Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Các kiểu cấu·trúc thông·tin của câu đơn tiếng Việt

Tác·giả: Nguyễn·Hồng·Cổn

Khoa Ngôn·ngữ·học, Trường Đại·học Khoa·học Xã·hội và Nhân·văn, Đại·học Quốc·gia Hà·Nội.
Bài·viết xuất·bản vào năm 2010.

Tệp gốc định·dạng PDF bạn có·thể tải về từ URL sau: http://tainguyenso.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/7537/1/bancuoi-06.pdf 

Cấu trúc thông tin (CTTT), còn được gọi là cấu trúc thông báo hay phân đoạn thực tại) của câu tiếng Việt đã được đề cập trong sự phân biệt với cấu trúc cú pháp (CTCP) ở nhiều công trình nghiên cứu với những kiến giải khác nhau về mặt lý thuyết. Chịu ảnh hưởng của lý thuyết phân đoạn thực tại câu, trong những năm 80 của thế kỷ trước, trong Việt ngữ học phổ biến quan niệm coi cấu trúc đề - thuyết của câu là CTTT, phân biệt với cấu trúc chủ - vị là CTCP (Panfilov F.R 1980, Lý Toàn Thắng 1981, Diệp Quang Ban 1989). Tuy nhiên, dưới góc độ Loại hình học ngôn ngữ và Ngữ pháp chức năng, Cao Xuân Hạo (1991) cho rằng cần phân biệt cấu trúc đề - thuyết ở bình diện cú pháp của câu với CTTT ở bình diện dụng pháp – “bình diện của cách sử dụng câu (tức sử dụng những cấu  trúc  đề  -  thuyết)  vào  những  mục  đích  thông  báo  khác  nhau”  (Cao  Xuân  Hạo 1991/2004: 77). Mặc dù quan niệm này đã được một số nhà Việt ngữ học ủng hộ và phát triển thêm về mặt lý thuyết (Lưu Vân Lăng 1994, Nguyễn Hồng Cổn 2001, 2010), nhưng mối quan hệ giữa CTCP (đề - thuyết) và CTTT vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, ngay cả ở câu đơn. Để góp phần làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa CTCP và CTTT trong câu tiếng Việt, bài viết này tập trung khảo sát các biểu hiện của CTTT qua CTCP của câu đơn tiếng Việt.
1. CTTT và CTCP của câu đơn tiếng Việt
Trước khi đề cập đến các biểu hiện của CTTT qua CTCP của câu đơn tiếng Việt cần thiết phải minh định rõ mối quan hệ giữa CTTT và CTCP.

Trong một bài viết trước (Nguyễn Hồng Cổn 2009), chúng tôi đã đồng tình với quan điểm cho rằng CTCP của câu tiếng Việt là cấu trúc đề - thuyết có chức năng tổ chức và truyền đạt thông điệp, trong đó đề là bộ phận biểu thị “cái được nói đến” hay là “xuất phát điểm” của thông điệp và thuyết là bộ phận mang nội dung mà người nói muốn nói về đề. Các định nghĩa sau đây về Đề và Thuyết là phù hợp với quan niệm của chúng tôi ‘‘Khi ta nói một câu người ta đưa ra một cái đề, rồi nói một điều gì về cái đề đó hoặc trong khuôn khổ cái đề đó’’ (Cao Xuân Hạo 1991/2004: 151) ; ‘‘Đề là thành tố trực tiếp của câu nêu rõ cái phạm vi ứng dụng của điều được nói đến bằng thành tố trực tiếp thứ hai’’ (Chafe 1976: 50). Để nhận diện và phân tích CTCP của câu có thể dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó quan trọng nhất là các tiêu chí đặc điểm của đề, đặc điểm của thuyết và các phương tiện đánh dấu quan hệ đề - thuyết (Cao Xuân Hạo 1991). Ví dụ:

1) Trời // mưa.
2) Hôm qua // (trời) mưa.
3) Nam // là người Huế.
4) Ai // làm việc này?
5) Anh // đi đi!
6) Ở đây // nhiều muỗi quá! (Ghi chú: Đề // Thuyết)

Khác với CTCP đề - thuyết có chức năng tổ chức thông điệp, CTTT biểu hiện sự khác biệt về vị thế thông tin của các thành tố của thông điệp trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Theo sự khác biệt về vị thế thông tin, CTTT của câu có thể được chia thành hai phần là tiêu điểm (focus) và cơ sở (background), trong đó tiêu điểm là thành tố bắt buộc, còn cơ sở là thành tố tuỳ ý (x. Nguyễn Hồng Cổn 2010). Xét trong mối quan hệ giữa CTTT và CTCP, cấu trúc cơ sở - tiêu điểm có thể trùng hoặc không trùng với cấu trúc đề - thuyết của câu, và do đó tạo nên các phát ngôn khác nhau. Xét ví dụ sau đây:

7) Anh Nam // đi Hải Phòng hôm qua.

Ở câu này, chủ ngữ (anh Nam) của cú được chọn làm đề và vị ngữ mở rộng (đi Hải Phòng hôm qua) đóng vai trò là thuyết. Nếu thực sự cấu trúc đề-thuyết là CTTT thì câu này chỉ có thể xuất hiện trong một ngữ cảnh duy nhất. Điều này trái với thực tế là câu (7) có thể xuất hiện ít nhất trong 5 ngữ cảnh khác nhau về giá trị thông tin (được phân biệt bằng các câu hỏi tương ứng trong ngoặc) như sau:

7a) Anh Nam//đi Hải Phòng hôm qua. (Ai// đi Hải Phòng hôm qua?)
7b) Anh Nam//đi Hải Phòng hôm qua.
(Anh Nam// đi Hải Phòng bao giờ?)

7c) Anh Nam//đi Hải Phòng hôm qua. (Anh Nam// đâu rồi?)

7d) Anh Nam// đi Hải Phòng hôm qua.
(Anh Nam// đi đâu rồi)
7e) Anh Nam//đi Hải Phòng hôm qua.
(Anh Nam// đi Hải Phòng hôm kia à?)

(Ghi chú: Đề // Thuyết; Cơ sở - Tiêu điểm)
Như vậy là cùng một cấu trúc đề - thuyết nhưng các phát ngôn trên đây khác nhau về giá trị thông tin tương ứng với sự khác biệt về ngữ cảnh sử dụng (thể hiện qua các câu hỏi kiểm chứng). Xét tiếp một ví dụ khác:

8 ) Hôm qua, // anh Nam đi Hải Phòng.
Khác với câu 7, ở câu này trạng ngữ thời gian (hôm qua) được chọn làm đề, còn kết cấu chủ - vị (anh Nam đi Hải Phòng) là thuyết. Thoạt nhìn, có vẻ như câu này chỉ được dùng hạn chế cho ngữ cảnh có trạng ngữ (hôm qua) biểu hiện thông tin cũ (Hôm qua, ai đi Hải Phòng? - Hôm qua, anh Nam đi Hải Phòng), chứ không được dùng trong ngữ cảnh trạng ngữ này biểu hiện thông tin mới (Anh Nam đi Hải Phòng bao giờ? - Anh Nam đi Hải Phòng hôm qua. ; *Hôm qua anh Nam đi Hải Phòng). Và nếu điều này là đúng thì cấu trúc đề-thuyết của câu trên chỉ có một cấu trúc thông tin duy nhất, hay nói cách khác đó chỉ là một biến thể của câu (7) (Anh Nam// đi Hải Phòng hôm qua) trong đó hôm qua được đảo lên trước để biểu hiện thông tin cũ. Thực tế không phải như vậy. Phân tích kỹ có thể thấy câu (8) ít nhất có thể xuất hiện trong 4 ngữ cảnh sau đây:

8a) Hôm qua//, anh Nam đi Hải Phòng

(Hôm qua//, ai đi Hải Phòng)

8b) Hôm qua//, anh Nam đi Hải Phòng

(Hôm qua//, anh Nam làm gì?)

8c) Hôm qua//, anh Nam đi Hải Phòng

(Hôm qua//, anh Nam đi đâu?)

8d) Hôm qua//, anh Nam đi Hải Phòng? (Hôm qua//, anh Nam đi Hải Dương à?)

Tương tự như câu (7), câu (8) cũng có nhiều biến thể xuất hiện trong các ngữ cảnh khác nhau, mặc dù có chung một đề - thuyết nhưng khác nhau về giá trị thông tin của các thành tố, tức là có CTTT khác nhau.

Kết quả phân tích trên cho thấy, cấu trúc đề - thuyết không phải là CTTT mà là CTCP của câu, được xác lập chung cho tập hợp các phát ngôn có ngữ cảnh đồng nhất về thành tố được chọn làm đề và sử dụng thành tố còn lại làm thuyết. Còn CTTT của câu là cấu trúc cơ sở - tiêu điểm, với nhiều hiện dạng khác nhau, phản ánh sự khác biệt về vị thế thông tin giữa các thành tố cú pháp của câu trong những ngữ cảnh cụ thể theo ý định chủ quan của người nói. Tất cả các phát ngôn xuất hiện một trong những ngữ cảnh đồng nhất về thành tố được chọn làm đề đều có chung một cấu trúc đề - thuyết về mặt cú pháp. Nguyên nhân khiến cho các phát ngôn này khác biệt nhau và trở thành các biến thể của một câu là do sự khác biệt về CTTT. Việc tìm hiểu kỹ hơn các biểu hiện khác nhau về CTTT của câu tiếng Việt nói chung và câu đơn tiếng Việt nói riêng, vì vậy, là cần thiết để làm rõ mối quan hệ giữa CTTT và CTCP của câu.

2.      Các kiểu CTTT của câu đơn tiếng Việt

Để góp phần làm rõ mối quan hệ giữa CTTT và CTCP của câu tiếng Việt, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát các kiểu CTTT của câu đơn trong tiếng Việt. Chúng tôi quan niệm câu đơn là kiểu câu có 1 CTCP đề – thuyết, trong đó có thể có mặt cả đề và thuyết (câu đơn hoàn chỉnh), hoặc vắng mặt một trong hai thành phần (câu đơn tỉnh lược). Cứ liệu cho thấy, tuỳ thuộc vào vị trí của tiêu điểm thông tin (rơi vào thành tố cú pháp nào) mà các câu đơn có thể có các biến thể cú pháp khác nhau về CTTT như sẽ trình bày dưới đây.

2.1. CTTT lưỡng phân cơ sở và tiêu điểm

Các CTTT lưỡng phân là các CTTT chỉ có cơ sở và tiêu điểm, được sắp xếp theo trình tự thuận (cơ sở - tiêu điểm) hoặc nghịch (tiêu điểm – cơ sở) tuỳ thuộc vào vị trí của tiêu điểm.

2.1.1. CTTT cơ sở - tiêu điểm

Kiểu CTTT có cơ sở đứng trước tiêu điểm này có thể trùng hoặc không trùng với CTCP đề - thuyết của câu. CTTT cơ sở - tiêu điểm sẽ trùng hoàn toàn với CTCP đề - thuyết khi tiêu điểm thông tin rơi vào phần thuyết của câu (về tiêu chí xác định tiêu điểm thông tin, xem Nguyễn Hồng Cổn 2001). Ví dụ:

9) a. Anh // có bận gì không?

b. Tôi //chỉ còn việc về nhà ngủ. (Nam Cao)

10) a. Bẩm cụ lớn, thế cụ lớn bà// độ này vẫn mạnh khoẻ chứ ạ?

b. Ồ ồ! Vợ tôi// yếu lắm. Vợ tôi// cứ muốn đòi về nghỉ ở Nice.

(Vũ Trọng Phụng)

11) a. Cậu// còn thức hay đi ngủ rồi?

b. Tôi //chưa ngủ, vẫn đang chờ mợ đây. (Ngô Tất Tố)

Trong các cặp đối thoại trên, cả câu hỏi và câu trả lời đều có tiêu điểm thông tin (tiêu điểm hỏi và tiêu điểm khẳng định) rơi vào phần thuyết và vì vậy CTTT cơ sở - tiêu điểm của phát ngôn trùng với CTCP đề - thuyết của câu.

Ở diễn ngôn đơn thoại, CTTT cơ sở - tiêu điểm sẽ trùng với CTCP đề - thuyết của câu khi phần đề biểu hiện thông tin cũ, đã được đề cập trong các câu trước (chẳng hạn, các câu trong ngoặc ở ví dụ dưới đây), còn phần thuyết biểu thị thông tin mới, chưa được nói đến và trở thành tiêu điểm thông tin. Ví dụ:

12) (Bây giờ vườn ruộng sao mà quý thế. Ba sào vườn của Thái bỗng nhiên có giá). Nó// không còn là xương nữa. Nó// là miếng nạc. (Nam Cao)

Tuy nhiên, cũng có trường hợp kiểu CTTT cơ sở – tiêu điểm không trùng hoàn toàn với CTCP đề - thuyết, khi tiêu điểm chỉ rơi vào một bộ phận của thuyết, chẳng hạn:

- Tiêu điểm là bổ ngữ:

13) a. Bà// tìm ai, thưa bà?

b. Tôi// tìm người quen. (Nguyễn Công Hoan)

- Tiêu điểm là trạng ngữ:

14) a. Anh// gặp nó bao giờ?

b. Tôi// gặp nó hôm qua.

2.1.2. CTTT tiêu điểm - cơ sở

Khác với kiểu CTTT trên, ở kiểu CTTT này tiêu điểm đứng ở vị trí đầu phát ngôn, trước phần cơ sở. Các phát ngôn kiểu này có CTCP đề – thuyết nghịch hướng trật tự với CTTT: đề đóng vai trò là tiêu điểm thông tin còn thuyết là cơ sở. Trong diễn ngôn hội thoại, các câu có đề trùng với tiêu điểm và thuyết trùng với phần cơ sở khi đề được được dùng để biểu thị tiêu điểm (hỏi, khẳng định hoặc tương phản). Ví dụ:

15) Thầy ơi, thầy! Tại sao//thầy nói thế? (Vũ Trọng Phụng)

16) a. Ai bảo anh ở lại?

b. Ai bảo…! Con chó bảo. (Nam Cao)

17) a. Ai bảo mày//gạ gẫm tao?

b. Ai// gạ gẫm nhà anh. Có anh// quyến rũ tôi thì có. (Nam Cao)

Trong diễn ngôn đơn thoại, các câu có đề trùng với tiêu điểm và thuyết trùng với cơ sở khi đề biểu thị thông tin mới, còn thuyết biểu thị là thông tin cũ, đã được nói đến trong những câu trước, ví dụ:

18) (Rận không phải là tên thật của lang ta. Đó là tên của bà cựu đặt cho anh). Nhưng tại sao//bà lại đặt cho anh cái tên khổ sở ấy? (Nam Cao)

19) (Nhà chị binh ở gần đường). Ông phó đi đánh bạc đêm về// cũng tạt vào; anh trương tuần đi tuần// cũng tạt vào; anh hàng xóm// cũng mò sang; thậm chí đến cái thằng hương điền đầu hai thứ tóc, già đời làm đấy tớ cho lý trưởng//, cũng mon men vào gạ gẫm. (Nam Cao)

2.2. CTTT xen kẽ cơ sở và tiêu điểm

Các CTTT xen kẽ cơ sở và tiêu điểm có tiêu điểm đứng xen vào bộ phận cơ sở, hoặc ngược lại, có bộ phận cơ sở đứng xen vào giữa các tiêu điểm, tạo thành kiểu CTTT sau đây:

2.2.1. CTTT cơ sở – tiêu điểm – cơ sở

Trong CTTT của câu, tiêu điểm có thể đứng trước hoặc sau bộ phận cơ sở như trên đã thấy, nhưng cũng có trường hợp tiêu điểm thông tin xen vào giữa cơ sở thông tin, tạo nên kiểu CTTT cơ sở – tiêu điểm – cơ sở. Trường hợp này xảy ra khi:

- Tiêu điểm thông tin không trùng hoàn toàn với đề mà chỉ trùng với một bộ phận của đề, chẳng hạn định ngữ:

20) a. Thế xe của ai //để ở ngoài kia?

b. Xe anh Nam// đấy

21) Anh nghi cho ai lấy tiền của anh? (Nguyễn Công Hoan)

- Tiêu điểm thông tin chỉ trùng với một bộ phận của phần thuyết, chẳng hạn, trùng với vị từ trung tâm:

22) a. (Xe của anh đâu)?

b. Tôi//bán nó rồi.

2.2.2. CTTT tiêu điểm – cơ sở – tiêu điểm

Ở kiểu CTTT này, bộ phận cơ sở xen vào giữa 2 tiêu điểm thông tin của câu. Đây là kiểu CTTT thường gặp của các câu hỏi có hai tiêu điểm hỏi ở đầu và cuối câu và các câu trả lời tương ứng. Ví dụ:

23) a. Ai// hỏi gì đấy?

b. Bác ấy// hỏi tiền nong gì chả biết. (Nam Cao)

24) a. Ai// mắng ai thế?

b. Bà ngoại// mắng dì Tư.

2.3 CTTT chỉ có tiêu điểm

2.3.1 CTTT có tiêu điểm là đề

Đây là kiểu CTTT có phần thuyết làm cơ sở nhưng bị tỉnh lược, chỉ còn lại phần đề trùng với tiêu điểm thông tin, ví dụ:

25) a. (Ai nói với con thế? Chị Nghĩa à?)

b. Không!... Cô Minh trong trại đấy (Phạm Hổ)

26) a. (Cái gì mà chạy bình bịch thế?)

b. Xe cậu phán. (Nam Cao)

27) a. (Bao giờ anh về lại Hà Nội?)

b. Tuần tới.

2.3.2. CTTT có tiêu điểm là thuyết

Khác với kiểu CTTT trên, ở kiểu này phần đề là cơ sở thông tin bị tỉnh lược, chỉ còn lại phần thuyết (28, 29b) hoặc bộ phận của phần thuyết (30b, 31b) trùng với tiêu điểm, ví dụ:

28) Đi mà làm ăn! Đừng lười thế. (Nguyễn Công Hoan)

29) a. (Xích nó nghiến rách áo hả?)

b. Nhảy qua hàng rào bùng nhùng. (Nguyễn Khải)

30) a. (Anh ta cưới vợ rồi à?). Lấy ai?

b. Cái Thửa, con nhà chú Thuận lùn ấy mà. (Nam Cao)

31) a. (Thật ư? Cô trông thấy bao giờ?)

b. Vừa lúc nãy. (Nam Cao)

2.3.3. CTTT có tiêu điểm là cấu trúc đề – thuyết

Các CTTT có tiêu điểm đề - thuyết có tiêu điểm trùng hoàn toàn với câu (cấu trúc đề- thuyết) không thể phân chiết ra được bất kỳ một bộ phận nào trong đó quan trọng hơn về mặt thông tin. Người nói tạo lập và người nghe tiếp nhận toàn bộ cấu trúc đề - thuyết như là một thông điệp mang thông tin mới hoàn chỉnh. Trong diễn ngôn hội thoại, các câu có CTTT với tiêu điểm là cấu trúc đề – thuyết thường xuất hiện như là câu trả lời cho các câu hỏi chung về sự kiện, ví dụ:

32) a. (Gì vậy? Có chuyện gì thế, anh Mạc?)

b. Tiểu đoàn//vừa cho biết có tiếng súng AK nổ ở dốc đá bạc. (Mai Ngữ)

Hoặc thông tin về một sự kiện được tiền giả định sai hoàn toàn trong tham thoại trước đó:

33) a. (Con làm vỡ ly rồi hả?)

b. Dạ không, quả bóng bay//nổ ạ.

Hoặc để giới thiệu một sự tình liên quan đến một thực thế mới được đưa vào diễn ngôn, và vì vậy đề thường không xác định:

34) a. (Việc chi đó mình? – Bà Khê hỏi)

b. Chẳng rõ nữa, có vị trưởng khối nào đó// mời ra bàn việc thầu ghế bố. (Mai Ngữ)

Hay để nhấn mạnh tính biểu cảm với một trật tự đảo đề – thuyết thành thuyết đề:

35) Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi. (Tố Hữu)

Trong ngôn ngữ đơn thoại, câu có tiêu điểm thông tin trùng với cấu trúc đề – thuyết khi thông tin mà nó biểu thị chưa được nói đến trong các câu đi trước, và vì vậy hoàn toàn mới với người nghe, ví dụ:

36) Pháp// chạy. Nhật// hàng. Vua Bảo đại//thoái vị (Hồ Chí Minh)

37) Thấy nó, bà bán hàng rau// đứng dậy, quẩy gánh lên vai đi chỗ khác. Bà hàng thịt// sờ lại ruột tượng. Bà hàng bún riêu// nắn lại tiền. Bà hàng lê// bấm cô hàng bánh đúc. Chị bán bánh rán// đưa mắt cho bác bán khoai. (Nguyễn Công Hoan)
***

Trên đây, chúng tôi đã sơ bộ trình bày kết quả khảo sát các kiểu CTTT của câu đơn tiếng Việt trong mối quan hệ với CTCP là cấu trúc đề - thuyết. Kết quả cho thấy CTCP của câu đơn tiếng Việt được hiện thực hoá qua các phát ngôn bằng nhiều kiểu CTTT khác nhau, và hình thức cú pháp của câu đơn tiếng Việt bị chi phối mạnh mẽ bởi CTTT, đặc biệt là bởi vị trí của tiêu điểm thông tin. Tuy nhiên, để có thể thấy rõ hơn bức tranh phong phú về các biến thể cú pháp khác nhau về CTTT của câu tiếng Việt, cần thiết phải khảo sát tỷ mỉ hơn mối quan hệ giữa CTTT và CTCP của câu trong các loại hình diễn ngôn khác nhau, không chỉ ở ngôn ngữ hội thoại hay ngôn ngữ của các tác phẩm văn học mà còn ở các thể loại diễn ngôn khác (văn bản hành chính, văn bản khoa học,…).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991 (NXB Giáo dục tái bản 2004).

2. Daniel Hole, Even, also and only in Vietnamese. In “Interdisciplinary Studies on Information Structure”. Vol.11. Postdam University Press, Postdam, 2008.

 3. Diệp Quang Ban, “Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và phân đoạn thực tại câu tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 1989.

 4. Lambrecht K., Information Structure and Sentence Form. Cambridge University Press, Cambridge, 1994

 5. Lý Toàn Thắng, “Giới thiệu Lí thuyết phân đoạn thực tại câu”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1981.

 6. Lưu Vân Lăng, Ngôn ngữ học và tiếng Việt. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

 7. Nguyễn Hồng Cổn, “Bàn thêm về cấu trúc thông báo của câu tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5, 2001.

 8. Nguyễn Hồng Cổn, “Cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt: chủ vị hay đề thuyết?” Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, 2009.

 9. Nguyễn Hồng Cổn, “Cấu trúc thông tin và biến thể cú pháp của câu tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4, 2010.

 10. Panfilov V.X., Aktualnoe chlenenie predlojenij vo vietnamckom jazyke. Voprosy jazykoznania, 1, 1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét