Hình: Một gia đình người Do Thái ở Ấn Độ. Nguồn: Wikipedia.
Tác giả: Đặng Hoàng Xa
Cộng đồng Do thái lưu vong sau năm 70 CN
Trước Công nguyên, do kết quả những cuộc xâm lăng, người Do Thái bị lưu đầy sang vùng đất Mesopotamia, đặc biệt là thủ phủ Babylon, rồi Ai Cập. Năm 70 CN, Ngôi Đền Jerusalem bị san bằng, hàng ngàn người Do Thái bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ và bị lưu đầy phân tán đi khắp các miền của Đế quốc La Mã. Vào thời gian này có khoảng bảy triệu người Do Thái cư ngụ bên trong biên giới của Đế quốc La Mã, chiếm 10% dân số, và một triệu người sống bên ngoài biên giới chủ yếu ở Babylon.
Từ thời điểm này hành trình lưu vong của người Do Thái bắt đầu đẩy mạnh và lan rộng tới mọi vùng đất xa xôi khác trên trái đất, khởi đầu từ Trung Đông, sang vành đai Địa Trung Hải, rồi sau đó tiếp tục lan sang châu Âu, Bắc Phi, Đông Âu, Trung Hoa,… cuối cùng tới Bắc Mỹ.
Sự ra đời của Ki-tô giáo
Vào cuối thế kỷ 1, Ki-tô giáo ra đời và khởi đầu như là một chi nhánh của Do Thái giáo, với Chúa Jesus và các tông đồ của Ngài là những người thực hành Do Thái giáo. Chúa Jesus là người Do Thái vùng Galilee, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất. Ki-tô giáo lấy Kinh Thánh, các hình thức thờ phụng, và học thuyết tận thế của mình trực tiếp từ Do Thái giáo. Vào thời gian này, Hoàng đế La Mã Constantine I có xu hướng thiên về Ki-tô giáo và từng bước làm cho Ki-tô giáo trở thành quốc giáo. Ông đã hợp pháp hóa Ki-tô giáo với Sắc lệnh Milan năm 313. Năm 315 Constantine lên án người Do Thái là tội đồ trong cái chết của Chúa Jesus, xóa bỏ tội đóng đinh Chúa Jesus lên thánh giá khỏi những người tiền nhiệm của ông. Năm 323 Ki-tô giáo chính thức trở thành quốc giáo của Đế quốc La Mã. Năm 337 Hoàng đế La Mã Constantius II – con thứ hai của Constantine I và Fausta – ra sắc lệnh đặt Do Thái giáo ra ngoải vòng pháp luật, cấm người Do Thái làm chủ nô lệ đối với người không phải Do Thái, cấm hôn nhân giữa người Do Thái và người Ki-tô giáo, cấm các Rabbis hội họp.
Trong khi một số các Hoàng Đế La Mã khác vẫn ủng hộ quyền thực hành tôn giáo của người Do Thái, các giáo sĩ Ki-tô giáo luôn tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Do Thái giáo bằng cách đòi tất cả người Do Thái giáo cải đạo sang Ki-tô giáo. Họ có cảm xúc mạnh về Palestine, nơi mà Chúa Jesus đã ra đời và bị đóng đinh trên thánh giá.
Trong những thế kỷ đầu sau công nguyên, cuộc sống của người Do Thái tại Palestine chịu nhiều khó khăn và dần dần suy tàn. Vào cuối thế kỷ 6, tại Palestine chỉ còn có 43 cộng đồng người Do Thái, chủ yếu là ở vùng Galilee và thung lũng Jordan. Người Do Thái bắt buộc phải di chuyển trung tâm sinh hoạt sang các vùng khác bên ngoài Palestine.
Mặc dù sống lưu lạc, ở những nơi này, các hoạt động của người Do Thái giáo trong việc nghiên cứu, thảo luận, bổ xung các điều luật, giới răn, và biên soạn Talmud được diễn ra rất mạnh mẽ. Cuốn Sách Talmud đồ sộ của cộng đồng Do Thái Babylon được hoàn thành vào thời gian này – khoảng năm 500 CN, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, đạo đức và nề nếp sinh hoạt của người Do Thái trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay.
Năm 622, Muhamad sáng lập ra Hồi giáo (Islam) ở bán đảo Ả Rập. Năm 636, người Ả Rập chinh phục Palestine và các khu vực khác ở Tây Á, lập ra Đế quốc Ả Rập. Dưới sự thống trị của người Ả Rập, người Do Thái phải nộp thuế thân và thuế đất để bảo vệ tính mạng, của cải và sự tôn giáo của mình. Cuộc sống người Do Thái rất khó khăn. Từ thế kỷ 8 cho đến 12, nhiều người Do Thái ở Mesopotamia và Ba Tư di chuyển bên trong lãnh thổ các vương quốc Hồi giáo, nhất là Yemen, Syria, Lebanon, Ai Cập, Maghreb. Những người khác di chuyển đến định cư ở bán đảo Iberia[1] rồi Sicily. Những làn sóng di cư Do Thái này tạo ra các cộng đồng Do Thái thành thị nhỏ khắp thế giới. Nếu lấy bản đồ thế giới, gắn đinh ghim đỏ lên những nơi có người Do Thái sinh sống năm 1170 thì tấm bản đồ đó sẽ rực một màu đỏ từ Anh, bán đảo Iberia cho tới Ấn Độ.
Đây là khoảng thời gian được gọi là 'Thời kỳ Hoàng Kim' (Golden Age) của lịch sử Do Thái trong đời sống lưu vong. Việc làm ăn buôn bán của người Do Thái được phát triển mở mang, tất cả đều có mức sống cao, giáo dục cho tầng lớp trẻ rất được quan tâm và để lại một di sản trí tuệ bền vững và xuyên suốt qua nhiều thế kỷ sau này cho Do Thái giáo. Về sau, với sự sa sút của những khu vực này do cuộc chinh phạt Trung Đông của người Mông Cổ từ những năm 1220 tới những năm 1250, người Do Thái chuyển hướng mở rộng di cư sang Bắc Phi và các nước khác của châu Âu. Việc này kéo dài cho đến tận thế kỷ 13-15.
Do ảnh hưởng của chính sách bài Do Thái tại châu Âu cùng các cuộc Thập Tự Chinh [1099-1291], rồi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492… người Do Thái lại tiếp tục hành trình lưu vong của mình sang các vùng đất thuộc Đế chế Ottoman và các quốc gia thuộc Đông Âu.
Các cộng đồng Do Thái ở Địa Trung Hải
Bên ngoài Trung Đông và Ai Cập, các cộng đồng Do Thái đã đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của vùng lưu vực Địa Trung Hải, một vị thế mà họ vẫn còn duy trì được ngay cả sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ cuối thế kỷ 5. Đó là những khu vực xa xôi ở Marốc và Tunisia – đặc biệt những thành phố của Kairouan; và đảo Djerba. Các nơi khác bao gồm các vùng đất bao quanh Địa Trung Hải thuộc Đế chế Ottoman như Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Anatoia, miền Nam nước Pháp, và Cyrenaica – vùng bờ biển phía Đông của Libya. Không bị ảnh hưởng của sự thăng trầm của các đế chế, người Do Thái tại Libya, Syria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên một mạng lưới buôn bán hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng dọc khắp Địa Trung Hải.
Người Do Thái ở Hy Lạp
Tại Hy Lạp, các bằng chứng cho thấy rằng người Do Thái đã có mặt ở đây khoảng năm 300 TCN; một vài nhóm có thể đã đến đây sớm hơn trong thời kỳ lưu đầy Babylon. Theo thời gian, họ đã hình thành nên một cộng đồng gọi là Romaniotes hoàn toàn khác với người Do Thái Sephardi[2] và Ashkenazi[3]. Họ có phong tục địa phương riêng và nói một ngôn ngữ riêng gọi là Yevanic, một thứ thổ ngữ Hy Lạp viết bằng chữ Hebrew. Một khách du lịch Do Thái thời tiền trung cổ tên là Benjamin viết rằng cộng đồng Romaniotes lớn nhất là ở Thebes, ở đó người Do Thái nổi tiếng với nghề nhuộm vải và sản xuất quần áo lụa thủ công. Họ cũng sống ở các đảo Corfu và Aegina, và ở Corinth, Athens và Thessaloniki là nơi sau này trở thành thành phố Do Thái Hy Lạp lớn nhất khi người Do Thái Sephardi tràn đến từ Tây Ban Nha sau khi bị trục xuất vào năm 1492.
Người Do Thái ở Tây Ban Nha – Thời kỳ Hoàng kim [thế kỷ 8-12]
Khi người La Mã xâm lăng Bán đảo Iberia vào năm 218 TCN và bắt đầu định cư vào năm 171 TCN, họ đã chạm trán với quần thể đa sắc tộc ở đây gồm người Celt, Phoenicia, Carthaginia, và cả các gia đình Do Thái – những người nói rằng họ là hậu duệ của người tị nạn Do Thái đến đây từ thời kỳ Ngôi Đền thứ Nhất. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ 1 sau CN, sau khi Ngôi Đền Jerusalem bị Đế quốc La Mã phá hủy lần thứ hai, thì người Do Thái mới bắt đầu thực sự rời bỏ Palestine, mở rộng lưu vong đến những vùng lãnh thổ khác thuộc Đế quốc La Mã, đặc biệt là các quốc gia trong vành đai Địa Trung Hải trong đó có Tây Ban Nha.
Một điểm đặc biệt ở Tây Ban Nha là, qua nhiều thế kỷ chuyển đổi từ giai đoạn La Mã, sang Hồi giáo, rồi Ki-tô giáo, người Do Thái luôn giữ vai trỏ đứng đầu trong đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của Tây Ban Nha. Người Do Thái Tây Ban Nha gọi họ là Sephardim phỏng theo tên Sepharad – tên gọi của một địa danh trong Kinh Thánh. Họ nói một thứ thổ ngữ Ả Rập trong các vùng của người Hồi giáo, và nói tiếng Judeo-Spanish gọi là Judezmo hoặc Ladino trong các vùng của người Ki-tô giáo. Cả hai thứ tiếng này được viết bằng chữ cái Hebrew.
Cuộc xâm lăng Bán đảo Iberia vào những năm đầu thế kỷ 8 của người Ả Rập và Berber, dưới ngọn cờ Hồi giáo, chính là chìa khóa đã mở bung sự sáng tạo của người Do Thái ở Tây Ban Nha. Nhà cầm quyền Hồi giáo đã mang đến sự kích thích tìm hiểu tri thức, sức sống kinh tế và sự nhạy cảm thẩm mỹ – những thứ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Ki-tô giáo và người Do Thái, mở đầu cho 'Thời kỳ Hoàng kim' của người Do Thái Sephardi trong đời sống lưu lạc. Thời kỳ này đã sản sinh ra biết bao nhiêu nhà thông thái, ngôn ngữ học, khoa học, vật lý, các nhà ngoại giao, thiên văn học và các nhà huyền môn Do Thái.
Người Ả Rập thống trị Bán đảo Tây Ban Nha cho đến thế kỷ 11 khi người Ki-tô giáo giành lại được bán đảo này, và vào năm 1096 Tòa thánh Vatican khởi động các cuộc Thập Tự Chinh kéo dài từ châu Âu sang đến tận Jerusalem. Giáo Hoàng thúc giục các nhà cầm quyền Ki-tô giáo tấn công người Do Thái giáo và người Hồi giáo ở châu Âu và thu hồi các vùng thánh địa ở Palestine đang nằm dưới quyền kiểm soát của người Hồi giáo. Các cộng đồng Do Thái giáo và Hồi giáo ở khắp châu Âu bị Thập Tự Quân càn quét dữ dội đến nỗi nhiều người Do Thái giáo phải đào thoát sang các quốc gia khoan dung hơn như Ba Lan hoặc các quốc gia Hồi giáo.
Đầu thế kỷ 14, ở Tây Ban Nha lại dấy lên phong trào bài Do Thái. Những bách hại và cưỡng bức cải đạo tiếp tục tăng lên. Người Do Thái nếu không cải đạo sang Ki-tô giáo sẽ bị tử hình hoặc bị tước đoạt quyền công dân. Một bộ phận những người Do Thái giàu có đã tự nguyện chuyển sang Ki-tô giáo; một số người bị ép phải cải đạo nhưng vẫn bí mật duy trì Do Thái giáo – những người này gọi là Marranos. Để thanh trừ các Marranos, giáo hội Ki-tô Tây Ban Nha lập ra tòa án phán xét dị đoan nhằm tiến hành phán xử các Marrano bằng những biện pháp nghiệt ngã từ roi vọt đến thiêu sống. Trong thời gian này có khoảng 40 vạn người Do Thái bị phán xét trong đó ba vạn người bị tử hình. Áp lực tiếp tục tăng lên cho đến năm 1492 khi Vua Ferdinand của Tây Ban Nha ra sắc lệnh trục xuất người Do Thái giáo và Hồi giáo khỏi Tây Ban Nha. Vào giữa thế kỷ 15, sự bức hại của Tây Ban Nha đối với người Do Thái tăng đến đỉnh điểm và tàn khốc, dẫn tới phong trào bài Do Thái khắp châu Âu. Hàng ngàn người Do Thái một lần nữa lại phải bỏ Tây Ban Nha trốn sang Ý, Marốc (Bắc Phi), Bán đảo Balkan[4], Thổ Nhĩ Kỳ của Đế chế Ottoman, và Ba Lan…
Xâm nhập sâu vào lục địa châu Âu và Đông Âu
Người Do Thái đã sớm xâm nhập vào lục địa châu Âu từ thế kỷ 1 theo chân những trại lính của Đế quốc La Mã. Cùng với mạng lưới buôn bán dọc khắp vành đai Địa Trung Hải, người Do Thái đã sớm thiết lập nên những điểm buôn bán ở những thành phố tiền đồn của Đức như Bonn, Triers, và Cologne. Những người Do Thái này được cho là những người Ashkenazi đầu tiên đã đóng góp tới 90% dân số Do Thái ngày nay. Tên gọi Ashkenazi lấy từ một địa danh trong Kinh Thánh và được sử dụng trong thời kỳ Trung cổ ám chỉ những vùng đất của Đức và miền Bắc nước Pháp.
Từ đây người Do Thái bắt đầu chuyển dần di cư đến các quốc gia khác của châu Âu.
Người Do Thái ở Ba Lan
Người Do Thái đến Đông Âu khá muộn, mãi đến tận thế kỷ 8. Một trong những điểm dừng khá đặc sắc là Ba Lan. Trong thời gian này, các nhà cầm quyền Slavơ đang muốn bắt kịp người láng giềng Đức bên cạnh và họ đã tìm thấy câu trả lời ở người Do Thái. Vì thế ngay từ ngày đầu khai sinh của nhà nước Ba Lan vào năm 966, người Do Thái đã đóng một phần sống còn trong câu chuyện Ba Lan, mặc dù sự hiện diện của họ ban đầu chỉ là nhất thời.
Đến thế kỷ 16-17, sau khi bị sắc lệnh trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492, rồi cùng với phong trào bài Do Thái ngày càng gia tăng trên khắp châu Âu, nhiều người Do Thái ở Tây Âu đã chạy sang Đông Âu, Trung Âu và Ba Lan, ở đó họ đã được hấp thu vào cộng đồng Do Thái Ashkenazi.
Vào cuối thế kỷ 16, người Do Thái Ashkenazi Ba Lan trở thành cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới, ước tính với hơn nửa triệu người. Họ thường xuyên cầu nguyện ở các Hội đường Do Thái giáo, tự do nghiên cứu Torah và Talmud, và nói tiếng Yiddish, một thứ tiếng Đức cổ địa phương trộn lẫn tiếng Hebrew. Người Do Thái tại Ba Lan có được những may mắn này là nhờ vào chính sách khoan dung tôn giáo và quyền tự chủ theo luật định xã hội của Ba Lan trong một thời gian dài. Điều này đã kết thúc với sự chia cắt của Ba Lan bắt đầu vào năm 1772, và đặc biệt, với sự kỳ thị và đàn áp người Do Thái dưới thời Đế chế Nga Hoàng.
Người Do Thái ở Nga
Các vùng lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Nga có một thời là nơi cư ngụ của một quần thể người Do Thái lớn nhất trên thế giới. Trong những vùng lãnh thổ này các cộng đồng Do Thái đã hưng thịnh và phát triển nhiều truyền thống thần học và văn hóa khác biệt nhất của Do Thái giáo hiện đại, trong khi cũng phải đối mặt với những thời kỳ mang nặng chính sách bài Do Thái và khủng bố tàn bạo. Do Thái Nga bao gồm một số sắc dân khác nhau, chủ yếu là Ashkenazi, ngoài ra là Do Thái Mountain, Crimean Karaites, Krymchaks, người Do Thái Bukharan, và Do Thái Gruzia.
Sự có mặt của những người Do Thái ở phần châu Âu của Nga có thể được truy ngược trở lại thế kỷ 7-14. Trong thế kỷ 11 và 12, dân Do Thái bị giới hạn trong một khu riêng biệt ở Kiev. Bằng chứng về sự có mặt của người Do Thái ở Moskva lần đầu tiên được tìm thấy trong các biên niên sử của năm 1471. Trong suốt triều đại của Catherine II, người Do Thái bị giới hạn ở những nơi họ có thể sống hoặc phải di cư đến các vùng khác của Nga. Đầu thế kỷ 19 có sự di chuyển của người Do Thái đến Novorossiya[5]. Alexander III tiếp tục tăng cường chính sách bài Do Thái. Một làn sóng tàn sát người Do Thái với quy mô lớn quét qua Ukraine trong năm 1881. Năm 1886, một sắc lệnh trục xuất được ban hành tại Kiev. Hầu hết người Do Thái bị đuổi ra khỏi Moskva vào năm 1891. Một làn sóng tàn sát lớn lại một lần nữa bùng nổ trong những năm 1903-1906. Hơn hai triệu người Do Thái trốn khỏi Nga trong giai đoạn giữa 1880-1920, chủ yếu là sang Mỹ, sau là Bắc Phi.
Làn gió mới từ Bắc Mỹ
Cuối thế kỷ 18, một làn gió mới đến từ Bắc Mỹ đã đem lại hy vọng hồi sinh cho người Do Thái. Ở Bắc Mỹ, quốc gia Hoa Kỳ được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 đã cho ra đời một bản hiến pháp tiến bộ nhất của nhân loại qui định rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một quốc gia ngoại giáo tuyên bố rằng người Do Thái được quyền sống và mưu cầu hạnh phúc như những người khác. Ở nước Pháp, cuộc cách mạng 1789 và tiếp theo là tuyên ngôn nhân quyền được áp dụng gồm cho cả người Do Thái. Người Do Thái được nhận vào các trường đại học Tây Âu và được tham gia vào xã hội Tây Âu ở mọi tầng lớp.
Tuy thế, ở Đông Âu, cuộc sống người Do Thái vẫn không có gì cải thiện. Ở Nga, người Do Thái bị o ép và bị dồn vào các khu định cư Do Thái tối tăm. Những cuộc tàn sát người Do Thái ở Nga năm 1881 đã làm thay đổi sâu sắc lịch sử người Do Thái, dẫn đến sự ra đời của Zionism (Phong trào Phục quốc Do Thái) – một chiến dịch nhằm vận động thành lập một nhà nước Do Thái trên mảnh đất Palestine – và sự phát triển của quần thể Do Thái Hoa Kỳ. Nó cũng gián tiếp dẫn đến Cách mạng Nga. Một cuộc xuất hành lớn từ Đông Âu và đặc biệt là từ Nga diễn ra suốt từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.
Sự dịch chuyển văn hóa từ Sephardi sang Ashkenazi
Đối với người Do Thái, việc bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492 dường như đã dập tắt một nguồn sáng tưởng như không bao giờ có thể thắp lại được. Tuy nhiên, trong thực tế, đôi khi sự bất hạnh dồn người ta đến những góc chết và chính tại đó cây đời đã lại nảy mầm xanh tươi. Cùng năm này, Columbus khởi hành chuyến thám hiểm đầu tiên vượt Đại Tây Dương đi tìm 'Tân Thế giới', mở ra những triển vọng không ai có thể tưởng tưởng trước đó cho các thương nhân. Công nghệ in ấn giúp truyền bá kiến thức dễ dàng hơn trước kia rất nhiều. Và Đế quốc Ottoman cho phép người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha được định cư dọc theo đế chế của họ, kể cả ở Palestine.
Nhìn chung, thời kỳ từ sau 1492 đã chứng kiến những thay đổi lớn trong lịch sử Do Thái: ngọn đuốc văn hóa được chuyển tay từ Sephardi sang Ashkenazi, Ba Lan thay đổi tầm vóc và trở thành trung tâm sinh hoạt lớn nhất của người Do Thái. Rabbi Loew dẫn đầu phong trào phục hưng Do Thái ở Praha (thủ đô Cộng hòa Czech) và tiếng Yiddish phát triển thành một ngôn ngữ. Yiddish, ngôn ngữ của các cộng đồng Do Thái Ashkenazi, trở thành lực đẩy chính cho việc truyền bá thông tin trong khu vực Do Thái Đông Âu. Nó là chất keo đã gắn kết ý nghĩa thế tục của cái gọi là 'bản sắc Do Thái'.
Những vùng đất mới và cơ hội mới
Cuối thế kỷ 15 đã chứng kiến người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Naples và Nuremberg. Tuy nhiên những cộng đồng Do Thái trẻ đã đâm trồi nảy lộc trên những vùng đất mới. Họ xây dựng trường học, hội đường, khai thác những công nghệ mới và tiếp tục bảo tồn những truyền thống dân tộc. Người Do Thái phát đạt trở lại nhờ tạo ra những mạng lưới buôn bán rối rắm nối các miền đất mới – Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Hà Lan, Ba Lan và Litva.
Một điều nghịch lý là những cuộc trục xuất cuối thế kỷ 15 đã dẫn đến sự tiếp xúc giữa người Do Thái Sephardi và Ashkenazi do quyền lợi của cả hai phía. Kết quả là người Do Thái tái định cư lại dọc bờ biển Đại Tây Dương sau nhiều năm vắng bóng, trong khi Đại Tây Dương thay thế Địa Trung Hải là tâm điểm thương mại của châu Âu.
Người Do Thái Sephardi Iberia (Tây Ban Nha) tràn đến các vùng đất có chính sách khá cởi mở và khoan dung với người Do Thái như Ý, Bắc Phi, Bán đảo Balkan, Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ của Đế chế Ottoman, và Ba Lan, trong khi phần lớn người Do Thái Ashkenazi tại Đức di cư từng nhóm lớn đến Ba Lan. Hợp tác Sephardi-Ashkenazi phát triển ngoạn mục khi Ba Lan trở thành điểm quá cảnh chính cho buôn bán bằng đường bộ mở rộng giữa các vùng đất thuộc Đế quốc Ottoman với Trung và Tây Âu.
Tại lục địa châu Mỹ, năm 1502, trong chuyến thăm đầu tiên tới Tân Thế giới, Columbus đã để lại 52 gia đình gốc Do Thái tại Costa Rica. Năm 1640, người Do Thái đã có mặt và sinh sống yên ổn dọc bờ biển Brazil còn đang dưới quyền Hà Lan. Thành phố Bahia của Brazil thậm chí còn được gọi với biệt danh là 'The Rock of Israel' (Tảng Đá của Israel). Sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục Brazil năm 1654, cư dân Do Thái ở đây bỏ chạy đến vùng Surinam và Cayenne gần đó và tới Caribbe. 23 người Do Thái Sephardi của Brazil chạy tới thành phố tên là New Amsterdam lúc đó còn đang dưới quyền của Hà Lan. Ở đó họ thành lập She'arit Israel (Remnant of Israel- Dấu vết của Israel) là hội đoàn Do Thái đầu tiên ở Bắc Mỹ. Thành phố New Amsterdam về sau đổi tên thành New York năm 1665 và được nhượng lại cho Anh quốc vào năm 1674. Khi người Anh ở Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1776, cộng đồng Do Thái ở Bắc Mỹ có khoảng 2000 người. Một thế kỷ sau đó, trong giai đoạn giữa 1880-1920, bị tàn sát và trục xuất khỏi những thành phố lớn, hơn hai triệu người Do Thái đã trốn khỏi Nga, chủ yếu là sang Mỹ. Tính tổng cộng có ba làn sóng người Do Thái di cư sang Mỹ: làn sóng thứ nhất là người Do Thái Sephardi từ Brazil và Hà Lan; làn sóng thứ hai là những người Do Thái có học hành từ Đức; và làn sóng thứ ba, lớn nhất, là người Do Thái Đông Âu nói tiếng Yiddish, chạy trốn các cuộc tàn sát 1881 của Nga. Ngày nay, nước Mỹ là ngôi nhà của bảy triệu dân Do Thái, một cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới.
Cũng từ thế kỷ 15, việc phát minh công nghệ in ấn giúp truyền bá kiến thức dễ dàng hơn. Một sự kiện ấn tượng là Daniel Bomberg, một ki-tô hữu từ Bỉ, đã in toàn bộ Talmud trong khoảng từ 1520-1523 tại Venice và đặt tiêu chuẩn đánh số trang cho Talmud cho mọi thời gian. Tiến bộ kỹ thuật in ấn đã giúp kiến thức Do Thái được lan truyền giống như một ngọn lửa lớn trên thảo nguyên.
Người Do Thái lưu vong ở bốn góc của thế giới
Người Do Thái Ethiopia
Có khoảng 127.000 người Do Thái Ethiopia ngày nay. Từ sau Chiến dịch Moses (1984) và Chiến dịch Solomon (1991) do Nhà nước Israel khởi động đưa người Do Thái Ethiopia về Israel, họ phần lớn hiện đang sống ở Israel. Họ tự gọi họ là Beta Israel (Ngôi nhà của Israel) trong ý nghĩa gần gũi gia đình nhưng vẫn là 'người lạ'.
Người Beta Israel cho biết họ là con cháu của bộ tộc Dan, một trong 10 bộ tộc thất lạc của Vương quốc Israel phương Bắc vào thế kỷ 10. Một điều không bình thường so với người Do Thái Diaspora khác là người Beta Israel không sử dụng tiếng Hebrew mà lại dùng tiếng Ge'ez của Ethiopia. Sách Thánh của họ, Orit, cơ bản là đồng nhất với những phần đầu của Torah. Họ không biết gì về Talmud, cũng không thực hành các ngày lễ Do Thái giáo như Purim hay Hanukkah.
Người Do Thái của miền Nam Ấn Độ
Người Do Thái Cochin, còn gọi là người Do Thái Malabar, là hậu duệ của người Do Thái Mizrahi[6] và Sephardi. Họ là nhóm người Do Thái cổ nhất ở Ấn Độ, với nguồn gốc có thể là từ thời Vua Solomon. Những người Do Thái Cochin định cư tại Vương quốc Cochin ở Nam Ấn Độ, nay là một phần của bang Kerala. Ngay từ thế kỷ thứ 12, người ta đã đề cập đến người Do Thái Đen (Black Jews) ở miền nam Ấn Độ. Một khách du lịch Do Thái, Benjamin xứ Tudela, khi nói về Kollam (hoặc Quilon – một thành phố cảng ở Ấn Độ) trên bờ biển Malabar, đã viết trong hành trình của ông: "… khắp hòn đảo, bao gồm tất cả các thị trấn, có vài ngàn người Do Thái. Những cư dân ở đây đều là da đen, và cả người Do Thái cũng vậy. Người Do Thái tốt bụng. Họ biết lề luật của Moses và các đấng tiên tri, cũng hiểu biết đôi chút về Talmud và Halakha". Những người này sau đó đã được biết đến như những người Do Thái Malabari. Họ đã xây dựng giáo đường Do Thái ở Kerala vào thế kỷ 12 và 13. Họ được biết đã phát triển Judeo-Malayalam, một thổ ngữ của ngôn ngữ Malayalam.
Sau khi bị trục xuất khỏi Bán đảo Iberia vào năm 1492, một vài trong số các gia đình Do Thái Sephardi cuối cùng đã tìm được đường đến Cochin trong thế kỷ 16. Họ được biết đến như người Do Thái Paradesi (hoặc 'người Do Thái nước ngoài'). Người Do Thái châu Âu vẫn duy trì các kết nối thương mại với châu Âu, và các kỹ năng ngôn ngữ của họ trở nên rất hữu ích. Mặc dù người Sephardi nói tiếng Ladino (hoặc Judeo-Spanish), ở Ấn Độ họ đã học Judeo-Malayalam từ những người Do Thái Malabar. Hai cộng đồng này giữ lại sự khác biệt về nhân chủng và văn hóa của họ. Vào cuối thế kỷ 19, một vài người Do Thái Ả Rập, được gọi là Baghdadi, cũng di cư đến miền nam Ấn Độ và tham gia cộng đồng Paradesi.
Sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947 và Israel tuyên bố độc lập năm 1948, phần lớn người Do Thái Cochin ở Kerala di cư về lại Israel vào giữa những năm 1950.
Người Do Thái phủ Khai Phong (thuộc tỉnh Hồ Nam – Trung Hoa)
Một du khách Do Thái, Ibn Battuta, khi cập bến cảng Hàng Châu của Trung Hoa vào thế kỷ 13, mô tả là đã chạm trán với một cộng đồng người Do Thái sôi động ở đó. Marco Polo trước đó cũng nói là đã gặp người Do Thái Trung Hoa ở Bắc Kinh vào khoảng năm 1286. Người Do Thái được biết là thường xuyên buôn bán xuôi ngược trên con đường tơ lụa và một vài người trong số đó đã định cư và lấy người Trung Hoa bản địa ở phủ Khai Phong thuộc tỉnh Hồ Nam.
Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng một cộng đồng Do Thái đã có mặt ở Khai Phong kể từ triều đại Bắc Tống (960-1127), mặc dù người Do Thái có thể đã đến Trung Hoa từ thời nhà Đường (618-907) hoặc sớm hơn. Khai Phong, khi đó là thủ đô của triều đại Bắc Tống, là một thành phố lớn nằm trên một nhánh của con đường tơ lụa. Người ta dự đoán một cộng đồng nhỏ người Do Thái, rất có thể từ Ba Tư hay Ấn Độ, đã đến theo đường bộ hoặc đường biển, định cư ở thành phố và xây dựng một giáo đường Do Thái gọi là libai si vào năm 1163.
Một số người Do Thái Trung Hoa cho biết họ là hậu duệ của người Do Thái lưu vong tại Babylon vào thế kỷ 6 TCN. Sau này người Do Thái từ Yemen, Ba Tư, và Bukhara ở Trung Á cũng đã đến định cư tại bờ nam của sông Hoàng Hà.
Người Do Thái Mountain (Mountain Jews)
Với một dân số khoảng 101.000 vào năm 2004, người Do Thái Mountain hay người Do Thái Caucasus, còn được gọi là Juhuro, Juvuro, Do Thái Kavkazi hay Do Thái Gorsky là người Do Thái đã từng định cư tại các sườn núi phía đông và phía bắc Caucasus, chủ yếu thuộc Dagestan và Azerbaijan, cũng như Chechnya, Kabardino-Balkaria, Krasnodar Krai – hầu hết là các khu vực người Hồi giáo của Liên Xô cũ.
Cộng đồng người Do Thái Mountain có nguồn gốc Ba Tư thời cổ đại, đến từ Tây Nam Iran và được cho là đã định cư tại Caucasus từ thế kỷ 5. Người ta tin rằng họ đã đến Ba Tư từ thời Israel cổ đại sớm nhất là vào thế kỷ thứ 8 TCN. Giả thiết này khá phù hợp với một truyền thuyết truyền miệng của người Do Thái Mountain, truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, rằng họ có nguồn gốc từ một trong 10 bộ tộc thất lạc vào thế kỷ 8 TCN. Ngôn ngữ của họ, Juhuri, là một ngôn ngữ Tây Nam Iran cổ đại trộn với một thổ ngữ Ba Tư được tích hợp nhiều yếu tố của tiếng Hebrew cổ.
Hầu hết người Do Thái Mountain quay trở về Israel trong quãng thời gian 1970-90. Một số nhỏ định cư ở Moskva và Mỹ.
Người Do Thái ở Marốc
Người Do Thái Berber của Bắc Phi có thể là hậu duệ của các bộ lạc địa phương đã cải đạo sang Do Thái giáo hoặc có hôn nhân với người Do Thái đi theo các đoàn quân La Mã. Khoảng thế kỷ 5 một cộng đồng Do Thái xuất hiện khá phát đạt ở Mauretania thuộc miền Nam của Marốc. Hai thế kỷ sau, những người Do Thái trốn thoát cuộc đàn áp tại Tây Ban Nha đã di cư về đây và gia nhập với họ. Năm 1391, Marốc một lần nữa lại trở thành nơi trú ẩn cho người tỵ nạn Do Thái sau khi các Ki-tô hữu Tây Ban Nha tàn phá khu vực người Do Thái ở Seville. Trong vòng 50 năm sau đó, người Do Thái đã xây dựng được một khu vực riêng có tường bao quanh gọi là mellah, ở Fez. Mellah cũng có ý nghĩa tương tự như ghetto của châu Âu.
Giữa những năm 1950-1970 đa số người Do Thái Berber ở Marốc di cư về Pháp, Mỹ, hoặc Israel.
Người Do Thái ở Nam Phi
Người Do Thái đến Nam Phi vào những năm 1820 sau khi nước Anh chiếm thuộc địa Cape, và ào ạt hơn với cơn sốt khai thác vàng và kim cương cuối thế kỷ 18. Nhiều người Do Thái Ashkenazi đến từ Litva và Latvia sau năm 1881, và người Do Thái chiếm một con số không nhỏ 23% trong tổng số di dân của Cape trong quãng thời gian 1885-1915.
Người Do Thái ở Úc
Lịch sử của người Do Thái ở Úc bắt đầu với việc chiếm đất làm thuộc địa của Anh ở Úc vào năm 1788. Những người Do Thái đầu tiên đến Úc là tám người tù bị kết án được chuyển đến Vịnh Botany vào năm 1788 tại địa điểm ngày nay là Sydney. Trong điều tra dân số Úc năm 2011 có 97.335 người Úc được xác định là người Do Thái, chiếm 0,3 phần trăm dân số Úc. Phần lớn là người Do Thái Ashkenazi, nhiều người trong số họ là những người tị nạn và những người sống sót Holocaust đến trong và sau Thế chiến II. Do Thái giáo là một tôn giáo thiểu số tại Úc.
Người Do Thái ở Nam Mỹ
Những thương nhân và dân buôn lậu Bồ Đào Nha tại Rio de la Plata chắc chắn bao gồm một vài chàng Do Thái Sephardi, nhưng người Do Thái Pháp mới chính là những người đã thành lập nên cộng đồng Do Thái đầu tiên của Argentina sau khi quốc gia này giành được độc lập năm 1810. Làn sóng di cư sau 1881 từ 'Rusos' (Nga) đã nâng tỷ lệ người Ashkenazi của quần thể Do Thái ở đây lên 80%, phần còn lại là từ Marốc.
Tiếp theo đó, Hiến pháp tự do 1824 và tình trạng buôn bán cao su rất sôi động đã khiến Brazil trở thành điểm đến lớn thứ hai tại châu Mỹ Latinh cho người Do Thái. Vua Mexico Maximilian I khuyến khích người Do Thái Đức đến với Mexico, và người Do Thái Sephardi đã rời bỏ Đế chế Ottoman ốm yếu để đến làm lại cuộc đời của họ ở lục địa này.
Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách "Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người", của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.
(Còn tiếp)
———————
[1] Bán đảo Iberia (Iberia) nằm ở cực Tây Nam châu Âu, được bao quanh bởi Địa Trung Hải về hướng Đông và Nam, và bởi Đại Tây Dương về hướng Tây và Bắc. Dãy núi Pyrenees làm thành biên giới Đông Bắc của bán đảo. Gibraltar, điểm cực Nam của bán đảo, được ngăn cách với châu Phi bởi eo biển cùng tên. Đây là bán đảo lớn nhất châu Âu với 582 860 km². Bán đảo Iberia gồm có các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Andorra và Gibraltar.
[2] Sephardi Jews hay Sephardic jews hay Sephardim: nhóm người Do Thái có tổ tiên sống ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.
[3] Ashkenazi Jews hay Ashkenazic Jews hay Ashkenazim: nhóm người Do Thái gốc Đức sống trong các cộng đồng ở Trung và Đông Âu mà hiện nay là miền Bắc nước Pháp, Đức và Thụy Sĩ.
[4] Bán đảo Balkan là một khu vực địa lý của khu vực Đông Nam châu Âu. bao gồm toàn bộ hoặc một phần của Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Kosovo, Cộng hòa Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia, và phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.
[5] Novorossiya là một thuật ngữ lịch sử của Đế chế Nga biểu thị một khu vực phía bắc của Biển Đen (nay là một phần của Ukraine).
Posted on 25/10/2015 by The Observer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét