Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Cách người Nhật dạy trẻ vượt bằng được mọi khó khăn

Ở Mỹ hay ở Việt Nam, thông thường học sinh nào làm tốt nhất sẽ được mời lên bảng trình bày. Nhưng ở Nhật thì ngược lại.
Thứ Ba, ngày 02/02/2016, 00:08
 
Việc người Nhật dạy cho trẻ khả năng chịu đựng và rèn luyện cho chúng sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn trong học tập có ý nghĩa lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này.
Năm 1979, Jim Stigler, một sinh viên mới tốt nghiệp ĐH Michigan, Mỹ, sang Nhật để nghiên cứu phương pháp giáo dục ở xứ sở mặt trời mọc. Anh ngồi ở hàng ghế cuối trong một giờ học toán lớp 4 để quan sát.
Stigler nhớ lại, người giáo viên đang dạy cả lớp vẽ hình lập phương trên giấy, và một học sinh không vẽ được một hình đúng. Thầy giáo nói với cậu bé: "Sao con không thử vẽ lên bảng nhỉ?". Ngay lúc đó Stigler nghĩ: "Thú vị đây! Ông ấy bảo người không làm được lên trình bày trên bảng".
 

Người Nhật thường dạy cho trẻ sức chịu đựng và kiên nhẫn để vượt qua khó khăn trong học tập (ảnh: Japan Times)

Ở Mỹ, thông thường học sinh nào làm tốt nhất sẽ được mời lên bảng trình bày. Vì thế, Stigler nhìn cậu học sinh Nhật khó nhọc lên bảng bắt đầu vẽ với con mắt tò mò. Cậu không vẽ được. Cứ mỗi phút, thầy giáo lại hỏi các học sinh bên dưới liệu cậu đã vẽ đúng chưa, và cả lớp đều trả lời chưa.
Khi quá trình này diễn ra, Stigler nhận ra rằng chính mình đang càng lúc càng lo lắng. "Tôi nhận thấy chính mình bắt đầu đổ mồ hôi, bởi vì tôi thực sự thông cảm với cậu bé. Tôi nghĩ, cậu bé này sắp khóc đến nơi rồi!" Stigler nhớ lại.
Nhưng cậu nhóc không khóc. Stigler thấy cậu tiếp tục vẽ với sự bình thản. Và cuối buổi học, cậu cũng vẽ được hình lập phương đó. Thầy giáo nói với cả lớp: "Trông có được không các bạn?". Cả lớp đáp lại: "Đúng rồi ạ!". Và chúng vỗ tay. Cậu học sinh cười rất tươi và về chỗ, rõ ràng đang rất tự hào.
Stigler giờ đây là một giáo sư tâm lý chuyên nghiên cứu việc dạy và học ở khắp thế giới. Và câu chuyện về cậu học trò vẽ hình lập phương là trải nghiệm đầu tiên giúp ông nhận ra sự khác biệt trong cách phương Tây và phương Đông nhìn nhận khó khăn trong học tập.
"Tôi nghĩ rằng ở Mỹ, từ rất nhỏ chúng tôi đã coi sự khó khăn trong học tập phản ánh thực tế bạn không thông minh. Những người thông minh không gặp khó khăn trong học tập, họ đơn giản là vượt qua một cách tự nhiên. Trong khi đó, văn hóa phương Đông có xu hướng coi khó khăn là một cơ hội để học tập", GS Stigler chia sẻ với trang NPR.
Theo Stigler, văn hóa Phương Đông coi khó khăn là một phần tất yếu của quá trình học tập. Mọi người đều sẽ gặp khó khăn trong học tập và nỗ lực để vượt qua khó khăn là cơ hội để bạn chứng tỏ rằng mình có đủ sức mạnh tinh thần.
"Họ dạy cho lũ trẻ rằng đau khổ cũng là một điều tốt. Tôi biết nghe có vẻ tệ, nhưng tôi nghĩ đó là điều họ đã dạy được cho chúng", GS Stigler nhận  xét. Ông cho rằng việc người Nhật dạy cho trẻ chịu đựng và rèn luyện cho chúng sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn trong học tập có ý nghĩa lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này.
Stigler không phải nhà tâm lý đầu tiên nhận ra sự khác biệt trong cách nhìn của người Phương Tây và người Phương Đông về khó khăn trong học tập.
GS Jin Li, công tác tại ĐH Brown, Mỹ, cho rằng không chỉ nhà trường, mà chính gia đình là nơi đầu tiên đứa trẻ học cách để trở thành người thành công.

Học sinh Nhật Bản chịu nhiều áp lực phải thành công (ảnh: Japan Times)
GS Li cho rằng, trong văn hóa Phương Tây, trí thông minh được cho là nguyên nhân của thành công. Người mẹ thường nói với con rằng có gì đó ở bên trong cậu bé, trong tâm trí cậu bé, khiến cậu làm được những việc khó.
Nhưng ở nhiều nền văn hóa phương Đông, sự thành công trong học tập không được gắn với trí thông minh. Theo Li, "nó gắn với những thứ họ làm, chứ không phải việc họ là ai, không phải thứ mà họ sẵn có".
Nghĩa là, nếu bạn cho rằng việc bạn gặp khó khăn chứng tỏ bạn yếu kém, điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy rất tệ, và bạn có ít khả năng sẽ đối mặt với nó. Nhưng nếu bạn coi khó khăn là thứ để thử thách sức mạnh của bạn, là thứ bạn bắt buộc phải vượt qua trong quá trình học tập, bạn sẽ dễ dàng đối mặt với nó hơn.
GS Stigler thấy sự khác biệt trong cách nhìn nhận này có thể dẫn tới những cách làm rất khác nhau. Ông kể rằng vài năm trước ông và các đồng nghiệp làm một nghiên cứu với các học sinh lớp một bằng cách giao cho chúng một bài toán không có lời giải, rồi tính toán thời gian chúng nỗ lực trước khi từ bỏ.
Trẻ Mỹ sẽ thử trung bình khoảng 30 giây rồi ngẩng lên nói: "Chúng cháu không biết cái này".
Còn trẻ Nhật sẽ làm cả giờ. Stigler cho biết họ cuối cùng phải dừng bài kiểm tra vì hết giờ. "Chúng tôi an ủi lũ trẻ rằng đó là bài toán không có lời giải, và chúng nhìn chúng tôi như thể những người đến từ hành tinh khác", GS Stigler kể.
 "Hãy nghĩ xem nếu chúng giữ cách tiếp cận đó trong cả đời, đó sẽ là một sự khác biệt rất lớn", GS nhận định.
Các nhà nghiên cứu cho rằng học sinh Nhật Bản chịu rất nhiều áp lực ở trường học, bố mẹ, xã hội, và thậm chí từ chính bản thân chúng rằng phải thành công. Vì thế, học sinh, sinh viên Nhật Bản, nhất là những học sinh nhỏ, thường rất chăm chỉ và cố gắng hết sức khi đến trường.
Dĩ nhiên vẫn có những học trò lơ đãng chỉ muốn nhìn ra cửa sổ hoặc gục xuống bàn ngủ, nhưng ngược lại có không thiếu học sinh mới 6 tuổi đã tự tìm làm thêm bài tập về nhà.
Ngọc Minh (tổng hợp)
 
 
Created with Microsoft OneNote 2016.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét