Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Doanh nghiệp ôtô Nhật có thể rút khỏi Việt Nam: Bóc mẽ

 (Thị trường) - Tuyên bố rút khỏi Việt Nam của doanh nghiệp Nhật là cách để họ ép Chính phủ có thêm 1 số ưu đãi, tạo điều kiện hơn nữa trong kinh doanh.


Xin thêm ưu đãi mới
Chia sẻ với báo chí, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, một số doanh nghiệp ô tô của nước này có thể rút khỏi Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông  Koji, có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam, tuy nhiên với sự giẫm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước thời gian qua cùng với các chính sách thuế chưa hợp lý, xu hướng đầu tư của một số doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam thời gian tới có thể thay đổi.
Cụ thể, các doanh nghiệp đang sản xuất xe hơi tại Việt Nam có thể rút khỏi Việt Nam chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia...
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS Trịnh Minh Hoàng – Giảng viên bộ môn ô tô – Khoa Động  lực – Trường Đại học bách khoa Hà Nội cho rằng đưa ra tuyên bố rút khỏi Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn hướng đến Chính phủ để yêu cầu những ưu đãi mới.

Vài năm trở lại đây, đã không ít lần đại diện các tập đoàn ô tô úp mở về khả năng rút nhà máy khỏi Việt Nam.
"Việc này có thể để họ ép Chính phủ có thêm 1 số ưu đãi, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Hoặc cũng có thể họ muốn chúng ta tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Tức là không có bảo hộ trong nước, không có những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp khác.
Còn việc doanh nghiệp Nhật có rút thật hay không thì đó lại là chính sách của họ. Trong trường hợp đầu tư không hiệu quả thì việc họ rút khỏi Việt Nam là bình thường theo đúng luật kinh tế thôi để chọn môi trường tốt hơn", TS Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, việc doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Việt Nam cũng không có vấn đề gì quá nặng nề hay hoảng hốt cả.
Theo GS Trai, doanh nghiệp Nhật không bỏ vốn thật sự ở Việt Nam mà chỉ chi ra một khoản nhỏ để phục vụ việc sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy đặt trụ sở trong nước ta. Nếu trường hợp họ không làm tiếp ở Việt Nam thì có thể sang Thái Lan làm, thậm chí Malaysia, Indonesia. Sản phẩm làm ra vẫn là của Nhật Bản và mục đích cuối cùng vẫn là đưa xe vào Việt Nam bán dưới tên của các nhà lắp ráp Malaysia, Indonesia, Thái Lan, thậm chí cả Ấn Độ.
"Việc này hoàn toàn do bài tính chiến lược của người nước ngoài. Nếu đổ lỗi việc kinh doanh kém hiệu quả cho ai đó thì cũng rất khó vì thực tế nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua cũng rất khó khăn, chứ không phải dễ.
Nếu đòi hỏi một sự hỗ trợ để các doanh nghiệp nước ngoài có thể khá khẩm hơn thì không có. Nhà nước chúng ta cũng đã nhắc họ rất nhiều lần về chuyện nội địa hóa nhưng họ không làm. Họ kêu rằng sản lượng chưa cao nhưng nhu cầu của dân cư vẫn rất lớn. Dù Chính phủ đánh thuế rất cao nhưng người dân vẫn mua.
Do đó những lý do đó là cách củacác nhà kinh doanh đưa ra từng giai đoạn để phục vụ lợi ích của họ. Thực tế các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài với mục đích chính là để thu lợi nhuận chứ không có chuyện gì đơn giản. Vì vậy trong trường hợp này, tôi cho rằng Việt Nam cũng không có điều gì đáng lo ngại cả", ông Trai nêu quan điểm.

Việt Nam phải sòng phẳng
Một vấn đề khác được TS Trịnh Minh Hoàng  nhắc đến, đó là vài năm trở lại đây, đã không ít lần đại diện các tập đoàn ô tô úp mở về khả năng rút nhà máy khỏi Việt Nam.
Chẳng hạn như hồi đầu tháng 4/2015, Tổng giám đốc Yoshihisa Maruta đã đề cập đến khả năng ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam để tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Đến đầu năm 2016, công ty vẫn nhắc lại việc cần thiết của các chính sách  Nhà nước nhằm tăng cường và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam để tạo điều kiện tốt cho thị trường tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia thực tế nhiều năm qua, các thống kê cho thấy doanh nghiệp này vẫn có mức lợi nhuận đáng mơ ước.
"Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đúng là vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Họ nói như vậy cũng không hẳn là sai. Trong trường hợp này, tôi cho rằng chúng ta cũng nên xem xét thận trọng để có những điều chỉnh cho phù hợp hơn, để các bên cùng có lợi", TS Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, GS Nguyễn Khắc Trai cho rằng, những ưu đãi của Việt Nam với doanh nghiệp sản xuất ô tô nước ngoài thời gian qua đã quá lớn. Vì vậy, với những yêu cầu mới từ phía đại diện Nhật Bản, vị chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam phải tỏ thái độ cương quyết hơn.
"Các doanh nghiệp không chịu nội địa hóa thì phải rút lui. Theo tôi không có chuyện gì nghiêm trọng cả. Chúng ta phải chơi 1 bài sòng phẳng với họ. Chứ bây giờ cứ ưu đãi mãi thì cũng không được. Giờ còn ưu đãi cái gì nữa?
Theo tôi, không có vấn đề lớn lắm trong việc này. Chúng ta cũng không nên quá quan tâm vào việc đó. Lực của chúng ta chưa đủ để xây dựng một nền công nghiệp ô tô tự chủ nên vẫn còn xuất hiện những hạn chế cần phải khắc phục. Tất cả những bài toán giật gấu vá vai của chúng ta thời gian qua trong lĩnh vực ô tô đều nhằm mục đích mong cho nền kinh tế quốc gia dần đi tới ổn định", ông Trai nêu quan điểm.


Created with Microsoft OneNote 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét