Đáng chú ý:
*"qua việc sử dụng hệ thống từ vựng chỉ thân tộc làm đại từ nhân xưng, người Việt Nam đã biến gia đình thành hệ quy chiếu của quan hệ xã hội"
*"Xem xã hội như một gia đình mở rộng cũng là một điều hay. Ừ, thì… hay. Nhưng dở, cũng lắm chuyện dở. Dở nhất, theo tôi, là với cách nhìn ấy, người Việt Nam rất khó xây dựng được một xã hội công dân thực sự, ở đó, tư cách mỗi người được xác định bằng một tiêu chí duy nhất: luật pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, chỉ có một nơi duy nhất cách xưng hô dựa trên hệ thống từ thân tộc hoàn toàn bị loại bỏ: toà án. Nghĩ cũng phải chứ. Chẳng lẽ quan toà lại phán: “cháu tuyên án bác 30 năm tù khổ sai vì tội giết người có vũ khí.” hay: “Anh phạt em 2 năm tù ở vì tội làm điếm.” Chẳng lẽ thế? Thế nhưng, tại sao trong các cơ quan công quyền khác, người ta lại cứ tiếp tục bác bác cháu cháu? Nghe, dễ tưởng là thân mật, thậm chí, dân chủ nữa, nhưng theo tôi, chính cái cách xưng hô như thế đã góp phần ngăn chận quá trình dân chủ hoá của Việt Nam"
Tác·giả: Nguyễn·Hưng·Quốc
|
Hình minh họa. Nguồn: url |
Kinh nghiệm rút ra từ nhiều năm dạy tiếng Việt ở hải ngoại cho tôi thấy, đối với những người mới học, trong tiếng Việt, có hai điều khó nhất: thanh điệu và cách xưng hô. Ðối với những ngoại quốc học tiếng Việt, hai cái khó ấy cơ hồ ngang nhau, dù cái khó thứ nhất, về thanh điệu, cần phải được ưu tiên khắc phục trước, để từ đó, học viên mới có thể phát triển được khả năng nghe và nói của họ. Ðối với học viên Việt Nam sinh trưởng ở nước ngoài, cái khó về thanh điệu thường không đến mức quá trầm trọng: dù chưa bao giờ chính thức học tiếng Việt, họ cũng đã từng nghe cha mẹ và bà con chuyện trò bằng tiếng Việt, đã quen với cái điệu lên bổng xuống trầm của tiếng Việt, vì vậy, thường, không cần có tài thẩm âm lắm, họ cũng có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những chữ, chẳng hạn, MA, MÁ, MÀ, MẢ, MÃ, và MẠ. Tuy nhiên, cả người ngoại quốc lẫn người Việt sinh trưởng ở nước ngoài đều cảm thấy lúng túng về cách xưng hô trong tiếng Việt.