Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Phong ba bão táp có bằng ngữ·pháp Việt·Nam?

Tác·giả: Nguyễn·Đức·Dân
(Báo Tuổi Trẻ, Thứ tư, 25/05/2011, 06:22 (GMT+7))
TT - 1. Học sinh và giáo viên dạy văn có câu châm biếm truyền miệng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”.


 


Phần đúng của câu trên phản ánh một thực tế: sách giáo khoa  (SGK) tiếng Việt trường phổ thông đã cung cấp cho học sinh quá nhiều kiến thức tiếng Việt không cần thiết. Ðiều này xuất phát từ quan niệm đã là SGK cần giải thích được tất cả những hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt.Hệ quả là các nhà viết SGK luôn tìm cách đưa vào sách một loạt khái niệm nhằm giải thích được càng nhiều càng tốt những hiện tượng tiếng Việt. Mà những hiện tượng trên bề mặt ngôn từ lại vô cùng phong phú và phức tạp. Thế là sinh rối, sinh ra những “phong ba bão táp” trong hệ thống khái niệm ngữ pháp...Ðiều này dẫn tới một toan tính khác: có người cho rằng ngữ pháp lâu nay chúng ta dạy trong nhà trường (được gọi là ngữ pháp chủ vị - một câu có hai phần chủ ngữvị ngữ) là thứ ngữ pháp không thích hợp, cần được thay bằng ngữ pháp chức năng, còn gọi là ngữ pháp đề thuyết - một câu có hai phần đề ngữthuyết ngữ.

2. Thật ra thời trước những người viết SGK chưa có nhiều kiến thức ngôn ngữ học “uyên bác” như các tác giả SGK thời nay, và nhà trường vẫn dạy thứ ngữ pháp chủ vị và chỉ là những kiến thức tiếng Việt tối thiểu. Ấy thế nhưng chỉ cần học xong trung học, thậm chí tiểu học, đa số đều viết đúng. Như vậy không phải cứ học nhiều lý thuyết ngữ pháp là viết đúng, viết tốt.

3. Một nông dân mù chữ nhưng vẫn hiểu và dùng thuần thục những lời nói xa xôi, bóng gió, cạnh khóe, mỉa mai, những lời “mát nước thối đá”. Ðã là người Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt thì ai cũng có năng lực bẩm sinh tiếng Việt, nói năng thành thạo tiếng Việt. Có điều nói và viết là hai chuyện khác nhau. Chỉ có học, trước hết là những kiến thức tiếng Việt cơ bản, mới viết đúng, viết tốt được.

Nếu như SGK chỉ cần cung cấp những kiến thức tinh - cơ bản, tối thiểu - thì học sinh lại cần được rèn luyện cách học tinh - hiểu chính xác từng chữ, từng từ, từng khái niệm đã học. Hình như xã hội chúng ta đang mất dần thói quen tiếp nhận và sử dụng chính xác ngôn từ. Chẳng thế mà nhiều báo cáo, nhiều nghị quyết, nhiều bài diễn giảng năm sau cũng tựa như năm trước.

Chẳng thế mà đề thi Tả cảnh trường em sau buổi học bị không ít học sinh, phụ huynh thậm chí cả giáo viên cho là “không rõ ràng, quá mông lung và gây hiểu lầm” (TT, 19-5). Sau buổi học khác trước buổi học. Còn buổi học khác tiết học. Không tạo dựng được thói quen dùng chính xác ngôn từ thì làm sao thấy được cái hay của tiếng Việt?

4. Cái hay và đặc sắc của ngữ pháp tiếng Việt là ở những từ hư (empty words) - những từ không có nghĩa từ vựng. Hãy đặt từ hư trong ngữ pháp giao tiếp, nhiều hiện tượng “phong ba bão táp” của ngữ pháp tiếng Việt sẽ trở nên sáng sủa. Chúng ta minh họa qua bốn câu đơn giản.

(a) Con học tiếng Anh.

(b) Con học tiếng Anh đã.

(c) Con học tiếng Anh .

(d) Con học tiếng Anh chứ bộ.

Cả ngữ pháp chủ vị lẫn ngữ pháp đề thuyết đều cho bốn câu này đồng nhất nhau về cấu trúc: con là chủ ngữ (hoặc đề ngữ), phần còn lại là vị ngữ (hoặc thuyết ngữ). Tuy nhiên, cả hai ngữ pháp này đều không chỉ ra được cách dùng và ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau.

Khi nghe bố khuyên “Con nên học tiếng Pháp”, người con chỉ có thể dùng câu c, chứ không phải ba câu còn lại, để từ chối đồng thời đưa ra một đề nghị khác là học tiếng Anh. Nói cách khác, từ cơ (/kia) đặt cuối một câu tường thuật dẫn tới một hành vi từ chối một lời đề nghị, khuyên bảo hay yêu cầu trước đó, đồng thời là hành vi đưa ra lời đề nghị của mình.

Khi nghe mẹ rầy la “Sao con suốt ngày chơi game vậy!”, người con chỉ có thể dùng câu d, chứ không phải ba câu còn lại, để bác bỏ lời phê phán, rầy la này. Nói cách khác, từ chứ bộ (/đấy chứ) đặt cuối một câu tường thuật dẫn tới hành vi đưa ra chứng cứ nhằm bác bỏ lời phê bình trước đó.

Ðó là một ví dụ về ngữ pháp giao tiếp tiếng Việt - ngữ pháp của các hành vi ngôn ngữ (speech acts). Mấy từ hư đã, , chứ bộ... đặt cuối câu tường thuật làm nên nét đặc sắc của ngữ pháp tiếng Việt là như thế. Lồng ngữ pháp giao tiếp vào quá trình dạy ngữ pháp chủ vị là cách gắn liền tiếng Việt với đời sống một cách sinh động.

NGUYỄN  ĐỨC DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét