụ thể, do ranh giới nghĩa của từ thường không rõ ràng, hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn ít có tác dụng tích cực, nên chuẩn hoá thường là chọn một từ, thu hẹp phạm vi sử dụng, thậm chí loại bỏ từ kia, trước hết là trong một số phong cách. Còn với tính từ, động từ, phó từ (và cả danh từ trừu tượng), do ranh giới nghĩa thường không rõ ràng, hiện tượng đồng nghĩa tạo nên sự phong phú của một ngôn ngữ, nên chuẩn hoá thường không loại trừ bớt từ địa phương, mà tận dụng, khai thác khả năng diễn đạt của các từ địa phương.
Về những từ mới tạo ra, kể cả những từ vay mượn, sự lựa chọn không phân biệt từ địa phương nào, mà chỉ dựa trên sự đánh giá theo một số tiêu chuẩn. Với thuật ngữ khoa học - kĩ thuật, yêu cầu của tính đơn nghĩa - chính xác là quan trọng hàng đầu, ngoài ra còn có yêu cầu của tính hệ thống, tính ngắn gọn tương đối, và trong những trường hợp nhất định, tính quốc tế. Với từ dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thì yêu cầu của tính đơn nghĩa - chính xác, cũng như của tính hệ thống, chỉ là tương đối, ngược lại yêu cầu của tính ngắn gọn có khi lại quan trọng, và nói chung thì những từ ngữ tương đối "có lí do" thường dễ được hoan nghênh và dễ được chấp nhận hơn.
Nếu đối chiếu với tiêu chuẩn mà không có từ nào đạt yêu cầu, thì có thể tạo ra một từ hoàn toàn mới để thay thế. Trong trường hợp này công tác chuẩn hoá trở thành đồng thời là một công tác sáng tạo và phạm vi chuẩn hoá có thể bao gồm cả một số trường hợp vốn không có lưỡng khả, tức là đang tồn tại một từ duy nhất cho một yêu cầu cụ thể nào đó. Điều này xảy ra chủ yếu với thuật ngữ khoa học - kĩ thuật.
Do đặc điểm của từ vựng (hệ thống mở, gồm một số lượng đơn vị vô cùng lớn, lại luôn luôn có biến đổi), chuẩn từ vựng là phức tạp nhất. Ranh giới giữa chuẩn - không chuẩn không phải lúc nào cũng rõ ràng, lại luôn luôn có những di động, từ chuẩn trở thành không chuẩn và ngược lại. Điều đó đòi hỏi một công tác chuẩn hoá thường xuyên, tích cực, mặt khác lại đòi hỏi nên tránh những quy định quá chặt chẽ, cứng nhắc, máy móc, thường là kết quả của sự tư biện hoặc của những nghiên cứu vội vàng. Nói như L. Shcherba): "Chuẩn hoá quá đáng là tai hại, nó làm cho ngôn ngữ mất linh hoạt, do đó mất hết sinh khí".
Một chuẩn ngôn ngữ cuối cùng có hình thành và thực tế có tồn tại được hay không, là do số đông có thật sự chấp nhận và vận dụng nó hay không trong thực tiễn ngôn ngữ của mình. Cho nên cần có sự nhạy cảm đối với những ý kiến, tán thành hay phản đối, của số đông, để tránh cái khuyết điểm cần tránh nhất trong công tác chuẩn hoá: mâu thuẫn giữa chuẩn quy định trong sách vở, trên báo chí, với chuẩn tồn tại khách quan trong thực tiễn ngôn ngữ hằng ngày của số đông.
Chuẩn hoá ngôn ngữ và giữ gìn trong sáng của ngôn ngữ đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chung, tổng quát: nhiệm vụ trau dồi ngôn ngữ: trau dồi công cụ ngôn ngữ và trau dồi bản thân lời nói, câu văn của mỗi người.
3. Quan điểm trong công tác chuẩn hoá
Công tác chuẩn hoá ngôn ngữ không thể làm được tốt, nếu chỉ nghiên cứu xác định hoặc quy định những chuẩn cụ thể mà không, trước hết, làm sáng rõ những vấn đề về quan điểm, làm tan những định kiến trong vấn đề ngôn ngữ, phổ biến những nhận thức đúng đắn, tạo ra một dư luận xã hội thuận lợi.
Chuẩn hoá ngôn ngữ đòi hỏi một quan điểm toàn diện: không xem xét từng hiện tượng một cách cô lập, mà xem xét trong mối liên hệ có tính hệ thống với những trường hợp tương tự, chú ý đầy đủ đến mặt ngôn ngữ cũng như mặt xã hội của vấn đề.
Đặc biệt cần đấu tranh khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa thuần tuý. Chủ nghĩa thuần tuý xuất phát từ ý nghĩ muốn "bảo vệ ngôn ngữ", giữ gìn sự trong sáng của nó, nhưng quan niệm sự trong sáng của ngôn ngữ một cách ít nhiều đơn giản, theo một vài yêu cầu ít nhiều đã được tuyệt đối hoá. Do cường điệu mặt xã hội, coi nhẹ mặt ngôn ngữ của vấn đề, chủ nghĩa thuần tuý thường có những chủ trương sửa đổi máy móc, thực chất là muốn áp đặt cho ngôn ngữ những chuẩn theo một lí tưởng nào đó. Chủ nghĩa thuần tuý là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa ý chí trong các vấn đề ngôn ngữ, dựa trên những nhận thức và quan điểm phiến diện. Vì vậy, nó là bảo thủ và phản khoa học, thường là trở ngại lớn cho sự phát triển bình thường và lành mạnh của ngôn ngữ văn hoá.
Những dạng chủ yếu của chủ nghĩa thuần tuý là chủ nghĩa thuần tuý dân tộc, chủ nghĩa thuần tuý lịch sử và chủ nghĩa thuần tuý logic.
Chủ nghĩa thuần tuý dân tộc xuất phát từ một quan điểm dân tộc ít nhiều hẹp hòi, muốn bài trừ những yếu tố vay mượn của ngôn ngữ nước ngoài, không phân biệt những vay mượn không cần thiết với những vay mượn thật sự cần thiết. Cần chống lạm dụng từ ngữ vay mượn để tận dụng và phát huy khả năng vốn có của ngôn ngữ dân tộc và cũng để dân chủ hoá ngôn ngữ văn hoá. Nhưng mặt khác, cũng cần thấy vay mượn giữa các ngôn ngữ là một hiện tượng bình thường, tất yếu, hợp quy luật đối với mọi ngôn ngữ trong quá trình các nền văn hoá, các ngôn ngữ tiếp xúc với nhau; nó là một nguồn quan trọng làm giàu cho ngôn ngữ.
Chủ nghĩa thuần tuý lịch sử xuất phát từ một quan điểm phản biện chứng, muốn lấy xưa làm chuẩn cho nay, đối chiếu với lịch sử mà cho rằng ngôn ngữ thường bị "làm hư hỏng", chủ trương uốn nắn lại nhiều cái "sai", không kể trong đó có những hiện tượng đã từ lâu rất phổ biến. Đúng là có những hiện tượng sử dụng ngôn ngữ nhầm lẫn hoặc sai, và việc uốn nắn là cần thiết, nhưng khi một nhầm lẫn lại được số đông chấp nhận, và bất chấp mọi sự uốn nắn, nó vẫn cứ là phổ biến, thì ở đây đã có một sự chuyển biến biện chứng từ sai thành đúng rồi. Và nếu nghiên cứu kĩ thì nhiều khi phát hiện có tác động của những quy luật ngữ âm, ngữ nghĩa nào đó, và sự nhầm lẫn hoá ra là một sự vận dụng không tự giác những quy luật ấy. Nói như Bali (Ch. Bally), có những cái sai "có lí do tồn tại của nó", và "chính ngôn ngữ ngày mai đang được chuẩn bị trong một loạt những cái sai như thế".
Chủ nghĩa thuần tuý logic xuất phát từ một quan điểm máy móc, muốn cho ngôn ngữ phải thật "logic", lấy logic hình thức làm chuẩn. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, hình thức ngôn ngữ phải đáp ứng những yêu cầu của tư duy logic. Nhưng ngôn ngữ không chỉ là tư duy logic, mà còn là tư duy nghệ thuật, là cuộc sống, là hiện thực đa dạng và đầy mâu thuẫn; ngôn ngữ không chỉ là hiện tại, nó còn là cả quá khứ. Ngôn ngữ có cái logic riêng của nó, cái logic này thường phải tìm ở trong bản thân cấu trúc ngôn ngữ.
Chủ nghĩa thuần tuý còn có những dạng biểu hiện khác. Chẳng hạn, có thứ chủ nghĩa thuần tuý thẩm mĩ, nó yêu cầu ngôn ngữ phải "đẹp", với một khái niệm đẹp ít nhiều mơ hồ nhưng đã được tuyệt đối hoá. Nó chống lại những lối nói nào đó, thường là trong khẩu ngữ, chỉ vì cho rằng nói như thế "không đẹp", mặc dầu đó là những lối nói phổ biến, đáp ứng những yêu cầu nhất định của ngôn ngữ.
Mẫu ngôn ngữ thường là giao điểm của nhiều mối quan hệ có tính hệ thống phức tạp, cho nên đối với mẫu ngôn ngữ, nhất là những mẫu đã hình thành từ lâu đời, đã đi vào thói quen của nhiều thế hệ, nên có thái độ thận trọng, chỉ nên chủ trương sửa đổi trong những trường hợp cá biệt thật sự có yêu cầu.
Nhiệm vụ chủ yếu vẫn là giải quyết những trường hợp lưỡng khả mà chuẩn chưa được xác định.
4. Hướng chuẩn hoá từ vựng
Với từng loại lưỡng khả, yêu cầu và phương hướng chuẩn hoá có khác nhau.
Lưỡng khả từ vựng cần được giải quyết chủ yếu thuộc hai lớp từ khác nhau: từ địa phương và từ mới sáng tạo, không phải địa phương.
Với từ địa phương, trong tiếng Việt văn hoá, quá trình chuẩn hoá tự nhiên đã kết thúc với phần lớn từ, cho thấy một xu hướng khá rõ: trên cơ sở phương ngữ miền Bắc. Có bổ sung và tận dụng tất cả những yếu tố từ vựng ít nhiều có tác dụng tích cực của các phương ngữ khác. Công tác chuẩn hoá đối với phần còn lại của từ địa phương cũng phải theo phương hướng đó, đẩy mạnh và hoàn thành một quá trình chuẩn hoá đã diễn ra trong khách quan.
Cần chú ý là với danh từ cụ thể, do ranh giới nghĩa của từ thường không rõ ràng, hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn ít có tác dụng tích cực, nên chuẩn hoá thường là chọn một từ, thu hẹp phạm vi sử dụng, thậm chí loại bỏ từ kia, trước hết là trong một số phong cách. Còn với tính từ, động từ, phó từ (và cả danh từ trừu tượng), do ranh giới nghĩa thường không rõ ràng, hiện tượng đồng nghĩa tạo nên sự phong phú của một ngôn ngữ, nên chuẩn hoá thường không loại trừ bớt từ địa phương, mà tận dụng, khai thác khả năng diễn đạt của các từ địa phương.
Về những từ mới tạo ra, kể cả những từ vay mượn, sự lựa chọn không phân biệt từ địa phương nào, mà chỉ dựa trên sự đánh giá theo một số tiêu chuẩn. Với thuật ngữ khoa học - kĩ thuật, yêu cầu của tính đơn nghĩa - chính xác là quan trọng hàng đầu, ngoài ra còn có yêu cầu của tính hệ thống, tính ngắn gọn tương đối, và trong những trường hợp nhất định, tính quốc tế. Với từ dùng trong sinh hoạt hằng ngày, thì yêu cầu của tính đơn nghĩa - chính xác, cũng như của tính hệ thống, chỉ là tương đối, ngược lại yêu cầu của tính ngắn gọn có khi lại quan trọng, và nói chung thì những từ ngữ tương đối "có lí do" thường dễ được hoan nghênh và dễ được chấp nhận hơn.
Nếu đối chiếu với tiêu chuẩn mà không có từ nào đạt yêu cầu, thì có thể tạo ra một từ hoàn toàn mới để thay thế. Trong trường hợp này công tác chuẩn hoá trở thành đồng thời là một công tác sáng tạo và phạm vi chuẩn hoá có thể bao gồm cả một số trường hợp vốn không có lưỡng khả, tức là đang tồn tại một từ duy nhất cho một yêu cầu cụ thể nào đó. Điều này xảy ra chủ yếu với thuật ngữ khoa học - kĩ thuật.
Do đặc điểm của từ vựng (hệ thống mở, gồm một số lượng đơn vị vô cùng lớn, lại luôn luôn có biến đổi), chuẩn từ vựng là phức tạp nhất. Ranh giới giữa chuẩn - không chuẩn không phải lúc nào cũng rõ ràng, lại luôn luôn có những di động, từ chuẩn trở thành không chuẩn và ngược lại. Điều đó đòi hỏi một công tác chuẩn hoá thường xuyên, tích cực, mặt khác lại đòi hỏi nên tránh những quy định quá chặt chẽ, cứng nhắc, máy móc, thường là kết quả của sự tư biện hoặc của những nghiên cứu vội vàng. Nói như L. Shcherba): "Chuẩn hoá quá đáng là tai hại, nó làm cho ngôn ngữ mất linh hoạt, do đó mất hết sinh khí".
Một chuẩn ngôn ngữ cuối cùng có hình thành và thực tế có tồn tại được hay không, là do số đông có thật sự chấp nhận và vận dụng nó hay không trong thực tiễn ngôn ngữ của mình. Cho nên cần có sự nhạy cảm đối với những ý kiến, tán thành hay phản đối, của số đông, để tránh cái khuyết điểm cần tránh nhất trong công tác chuẩn hoá: mâu thuẫn giữa chuẩn quy định trong sách vở, trên báo chí, với chuẩn tồn tại khách quan trong thực tiễn ngôn ngữ hằng ngày của số đông.
1979
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét