Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Đài Pháp bàn chuyện người ở Hà Nội ngọng L,N

24/11/2011 07:17 GMT+7
Đầu tháng 11/2011, tại Việt Nam nổi lên một cuộc tranh luận sôi động liên quan đến chủ trương xóa bỏ việc nói "ngọng" L/N. Ngòi nổ trực tiếp cho cuộc tranh luận này là kế hoạch xóa nói "ngọng" L/N, vừa được Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội tiến hành tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội trong năm học 2011-2012. Đây có thể là chương trình xóa bỏ một tập quán ngôn ngữ địa phương lệch chuẩn, ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay.


NGHE ÂM THANH trao đổi của RFI với các nhà thơ, nhà giáo, nhà ngôn ngữ và nhà nghiên cứu văn hóa: Vương Trí Nhàn, Đoàn Thiện Thuật, Hoàng Dũng, Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Cao Dương, Thanh Thảo...

Tại Việt Nam, không phân biệt được âm L với âm N, hay nói lẫn lộn hai âm này là một tập quán nói năng đa phần thường bị cười chê. Tuy nhiên, tập quán vốn rất phổ biến ở nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ này, có sức sống dai dẳng và đang có xu hướng lan rộng, gây lo ngại cho những ai muốn bảo vệ một cách nói tiếng Việt chuẩn mực.

Việc xóa bỏ cách nói lẫn lộn L/N tưởng như là một điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi nhiều. Tuy nhiên, trong tháng 11 này, trong công luận đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này. Ngòi nổ trực tiếp cho cuộc tranh luận này là kế hoạch xóa « ngọng » L/N, vừa được Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hà Nội bắt đầu tiến hành tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội trong năm học 2011-2012.
Về chủ đề này, có nhiều câu hỏi chính được đặt ra: Tập quán nói lẫn lộn hay nói ngọng L/N gây ra những phản ứng như thế nào? Vì sao cần phải xóa bỏ sự lẫn lộn này ? Những phương pháp nào là hữu hiệu theo các nhà chuyên môn ? …

Trong tạp chí Khoa học của RFI – Đài phát thanh quốc tế Pháp - tuần này, chúng tôi giới thiệu với quý vị các tâm tư, suy nghĩ của một số chuyên gia, trí thức Việt Nam, cũng như của một số người trong cuộc, về vấn đề này. Trong số những quan điểm được trình bày, có cả ý kiến của những người không coi việc nói lẫn lộn L/N là nói « ngọng » và ý kiến cho rằng cần rất thận trọng trong việc áp dụng cấp tốc chương trình xóa « ngọng » ...

Bìa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 DR

Tập quán lẫn lộn L/N, gây phản cảm đang có xu hướng lan rộng, cần được xóa bỏ


Khách mời thứ nhất của chúng tôi là nhà thơ và nhà báo Thanh Thảo từ Quảng Ngãi. Sau đây là một số nhận xét của ông về việc nói lẫn lộn L/N, mà ông khẳng định ngay là không thể chấp nhận được. 


Thanh Thảo: Nói N/L lẫn lộn nó sinh ra nhiều chuyện, nghe nó buồn cười lắm. Chẳng hạn, mình gọi đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, thì mình gọi là Lông Đức Mạnh, tất nhiên không được, không vô rồi. N/L đúng là ngọng rồi. Cái đó là ngọng rõ rồi. Cái ngọng đó, nhiều khi nó tạo ra các tình huống rất là oái ăm. Cái đấy chúng ta đều biết cả. Phải sửa thôi.

Về vấn đề nói lẫn lộn L/N, nhà nghiên cứu văn hóa và phê bình văn học Vương Trí Nhàn – một người sinh ra tại Hà Nội và gần như suốt đời gắn bó với Hà Nội, cho chúng tôi biết các tâm tư của ông. Theo ông, sự lan tràn của việc không phân biệt L/N trong lời ăn tiếng nói cho thấy nền văn hóa đô thị, cụ thể là của Hà Nội, một thời được coi là đỉnh cao, đang bị đe dọa.

Vương Trí Nhàn: Hiện tượng nói ngọng L/N, theo tôi, xuất phát như thế này. Tức là, cách biểu đạt ngôn ngữ của xã hội ta gần đây dường như là tự phát. Nhiều người Việt hiện nay cảm thấy là, không cần phải học nói, mà cứ nói theo bố mẹ nói, mọi người nói là đúng rồi, và không tính đến cái chuẩn trong ngôn ngữ, không cảm thấy bắt buộc phải theo các chuẩn đó, không thấy rằng nói sai thì phải sửa.

Đến bây giờ, thì rất là khó sửa chữa. Bằng chứng lớn nhất là, ngay cả trong các trường học, cái hiện tượng nói ngọng đang phổ biến. Các phương tiện thông tin đại chúng, như đài phát thanh, truyền hình cũng còn rất nhiều người nói ngọng, để những người nói ngọng được tùy tiện phát biểu, … Tôi cảm thấy một điều là, ngay cả những người trong gia đình tôi, trước đây không ngọng đâu, thế mà bây giờ cũng ngọng, sau năm 1954 cũng ngọng.

Cái đó phụ thuộc vào một điều như thế này. Sự phát triển của xã hội trong thời gian vừa qua, theo tôi, có tính chất xô bồ, tùy tiện. Có một hiện tượng nông thôn hóa các đô thị Việt Nam. Nói chung là, trước năm 1945, 1954, các đô thị có một sự phân biệt rõ rệt đối với nông thôn. Thế nhưng, sau năm 1954, và sau cả cuộc chống Mỹ nữa, tôi thấy là, số người nông thôn tràn lên Hà Nội, và chiếm một tỷ lệ rất lớn ở Hà Nội. Đồng thời họ mang về Hà Nội những ngôn ngữ của địa phương họ. Chính cái đó nó làm cho chính người Hà Nội cũng bị dao động, cũng bị lôi cuốn theo cái đó, và nó làm cho cái hiện tượng ngọng trở lại. Trong khi đó, việc dậy nói [chuẩn] chưa được đưa vào nhà trường, hoặc có sửa thì cũng rất là ít thôi.

Là người kiến quyết chủ trương xóa bỏ việc nói lẫn lộn L/N , nhà ngôn ngữ học Đoàn Thiện Thuật – được coi là một chuyên gia đầu ngành về ngữ âm học tiếng Việt - giải thích, vì sao lại nhất thiết phải xóa bỏ sự lẫn lộn này.


Đoàn Thiện Thuật: Khái niệm "ngọng" là của một hai người. Nếu liên quan đến nhiều người, thì "thổ ngữ" ít người nói, "phương ngữ", đông người nói. Đối xử với lại mỗi loại phải khác nhau. Thứ nhất, đối xử với một vài người gọi là ngọng trong một lớp 40 anh học trò, có hai đứa nói lẫn lộn L/N, vậy đó gọi là ngọng. Phải kiên quyết, với bất cứ giá nào, phải chữa lại cho hai em đó nói đúng.

Còn đối với các phương ngữ, miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Cái đó khó lắm, không thể chữa được. Chỉ thống nhất được về chính tả.

Còn đối với loại trung gian ở giữa, tức là có một làng, hay một huyện thôi, thì cái đó có thể chữa và chữa được, nhưng phải chữa lâu dài, chữa trong một năm, không được đâu. Phải kéo dài trong vài ba năm, chục năm.

Lẫn lộn L/N nằm trong xu thế đơn giản hóa trong phương ngữ tiếng Việt miền Bắc.


Tuy đồng ý với chủ trương chuẩn hóa trong phát âm L/N, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Hảo đưa ra một quan điểm rất bất ngờ.

Ông cho rằng việc lẫn lộn L/N không phải là tàn dư của các phương ngữ hay thổ ngữ cổ xưa, mà ngược lại đây là một xu thế đang trong quá trình phát triển, trên phương diện khoa học không thể gọi là "nói ngọng" được. Theo ông, những người có học vấn có thể luyện để phân biệt L/N, nhưng rất nhiều người dân thuộc tầng lớp "lao động", không nhất thiết học được cách nói như vậy. Ông Phạm Văn Hảo, nguyên là trưởng phòng Các phương ngữ (Viện Ngôn ngữ học) và là chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu cấp Bộ về phương ngữ tiếng Việt miền Bắc vừa công bố năm nay.

Phạm Văn Hảo: Khái niệm "ngọng" là khái niệm dân gian. "Ngọng" L/N là hiện tượng ngôn ngữ đang phát triển, theo hướng mất dần tiêu chí khó, để giản tiện hóa cấu âm. Có nghĩa là âm L khó đọc, thì các cộng đồng dần dần muốn giản hóa đi. Đây là xu hướng chung, trong đó rất rõ trong tiếng Việt. Các âm kép, như "bl" hay "tl" đã được bỏ đi nhiều. Tiếng Bắc Bộ đi đầu trong sự phát triển của các phương ngữ tiếng Việt. Xu hướng này hiện nay đang diễn ra ngày càng rộng khắp tất cả các khu vực ở Bắc Bộ. Tôi vừa có công trình nghiên cứu cấp Bộ về đề tài này. Trước kia, nó chỉ có ở từng khu vực, nay thì phổ biến, và hiện đang xâm thực vào cả Hà Nội.

Hai âm L/N tiến tới có thể chỉ là một âm thôi. Vì chữ viết tiếng Việt phân biệt hai âm L/N rất rõ, và có giá trị đánh dấu về mặt ngữ nghĩa, cho nên [sự phân biệt trong lời nói] vẫn còn đang được ngôn ngữ bác học, hay ngôn ngữ chuẩn chấp nhận, và đẩy xu thế kia xuống hàng phương ngữ Bắc, coi nó là tiêu cực.

Quá trình đơn giản hóa cấu âm sẽ lâu dài trong hàng chục, hàng trăm năm. Đây là giả thiết của chúng tôi qua các điều tra (...). 

Khắc phục việc lẫn lộn L/N bằng cách nào?


Nói lẫn lộn L/N là hiện tượng khá phổ biến và gây nhiều cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, lẫn lộn L/N có nhiều kiểu, chuyển hoàn toàn thành L hay ngược lại thành N, hoặc chuyển đổi không có quy tắc. .. Tồn tại thực tế của tập quán này trong các cư dân đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực, dù đã được ít nhiều nghiên cứu, nhưng gần như chưa được tổng kết và công bố rộng rãi tới công chúng.

Qua báo chí trong nước, có thể thấy, việc nói lẫn lộn L/N đôi khi còn được coi là một hiện tượng bệnh lý, cần phải được sự trợ giúp của các bác sĩ. Tuy nhiên, đa phần các nhà ngôn ngữ cho rằng đây là một hiện tượng phát âm mang tính địa phương, có thể giải quyết thông qua tập luyện.

Từ Hà Nội, nhà ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là nghị sĩ với những ý kiến phê bình sắc sảo trên nghị trường, được công luận rất quan tâm trong những năm gần đây, cho biết ý kiến của ông về vấn đề này.

Nguyễn Minh Thuyết: Việc chữa nói ngọng của ngành giáo dục Hà Nội và Hải Phòng cũng rất là bất ngờ lại được dư luận chú ý như vậy. Thậm chí mình cũng bất ngờ là việc ấy lại làm dấy lên cuộc tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Về hiện tượng nói ngọng, khi mà các sai lệch so với chuẩn diễn ra trong một vùng hẹp, người ta gọi là "thổ ngữ", thì thường gây phản cảm. Và người mà có phát âm đặc biệt thì cần phải sửa. L/N là nằm trong tình trạng như vậy.

Còn về biện pháp, thì hiệu quả nhất là luyện thôi. Chuyện này chủ yếu là việc khắc phục thói quen thôi. Bản thân mình, thì đã sửa cho một, hai đứa cháu ở quê lên chơi, ở nhà. Việc sửa cũng thành công. Mình cho là sửa được, và sửa [cho từng cá nhân] không khó lắm đâu.

Cùng quan điểm với nhà ngôn ngữ học Nguyễn Minh Thuyết, nhà giáo Phạm Toàn – người chủ trương "Cánh Buồm", bộ sách giáo khoa tham khảo tư nhân đầu tiên – cho rằng: xóa bỏ lẫn lộn L/N là rất cần. Ông cho biết phương pháp mà ông tiến hành, và đồng thời lưu ý đây là một công việc có thể kéo dài nhiều thế hệ.

Phạm Toàn: Không nên để cho người dân nói nhầm L với N. Cái cách của bọn tôi là anh phát âm như thế nào, nghe thế nào thì ghi như thế. Đây là nguyên tắc thứ nhất.

Nói ngọng có một cơ chế rất khó giả thích. Thí dụ, hai làng ở cạnh nhau, một làng nói ngọng, một làng không. Mình là nhà giáo, mình không cần đi tìm căn nguyên, mình chỉ chữa cái hiện hữu thôi.

Ví dụ, cô giáo phải có ý thức giúp học sinh phân biệt L/N. Chẳng hạn với từ cái Nồi, nếu học sinh nói thành cái Lồi, thì cô giáo phải chữa. Vấn đề đơn giản là phải uốn lại phát âm của học sinh. Hiện nay, nhiều cô cứ dùng phương pháp, chữa viết sai bằng cách nói với học sinh phân biệt "Lờ dài" trong "Lồi Lõm" và "L ngắn" trong "cái Nồi". Thế thì dạy cả đời cũng không hết. Như thế, ta hy vọng rằng, sau dăm bảy thế hệ, thì dần dần sẽ phát âm chuẩn. Không nhanh được đâu. Vì nó là vấn đề văn hóa.

Bản thân tôi, cách đây 40 năm, mỗi lần tôi viết từ "bổ sung", tôi lại nhìn một ông miền Trung để hỏi, vì chính tôi lúc nào cũng lầm. Nếu có ý thức, thì phải học thôi. Tại sao, viết tiếng Pháp, tiếng Anh, thì tra từ điển, sao dùng tiếng Việt lại không tra [tra từ điển là cách thứ hai để học viết đúng chính tả].

Thay đổi cách nói L/N là có thể, và nên được học từ khi còn nhỏ


Nói lẫn lộn L/N gây phản cảm đối với nhiều người sử dụng tiếng Việt, nhưng cảm giác này không giống nhau ở mỗi người. Việc sửa chữa tập quán này ở từng cá nhân cũng rất khác nhau, tùy theo các hoàn cảnh xã hội. Chúng tôi xin giới thiệu tiếng nói của hai nhân chứng. Thứ nhất là chị Thu Hằng, vốn xuất thân từ vùng Hà Tây (cũ), nằm về phía Tây trung tâm Hà Nội, khu vực chỉ nói được chữ L, không nói được N. Chị cho biết, làm thế nào chị lại từ bỏ được sự lẫn lộn này.

Thu Hằng: Hồi nhỏ tôi cũng bị nói ngọng, cứ chữ N thành chữ L hết. Lúc đi học lớp 1 thì cũng bình thường vì chưa nhận thức ra được và cũng chưa có hậu quả gì lớn, đến lớp 2 thì bắt đầu có nhiều chuyện nảy sinh là viết hay bị sai, cô giáo trừ điểm, còn các bạn thì hay cười nhạo mỗi khi được gọi đứng lên đọc bài trong lớp, hoặc khi nói chuyện với các bạn. Vậy là tôi bắt đầu luyện nói đúng, có cả sự giúp đỡ rất nghiêm ngặt của cô giáo, khoảng 2 tháng thì nói được bình thường, cùng với nói được thì viết cũng không sai nữa, với bạn bè cũng hòa đồng hơn nên tôi thích lắm.

Sau này lớn lên trong xã hội gặp người nào nói ngọng giữa L và N thì thấy rất buồn cười.

Vì vậy theo ý kiến của cá nhân tôi, thì việc này tuy không nên áp đặt quá mức, nhưng cũng cần định hướng cho trẻ con và mọi người nói cho chuẩn. Nói chuẩn thì viết cũng chuẩn hơn. Nhất là những người làm nghề cần tiếp xúc với mọi người nhiều như giáo viên, bác sĩ, người làm nghề hành chính, người bán hàng chuyên nghiệp ... thì cần phải học nói chuẩn.

Về bản sắc văn hóa vùng miền thì theo tôi, phát âm là N hay L không có ý nghĩa về bản sắc riêng bằng sự khác nhau trong ngôn ngữ vùng miền về một số từ vựng, thành ngữ hoặc tục ngữ. Vậy có thể nói nếu muốn gìn giữ bản sắc văn hóa vùng miền qua ngôn ngữ, thì nên gìn giữ những cái đó, và đồng thời cũng nên phổ biến rộng hơn, làm sao để người giữa các vùng giao lưu với nhau được thuận lợi và cởi mở hơn, người nọ nói người kia hiểu.

Nhân chứng thứ hai là anh Ngô Văn Tưởng, hiện đang sống tại Ba Lan. Anh Tưởng xuất thân từ vùng Hải Phòng, nơi chuyển tất cả các âm L thành N. Cho đến nay, dù nhận biết nói lẫn lộn như thế là "sai", nhưng việc sửa chữa được chuyện này đối với anh là rất khó.

Ngô Văn Tưởng: Có thể nói, trong suốt quá trình học, ở vùng quê rồi ra thành phố, thì lỗi phát âm không ảnh hưởng bất cứ trong việc gì cả, vì chẳng ai chê, cũng không ai nhắc nhở. Mãi sau này, khi tôi đã đi học ở trên Hà Nội, hay tiếp xúc với bạn bè ở trên những vùng, tỉnh khác, thì người ta mới nhắc mình là "nói ngọng", đúng không? Có thể nói là người ta chê, đùa là nói ngọng thôi, chứ nó cũng không có ảnh hưởng gì đặc biệt. Nhưng sau khi tôi sang Ba Lan, thì nó cũng có ảnh hưởng đến việc phát âm chuẩn, bởi vì trong tiếng Ba Lan cũng có sự phân biệt L/N, y như trong tiếng Việt.

Tôi nghĩ, việc các vùng nói không chuẩn âm L và N, chưa phải là ngôn ngữ đặc thù của địa phương, mặc dù trong một khoảng không gian và thời gian rất dài, rất nhiều người sử dụng hai âm tiết một cách không phân biệt. Có thể nói, đây là một cái lỗi, mà trong một thời gian dài, người ta không để ý đến để sửa.

Một số dè dặt


Ý kiến cho rằng việc xóa bỏ sự lẫn lộn trong việc phát âm L/N là một việc có thể làm mau chóng, nếu làm từ sớm và từ nhỏ được một trong hai nhân chứng chứng minh qua kinh nghiệm bản thân. Điều này có thể là rất đúng, nếu áp dụng vào trường hợp của một cá nhân, và được áp dụng từ sớm, nhưng nếu là cho cả một cộng đồng, thì khả năng thay đổi sẽ phức tạp hơn. 

Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, liệu chương trình xóa « ngọng » mang tính phong trào có đạt được kết quả mong muốn?

Hoàng Dũng: Nếu như đó là một đặc trưng thì khó khăn vô kể. Vì cái cách phát âm lệch chuẩn (lệch so với một cách chuẩn, nếu như có, nhưng tôi tin là không có) thì cũng là một cái chuẩn khác. Đó là cái chuẩn địa phương. Anh không thể nhân danh bất cứ một cái gì để xóa bỏ cách phát âm địa phương cả. Nó là một phần tài sản văn hóa của họ. Chỉ có trong trường hợp này thì được : khi nào sự lệch chuẩn trở thành một vấn đề tâm lý-xã hội, tạo ra những định kiến không đáng có về trình độ văn hóa. Nó làm cho những người địa phương cũng thấy là không thể không sửa được. Họ không cho rằng đó là một tài sản của họ, mà họ thấy là phải sửa thôi. Trong trường đó, thì L/N thì nên sửa. Tôi nhấn mạnh chỉ khoanh tròn trong hiện tượng này.

Cái đáng sửa hơn rất nhiều là chính tả. Mà hiện nay, ở miền Bắc, tôi thấy trên mạng anh em hay chụp các bức ảnh về việc viết sai chính tả, do phát âm sai, lẽ ra viết L thì thành N và ngược lại, đầy trên các văn bản của nhà nước, thậm chí khẩu hiệu to tướng treo ở các đường phố. Cái đó đáng sửa hơn rất nhiều, mà cũng dễ hơn rất nhiều. Nhưng cái này không thể phong trào được đâu, ngay cả đối với những trường hợp rất đáng sửa như phát âm L/N ấy. Xin mở ngoặc là tôi chưa thấy người nào ở vùng phát âm lẫn lộn L/N tự hào với cách phát âm đó. Chính họ rất muốn sửa, nhưng sửa rất khó.

Vậy thì cái này phải kiên trì hơn rất nhiều và phải có bài bản. Có những nhà chuyên môn thực sự làm việc. Bây giờ khuấy động một phong trào, chi một số tiền lớn, rồi xong phong trào ấy là xong, thì tôi thấy tiền vứt ra vô ích.

Cũng theo hướng nên thận trọng trong câu chuyện điều chỉnh cách phát âm, vốn là tập quán mang tính địa phương, nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Cao Dương (từ California), chuyên giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ từ cuối những năm 1970 đến nay, khẳng định : việc đạt đến một cách phát âm chuẩn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của từng cá nhân và sự hỗ trợ của cộng đồng, bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến giá trị của ca nhạc, dân ca đối với sự truyền bá văn hóa nói năng giữa các vùng miền. 

Phạm Cao Dương: Cái sự lầm lẫn (L/N) nó có từ lâu rồi. Nếu nhìn chung thì đây là vấn đề rất tế nhị, mình phải cẩn thận lắm, chứ không thể nào khẳng định ngay là sai lầm, rồi từ đó mình bắt người ta phải sửa đổi. Mà nếu đúng là phải sửa đổi, thì cũng phải cũng phải có một cách làm nó nhẹ nhàng. Chỉ tiếc rằng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, và tôi cũng không chuyên môn về cái này, nên nói cũng chỉ là một nhận xét có tính cách tổng quát do kinh nghiệm. Do tôi đi dậy tiếng Việt, nên cũng biết đôi chút mà thôi.

Có một kinh nghiệm, xin thưa với quý vị, tức là người ta có thể dùng những bài hát để dạy cách phát âm và daỵ luôn văn hóa. Trước năm 1954 [ở trong miền Nam], người ta hát tiếng trong Nam hay tiếng ngoài Trung. Nhưng mà dần dà bây giờ quý vị thử nghe xem, các ca sĩ trong Nam, khi họ hát các bài ca được làm từ thời trước chiến tranh, những bài của Lê Thương, của Văn Cao, những bài hát của Đoàn Chuẩn, của Từ Linh, của Hoàng Quý,… kể cả những bài hùng ca, thì họ hát theo giọng Bắc. Thì đấy cũng là một cái cách. Có những người từ nói chuyển sang hát rất gần nhau, nhất là các bài dân ca. Tôi nghĩ đó cũng là điều mà chúng ta có thể để ý đến và suy nghĩ xem.

Nhưng tóm tắt lại, tôi vẫn nghĩ rằng, đây là vấn đề phải có những người thuộc nhiều phạm vi nghiên cứu và làm việc khác nhau, thì một giải pháp, nếu có, thì có thể thích hợp hơn, và nó hữu hiệu hơn.

Chủ đề xóa bỏ cách phát âm lẫn lộn L/N chắc chắn sẽ còn thu hút nhiều tranh luận và trao đổi. Đây cũng là điều cho thấy sự vận động của tiếng Việt, trên con đường đi đến một sự thống nhất, trong khi vẫn tìm cách giữ lại những đa dạng của bản sắc địa phương.

(Tạp chí khoa học - Đài phát thanh quốc tế Pháp)
Nguồn: Vietnamnet RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét