Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Sự thật Toyota nội địa hóa ôtô: Đắng lòng, nhiều Tiến sĩ nhưng...

Đáng chú ý: Việt Nam "rất đáng xấu hổ" bởi suốt mấy chục năm qua không làm nổi mấy phụ kiện ô tô. "Giáo sư, tiến sĩ về vật lý, hóa học, toán học rầm rộ phát triển, thi quốc tế giỏi, huy chương vàng nhiều... Tuy nhiên, cuối cùng sơn cũng không làm nổi, mạ cũng không xong"

Thứ Hai, 14/12/2015 07:17
(Doanh nghiệp) - Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, nhiều năm qua Việt Nam chỉ tập trung vào chuyện lắp ráp, thực chất là buôn bán ô tô mà thôi.

Việt Nam làm được, doanh nghiệp Nhật đã không phải sang
Xung quanh câu chuyện Toyota Việt Nam nội địa hóa ô tô bằng cách mời gọi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô sang Việt Nam, tiêu biểu là tập đoàn Denso, một số nhà cung cấp nằm trong hệ thống các nhà cung cấp của Tập đoàn Toyota Nhật Bản như Toyota Boshoku, Toyoda Gosei..., Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng đó là chuyện tất yếu khi Toyota không tìm được nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam.
Một sản phẩm của Toyota tại Vietnam Motor Show 2015
"Bao nhiêu năm Việt Nam không xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô mà chỉ quan tâm đến chuyện lắp ráp ô tô. Muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì phải tập trung sản xuất các linh kiện và phụ trợ cho ô tô trước. Việt Nam chỉ tập trung vào lắp ráp mà thôi. Khâu lắp ráp chính là khâu làm giảm chi phí của buôn ô tô vì doanh nghiệp FDI nhập toàn bộ linh kiện từ các xưởng sản xuất bên đất nước họ theo các phân khúc của họ, đưa về Việt Nam lắp ráp và bán luôn. Lắp ráp vốn được coi là quá trình cuối cùng của sản xuất nhưng thực tế nó là quá trình của việc buôn ô tô là chính", ông Sơn thẳng thắn.


Cũng theo vị chuyên gia này, nếu Việt Nam muốn sản xuất được ô tô thì phải có quá trình phát triển trước các phụ tùng, linh kiện như điều hòa, ắc quy, đèn, dây điện, ghế... Mỗi chiếc ô tô có hàng nghìn linh kiện, Việt Nam có thể khuyến khích tư nhân phát triển trước những linh kiện, phụ kiện ở cấp độ thấp. Nếu làm được như vậy, sau 20 năm, Việt Nam đã sản xuất rất giỏi các thứ này và khi ấy nhà đầu tư Nhật Bản không  phải mời gọi, lôi kéo công ty từ Nhật Bản sang để làm các linh kiện, phụ kiện đó. Tiếp đó, ở giai đoạn hai, với những loại công nghệ có cấp độ cao hơn như điều hòa, các bộ phanh tang trống... sẽ lại có chương trình cao hơn đưa Việt Nam tiến dần đến sản xuất được tất cả các loại phụ kiện cho ngành ô tô. Lúc bấy giờ, Việt Nam sẽ tự động nội địa hóa được ô tô.
"Tuy nhiên, vì Việt Nam không phát triển theo hướng đó mà chỉ  tập trung vào lắp ráp nên đến bây giờ vẫn không có ngành công nghiệp ô tô", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được việc sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu sản xuất ô tô ở Việt Nam có lãi không? Ths Bùi Ngọc Sơn nhắc lại vấn đề ông đã nhiều lần đề cập, đó là chính sách tỷ giá của Việt Nam suốt bao năm qua khiến sản xuất trong nước luôn bị lỗ.
Ông gay gắt: "Đến xe máy Việt Nam còn không làm nổi thì làm sao làm được ô tô? Khung xe máy nhập từ Trung Quốc về còn rẻ hơn sản xuất ở Việt Nam thì làm sao phát triển được lĩnh vực sản xuất khung xe máy ở Việt Nam? Vì Việt Nam không thể làm nổi nên khi người Nhật muốn đặt trụ sở ngành công nghiệp phụ trợ ô tô ở đây thì buộc phải đưa doanh nghiệp của họ sang".
Cũng nói về vấn đề tỷ giá, ông nhận định rằng người Nhật hẳn cũng đã tính toán thiệt hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Bởi nếu sản xuất phụ tùng ở Nhật Bản sẽ rất đắt do giá lao động của họ đắt đỏ hơn nhiều so với ở Việt Nam, vì thế có thể có lúc họ không được lợi về mặt tỷ giá nhưng so đi bù lại vẫn rẻ hơn ở Nhật. Ngoài ra, người Nhật cũng tính chuyện lâu dài bởi với một đất nước 100 triệu dân như Việt Nam, ở vị trí thuận lợi, có thể đưa hàng sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan..., cảng biển thuận tiện thì nay họ có thể thiệt nhưng mai sẽ được lợi.
Nhìn nhận vấn đề từ hai phía, Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, xét về phía doanh nghiệp Nhật Bản, nếu Việt Nam sản xuất được linh kiện, phụ tùng ô tô thì họ sẽ được lợi hơn nhiều và cũng dễ dàng cho họ đặt căn cứ ở đây. Người Nhật "không sung sướng gì" khi phải lôi kéo doanh nghiệp của họ sang Việt Nam bởi làm như vậy họ cũng thiệt hại.
Trong khi đó, về phía nước chủ nhà Việt Nam "rất đáng xấu hổ" bởi suốt mấy chục năm qua không làm nổi mấy phụ kiện ô tô. "Giáo sư, tiến sĩ về vật lý, hóa học, toán học rầm rộ phát triển, thi quốc tế giỏi, huy chương vàng nhiều... Tuy nhiên, cuối cùng sơn cũng không làm nổi, mạ cũng không xong", ông Sơn chua chát.

Việt Nam vẫn có thể được lợi
Bởi không chen chân được vào chuỗi cung ứng của Toyota nên Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng Việt Nam không lợi bao nhiêu. Tuy nhiên, về lâu dài nếu biết cách làm Việt Nam vẫn có thể thu được nhiều. Cụ thể, khi Nhật Bản mời gọi các doanh nghiệp của họ sang Việt Nam sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô thì các vấn đề khác về dịch vụ tài chính, xuất nhập khẩu... cũng phải chuyển sang Việt Nam. Do đó, nếu Việt Nam chịu khó bám sát, học hỏi người Nhật thì ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động có thể đóng góp vốn với người Nhật, yêu cầu họ liên doanh với phía Việt Nam.
"Ví dụ, doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam sản xuất ắc quy cho xe ô tô thì Việt Nam cũng nên yêu cầu họ liên doanh với mình để sản xuất và sau này học lấy cách làm, tiêu chuẩn ấy, khi vốn liếng của Việt Nam đủ mạnh  thì dần dần Việt Nam sẽ không chỉ phục vụ Toyota mà có thể trở thành nhà cung cấp ắc quy cho các hãng xe sang, khiến họ phải sang Việt Nam đặt hàng vì sản phẩm của Việt Nam rẻ mà tốt. Lúc bấy giờ linh kiện, phụ kiện ngành công nghiệp o tô nằm trong tay Việt Nam, muốn xe gì thì chỉ việc mua bản quyền hoặc mua thiết kế là xong.
Tuy nhiên, việc đầu tiên là phải trả lời được câu hỏi: Ta biết làm cái gì? Việt Nam được lợi nhiều hay ít tùy thuộc vào cách chuẩn bị làm ăn với Nhật Bản như  thế nào. Về phía doanh nghiệp phải quan tâm đến việc học hỏi cách làm, buôn bán, công nghệ, cách tổ chức của doanh nghiệp nước ngoài. Còn Nhà nước phải có những thay đổi về chính sách, chẳng hạn như chính sách về tỷ giá để doanh nghiệp trong nước có thể yên tâm sản xuất. Tóm lại, lợi nhiều hay ít là do mình".
Nhìn lại việc một số doanh nghiệp ô tô FDI, trong đó có Toyota thi thoảng lại dậm dọa xin ưu đãi, theo ông Sơn, điều này hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường không công bằng với họ về mặt tỷ giá, nền tảng công nghệ trong nước không hỗ trợ cho họ, các chính sách hay thay đổi... Bởi thấy thua thiệt nên các doanh nghiệp kêu, "chứ hồi đầu làm ăn tốt không thấy ai kêu".
Thành Luân




Created with Microsoft OneNote 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét