Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Phương·ngữ Quảng·Nam

Tác·giả: Vũ·Đức·Sao·Biển

Một cách khái quát, ngôn ngữ nói của người Quảng Nam có một số phương ngữ trùng hợp với phương ngữ của nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Đó là các từ ngữ như ở mô (ở đâu), đằng tê (đằng kia), cái chi rứa (cái gì vậy), con khọn (con khỉ), xa ngái (xa lắm)…

Đất Quảng Nam phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ phụ của người Quảng Nam phần lớn là người Thanh Hóa, Nghệ An. Trên 500 năm trước, theo bước chân của vua Lê Thánh Tông, năm 1471, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới.
Những người đến trước thường chiếm vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá hơn. Những người đến sau phải đi dần lên vùng bán sơn địa và miền núi. Lịch sử của con người nói chung và của con người Quảng Nam nói riêng là phát triển từ Đông sang Tây. Đông là hướng biển, Tây là hướng rừng núi Trường Sơn.

Trước năm 1975, phương tiện giao thông chưa có nhiều, phương tiện truyền hình phát thanh lại càng hiếm. Người ta ở đâu thì ở đó, ít đi lại với nhau, ít nghe nhau nói. Có người suốt đời không có dịp đi ra khỏi làng mình. Họ nói thứ ngôn ngữ mà tổ phụ và bà con chung quanh thường nói. Địa hình hiểm trở khiến ngữ thanh của từng địa phương nhỏ cấp huyện, xã, thôn rất khác nhau. Chỉ trong một địa bàn Quảng Nam, những bà con vùng nguồn nói vùng biển chưa chắc đã nghe được.

Tôi nhớ có một ông ở Sơn Lãnh (Quế Sơn) gánh nồi đất xuống tận chợ Bàn Thạch (Duy Xuyên) bán. Buổi trưa nóng nực, chợ chưa đông, ông ngồi than thở với cha tôi;

- Tôi ở Sơn Lãnh, đi qua Sơn Thạnh xuống đây bán nồi đất. Chưa bán chi được mà nó trợt cái oách, bể hai cái trách một cái vung.

Ông nói rất nhanh, đặc biệt khi phát âm các từ có vần A như Lãnh, Thạnh, bán, đất, oách, trách thì ngữ thanh rất gần với ngữ thanh của bà con Thanh Hóa. Sau này có dịp thâm nhập, tôi mới biến bên kia đèo Le của Quế Sơn có những làng mà tổ phụ là người Thanh Hóa. Bởi quần cư sau một ngọn đèo hiểm trở, điều kiện đi lại khó khăn nên bà con ít khi đi khỏi làng mình. Sự giao lưu ngôn ngữ không có nên có những âm rặt của người Thanh còn được giữ lại dù bà con đã sống giữa lòng Quảng Nam trên 500 năm.

Bà con vùng Tiên Phước phát âm những chữ có vần Ôi thường cho ra âm vị Oôi rất dễ thương. Nếu bạn may mắn gặp được một cô gái Tiên Hà xinh đẹp phát âm những âm vị này, e rằng bạn khó bỏ xứ Tiên Phước mà đi. “Trời toối roồi, anh nên về đi thoôi”- cô bảo bạn như vậy. Nhưng xin bạn chớ dại dột mà bỏ đi thiệt. Bởi “Nhứt gái Tiên Hà; nhì gà Tiên Lãnh”. Bạn đến Tiên Phước mà không chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nghe ngữ thanh duyên dáng của cô gái Tiên Hà, không ăn món gà Tiên Lãnh xé phay với cháo là sai lầm nghiêm trọng!

Tuy nhiên, ngữ thanh (âm vị) chỉ là cái vỏ bên ngoài. Chính hệ thống phương ngữ mới quyết định nội hàm của ngôn ngữ Quảng Nam. Tôi sẽ bắt đầu bàn qua phương ngữ theo thứ tự alphabet, giải thích ngữ nghĩa và đặt từ ấy trong văn cảnh cụ thể để các vị bạn đọc tiện theo dõi. Có những từ về âm vị, người Quảng Nam nói đúng theo âm vị các vùng miền khác nhưng ngữ nghĩa thì rặt Quảng Nam. Chúng tôi cũng đưa các từ này vào trong phương ngữ Quảng Nam.

Ảng: Một đồ dùng để chứa nước, thường được đúc bằng xi măng. Ảng có miệng to, đáy nhỏ, dưới đáy có ba chân, được trổ một lỗ lù để thoát nước. Rồi, không để cho vợ hỏi lôi thôi nữa, ông Trùm ra ảng múc một miếng nước súc miệng. (Hai tuồng hát bội - Vũ Đức Sao Biển).

Ba xăng khao: Tào lao, ăn nói vớ vẩn. Thằng X là thằng ba xăng khao.

Bá vơ: Tào lao. Không đáng tin. Thằng đó nói toàn chuyện bá vơ.

Bàn hình: Máy chụp ảnh. Sở dĩ máy ảnh được phong lên thành “bàn” bởi ngày xưa, chiếc máy Leika do Đức sản xuất rất to lớn, cồng kềnh. Người chụp đứng sau nó, phủ tấm vải đen trùm đầu rồi mới ra hiệu sẽ chụp ảnh. Ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số đã gọn nhẹ nhưng nó vẫn được gọi là… bàn hình. Gọi vậy cho oai! Anh đem cái bàn hình chụp cho em một tấm ảnh đi.

Bàn thọa: Hộc bàn. Cha để giấy tờ của con trong cái bàn thọa nớ.

Bành chát, bành sư, bành sư chát: Cái gì to lớn quá khổ. Củ khoai từ bành sư, nặng tới mười ký. Cái gì của ông Phó Bảy cũng quá khổ, cũng rùng rợn, cũng to bành sư chát. (Con cá vược - Vũ Đức Sao Biển).

Bảy đáp: Danh từ chung chỉ những người chuyên mổ heo. Không thương ai bằng thương anh bảy đáp, Ảnh làm heo rồi mình có tim, có cật mình ăn. (Hát ru con Quảng Nam).Bảy đáp táp… heo. (Thành ngữ Quảng Nam).

Bị: Cái túi áo (dính liền với áo). Chị lựa những trái sim chín nhất, to nhất bỏ vào bị cho em. (Bóng hoa sim - Vũ Đức Sao Biển).

Bủng: Trạng thái của người bị phù thũng. Tiết đông thiên, ông Út ổng bủng.

Chuổi: Cây chổi quét nhà. Mi cầm cái chuổi mi suốt cái nhà coi.

Chừ: Bây giờ. Chớ chừ ông đi mô? (Hai tuồng hát bội - Vũ Đức Sao Biển).

Cúp: Hớt tóc (phiên âm động từ couper trong tiếng Pháp). Anh Sáu là thợ cúp.

: Nhứ để dọa nhưng chưa đánh (hư chiêu). Một cái dá bằng ba cái đánh. (Thành ngữ Quảng Nam).

Dị: Xấu hổ, mắc cỡ. Ăn mặc hở hang rứa mà không biết dị. Hôm qua, em đi vô toa-lét, lúc ra lại quên kéo phẹc-mơ-tuya. Trời ơi, dị chi mà hắn dị!

Diễn: Trạng thái của chiếc nón lá đẹp, nhìn thích mắt. Chiếc nón này diễn lắm.

Dớn: Tên một loài rau họ tảo, mọc ven bờ sông, bờ suối các huyện miền cao. Mùa này cành rau dớn/ Ngọt ngào tươi hơn hớn/ Chờ bàn tay em hái dâng cho người. (Xuân ca vô tận - Vũ Đức Sao Biển).

Dũm: Loại nắp nhỏ làm bằng đất sét nung để đậy hũ mắm (tĩn mắm) rồi khằn lại bằng xi măng hay mật rỉ đường. Mặt hắn thun lại như cái nắp dũm.

Đà: Đã. Trang hồng kim hải ra hoa/ Trổ bông mùa phượng cũ đà hồ phai. (Mùa phượng cũ - Bùi Giáng).

Đầu dầu: Đầu không đội nón. Trời nắng chang chang mà mi đi đầu dầu rứa Tèo!

Đủm: Khúc. Ngắn ngủn. Ngắn. Mía được cắt ra thành từng đủm. Người chi mà đầu đuôi có một đủm.

Đường đượng: Trạng thái của cái lưng to, mập mạp. Ăn uống cho lắm rồi cái lưng đường đượng.

Giú: Giấu. Che giấu. Đứa mô giú quyển sách của em X thì đưa ra. Cái chuyện động trời như rứa tại răng mi giú cho hắn?

: gò. Tán, tán tỉnh. Nói dịu dàng để lung lạc người khác. Mi lại đây, tau bày cho cách gù gái. Hắn gù răng không biết mà mượn được bà Hai đến 6 triệu đồng.

Hầm hinh: Trạng thái của đồ vật chông chênh, không chắc chắn, người đứng lên có thể té ngã. Cái bàn đang hầm hinh, đừng có đứng lên đó.

Hỷ: Nhé, nhá. Vậy (thường đứng cuối câu). Anh về em hỷ. Đang ở mô rứa hỷ? Mạnh giỏi không hỷ?

Hoang: Nghịch ngợm. Nói bậy bạ chuyện tình dục. Thích tình dục. Mi nói mi hoang hả? Mi hoang răng bằng tau? (Bốn Chỉnh - Vũ Đức Sao Biển).

Cái thằng đó hắn nói hoang lắm. Mới 30 tuổi, ông đã có bốn đứa con. Đúng là hoang sớm.

Họ: Người ta. Đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Đi đâu mà bỏ họ ở nhà một mình?

Hử: Hả. Thường đứng cuối câu hỏi, hàm ý giận dữ. Mi có nhớ mi hứa với tau cái gì không, hử?

Khí: Con người, đồ vật chẳng ra gì. Thằng khí nớ không làm được việc chi hết. Cái xe khí này mà chạy răng được?

Khía cạnh: Nói châm chọc. Thôi, ông đừng khía cạnh tôi nữa.

Khính: Chẳng ra gì (hàm ý khinh bỉ). Cái đồ làm ăn như khính!

Khò: Cái gì được kết dính lại bằng lửa. Đào vàng ba năm, anh X chỉ kiếm được mấy chỉ vàng khò.

Khu đĩ: Chỗ vách nhà hình tam giác đỡ lấy hai mái nhà. Nước lụt lên rất nhanh khiến nhiều bà con phải trổ khu đĩ thoát ra, leo lên ngồi trên mái nhà.

Khù: Khờ, không biết gì. Ba mươi tuổi mà hắn vẫn khù như con nít.

Kinh: Quá. Chu, cái ông ni dễ thương kinh! (Quảng Nam hay cãi - Vũ Đức Sao Biển).

Lả: Không đứng đắn, không nghiêm túc. Làm con gái thì đừng có lả.

Lộn thin lộn mồng: Đầu óc hồ đồ, lộn lạo các thứ không nhớ ra. Mi đi chơi, tau đánh cho mi lộn thin lộng mồng!

Lù đu: Không phát triển, không lớn, không cao. Vùng đất cát lại thiếu nước nên trồng cây chi cũng lù đu. Mười tám tuổi rồi mà hắn lù đu như rứa đó.

Mắc tịt: Mắc cỡ. Xấu hổ. Mặc xà lỏn mà đi ngoài đàng, không biết mắt tịt.

Mằn: Sờ sẫm. Mân mê. Tối ba mươi Tết, Tết ba mươi/ Chồng mằn ngực vợ, vợ cười tươi/ Ông bà phán hỏi: Làm chi rứa?/ - Vui! (Thơ yết hậu dân gian Quảng Nam).

Mít: Dốt. Chịu thua, không trả lời được. Anh hỏi tới chữ nghĩa thì tui mít. Cái thằng nớ đi học nhưng vẫn mít như không đi học.

Mỵ: Lạ lùng, không giống ai. Chớ mi làm cái chi mà mỵ rứa mi?

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn đọc quý mến! Tôi làm sơ sơ “Từ điển phương ngữ Quảng Nam” để bạn có dịp đi thăm Quảng Nam, có thêm chút vốn ngôn ngữ mà dùng, khỏi cần tới… người phiên dịch. Đất Quảng Nam có nhiều cái ngộ nghĩnh, dễ thương, trong đó có cái ngộ nghĩnh, dễ thương của phương ngữ. Nếu bạn là đàn ông (hoặc phụ nữ) đang có tham vọng làm rể (làm dâu) xứ Quảng Nam, tôi nhiệt liệt khuyên bạn hãy học và nói theo phương ngữ Quảng Nam.

Với các em, các cháu người Quảng Nam, dù có đi mô và làm tới cái chi đi nữa, tôi tha thiết mong các em, các cháu cố giữ các phương ngữ này. Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng chúng ta cũng nên - tôi nói nên chứ không nói phải - giữ gìn phương ngữ. Bởi phương ngữ là một phần của bản sắc văn hóa vùng miền. Phương ngữ Quảng Nam góp phần làm nên cái hồn Quảng Nam.

Tiếp theo kỳ báo trước, tôi xin nêu một số từ ngữ người Quảng hay dùng:

Mo đài: Vật dụng múc nước, làm bằng tàu cau, hai đầu bẻ lại trông giống một khối hình thang. Người nghèo Quảng Nam làm mo đài để múc nước giếng tắm giặt hay tát nước trong lòng ghe thuyền ra. Bước xuống đò, ông cầm ngay cái mo đài tát nước rồi cầm cái dầm trước kìm cho đò đứng yên để khách lên. (Ông Trưởng Nhơn - Vũ Đức Sao Biển).

Mỏi: Trạng thái đói. Mì tôm anh Tám Quảng Nam/ Khi mô mỏi bụng vô làm một tô. (Câu ca đời mới Quảng Nam).

Nậu: Người sống trong một địa phương nhất định.

Em chừ nậu rỗi quê mùa/Có thương xin anh chớ bỏ bùa thuốc em. (Ca dao Quảng Nam).

Nhắp: Câu bằng cách kéo miếng mồi di động trên mặt nước; Nam Bộ: câu rê. - Nực cười chú nhắp cá trê/ Nhắp qua nhắp lại đi về cái giỏ không. - Hứ, cằm chi cằm chẳng có lông?/ Không nhiều thì ít chớ không cái nỗi gì?(Hát đối đáp dân gian Quảng Nam).

Ni: Này; bên này. Mi cầm giùm tau cái ni.

Một dòng nước trong. Đôi bờ thương nhớ. Ơi người bên nớ. Có nhớ bên ni? (Hoài niệm Trường Giang - Vũ Đức Sao Biển).

Nớ: Đó; kia, bên kia. Con đứng chỗ nớ đợi cha nghe/ Mi làm cái chi mà nhộn rứa, thằng nớ? Nhà cha mẹ tôi bên nớ.

Ngơm: Đẹp đẽ; làm ra bộ đẹp đẽ. Đi lễ tiệc chi mà ăn bận ngơm rứa ta?

Ông ấy mặc áo đỏ, làm như mình ngơm lắm!

Ngủm: Chết. Ông X đã ngủm củ tỏi rồi.

Nguồn: Vùng núi, nơi phát tích của một dòng sông. Em có hẹn với nguồn xưa kể lại/ Chuyện phiêu bồng yêu cánh mộng lên cao. (Lời của nguồn xưa - Bùi Giáng).
Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên. (Ca dao Quảng Nam).

Nén: Một loại củ làm gia vị, màu trắng, tròn cỡ đầu ngón tay út, vị cay. Củ nén mà ướp cá chuồn/ Ăn vô một miếng người buồn cũng vui. (Ca dao Quảng Nam).

Ô: Đơn vị đo lường, được tiện bằng gỗ mít, dung tích khoảng 3 lon gạo. Ô được dùng để đong các thứ thực phẩm dạng hạt đều khắp tỉnh Quảng Nam trước năm 1975. Hiện nay, bà con đo lường bằng lít (3 lon) hay ký (4 lon). Ổng bịnh mà mỗi bữa ăn hết một ô gạo nấu cháo!

Quắn: Thun lại. Tên một loại ốc sông nước lợ. Cha tôi đánh tôi ba roi, muốn quắn đít/ Tôi lội sông Trường Giang, bắt được một mớ ốc quắn.

Răng: Sao. Làm răng mà ông hỏi tôi như vậy?/ Máu xương lổ đổ biết mần răng đợi bóng sáng hôm sau tuyết trắng như sầu băng thương nhớ. (Xuân xanh - Bùi Giáng).

Ri: Như thế này. Em về có hỏi răng ri rứa/ Nhắm mắt đưa chân có bận liều.
(Bờ trần gian - Bùi Giáng)

Rượng: Trạng thái phát triển tình dục, chơi bậy bạ. Mới có mười mấy mà đã muốn rượng rồi/ Hồi hôm, mi đi rượng ở đâu?

Sè sẹ: Khẽ khàng, nhè nhẹ để không gây ra tiếng động. Tôi sè sẹ mở cửa, bước ra ngoài hiên đêm.

Suốt: Quét (nhà). Suốt nhà lông mốt, lông hai/ Suốt nhà như rứa như chưa suốt nhà. (Hát ru con Quảng Nam).

Tai: Tát vào tai, vào màng tang. Tau tai đầu mi bây chừ.

: Kia, đằng kia. Bên tê sông đã là vùng giải phóng của ta.

Mi tìm chị mi hả? Ở đằng tê kìa.

Tề: Kìa; làm cho cái gì ngắn lại. Coi tề! Coi tề! Con mẹ nữ hoàng Cléopatre nõn nường của xứ Ai Cập du dương đã xuất hiện đó tề. (Trăng Tỳ hải - Bùi Giáng).
Để tôi tề bớt cái cán cuốc ni.

Tuối: Tối. Trời sắp tuối, đàn gà nhảy lên chuồng.

Ủm: Ôm vào lòng, ôm cho ấm (mùa đông). Để mẹ ủm con nghe.

Chu cha, không có con gái mình ủm một xí.

Thụi: Đấm bằng tay; cái túi áo. Tui thụi cho nó mấy thụi.

Bỏ kẹo vào thụi của em đi.

Thùng diêm: Hộp quẹt. Ngày trước, bà con dùng hộp quẹt giấy, có nhiều que đầu gắn diêm sinh. Nay, loại quẹt này không còn phổ biến; bà con chuyển sang dùng quẹt gas nhưng vẫn kính trọng gọi cái hộp quẹt là thùng diêm. Ông cho mượn cái thùng diêm một chút.

Ve: Ve vãn, dụ dỗ. Nhứt đốn tre, nhì ve gái. (Thành ngữ Quảng Nam).

Xàng xê: Ưỡn ẹo qua lại nhằm gợi tình. Đờn cầm đờn sắt đờn ca/ Đờn sáu dây anh cũng gảy giao hòa/ Đờn chi anh chơi cũng đủ/ Duy chỉ có đờn bà anh chưa chơi!/ Anh đến đây xin dặn em đôi lời/ Nếu anh không cống líu/ Xin em thời đừng có xàng xê. (Một cách chơi chữ trong hát đối đáp dân gian Quảng Nam).

Xâu: Sưu (trong từ ghép sưu thuế); phụ nữ có nguyệt kỳ. Dẫu mà ăn quán, ngủ đàng/ Đình trung miễu võ thiếp với chàng cũng sướng thân/ Lo chi xâu thuế hai phần. (Vè Quảng Nam).

Bữa nay con có xâu, nhớ đừng làm việc nặng.

: Một chút, nhỏ xíu xiu. Con đợi cha chút xí nghe/ Cái chuyện một xí mà sinh ra cãi lẫy um trời.
Y: Chẳn, đúng vậy; một kiểu cổ áo xưa ở Quảng Nam. Tôi đã nhận 300 ngàn đồng y/ Chuyện ông nói xảy ra y sì sì.

Tai ta nghe tiếng bạn có đôi/ Đập bàn tay xuống chiếu thôi rồi còn chi/ Bộ nút vàng đã tra áo cổ y/ Mười hai bến nước biết bến mô thì đục trong. (Ca dao Quảng Nam).

Theo Báo Quảng Nam

Năm 2010, tháng 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét