Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Tiếng Việt - Vài vấn·đề chữ·viết

Tác·giả: Dũng Vũ

(Trích từ Thử bàn về tiếng Việt, Dung Vu, 1999, Stuttgart (bổ sung và hiệu đính))

Trong mấy thập niên qua, nhiều người Việt sống ở miền Nam hoặc ở hải ngoại đã lấy làm lạ về cách dùng chữ cái “i” thay cho “y” trong chữ Việt. Hiện tượng này khá phổ biến, nhất là ở miền Bắc. Ví dụ, “kỳ” được viết thành “kì”, “quốc kỳ” thành “quốc kì”.

Sự thay đổi “y” thành “i” đã gây nhiều tranh cãi. Người thì bảo: “Thúy” không thể thay thế bằng “thúi” được. Người khác bèn biện luận: Ðó là trường hợp ngoại lệ. Thử tưởng tượng, thay vì viết “kỹ sư”, ta có thể viết thành “kĩ sư”, bởi tại sao xưa nay người ta không viết “bác sỹ” mà là “bác sĩ”. “y” và “i” giống nhau, chỉ khác “i” ngắn, “i” dài. Bên kia liền chống lại: Thế thì “kỳ” có nghĩa như “cờ” sẽ bị lẫn lộn với “kì” như “kì cục”. Nghe hai bên tranh cãi, người đứng nghe phát bực: Thôi! Lôi thôi quá, “i ngắn” với “i dài”. Sao không đổi luôn “q” thành “c”, viết “quốc” thành “cuốc” cho tiện. “k” phát âm cũng như “c”, bỏ “k” luôn, viết “quốc kỳ” thành “cuốc cì”.

Vậy là “quốc” (nước) hóa thành cái cuốc. “Kỳ” (cờ) nghe như “kì cọ”, “kì cục”.

Chưa hết. Nhiều người còn muốn thế “gi” bằng “d”. Ðiều này có lẽ không dễ dàng như thay thế “y” bằng “i”. “Gia” đâu thể thế bằng “da” được. “Gia thuộc” khác “da thuộc” chứ. Lời phàn nàn có lý. Người phàn nàn nếu bảo thủ, không nói làm gì, nhưng nếu cấp tiến và sẵn sàng chấp nhận sự cải tiến cách viết, thì cũng chẳng biết phải theo quy tắc nào.

Cực đoan hoặc mỉa mai hơn nữa là những ý kiến cho rằng, thay thế vậy vẫn chưa có “zì” triệt để. Bỏ “gi”, “d” đi, xài “z” thôi cho “zễ zùng”. Ý nghĩ này xem ra càng khó được xã hội chấp nhận rồi cũng đi vào quên lãng. Cuối cùng chỉ còn thấy vài ba trường hợp, như chêm “z” vào một cái tên cho có vẻ Tây phương, “Dzũng Ðakao”, hoặc viết theo cách giả giọng người Nam “dzô”, “dzui”, “dzìa”, ...

Cùng một hiện tượng tương tự là đổi “ph” bằng “f”. “Em tên Fượng, không phải Phượng”. “Fương fáp” thay vì “phương pháp”, “fạm fòng” thay vì “phạm phòng”, “fung fí” thay vì “phung phí”, ...“fởn fơ”, “fì fò”, “fì fèo”. Kiểu thế này hẳn phải làm dân Âu châu phục dân Việt sát đất. Dân Việt nhập chữ cái La tinh của Âu châu vào mà dám cải tiến táo bạo vậy, còn chúng ta, dân Âu châu, thực là chậm chạp; sao không bắt chước dân Việt, thay thế hết “ph” bằng “f”, biến “philosophy” thành “filosofy”, “physic” thành “fisic”, “PhD” thành “FD” ...?

Vậy mà chẳng ai làm. Và người Việt cũng không hiểu tại sao người ta không chịu làm.

Không ai dám phủ nhận bất cứ cố gắng nào làm cho tiếng Việt ngày càng tốt đẹp. Nhưng làm sao cho có bài bản và hiệu quả? Thử nhìn vào một kinh nghiệm: ví dụ tiếng Ðức.
Ngay đến một thứ tiếng chín muồi như tiếng Ðức cũng đã từng trải qua các cuộc cải cách, chẳng hạn về cách viết (Rechtschreibung). Vào năm 1901, người Ðức đã muốn bỏ bớt những mẫu tự không cần thiết trong một từ. Ngày xưa người ta viết “Thor” (cổng), “Thür” (cửa), bỏ bớt “h”, ngày nay người ta viết “Tor”, “Tür”. Ðúng ngày 01.08.1999, cách viết lại được cải tiến thêm lần nữa. Lần này, một ví dụ, “ß” (một loại “s” được phát âm dài) tùy trường hợp sẽ được thế bằng “ss”.
Cùng thuộc khối nói tiếng Ðức, dân Thụy Sĩ đã giải quyết xong cách viết từ mấy chục năm nay. Về phía Ðức, lần này, số chữ cần sửa đổi chiếm chưa đến 1% kho tàng từ vựng, tuy nhiên, chỉ có khoảng 43% dân Ðức giơ tay đồng ý. Mặc dù có những ý kiến chống đối từ giới bảo thủ nhưng cuối cùng người dân Ðức cũng chấp nhận. Cả người chống đối cũng dần dần nhận thấy nhiều từ ngữ chưa hoàn chỉnh, thì nay được hoàn chỉnh hóa, được làm rõ hơn, đơn giản hơn, logic hơn, để dễ học hơn, không những chỉ có lợi cho mình mà còn cho thế hệ về sau, kể cả cho người ngoại quốc sinh sống tại đây vốn rất mệt mỏi với thứ tiếng Ðức vừa khó vừa khó chịu này.

Việc cải tiến cách viết chữ Ðức đã được tiến hành và có hiệu quả. Trong khi đó Việt Nam, chỉ nội chuyện thế “i dài” (y) thành “i ngắn” (i) đã là một đề tài chẳng ngắn. Có biết bao nhiêu cuộc tranh cãi đã kéo dài từ năm này sang năm khác, rốt cuộc “y” vẫn còn nằm trong chữ Việt, nghĩa là người Việt vẫn còn cần tới nó.

Làm thế nào để giải quyết các vấn đề trong tiếng Việt? Tại sao phức tạp vậy? Tiếng Ðức, người ta làm được, còn tiếng Việt khó quá Vì sao?

Trong khuôn khổ bàn về tiếng Việt, tôi xin phép góp vài lời cùng các bạn đang nghiên cứu về vấn đề cải thiện chữ viết. Không riêng “i ngắn”, “i dài” mà còn nhiều điểm khác. Tuần tự từng tiết mục, tôi xin nêu thiển ý của mình.

A. Phiên âm tên riêng

Phiên âm là một hình thức ghi lại cách phát âm của những từ ngữ lạ cho gần ngôn ngữ của mình. Phiên âm tên riêng là một ứng dụng.

Ðọc báo ở miền Nam trước 75, chúng ta thấy Washington thường được viết là Hoa-Thịnh-Ðốn. Sau 75, Washington được viết là Wớt-Xing-tơn, ... Cả hai đều là hình thức phiên âm. Một bên ghi lại cách phát âm theo kiểu Tàu: “Hoa-Thịnh-Ðốn”, “Ba-Lê” (Paris), “Bá-Linh” (Berlin), ... một bên ghi lại cách phát âm chủ quan của người phiên âm: “ Wớt-Xing-tơn”, “Các Mác”, “Lê Nin”, ...

Phiên âm tên riêng có mặt lợi và mặt hại: Lợi là người không hề biết mặt chữ vẫn nhớ và nói được gần đúng. Hại là nếu không biết từ nguyên thủy, người đọc sẽ không bao giờ viết đúng hoặc dễ dàng tra cứu. Mặt khác, cách phát âm không chính xác rất tai hại. Nó có thể làm cái lưỡi của người đọc trở nên lười biếng.

Hãy thử tưởng tượng, anh đã quen nghe và nói cái tên “Các Mác”. Nếu có dịp sang Ðức, anh thử hỏi bất cứ người khách bộ hành nào, xem họ có biết “Các Mác” là ai không. Tôi dám bảo đảm là ai cũng chìa lỗ tai vào anh và hỏi lại tới tấp: “Wie bitte? Wie bitte?”, đại khái là “Ông nói chi ạ? Ông nói chi ạ?” Chỉ khi nào, anh cố phát âm “Karl Marx” cho rõ; “K” nhè nhẹ như “Kh” thay vì cứng như “C”; “arl” như “aaa...” kéo dài, cổ hơi rung rung “rrr....”, lưỡi uốn lên “lll...”, ... “x” như “ks”, thì họa may người ta mới hiểu.

Cho nên rất khó lấy lý do mà biện luận, phiên âm còn nhằm mục đích dạy cho người Việt biết nói đúng từ nguyên gốc.

Theo tôi hiểu, chủ đích của phiên âm mà báo chí, sách vở Việt Nam trong nước sau 75 hay dùng là để giới bình dân cũng đọc được. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc được mà viết không đúng từ nguyên gốc thì trình độ ngoại ngữ của người dân vẫn dừng ở đó. Nên nhớ là khi đọc một tờ báo, một cuốn sách, người ta đọc bằng mắt chứ không phải bằng mồm. Như một hình thức ghi lại cách phát âm, phiên âm chỉ hữu lý cho hoạt động nói chứ không phải cho hoạt động viết. Mà dẫu có nói, cũng chưa chắc gì đã đúng, nếu không tra phần phát âm trong từ điển, hoặc không nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Hơn nữa, cái tham vọng phiên âm hết vô số danh từ riêng hiện hữu trên quả đất là một điều không tưởng.

Ðể giải quyết vấn đề phiên âm tên riêng của tiếng nước ngoài, ta hãy thử thỏa hai điều kiện đọc và viết: Ðể nguyên chữ nguyên gốc như có thể và kèm theo phần phiên âm. Thay vì viết như trước nay, ví dụ Xing-ga-po, ta viết Singapore (/Xingapor/) (phiên âm theo kiểu Việt). Sau đó bài viết chỉ dùng Singapore na ná như hình thức viết tắt thường thấy dùng trên báo: Câu Lạc Bộ (CLB), Thảo Cầm Viên (TCV), ...

Ðến ngày nào dân trí đã được nâng cao, chắc chắn phần phiên âm không còn cần thiết. Ðể tôn trọng tên riêng của người khác, mình nên viết đúng tên nguyên gốc của họ. Và chắc mình cũng cảm thấy vui khi người khác viết đúng tên mình. Ngặt nghèo lắm mới phiên âm những từ không nằm trong hệ thống mẫu tự La tinh như trường hợp chữ Việt. Nói ngắn gọn là nên có xu hướng chọn biện pháp thông tin ngôn ngữ càng chính xác càng tốt.

B. Gạch nối

Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm. Tính chất đơn âm xuất phát từ từng tiếng độc lập. Xưa kia mỗi tiếng được viết bằng một hình tự (ideo-graph) nhất định (theo chữ Hán hoặc Nôm) và có ý nghĩa nhất định. Ví dụ “Việt Nam”, “Việt” có nghĩa là “vượt”, “Nam” là “phía Nam”: Vượt về phía Nam. Hai tiếng có ngữ nghĩa riêng biệt ấy kết hợp lại thành cái tên “Việt Nam”. Danh từ riêng “Việt Nam” không có gạch nối.

Hiện tượng gạch nối có lẽ chỉ xuất hiện từ lúc những từ đa âm của Tây phương được du nhập vào Việt Nam. Ví dụ, “Portugal” không phải một cụm từ “Por”, “Tu”, “Gal” như “Việt Nam” mà là một từ duy nhất. “Portugal” được phiên âm thành 3 tiếng “Bồ”, “Ðào”, “Nha” (Por = Bồ, Tu = Ðào, Gal = Nha). Vì muốn diễn tả 3 tiếng ấy là một từ, người Việt mới gạch nối lại thành “Bồ-Ðào-Nha”.

Ðó là biện pháp dùng gạch nối để kết chặt một từ đa âm của Tây phương.

Thế nhưng lại có hiện tượng ngay cả những từ Hán Việt cũng được gạch nối. Nhiều tác giả cho đó là cách phân biệt với từ thuần Việt. Quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy, cách dùng gạch nối này chỉ nhằm mục đích kết hợp từ chứ không phải kết hợp âm. Ví dụ “quan-trọng” (“quan” là một từ, “trọng” là một từ), “danh-tính” (“danh” là một từ, “tính” là một từ), ... Phải chăng khi làm công việc ấy, theo tác giả, hễ từ ghép nào không thuần Việt, ta nên gạch nối?

Xét cho cùng, dùng gạch nối kết để kết hợp âm nhằm diễn tả một từ đa âm xem ra vẫn hợp lý hơn là để kết hợp từ. Nếu dùng gạch nối để kết hợp một cụm chữ thành một từ (như một đơn vị cú pháp), thì cụm chữ nào cũng phải được gạch nối cho thống nhất chứ không chỉ có từ Hán Việt là đủ. Nói chung, mọi từ ghép đều phải được gạch nối: “nhà-cửa”, “xe-cộ”, “ông-già”, “bà-cả”, “đàn-bà”, “con-nít”, ...

Gạch nối có điểm lợi và điểm bất lợi.

Bất lợi là khi viết, phải gạch nối nhiều. Chắc chắn cách này khó được nhiều người hưởng ứng bởi quá rườm rà. Muốn chữ Việt càng đơn giản, thiết nghĩ nên bớt đi chứ đừng nên thêm vào làm vấn đề càng thêm phức tạp. Không ai ngồi viết mà còn phải suy nghĩ, trường hợp nào nên gạch nối, trường hợp nào không. Bỏ công dùng gạch nối để đi liên kết một cụm chữ thì lại càng không có ý nghĩa. Thà vậy, cố gắng đánh dấu phẩy trong câu cho đúng ngữ pháp (văn phạm) còn có lý và cần thiết hơn nhiều.

Gạch nối hình như chỉ có hai điểm lợi:

Một là cho biết cụm chữ là một từ độc lập có ý nghĩa (gồm nhiều chữ không thể tách rời, cho nên cần gạch nối). Nếu nghĩ vậy thì có thiếu gì trường hợp cần gạch nối: New York, Great Britian, Bundesrepublik Deutschland, Viet Nam, ... mà người ta không làm.

Hai là để dễ tìm kiếm dữ liệu, một ứng dụng xử lý văn bản (text processing) trong tin học. Tìm từ “Huế” (1 chữ) không thành vấn đề; tìm từ “Hà Nội” (2 chữ tách rời) khó hơn “Hà-Nội” (2 chữ được gạch nối). Nhưng chuyện ấy xưa rồi. Ngày xưa, muốn tìm hai chữ tách nhau bằng một ký tự trống (blank) trong băng dữ liệu rất khó. Ngày nay khác; chữ có cách nhau bao nhiêu khoảng trống, máy cũng tìm ra được.

Thành thử gạch nối không còn đóng vai trò cần thiết để biểu thị một từ độc lập. Vậy, có thể nói là đừng nên đặt nặng vấn đề đó. Nhưng nói thế thì làm sao diễn tả một chữ đa âm: tivi, radio, auto, Berlin, Paris, Singapore, ...?

Ðiều này không khó. Tại sao chúng ta không dám nghĩ đến phương pháp viết dính liền? Thử rút kinh nghiệm từ kỹ thuật lập trình. Ngày xưa, khi lập trình, một biến số (variable), một hàm số (function), v.v. ... nói chung là một cái tên, nếu gồm nhiều chữ, người ta thường dùng gạch dưới “_” (underscore), ví dụ “my_variable”, “your_function”, ... . Giờ đây người ta viết hoa thay cho gạch dưới: “MyVariable”, “YourFunction”, ...

Nếu xem đó là một giải pháp chấp nhận được, thì tiếng Việt sẽ bớt vấn đề gạch nối. Vậy, để diễn tả loại từ đa âm, ta viết hoa thế cho gạch nối: TiVi, RaDio, AuTo, BerLin, PaRis, SinGaPore, ...

Song có nhất thiết phải viết hoa thay cho gạch nối không? Theo tôi, đối với danh từ riêng, như đã nói, chúng ta nên tôn trọng bằng cách viết đúng như có thể. Còn đối với danh từ chung, gặp trường hợp đa âm, cứ viết dính lại thành chùm theo tính đa âm tiết của từ nguyên gốc: hotel, radio, internet, ... ; cả những từ đã được Việt hóa: “ôtô”, “vali”, “càphê”, .... Cách viết này đã có người dùng. Gặp một chữ viết dính liền như vậy, người Việt thừa biết, đó không phải là một từ Việt truyền thống mà là một từ ngoại ngữ. Và thực sự là như thế.

C. Cách viết thế “y” bằng “i”

Như đã biết, một trong những đề tài cải cách chữ Việt đã được giới ngôn ngữ học Việt Nam quan tâm là thay thế mẫu tự “y” bằng “i” trong lối viết. Dù đã được bàn cãi khá lâu và có lẽ đã có sắc lệnh sửa đổi, nhưng nhiều người Việt sống ở hải ngoại vẫn chưa rõ các quy tắc cụ thể ra sao, có dễ dùng không, hay còn phải nhức đầu với nhiều trường hợp ngoại lệ.

Theo tôi, việc thay thế “y” bằng “i” không đáng đặt thành vấn đề. Ðổi hay không, không ai có thể loại bỏ “y” ra khỏi bộ ký tự tiếng Việt. Cách viết với “y” xưa nay không gây ra lỗi lầm hoặc tình trạng đa nghĩa. Ngoài ra cũng cần nên tôn trọng quan niệm thẩm mỹ của người viết, nếu nó không làm tổn thương ngôn ngữ. Có người thích viết “y” thay vì “i” vì họ cho là nó thanh tao. Ðơn giản vậy thôi. Và ngược lại.

Thành thử không cần phải xem đó là vấn đề. Còn nhiều vấn đề khác đúng nghĩa hơn và đáng được giải quyết hơn. Song nếu vẫn muốn xem đó là vấn đề, chúng ta vẫn có cách giải quyết.

Phân tích cách viết thế “y” bằng “i”

Muốn xác định quy tắc thế, tất nhiên phải đi dò từng chữ chứa “y” và “i” trong từ điển, xem chữ nào thế được. Ngồi lật hàng ngàn trang từ điển sẽ mất thì giờ ghê gớm. Cho nên hãy để cho máy làm là tốt nhất.

Cách thức chúng ta làm không có gì khác hơn là đi viết một chương trình phân tích từ vựng tiếng Việt2). (Xin lưu ý, bài đọc khá khô khan, song tiếc là phải cần đến dữ liệu để làm rõ vấn đề. Những kết quả của máy chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tuy vậy, do dung lượng bài viết có giới hạn, tôi chỉ để một phần).

Thử nghiệm với một băng từ vựng (lexical bank) tiếng Việt khoảng 40000 từ, kết quả cho thấy, mẫu tự “y” chỉ xuất hiện trong các trường hợp chữ chứa những nguyên âm/cụm nguyên âm (độc lập với âm hệ: sắc, hỏi, huyền, ngã, nặng và không dấu) sau đây:

Y, ay, ây, iay, iây, oay, uay, uây, uy, uya, uyê, uyu, yê, yêu

Sau đây, tuần tự từng trường hợp một, hãy thử xem có thể thế “y” bằng “i” được hay không. Trước nhất, xem trường hợp một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất là “y”.

1. Thế “y” bằng “i”

Thử nghiệm: Vài ví dụ có thể thế được: “Y” là hắn, viết thành “i”. “Hy vọng” viết thành “hi vọng”. “Quy luật” viết thành “qui luật”.

Nếu thay thế được, một phần kết quả sẽ là:

y -> i, hy -> hi, ly -> li, quy -> qui, ty -> ti, kỹ -> kĩ, mỹ -> mĩ, quỹ -> quĩ, sỹ -> sĩ, vỹ -> vĩ, ỷ -> ỉ, hỷ -> hỉ, kỷ -> kỉ, quỷ -> quỉ, tỷ -> tỉ, ý -> í, ký -> kí, lý -> lí, quý -> quí, kỳ -> kì, quỳ -> quì, kỵ -> kị, tỵ -> tị, huynh -> huinh, huỳnh -> huình, quýnh -> quính, quỳnh -> quình (xem thêm phần dữ liệu)

Nhận xét: Nếu một chữ chỉ chứa một nguyên âm duy nhất là “y”, hoán chuyển “y” thành “i” không làm thay đổi ngữ nghĩa (semantic), nghĩa là thế “y” bằng “i” được, bởi chữ mới (vừa được thế bằng “i”) chưa tồn tại.

2. Thế “ay” bằng “ai”

Thử nghiệm: Tương tự như thế “y” bằng “i”, biến cụm nguyên âm “ay” thành “ai”. Ví dụ, “cay” thành “cai”, “cáy” thành “cái”, “day” thành “dai”, “dạy” thành “dại”, v.v..

Chỉ cần thử nghiệm vài trường hợp, đã thấy là không ổn. “Cay” như “cay đắng” khác “cai” như “cai nghiện”; “cáy” như “cua cáy” khác “cái” như “cái nhà”; “day” như “day dứt” khác “dai” như “dai dẳng”; “dạy” như “dạy học” khác “dại” như “dại dột”, ...

Kết quả: [[ ay -> ai, bay -> bai, cay -> cai, day -> dai, đay -> đai, gay -> gai, hay -> hai, lay -> lai, may -> mai, nay -> nai, quay -> quai, ray -> rai, say -> sai, tay -> tai, vay -> vai, xay -> xai, chay -> chai, gay -> gai, khay -> khai, nhay -> nhai, phay – phai, v.v... ]] (xem tiếp phần dữ liệu; loại bỏ trường hợp phi lý)

Nhận xét: Thế “ay” bằng “ai” sẽ làm thay đổi ngữ nghĩa. Không thế được.

3. Thế “ây” bằng “âi”

Thử nghiệm: “Bây” thành “bâi” (“bâi” chưa có ý nghĩa); “cây” thành “câi” (“câi” chưa có ý nghĩa), “dây” thành “dâi” (“dâi” chưa có ý nghĩa), “đây” thành “đâi” (“đâi” chưa có ý nghĩa), ... (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “ây” thành “âi” không làm thay đổi ngữ nghĩa. Những chữ như “bâi”, “câi”, “dâi”, “đâi”, ... chưa bao giờ tồn tại. Thế “ây” bằng “âi” được; chỉ thay đổi ký tự (character).

4. Thế “iay” bằng “iai”

Thử nghiệm: “Giãy” như “giãy chết” khác “giãi” như “giãi bày”. “Giày” như “chiếc giày”, “giài” không có nghĩa. Tuy vậy, thế “giày” bằng “giài” không được. “Giày” được phát âm ngắn hơn “giài", ... (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “iay” thành “iai” làm thay đổi ngữ nghĩa hoặc cách phát âm3). Thế “iay” bằng “iai” không được.

5. Thế “iây” bằng “iâi”

Thử nghiệm: “Giây” như “giây phút”; “giâi” không có nghĩa. “Giấy” như “giấy tờ”; “giấi” không có nghĩa, ... (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “iây” bằng “iâi” không làm thay đổi ngữ nghĩa và cách phát âm. “” là một âm nhanh. Thế “iây” bằng “iâi” được. Hoán chuyển “iây” thành “iâi” chỉ thay đổi ký tự

6. Thế “oay” bằng “oai”

Thử nghiệm: Trong nhóm này chỉ có vài trường hợp xuất hiện trong chữ Việt: “ngoáy” như “ngoáy tai”, “ngoái” như “ngoái cổ lại”. Thế “ngoáy” bằng “ngoái” không được (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “oay” thành “oai” làm thay đổi ngữ nghĩa. Thế “oay” bằng “oai” không được.

7. Thế “uay” bằng “uai”

Thử nghiệm: Trong nhóm này cũng chỉ có vài trường hợp: “quay” như “quay vòng”; “quai” như “quai bị”. Thế “quay” bằng “quai” không được (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “uay” thành “uai” làm thay đổi ngữ nghĩa. Thế “uay” bằng “uai” không được.

8. Thế “uây” bằng “uâi”

Thử nghiệm: Nhóm này tương tự như nhóm <iây, iâi>, có chứa âm “â”. “Quây” như “quây quần”; “quâi” không có nghĩa. “Quấy” như “quấy phá”; “quấi” không có nghĩa, ... (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “uây” thành“uâi” chỉ thay đổi ký tự. Thế “uây” bằng “uâi” được.

9. Thế “uy” bằng “ui”

Thử nghiệm: “Suy” như “suy nghĩ”, “sui” như “sui gia”. Thế “suy” bằng “sui” không được. “Tuy” không giống “tui” là tiếng xưng hô. Thế “tuy” bằng “tui” không được, ... (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “uy” thành “ui" làm thay đổi ngữ nghĩa. Thế “uy” bằng “ui” không được.

10. Thế “uya” bằng “uia”

Thử nghiệm: Nhóm này chỉ có vài chữ dùng được: “Khuya” như “đêm khuya”; “khuia” không có nghĩa (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “uya” thành “uia” chỉ thay đổi ký tự. Thế “uya” bằng “uia” được.

11. Thế “uyê” bằng “uiê”

Nhóm này có thể được phối hợp bằng 3 cách: phụ âm đứng trước nguyên âm, phụ âm đứng sau nguyên âm và phụ âm đứng trước/sau nguyên âm. Nếu liệt kê cả ba cách, e sẽ rất nhiều, cho nên chỉ xin tóm gọn kết quả của trường hợp phụ âm đứng trước/sau nguyên âm. Bạn nào muốn xét cặn kẽ, có thể cắt chữ mà xét cho hai trường hợp kia. (Xem phần dữ liệu).

Thử nghiệm: “Duyên” như “duyên dáng”; “duiên” không có nghĩa. “Duyệt” như “phê duyệt”; “duiệt” không có nghĩa. “Nguyên” như “nguyên thủy”; “nguiên” không có nghĩa. “Nguyễn” như họ Nguyễn; “nguiễn” không có nghĩa. “Tuyết” như trời tuyết; “tuiết” không có nghĩa.

Nhận xét: Hoán chuyển “uyê” thành “uiê” chỉ thay đổi ký tự. Thế “uyê” bằng “uiê” được.

12. Thế “uyu” bằng “uiu”

Thử nghiệm: Nhóm này cũng chỉ có vài chữ dùng được: “Khuỵu” như “khuỵu xuống”; “khuịu” không có nghĩa. “Khuỷu” như “khuỷu tay”; “khuỉu” không có nghĩa (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “uyu” thành “uiu” chỉ thay đổi ký tự. Thế “uyu” bằng “uỉu” được.

13. Thế “yê” bằng “iê”

Thử nghiệm: Nhóm này cũng chỉ có vài chữ dùng được: “Yên” như “yên lặng”; “iên” không có nghĩa. “Yết” như “yết thị”; “iết” không có nghĩa (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “yê” sang “iê” chỉ thay đổi ký tự. Thế “yê” bằng “iê” được.

14. Thế “yêu” bằng “iêi”

Thử nghiệm: “Yêu” như “yêu thương”; “iêu” không có nghĩa. “Yếu” như “yếu đuối”; “iếu” không có nghĩa. “Yểu” như “chết yểu”; “iểu” không có nghĩa (xem thêm phần dữ liệu).

Nhận xét: Hoán chuyển “yêu” thành “iêu” chỉ thay đổi ký tự. Thế “yêu” bằng “iêu” được.

Từ hơn 2700 kết quả máy tính cho ra, chúng ta có thể rút ra được quy luật gì để thay thế “y” bằng “i” ?

Tóm lược giải thuật

Bước 1: Tìm các trường hợp nguyên âm và cụm nguyên âm chứa “y” (không kể dấu). Kết quả:

VOCAL_Y = { y, ay, ây, iay, iây, oay, uay, uây, uy, uya, uyê, uyu, yê, yêu }

Bước 2: Thay thế “y” bằng “i” trong các cụm nguyên âm chứa “y” (VOCAL_Y). Xác định sự tồn tại và cách phát âm của chữ mới bằng cách đối chiếu với băng từ vựng gốc. Kết quả:

· Những chữ chỉ có “y” thế được.

· Những chữ chứa “ay” không thế được.

· Những chữ chứa “ây” thế được.

· Những chữ chứa “iay” không thế được.

· Những chữ chứa “iây” thế được.

· Những chữ chứa “oay” không thế được.

· Những chữ chứa “uay” không thế được.

· Những chữ chứa “uây” thế được.

· Những chữ chứa “uy” không thế được.

· Những chữ chứa “uya” thế được.

· Những chữ chứa “uyê” thế được.

· Những chữ chứa “uyu” thế được

· Những chữ chứa “yê” thế được.

· Những chữ chứa “yêu” thế được.

Bước 3: Lọc lựa những trường hợp thế được:

· Những chữ chỉ có “y”

· Những chữ chứa cụm nguyên âm “ây”, “iây”, “uây”, “uya”, “uyê”, “uyu”, “yê”, “yêu”.

Tại sao? Vì:

· Những chữ được thế bằng “i” chưa mang ý nghĩa.

Có thể thế “y” bằng “i” với điều kiện phép thế không được làm tổn thương tính phát âm nhanh. “Giẫy” được phát âm nhanh. Khi thế “y” bằng “i” thành “giẫi”, ta vẫn có thể phát âm nhanh nhờ âm “â” phía trước. Trong khi đó “giãy” không thế bằng “giãi” được vì “giãy” được phát âm nhanh hơn “giãi”.

Bước 4: Thành lập quy tắc thế (nếu muốn):

Trường hợp thế “y” bằng “i” được:

1) Chữ chỉ chứa một nguyên âm duy nhất là “y”. (Trường hợp đặc biệt: “quy” thế thành “qui” được4) )

2) Chữ chứa nguyên âm có dấu nón lá “^”: “ây”, “iây”, “uây”, “uyê”, “yê”, “yêu”.

3) Chữ chứa “y” đứng giữa 2 nguyên âm: “uya”, “uyu”.

(Dũng Vũ)

Chú thích:

1) Trích từ Thử bàn về tiếng Việt, Dung Vu, 1999, Stuttgart.

2) VILAS (Vietnamese Lexical Analyse System), Dung Vu, 1997, Stuttgart.

3) Speech Analyzer, SIL International, 2000. www.sil.org

4) “Qu” có thể được chứng minh là một đơn vị phụ âm của chữ Việt (xem phần Phụ âm). Có nhiều trường hợp mà cách phát âm “ui” và “uy” không giống nhau. Có thể nhận thấy sự khác biệt qua phân tích âm [xem 3]).

D.  Phụ âm: Vấn đề thế “q” bằng “c”, “gi” bằng “d”, bằng “z”

Khi đã chấp nhận dùng mẫu tự Latinh làm chữ viết, nhiều người Việt thường nghĩ đơn giản rằng, cứ ghép (cụm) phụ âm với (cụm) nguyên âm, ta sẽ có một chữ dùng được. Thực tế chỉ ra, công thức này không đúng hẳn. Nó có thể sản sinh những trường hợp vô lý. Điển hình là thế “y” bằng “i” (xem phần dữ liệu bài trước): cuây, cyêu, quoãy, quoạy, hyễu, kyễu, chyễu, ghyễu, ... Đây là một vấn đề của các ngôn ngữ dùng mẫu tự Latinh và hiển nhiên, tiếng Việt không ngoại lệ.

Do đó cần cẩn thận khi muốn thay thế phụ âm. Đừng tưởng cứ nhắm mắt thế cái này với cái kia là cải cách được chữ Việt. Không dễ dàng như thế. Thử phân tích vài trường hợp.

Vấn đề “c”, “q”

Chúng ta biết, hai phụ âm “c” “q” đều mô tả được âm /k/. Tuy “q” là một phụ âm song trên thực tế, nó chỉ được dùng để viết tắt. Một mình “q” chưa đủ chức năng phụ âm để thành lập chữ/từ2).

Một thử nghiệm, giả sử ghép “c” “q” với cụm nguyên âm “ua”:

“c” + “ua” thành “cua”

“q” + “ua” thành “qua”

Ta thấy, “cua” “qua” có cùng cấu tạo về mặt ký tự nhưng hai chữ lại không đồng âm. Chẳng phải vì thiếu dấu. “Của”, “quả” là hai chữ có dấu hỏi nhưng vẫn không đồng âm. Trong khi đó ở trường hợp hai chữ “ca” và “qua” thì lại đồng âm tiết nhờ nguyên âm “a”.

Để ý kỹ, cấu trúc hai chữ “ca” và “qua” giống y hệt nhau: phụ âm cộng nguyên âm. Với một cấu trúc giống nhau, nếu “c” là phần phụ âm, thì suy ra “qu” cũng phải là phần phụ âm. Quả thực vậy, “qu” là một cụm ký tự mang tính chất phụ âm /kw/ trong việc cấu tạo chữ/từ.

Vì chữ Việt được Latinh hóa, nó cũng ứng dụng “qu” giống như các tiếng Âu châu. Nhiều dân tộc Âu châu (Anh, Đức, ...) cũng dùng “qu” để thành lập một từ chứ không phải một mình “q”: “qualification”, “quality” (tiếng Anh); “Qualifikation”, “Qualitt” (tiếng Đức). Tiếng Việt cũng vậy, phải viết là “qua”, quê”, ... chứ không phải “qa”, “qê”, ... theo kiểu có vài ý kiến cho rằng, bỏ “qu” đi, dùng “q” thôi cũng đủ.

Nói ngắn gọn, thay thế “q” bằng “c” một cách chung chung không được.

Tính chất phụ âm của “qu” và “gi”:

Cũng một trường hợp tương tự khác là “g”. Ví dụ:

Ghép phụ âm “t” với cụm nguyên âm “ia”, ta có “tia”.

Ghép phụ âm “g” với cụm nguyên âm “ia”, ta có “gia”.

“Tia” “gia” cùng cấu trúc nhưng không đồng âm. Bỏ dấu vào cũng không thay đổi, điển hình: “tỉa”, “giả” là hai chữ không đồng âm. Ở trường hợp khác, “ta”“gia” cũng cùng cấu trúc nhưng lại đồng âm nhờ nguyên âm “a”. Cho nên, nếu “t” là phần phụ âm, thì suy ra “gi” cũng là phần phụ âm.

Nói tóm lại, “g” “q” giống nhau ở chỗ là có thể cộng thêm một nguyên âm để mang chức năng phụ âm. Đó là sự cắt nghĩa hai trường hợp phụ âm { qu, gi } trong tiếng Việt.

Tiếp tục phân tích, chúng ta sẽ nhận ra một điểm khá thú vị là tổ chức ngữ âm của “g” “q” không giống nhau hoàn toàn. “G” tự một mình nó đã là một phụ âm và có khả năng thành lập chữ/từ (“gan”, “góc”, “gọn gàng”, ...), còn “q” thì không. Bản thân “qu” không phải là một chữ/từ có ý nghĩa. Trong tiếng Việt không có các từ như “qu”, “qú”, “qù”, “qũ”, “qủ”, “qụ”, nhưng lại có các từ như “gi”, “gì”, “gỉ”. Có thể nói, “gi” là một đặc sản: nửa phụ âm, nửa nguyên âm. Điều này logic vì không có tính nguyên âm, thì không thể thêm dấu sắc, hỏi, huyền, ... vào được.

Vấn đề “gi”, “d”

Nhận thấy điểm rắc rối ấy, đã có nhiều đề nghị cải tổ chữ Việt bằng cách dẹp bỏ “gi” và thay vào đó là “d”. Đề nghị xem ra có lý, vì người ta có thể biện luận rằng, “gi” cũng gần giống trường hợp “di”; “di” cũng mang tính chất nửa phụ âm, nửa nguyên âm, tại sao không thế “gi” bằng “d” cho đơn giản vì ta cũng có thể thêm dấu vào “di” thành “dì”, “dị”, “dí”, ... ?

Đó là vấn đề. Song chỉ tiếc là không dễ dàng thay thế hết được vì lý do là ngữ nghĩa có thể bị đổi theo. “Giai” như “giai nhân”; “dai” như “dai dẳng”. “Giai” “dai” khác hẳn nhau. Rõ nữa là trường hợp “gián”, “dán”. “Gián” có nghĩa 3):

Tương đối đồng âm với “gián” là chữ “dán”. Chữ “dán” cũng có nhiều nghĩa:

Giả sử muốn triệt tiêu cụm âm “gi” và thay thế vào đấy là “d”, chắc chắn sẽ gặp vấn đề: Một là “dán” phải mang tất cả các ngữ nghĩa của “gián”. Hai là không thể được vì “dán” chứa ý nghĩa ép dính vào, ngược lại, “gián” chứa ý nghĩa tách rời ra. Đó là lý do, tại sao ông bà chúng ta phải viết “gián” “dán” để phân biệt ý nghĩa.

Nên nhớ rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ nặng về âm (tone language). Đây là một nét đặc trưng. Thử đặt câu hỏi, tại sao trong tiếng Việt lại xuất hiện 2 trường hợp ứng dụng “gi” “d” mà không là một, hoặc chỉ có “d”, hoặc chỉ có “gi” ? Một trong những nguyên do có mặt cả hai (“d” “gi”) cũng là nhằm phân biệt cách phát âm. Quả thực vậy, cách phát âm hai trường hợp hơi khác nhau, “gi” thì nhẹ, còn “d” thì hơi nặng dù cả hai đều chứa âm /z/. “Giòng” đọc nhẹ hơn “dòng”, chẳng hạn.

Có nhiều điểm bất ổn khi thế “gi” bằng “d”.

Tính chất thực dụng ngôn ngữ đôi khi khá tiện lợi nhưng lắm lúc cũng dẫn đến sai lầm, nếu không cân nhắc. Điển hình, tiếng Việt có nhiều chữ gốc chứa “y” hơn “gi” nhưng cách thế “y” bằng “i” lại đơn giản hơn nhờ hệ thống ngữ âm chưa bị xáo trộn. Muốn thế “y” bằng “i” chỉ cần 3 quy tắc, trong khi đó, rất khó thành lập quy tắc thế “gi” tổng quát. Thế “y” bằng “i” không bị lệ thuộc vào thanh điệu (hỏi, ngã, huyền, ..), còn thế “gi” bằng “d” thì lại bị và rất lộn xộn. Chẳng lạ gì vì như đã nói, người sử dụng ngôn ngữ cứ nhắm mắt đi theo nguyên tắc thực dụng “thấy chữ nào thế được là cứ thế”, chẳng cần suy nghĩ, rốt cuộc, hệ thống từ ngữ chứa “gi” “d” đã bị tổn thương.

Để giải quyết vấn đề này, chỉ còn một giải pháp duy nhất là nên tìm hiểu nguồn gốc những từ ngữ chứa “gi” “d” cho rõ ràng. Nên thận trọng khi thế. Nên để ý đến ngữ nghĩa và cách phát âm; chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Ví dụ về mặt ngữ nghĩa,  “gi” thì gần gụi với “tr” (giả – trả, giai – trai, giời – trời, giao – trao, ...), còn “d” thì gần gụi với “đ” (dao – đao, cây da – cây đa, ...) hoặc “nh” (dấn – nhấn, dòm – nhòm, dóm – nhóm, dừ – nhừ, ...).

Mộng ước gạt bỏ “gi” ra khỏi chữ Việt đã không thành, vậy mà vẫn còn ý kiến muốn đưa “z” vào tiếng Việt để loại bỏ luôn “d”. Việc làm này giống hệt như thay thế “gi” bằng “d”, cũng bất khả thi vì những lý do đã nêu: Một mình “z” phải gánh hết mọi ngữ nghĩa của chữ chứa “gi” “d”. Mặt khác làm như thế là vô tình triệt tiêu nét âm đặc thù của tiếng Việt.

Nói tóm lại, theo tôi, không nên thế “gi” bằng “d” hoặc bằng “z”. Hãy nên xem đó là kiến thức chính tả cần biết. Nếu không chắc, có thể tra chữ gốc chứa “gi” trong từ điển, hoặc bảng tóm tắt trong phần phụ lục dưới đây. Chỉ có khoảng 130 trường hợp “gi” và 230 trường hợp “d” chứ không nhiều lắm.

Dũng Vũ

Chú thích:

1) Trích từ Thử bàn về tiếng Việt, Dung Vu, 1999, Stuttgart (bổ sung và hiệu đính).

2) Chữ được hiểu là cụm ký tự (group of characters) chung chung nói được. Chữ có thể có ý nghĩa, có thể không. Ví dụ: “dễ”“dàng” là hai chữ. “Dễ” có nghĩa, còn “dàng” thì không. Hai chữ hợp lại thành “dễ dàng”. Một chữ hoặc cụm chữ có ý nghĩa và có giá trị như một đơn vị cú pháp nhỏ nhất (danh từ, tính từ, động từ, ...), thì được coi là một từ. Ví dụ “dễ dàng” là một từ vì có ý nghĩa và là một tính từ .

3) xem Từ Điển Tiếng Việt - Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm, nxb Thanh Hóa, 1998.

Phụ lục: Kết quả thử nghiệm từ VILAS.

Chữ gốc chứa “d”:

da, dà, dã, dá, dạ, dai, dài, dải, dãi, dái, dại, dác, dam, dám, dạm, dan, dàn, dán, dạn, dang, dàng, dáng, dạng, danh, dành, dao, dào, dạo, dát, dạt, dàu, day, dày, dảy, dãy, dạy, dăm, dằm, dặm, dăn, dằn, dặn, dăng, dằng, dẳng, dặng, dắt, dặt, dâm, dầm, dẫm, dấm, dậm, dân, dần, dẫn, dấn, dận, dâng, dấp, dập, dật, dâu, dầu, dẫu, dấu, dậu, dây, dầy, dẫy, dấy, dậy, de, dè, dẻ, dẽ, dé, dèn, deo, dẻo, dép, dẹp, dẹt, dê, dể, dễ, dế, dền, dện, dềnh, dệt, di, dì, dĩ, dí, dị, dìa, dĩa, dích, dịch, diếc, diệc, diêm, diệm, diềm, diễm, diễn, diên, diện, diếp, diệp, diệt, diều, diễu, diệu, dim, dìm, dím, dinh, dĩn, dĩnh, dính, díp, dịp, dìu, díu, dịu, do, dò, dó, doa, dóa, dọa, doãi, doãn, doãng, doạng, doanh, doành, dóc, dọc, doi, dòi, dõi, dọi, dom, dòm, dỏm, dóm, don, dón, dọn, dong, dòng, dỏng, dõng, dọng, dọp, dót, dô, dồ, dỗ, dốc, dôi, dồi, dỗi, dối, dội, dồn, dông, dộng, dốt, dột, dơ, dở, dỡ, dớ, dơi, dời, dởm, dợm, dớp, du, dù, dũ, dụ, dua, dùa, dục, duềnh, dùi, dũi, dúi, dùm, dúm, dụm, dun, dùn, dún, dung, dùng, dũng, dúng, dụng, duốc, duỗi, duy, duyên, duyệt, dư, dừ, dử, dữ, dứ, dự, dưa, dừa, dứa, dựa, dức, dưng, dừng, dửng, dựng, dược, dưới, dương, dường, dưỡng, dướng, dượng, dượt, dứt

Chữ gốc chứa “gi”:

gi, gì, gỉ, gí, gia, già, giả, giã, giạ, giá, giác, giai, giải, giãi, giại, giam, giảm, giám, gian, giàn, giản, giãn, gián, giang, giàng, giảng, giáng, giạng, gianh, giành,  giao, giáo, giảo, giáp, giát, giạt, giàu, giảu, giày, giãy, giặc, giăm,  giặm, giằn, giăng, giằng, giắt, giặt, giấc, giâm, giẫm, giấm, giậm, giần, giận, giấp, giật, giầu, giấu, giậu, giây, giầy, giẫy, giấy, giẻ, gié, gièm, gieo, giẹo, giẹp, giếc, giền, giêng, giềng, giếng, giết, giễu, gìn, gio, giò, giỏ, gió, gióc, gioi, giòi, giỏi, giọi, gion, giòn, gión, giong, giỏng, gióng, giọng, giọt, giô, giồ, giỗ, giộ, giồi, giổi, giối, giội, giôn, giông, giồng, giống, giộp, giơ, giờ, giở, giới, giời, giờn, giỡn, giu, giũ, giú, giũa, giục, giùi, giủi, giúi, giụi, giùm, giun, giuộc, giúp, giữ, giữa, giương, giường, giượng, giựt

Nguồn:

1) http://www.vuontre.com/forum/forum_posts.asp?TID=787&PN=2

2) http://vanhocnghethuat.org/vhnt/553/TiengViet_03.doc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét