Vượng Lê | 27/02/2017 14:11
Các lý thuyết về tiền lương đều đề cập đến khái niệm "thước đo giá trị sức lao động". Hiểu đơn giản là một anh học Bách Khoa ra làm lập trình viên thì sẽ mang lại giá trị cho xã hội nhiều hơn là một anh học Ngoại Thương ra làm nhân viên Ngân hàng, vì thế lương cao hơn là điều tất nhiên.
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...
CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.
“Trong khi SV Ngoại Thương vẫn ao ước thu nhập 1.000 USD, thì người Bách Khoa đã giải xong bài toán lương 60 triệu/tháng”
Các nhà kinh tế sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào ?
Xin thưa, từ quan điểm của kinh tế học, đó là điều hoàn toàn “thuận theo lẽ tự nhiên” của một nền kinh tế: “giá trị” của ngành sản xuất tạo ra nhiều hơn và nhân lực ngành đó xứng đáng được xã hội trả lương cao hơn.
Điều đó có nghĩa là, nếu bạn, ở đâu đó có bắt gặp 2 anh chàng là Bách và Ngoại: Bách thì tốt nghiệp Bách Khoa, ra trường làm lập trình viên lương 60 triệu đồng/tháng; Ngoại thì tốt nghiệp Ngoại Thương, ra trường làm nhân viên ngân hàng lương 16 triệu đồng/tháng; thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Hãy hiểu rằng đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang vận hành theo đúng quy chuẩn và thực hiện rất tốt công việc phân chia lao động của mình.
Trong các lý thuyết kinh tế về tiền lương (Theories of Wages), các học giả đều đề cập đến một khái niệm mang tên “Chức năng thước đo giá trị sức lao động”. Theo khái niệm này, “tiền lương là biểu thị của giá trị mà sức lao động tạo ra, đồng thời cũng là biểu thị cho giá cả của sức lao động đó”. Nói đơn giản, xã hội rất công bằng, nếu anh tạo ra càng nhiều những “giá trị thực” cho xã hội thì anh càng được trả lương cao và ngược lại.
Còn quay trở lại với mức lương của Bách và Ngoại. Lý do lớn nhất giải thích cho việc anh chàng học Bách Khoa có lương lớn hơn nhiều lần anh chàng học Ngoại Thương chính là vì xã hội nhìn nhận rằng, chính các ngành mang tính chất sản xuất, tạo ra sản phẩm thực (thép, ô tô, đồ gia dụng…và cả phần mềm) thì tạo ra nhiều “giá trị thực” hơn so với các ngành vốn chỉ mang tính chất “trung chuyển” tiền bạc nơi này sang nơi khác như ngành ngân hàng.
Ngành của Bách (sản xuất phần mềm) – Xương sống tạo “giá trị thực” cho cả nền kinh tế
Theo Karl Marx, trong quá trình sản xuất ra hàng hóa mới trong nền kinh tế, nhân tố lao động là không thể thiếu. Thậm chí, nó tạo nên giá trị thặng dư cho sản phẩm mới so với những nguyên liệu ban đầu – thứ trực tiếp tạo ra lợi nhuận khi hàng hóa đó được bán.
Ở các nước trên thế giới vào lúc này, chính các ngành sản xuất mới là những trụ cột của nền kinh tế, chứ không phải các danh từ xa hoa như tài chính, ngân hàng hay luật.
Ở Mỹ - một trung tâm tài chính của thế giới - nếu bạn muốn tìm một nơi giúp bạn kiếm được nhiều tiền so với ở phố Wall hoa lệ, đi làm nông là câu trả lời. Thu nhập của người làm nông ở Mỹ sẽ tăng trưởng thần tốc trong một thập kỷ tới, tăng nhanh hơn thu nhập của bất cứ ngành nghề nào khác tại nước này.
Điều đó không phải là không có cơ sở khi giới cổ cồn trắng phố Wall gặp khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng toàn cầu thì những nông dân Mỹ vẫn có thu nhập tăng đều đặn đến 20% - 30%/năm.
Hay như ở Đức – đầu tàu dẫn dắt cả châu Âu, thì các ngành sản xuất chính là một thứ “tinh hoa”.
Không làm tài chính, du lịch hay các ngành khác, nước Đức sau chiến tranh đã ngay lập tức tập trung vào sản xuất. Với tâm niệm chỉ có sản xuất mới là “giá trị thực” của nền kinh tế, các sản phẩm của Đức đều được làm ra chuẩn chỉnh đến mức từ “hàng Đức” đã trở thành thương hiệu toàn cầu.
Kết quả, những kỹ sư tay nghề cao ở đất nước này được trả mức lương cao nhất nhì trong xã hội. Các học sinh của Đức khi tốt nghiệp phổ thông thì không chọn Đại Học như con đường duy nhất. Phân nửa trong số họ lựa chọn vào học tại các trường nghề.
Đó mới chỉ là hai ví dụ điển hình. Chúng ta còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ chứng minh tính xương sống của sản xuất trong nền kinh tế như việc Nhật Bản hồi sinh thần kỳ nhờ các sản phẩm công nghệ, hay các chaebol thống trị tại Hàn Quốc nhờ các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất điện thoại, chất bán dẫn...
Ngành của Ngoại (ngân hàng) – Chỉ là mang sự giàu có của người này đến cho người khác
Cách đây gần một năm, có một bài viết đăng trên trang evonomics.com đã khiến nhiều người phải gật đầu đồng ý. Bài viết này mang tên “Why Garbagemen Should Earn More Than Bankers” (Tại sao những người nhặt rác xứng đáng có lương cao hơn những nhân viên ngân hàng).
Rutger Bregman, tác giả bài viết không phủ nhận tầm quan trọng của ngành tài chính khi nó giúp bôi trơn cả nền kinh tế. Tuy nhiên, “bôi trơn” thì vẫn chỉ là “bôi trơn”. Thực tế, các ngân hàng ngày nay đã trở nên quá lớn đến mức mà những gì họ làm chỉ là chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác, di chuyển sự thịnh vượng từ khu vực kinh tế này sang khu vực kinh tế khác.
“Thay vì làm to chiếc bánh (ám chỉ quy mô nền kinh tế), sự bùng nổ của các ngân hàng chỉ làm tăng thị phần của thị trường dành cho chính những ngân hàng ấy”.
Hay như ngành luật ở Mỹ. So với Nhật Bản, số lượng luật sư trên đầu người tại Mỹ hiện gấp 17 lần nhưng liệu sự hiệu quả luật pháp của Mỹ có gấp 17 lần Nhật Bản ? Đó, rõ ràng việc có nhiều luật sư hơn đâu mang lại cho xã hội Mỹ nhiều giá trị hơn ?
Từ đó, mức lương của Ngoại cũng sẽ được giải thích theo cách tương tự. Con số 6 triệu đồng/tháng phản ánh đúng những giá trị mà anh nhân viên ngân hàng này mang lại cho nền kinh tế.
Lời kết
Tóm lại, nền kinh tế nào rút cục thì cũng phải dựa trên sản xuất như là sự cốt lõi nhất.
Và nếu như vậy, cứ coi như kinh tế Việt Nam đang được vận hành đúng như quy chuẩn sách vở thì việc một anh kỹ sư Bách Khoa có lương 60 triệu đồng/tháng và một anh khác là cử nhân học Ngoại Thương, đang loay hoay với mức lương 1000 USD/tháng đâu phải là điều gì lạ lùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét