Note: việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lắp ráp ôtô, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước không được gì đáng kể; người tiêu dùng Việt Nam cũng không được lợi gì. Chỉ có nguồn thu của Nhà nước không thay đổi vì được giữ bằng cách giảm thuế bên nọ, tăng thuế bên kia"
(Thị trường) - PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện ôtô chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lắp ráp ôtô, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Người tiêu dùng không được lợi gì
Trong văn bản vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu với linh kiện, phụ tùng ôtô trong đó nhiều dòng hàng có thể sẽ về 0% từ năm 2016. Lý do Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là theo lộ trình hội nhập, từ năm 2018, thuế suất ôtô nguyên chiếc trong khối ASEAN sẽ về 0% và đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ngoài ra, do thực hiện cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế nhập khẩu với một số loại xe nguyên chiếc còn bất cập, có thể bằng hoặc thấp hơn linh kiện, phụ tùng. Điều này theo đánh giá của ngành tài chính "chưa thực sự khuyến khích sản xuất, ráp lắp trong nước".
PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng chính sách thuế của Việt Nam đang quá ưu ái cho các doanh nghiệp ôtô FDI
|
Bàn về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô của Bộ Tài chính, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, về mặt quản lý, phương án giảm thuế rất đơn giản, dễ làm nhưng về tác động thì sẽ không theo ý muốn.
Cụ thể, với đề xuất này, cơ quan quản lý Nhà nước đã đánh đồng doanh nghiệp ôtô nội địa với doanh nghiệp ôtô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp ôtô FDI chỉ đầu tư chủ yếu vào lắp ráp, nếu được giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô về 0% thì lãi sẽ rất cao, còn doanh nghiệp ôtô nội địa đầy rẫy những khó khăn khác, từ thiếu vốn, thiếu đất đến thiếu khoa học công nghệ, hệ thống bán hàng... nhưng lại không được quan tâm một cách đầy đủ.
"Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ quan tâm tới mỗi "võ" giảm thuế nhập khẩu cho thấy sự nghèo nàn và thiên lệch. Ưu đãi này chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI vào lắp ráp ôtô ở Việt Nam, còn doanh nghiệp lắp ráp ôtô nội địa chỉ có lợi "tý teo", không đáng kể. Những khó khăn khác của doanh nghiệp nội địa chưa được quan tâm đầy đủ, họ không được tạo điều kiện thuận lợi nên mãi không lớn lên được, không cạnh tranh được. Như trường hợp của Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) phải bán cả nhà xưởng, máy móc thiết bị, thậm chí cả sắt vụn để trả nợ tại sao Nhà nước không quan tâm?", PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn.
Một điểm khác cũng được nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ ra, đó là dù giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô nhưng cơ quan quản lý lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu, như vậy Nhà nước vẫn đảm bảo được nguồn thu còn người tiêu dùng không được lợi gì bởi giá xe thậm chí có thể sẽ cao hơn trước khi việc tăng thuế đó bị đẩy vào giá thành ô tô và người tiêu dùng phải gánh hết.
"Chính sách thuế liên tục bị thay đổi. Nghị định số 108/2015/NĐ-CP vừa được ban hành quy định hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB chưa kịp có hiệu lực (từ ngày 1/1/2016) lại sắp bị thay thế. Đây đã là lần đổi cách tính thuế TTĐB thứ hai trong năm. Doanh nghiệp lắp ráp ôtô FDI đã quá được nương nhẹ, trong khi những chính sách này không cho thấy một tia ánh sáng nào cuối đường hầm bởi ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chẳng được lợi gì, người tiêu dùng Việt Nam cũng không được lợi gì. Chỉ có nguồn thu của Nhà nước không thay đổi vì được giữ bằng cách giảm thuế bên nọ, tăng thuế bên kia", ông Nam chỉ rõ.
Ai hưởng lợi?
Hàng loạt chính sách về thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô khiến PGS.TS Nguyễn Văn Nam đặt câu hỏi: "Ai sẽ được lợi với những chính sách này? Nếu hàng triệu người dân được lợi liệu có ai đi "lại quả"? Và nếu chỉ có một vài doanh nghiệp lớn được lợi thì chuyện này có xảy ra?"
Ông Nam nhấn mạnh: "Chính sách trên, tôi nhắc lại, chỉ có lợi cho doanh nghiệp ôtô FDI, còn doanh nghiệp trong nước không được gì đáng kể. Nó không cứu được doanh nghiệp ôtô trong nước bởi họ còn nhiều vấn đề nan giải hơn vấn đề thuế mà cho đến nay vẫn chưa có chính sách nào giải quyết thỏa đáng".
Bởi vậy, để đảm bảo lợi ích của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng cơ quan quản lý cần xác định làm chính sách cho ai? Nếu muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thì chính sách phải xác định được đối tượng chủ lực nào đang được công nghiệp ôtô nhắm đến, từ đó có những chính sách, quy định tập trung vào đối tượng đó, không thể làm một cách chung chung.
"Mặt khác, chính sách ấy phải xác định có giúp cho người tiêu dùng Việt Nam dễ thở hơn không? Hiện nay, dù Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA và theo cam kết, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô sẽ về 0% nhưng giá ôtô ngày càng đắt đỏ bằng đủ các loại thuế, liệu Nhà nước có cải thiện được điều này?
Vấn đề cuối cùng đặt ra của chính sách mới là nguồn thu. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến hiện nay là chính sách nào cũng lấy cớ đảm bảo nguồn thu rồi tăng bên nọ, giảm bên kia vô tội vạ, cuối cùng chỉ khiến người dân chịu thiệt", vị chuyên gia thẳng thắn.
Thành Luân
Created with Microsoft OneNote 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét