Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Từ xưng hô trong dịch·thuật (Address forms in translation)

Tác·giả: Phạm·Thành·Vinh
Trường Đại·học Ngoại·ngữ, Đại·học Đà·Nẵng

TÓM TẮT 
Trong bất kỳ một hành vi giao tiếp nào xưng hô là hiện tượng không thể tránh được. Hình thái xưng hô không những chỉ đóng vai trò quan trọng trong các tài liệu khoa học, pháp lý và thương mại mà còn thực hiện các chức năng ngữ dụng. Hầu như bất kỳ người Việt Nam học tiếng Anh nào cũng gặp phải một số khó khăn khi nói, viết, dịch hệ thống xưng hô từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Bài viết này đề cập đến hình thái xưng hô Anh Việt và phân tích các khía cạnh dụng học để dịch từ xưng hô.

ABSTRACT
In any act of communication, addressing is, so to speak, unavoidable. Address forms not only play an important role in scientific, legal and commercial documents but also perform pragmatic functions. It can be said that, any Vietnamese learners of English have some difficulties in speaking, rendering address forms from English into Vietnamese. The paper refers to a contrastive analysis of English - Vietnamese address forms and analyses some pragmatic aspects in translating these forms.


 1. Đặt vấn đề

            Hình thái xưng hô hay từ xưng hô có thể nói không thể thiếu được trong bất kỳ một hành động giao tiếp nào, nhưng tại sao khi dịch từ xưng hô từ một ngôn ngữ gốc (source language) như tiếng Anh sang một ngôn ngữ đích (target language) như tiếng Việt và ngược lại, hầu hết những người học tiếng Anh đều gặp phải những khó khăn không nhỏ? Chúng tôi xin đề cập đến một số khó khăn khi:

1.1. Dịch đại từ nhân xưng

Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh khá đơn giản, chỉ gồm I, you, he, she, they, we, it và các biến thể của chúng về ngôi, giống, cách: me, you, him, her... Ngôi thứ nhất và hai (I - you) vốn được sử dụng rất rộng rãi khi nói cũng như viết với bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị thế xã hội, quan hệ giữa người nói và người nghe, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì người dịch phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn và phải chọn đúng trong khi sử dụng các danh xưng.

Chúng ta hãy xem xét ví dụ sau được trích từ [6]. Hai nhân vật trong hội thoại này là một cô gái trẻ, Jane và một người đàn ông hơn Jane 20 tuổi, ông Rochester.

Rochester: “I love you. You, small and poor and plain, I ask you to marry me!”

Jane: “You want to marry me, I cried, almost beginning to believe him. But I have no friends, no money, no family”

Rochester: Tôi yêu em! Em, một người con gái nhỏ bé, nghèo và giản dị, Tôi muốn hỏi cưới em!”

Jane: “Ông muốn cưới em ? Tôi nói đầy vẻ ngạc nhiên và tôi bắt đầu cảm thấy tin ông. Nhưng em không có bạn bè, không có tiền bạc và cũng không có gia đình.”

1.2. Dịch tên riêng

Ở phương Tây người ta chỉ đơn giản dùng tên của các nhân vật được đề cập mà không có bất cứ hàm ý nào. Trong các bản Kinh thánh tiếng Anh, người ta chỉ viết Jesus hay Jesus Christ hay Christ nhưng trong bản tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chỉ viết cái tên như thế.

Trong gia đình người phương Tây có thói quen gọi bố, mẹ, người lớn tuổi hơn bằng tên riêng, điều này vốn không phù hợp với nền văn hoá Á Đông như Việt Nam, nếu không cẩn thận người dịch có thể gây những hiểu nhầm tai hại.

Chúng ta còn phải kể đến những trường hợp đặc biệt như xưng hô trong tôn giáo:

Ví dụ: - Một người xuất gia còn ít tuổi đời có thể nào gọi một người tại gia nhiều tuổi (trên 60 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia cao niên đó xưng là “con” với người xuất gia?

- Xưng hô trong Hoàng tộc cũng gây không ít khó khăn khi biên dịch một số tác phẩm, ví dụ: khi nào thì dịch là trẫm khi nào dịch là quả nhân?

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị để đón nhiều đối tác đến đầu tư, rất nhiều người cần học tiếng Việt và tìm hiểu về Văn hoá Việt Nam, bài viết này nhằm mục đích phân tích và đưa ra một số giải pháp cần thiết để giải quyết phần nào khó khăn trên.



2. Từ xưng hô với dịch thuật

Xin mở đầu bài viết này bằng ý kiến của nhà ngôn ngữ học Đỗ Hữu Châu [3]: "Chuyển dịch từ xưng hô của các ngôn ngữ Ấn - Âu sang tiếng Việt quả là một điều khó khăn". Tác giả Nguyễn Văn Chiến [4] cho rằng "Nếu coi tiếng Việt là ngôn ngữ phiên dịch (ngôn ngữ đích) để chuyển dịch các ngôn ngữ khác qua nó thì lớp từ xưng hô của tiếng Việt là một hiện tượng gây ra nhiều chuyện rắc rối...".  Từ các nhận định này, ta thấy rằng hệ thống từ xưng hô ở mỗi ngôn ngữ vốn dĩ đã phức tạp lại càng phức tạp hơn khi chuyển sang một ngôn ngữ khác.

Vậy từ xưng hô là gì?

2.1. Định nghĩa về từ xưng hô

Trước hết, theo tác giả Nguyễn Văn Khang [7], xưng hô là lớp từ dùng để chỉ "tự gọi tên mình (xưng) và gọi tên người khác" (hô) khi giao tiếp.

Nói đến xưng hô ta không thể không nói đến khái niệm đại từ nhân xưng, vốn là cái lõi của các dạng thức xưng hô, xuất phát từ chức năng trỏ ngôi (chỉ xuất) về người, từ điển Longman [9] cho chúng ta định nghĩa về đại từ nhân xưng: "Đó là một hệ thống đại từ biểu thị một phạm trù ngữ pháp của Ngôi (person), mà hệ thống các từ này ở trong tiếng Anh được tạo bởi một loạt các hình thái từ đơn giản I, you, she, it, they và các biến thể như me, mine, yours, him, his…". Định nghĩa trên khẳng định rằng khi nói đến hình thái xưng hô phải nói đến đại từ nhân xưng, có nghĩa là nhấn mạnh chức năng trỏ ngôi, thường được gọi là phạm trù ngữ pháp ngôi.

2.2. Các nghiên cứu liên quan đến việc dịch từ xưng hô

Liên quan đến việc dịch từ xưng hô tác giả Nguyễn Việt Tiến [8] đã chỉ nêu ra một số khó khăn mà người dịch gặp phải trong quá trình dịch từ Việt sang Pháp và ngược lại, ông cũng đề xuất hướng dịch dụng học về từ xưng hô nhưng chưa đề xuất một giải pháp cụ thể. Nguyễn Phước Vĩnh Cố [5] đề nghị dịch từ xưng hô từ Anh sang Việt theo hướng dụng học và nhấn mạnh quan niệm tương đương xét trong đối chiếu giữa hai ngôn ngữ. Đặc biệt tác giả Lyons [2] đã nghiên cứu hình thái xưng hô "tu " (thân mật) và "vous" (trang trọng) trong kiệt tác nổi tiếng của Tolstoy "Anna Karenina", các nhân vật thuộc giới quý tộc Nga thường sử dụng hình thái xưng hô "Tư" và "Vư” tuỳ theo mối quan hệ liên nhân giữa họ, nhưng tuỳ tình huống họ cũng sử dụng tiếng Pháp mà giai cấp xã hội của họ chỉ cho phép dùng hình thái xưng hô "vous", bằng cách này họ tránh được sự lựa chọn giữa hai hình thái xưng hô tiếng Nga "Vư" được xem là quá trang trọng đến lạnh lùng và "Tư" quá đỗi thân mật. Cũng cần lưu ý rằng sắc thái xưng hô trên đều không thể chuyển dịch trong bản dịch Tiếng Anh vì ngôi thứ hai chỉ có “You” mà thôi. Một số khác biệt tuyệt nhiên không thể dịch hoặc chỉ có thể dịch một cách thô thiển, không trọn vẹn.

2.3. Phân tích hai hệ thống ngôn ngữ

Để làm rõ các "khác biệt" ở hai hệ thống ngôn ngữ, bài báo sẽ phân tích sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt, qua đó thấy được các khó khăn từ việc chuyển dịch từ xưng hô từ Anh sang Việt và ngược lại. Đưa ra những đề nghị về hướng dịch ngữ dụng để giải quyết các khó khăn trên, ở đây vai trò người dịch rất quan trọng.

 Ở đây ta đề cập đến hai sự khác biệt lớn giữa tiếng Anh và Việt về:

- Số lượng từ xưng hô

- Yếu tố văn hoá trong xưng hô

2.3.1. Số lượng từ xưng hô Anh - Việt

Trong hệ thống xưng hô tiếng Anh, các đại từ nhân xưng (personal pronouns) có số lượng lớn hơn tiếng Việt nhưng lại đơn giản hơn nhiều.


Hình thái xưng hô

Phạm trù xưng hô

Anh


Việt

Ngôi
+


+

Giống
+


+

Số
+


+

Cách
+


-

Phạm trù lịch sự
+


+


Lưu ý: +: có

- : không

Khác với tiếng Anh vốn có phạm trù cách, trong tiếng Việt cách không phải là một phạm trù ngữ pháp mà nó chỉ là một hiện tượng cú pháp mà các dạng thức xưng hô Việt ngữ khu biệt với nhau chỉ qua vị trí câu. Ở tiếng Anh các hình thái nhân xưng thuộc phạm trù cách được cấu thành với 3 thành tố [5].



Chủ cách (Nominative case)


Tân cách

(Accusative case)


Sở hữu cách (Possessive case)

Đại từ nhân xưngI, you, she, he, we, theyMe, you, her, him, us, them
Tính từ sở hữuMy, your, her, his, our, their
Đại từ sở hữuMine, yours, hers,...

Theo phạm trù cách, trong các từ xưng hô tiếng Anh thành phần chính có thể là các đại từ nhân xưng, sau đó đến tính từ sở hữu và các đại từ sở hữu, đặc biệt là tân cách.

Nếu đối chiếu với tiếng Việt thì ở tiếng Việt hình thái xưng hô hoàn toàn không có phạm trù cách (chủ cách, tân cách, sở hữu cách). Nhưng các hình thái tương đương thì nhiều hơn, nhờ sự chi phối bởi các phạm trù xưng hô khác như ngôi, giống, số và phạm trù lịch sự theo một hệ thống cấu trúc hoàn toàn khác, ở đây người Việt sử dụng yếu tố phi đại từ bên cạnh các đại từ nhân xưng để tăng hiệu quả giao tiếp. Ví dụ: ông, bà, cô, cậu... Đây chính là yếu tố văn hoá khác biệt nổi trội khi so sánh với hệ thống xưng hô tiếng Anh.

2.3.2. Yếu tố văn hoá

Văn hoá trong hệ thống xưng hô tiếng Việt được hiểu là phạm trù lịch sự (category of politeness). Tiếng Việt và tiếng Anh giống nhau ở chỗ sử dụng đại từ nhân xưng trong phạm trù lịch sự, nhưng có sự khác biệt: trong tiếng Anh (đại từ nhân xưng) thường không thể hiện rõ sắc thái nghĩa (lịch sự/ không lịch sự) nhưng ở tiếng Việt thì rất rõ ràng. Ví dụ: Tôi (trung hoà), tao (suồng sã), nó (trung hoà). Để biểu thị sắc thái lịch sự, tiếng Việt sử dụng thêm các yếu tố bên cạnh các đại từ nhân xưng, điển hình nhất là:

a. Từ thân tộc (Kinship terms): Đây là nét khác biệt nhất giữa tiếng Anh và Việt vì ở tiếng Anh từ chỉ thân tộc hầu như không được sử dụng để xung hô do vậy không có tương đương trong dịch Anh - Việt và đây cũng là một vấn đề đặt ra cho dịch Việt Anh.

b. Các danh từ chỉ người (personal nouns): Cả tiếng Việt lẫn Anh đều sử dụng để chỉ phạm trù lịch sự nhưng tồn tại sự khác biệt:

 Ở ngôi thứ nhất và hai (người xưng và người gọi) ở tiếng Anh không có hiện tượng này. Ở tiếng Việt dùng trong câu. Ở ngôi thứ hai tiếng Anh dùng hô ngữ (vocative), tiếng Việt dùng trong câu. Riêng ở ngôi thứ ba có sự khác biệt Anh - Việt.

c. Chức vụ và nghề nghiệp (title and occupation):

Ở tiếng Anh chức vụ hoặc nghề nghiệp chủ yếu dùng hô ngữ. Ở Tiếng Việt trong cấu trúc cầu khiến, trong hô ngữ và trong câu.

d. Tên riêng: Xu thế dùng tên riêng cả trong tiếng Anh lẫn Việt trong xưng hô cũng có sự khác nhau. Ở ngôi thứ nhất chỉ có trong Tiếng Việt, tiếng Anh không có hiện tượng này. Ở ngôi thứ hai và thứ ba theo thói quen của người Anh thường gọi họ, người Việt chỉ gọi tên.

e. Các từ loại khác: tiếng Anh dùng ít hơn tiếng Việt để chỉ phạm trù lịch sự tiếng Việt sự có mặt của đại từ chỉ định được đem ra xưng hô để biểu thị phạm trù lịch sự.Ví dụ:

- Đây nói cho đằng ấy biết.

Tiếng Việt có một hệ thống nghi thức lời nói rất phong phú. Trước hết là sự phong phú trong hệ thống xưng hô bằng các từ xưng hô, so sánh với tiếng Anh phong phú hơn nhiều. Hệ thống các quy tắc xưng hô của tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ phương Đông rất khác với các ngôn ngữ phương Tây. Người Trung Quốc cho rằng lịch sự là một hiện tượng chi phối mọi cá nhân trong xã hội, khái niệm “Lễ” của Khổng Tử là khởi nguồn của quan niệm “lịch sự, “khiêm với mình và tôn kính với người”, trong tiếng Việt cũng vậy, biểu thị lịch sự dựa vào các chiến lược quy định bởi các chuẩn mực xã hội, con người Việt Nam cụ thể phải gắn kết với cộng đồng, chịu sự tác động qua lại trong cộng đồng, coi mọi người trong cộng đồng như họ hàng trong gia đình lớn, người dưới phải xưng hô người trên như thế nào cho đúng mực. Ở tiếng Anh vốn không quy định các chuẩn mực này, thường đề cao yếu tố cá nhân độc lập nên khi biểu hiện lịch sự người ta dựa vào chiến lược lịch sự cá nhân.



3. Quan niệm về dịch thuật và những điểm cần lưu ý khi dịch từ xưng hô

Hiện nay tồn tại nhiều quan niệm về dịch thuật nhưng quan niệm gắn liền với từ xưng hô thuyết phục nhất vẫn là của Koller [2]. Theo ông, dịch "để đạt được tương đương về ngữ dụng có nghĩa là dịch cho một số đông độc giả cụ thể", dịch thế nào để “đảm bảo sự hiểu được” ở nền văn hoá tiếp nhận.

Dịch từ xưng hô theo hướng ngữ dụng là nhấn mạnh các qui tắc giao tiếp xưng hô, đây cũng là sự khác biệt rõ nét nhất giữa hai hình thái xưng hô Anh Việt.

Ta cần chú ý các nguyên tắc sau:

  1. Xưng hô ngoài xã hội phải tuân thủ nguyên tắc “xưng khiêm, hô tôn”.

  2. Tuổi tác là tiêu chí quan trọng nhất.

  3. Quyền lực xã hội cần được đề cao.

  4. Gia đình hoá xã hội để thân mật hoá.

  5. Xưng hô trong gia đình khác biệt với xưng hô ngoài xã hội.

Để có cơ sở vững cho việc biên phiên dịch các dạng thức xưng hô từ Anh sang Việt, ta cần chú ý đến tương đương và bất tương đương trong các nguyên tắc xưng hô trong giao tiếp của người Việt, từ đó có thể định ra hướng dịch phù hợp với nội dung văn bản gốc và nền văn hoá của văn bản đích.

Những tương đương về cấu trúc chưa phải là tất cả, người dịch còn phải tính đến tương đương và bất tương đương trong nguyên tắc xưng hô. Cần kết hợp cả hai khía cạnh: Cấu trúc và quy tắc xưng hô thì mới đạt được hiệu quả ngữ dụng. Điều lưu ý cuối cùng là người dịch theo hướng ngữ dụng không những cần phân tích các đặc trưng văn hoá và ngôn ngữ của ngôn bản gốc mà còn phải tái ngôn từ hoá (reverbalize) chúng, theo các giá trị của ngôn ngữ và nền văn hoá khác (ở đây là ngôn ngữ và văn hoá của văn bản đích).

4. Kết luận

Từ những phân tích trên chúng ta có thể đi đến kết luận tùy theo đối tượng giao tiếp mà cách xưng hô của một cá nhân phải thay đổi cho phù hợp. Những mối quan hệ gia đình, xã hội, tình cảm khi giao tiếp là nguyên nhân tạo nên những cách xưng hô khác nhau. Cùng một đối tượng, nhưng hoàn cảnh giao tiếp và nhất là tình cảm thay đổi thì cách dùng từ xưng hô cũng đổi thay. Chính vì vậy khi chuyển ngữ, người dịch cần đảm nhận vai trò trung gian đúng nghĩa của hai nền văn hoá với từng nét đặc trưng riêng, cần phải lựa chọn từ xưng hô tuân theo các qui tắc về các mối quan hệ giữa các tham thể giao tiếp. Việc sử dụng các kiểu xưng hô không tương thích sẽ phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp vốn có và tạo nên những hệ quả tiêu cực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Những vấn đề Ngôn ngữ và Dịch thuật, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, 1993.
[2] Andrew Chesterman, Readings in Translation Theory, Routledge, 1989.
[3] Đỗ Hữu Châu, Dụng học và Dịch thuật, Những vấn đề ngôn ngữ và dịch thuật, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội (trang 11 - 16), 1993.

[4] Nguyễn Văn Chiến, Từ xưng hô trong tiếng Việt (Nghiên cứu ngữ dụng học và dân tộc học giao tiếp), Tạp chí những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội (trang 61 - 65), 1993.
[5] Nguyễn Phước Vĩnh Cố, Pragmatic Aspects in Particular Translation of English-Vietnamese Address Forms, MA Thesis, University of Danang, 2003.

[6] Lan Hương, Việt Hoàng và Khái Phương, Jane Eyre, (sách song ngữ), NXB Thanh niên, (trang 196, 205), 2002.
[7] Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB Khoa học Xã hội,1999.
[8] Nguyễn Việt Tiến, Vấn đề Dụng học trong Dịch thuật, những vấn đề ngôn ngữ và dịch thuật, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (trang 90 - 92),1993.
[9] Richards, J. C., Longman Dictionary of Language Teaching and Applied Linguistics, Longman (p. 271), 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét