Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Moses đã ảnh hưởng tới lịch sử Hoa Kỳ như thế nào?


Tượng nữ thần tự do (the goddess of liberty) có hai biểu tượng liên quan đến Moses: vừng hào quang quanh đầu và bảng đá trong cánh tay nữ thần, cả hai có xuất xứ từ giờ phút Moses xuống Núi Sinai với Mười điều răn của Chúa. Ngụ ý: Tự do phải đi liền với luật pháp.

Nguồn: Bruce Feiler, “How Moses Shaped America“, Time, 12/10/2009.

Biên dịch: Trần Ngọc Cư

Từ thời Cách mạng giành độc lập cho đến thời Chiến tranh lạnh, người anh hùng trong Cựu Ước luôn là biểu tượng tôn giáo dùng để định nghĩa nhiều biến cố trong lịch sử Hoa Kỳ. Ngày nay ta có thể rút tỉa được ý nghĩa nào từ nhân vật Moses?

“Chúng tôi đang đứng trước nhiều vị Moses”, Barack Obama đã nói vào ngày 4-3-2007, ba tuần sau khi ông công bố sẽ ra tranh cử tổng thống. Ông tuyên bố như vậy tại Selma, bang Alabama, đứng quanh ông là những chiến sĩ tiên phong của phong trào dân quyền. Obama đã coi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của mình như là một nỗ lực thể hiện truyền thống của Moses, là đưa dân tộc thoát vòng nô lệ và đến bờ tự do. “Xin cảm ơn thế hệ Moses, nhưng chúng ta phải nhớ rằng sau Moses, Joshua còn có một việc phải làm [đó là chinh phục đất Canaan và phân chia cho các bộ lạc Do Thái, ND]. Dù là một nhà lãnh đạo vĩ đại… nhưng Moses đã không vượt qua sông để tận mắt nhìn đất hứa.”

Sau tám tháng trong chức vụ tổng thống, có lẽ Obama muốn ôn lại tấm gương Moses thêm lần nữa. Trong nhiều vấn đề, từ nỗ lực cải cách y tế đến chiến tranh tại Afghanistan, tổng thống Mỹ đang đối diện với nhiều thái độ hoài nghi và nổi loạn, một bên là chế độ pharaoh tham quyền cố vị và một bên là khối quần chúng đi theo (followers) vừa bất an vừa bất trị. Vì vậy, Obama có lý do để xem lại những bài học lãnh đạo của nhà lãnh đạo lớn nhất lịch sử này. Cũng như các vị tiền nhiệm, từ Washington đến Reagan, Obama có thể dùng gương Moses để giúp mình lãnh đạo nhân dân Mỹ trong thời buổi đầy âu lo. Từ thời những Người hành hương (the Pilgrims)[1] đến thời các Nhà lập quốc (the Founding Fathers), từ thời Nội chiến đến phong trào dân quyền, người Mỹ luôn hướng về Moses trong những thời kỳ khủng hoảng vì câu chuyện của nhân vật này có khả năng đưa ra một lộ trình vừa đầy gian nguy vừa đầy hứa hẹn.

Tình cảnh nghiệt ngã của những Người hành hương

Tích truyện Moses được mở ra ở thế kỷ 13 trước Công nguyên, khi dân tộc Israel đang ở trong tình trạng nô lệ tại Ai Cập. Sau khi vua Ai cập (pharaoh) ra lệnh tàn sát tất cả trẻ sơ sinh Israel nam giới, bé Moses được thả xuống giòng sông Nile trên chiếc thúng, rồi được con gái của vua Ai Cập nhặt lên đem về nuôi trong cung điện. Khi trưởng thành, Moses giết chết một người Ai Cập vì người này đánh đập “một đồng bào Do Thái của ông”, rồi Moses bỏ trốn vào sa mạc, tại đây, về sau, một tiếng vọng từ lùm cây đang cháy ra lệnh Moses phải giải phóng dân tộc Israel. Giây phút đó là thử thách đầu tiên về tinh thần lãnh đạo của Moses: Liệu ông sẽ cố bám víu một cuộc sống thoải mái vô tư hay ông sẽ mưu toan giải phóng một dân tộc đã bị nô lệ hàng trăm năm?

Số phận nghiệt ngã của dân Israel vang vọng trong tâm tư của người định cư đầu tiên trên đất Mỹ. Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo đã ngăn cấm tín đồ tự mình trực tiếp đọc Kinh Thánh. Nhưng cuộc Cải cách Tin lành, cùng với sự ra đời của máy in, đã đưa những bản Kinh Thánh tiếng bản xứ đến tận tay người đọc bình dân. Điều kỳ diệu mà người Tin Lành phát hiện trong Kinh Thánh là một truyện tích nhắc nhở thân phận họ đang bị giáo hội đương thời đàn áp, một truyện tích khơi gợi những ước mơ của họ về một Thế giới mới vô cùng tươi đẹp. Những Người hành hương nhấn mạnh khía cạnh này của Moses. Khi nhóm người Tin Lành ly khai rời Anh Quốc năm 1620, họ tự ví mình là dân được Chúa chọn (chosen people) đang tìm cách trốn thoát tên pharaoh của họ là Vua James. Lênh lênh trên Đại Tây Dương, họ tuyên bố rằng cuộc hành trình của họ cũng mang tầm sinh tử như “Moses và đám dân Israel trên đường thoát ra khỏi Ai Cập”. Vì vậy, khi đến mũi Cape Cod [Massachusset], họ làm lễ tạ ơn Thượng Đế đã cho họ vượt qua được Hồng Hải đầy sóng gió.

Vào thời Cách mạng Mỹ, chủ đề về những người nguy khốn vùng lên chống lại một siêu cường đã trở thành tích truyện nói lên bản sắc Mỹ. Hai tác phẩm bán chạy nhất năm 1776 đều đề cập đến Moses. Thomas Paine, trong Common Sense (Tri thức thường nghiệm), đã gọi vua George của Anh Quốc là “tên Pharaoh ủ rũ, lạnh lùng”. Samuel Sherwood, trong The Church’s Flight into the Wilderness (Giáo hội chạy vào sa mạc), tin rằng Thượng Đế sẽ giải phóng các thuộc địa tại Mỹ ra khỏi gông cùm nô lệ. Hình ảnh Moses sống động trong tâm trí mọi người đến nỗi vào ngày 4 tháng Bảy, sau khi ký bản Tuyên ngôn Độc lập, Quốc Hội yêu cầu Thomas Jefferson, Benjamin Franklin và John Adams đề xuất một khuôn dấu cho Hoa Kỳ, những vị này đã đưa ra đề nghị: Moses dẫn đường cho dân Israel đi qua Hồng Hải trong khi thủy triều đang vùi dập pharaoh Ai Cập. Trong nhãn quan của họ, Moses mới thật sự là vị cha già lập quốc của Mỹ.

Nhưng thoát vòng nô lệ mới chỉ là nửa câu chuyện. Sau khi người Israel vào trong sa mạc, họ kinh qua một thời kỳ thiếu kỷ cương, sự kiện này đưa đến Mười điều răn của Chúa. Chỉ bằng cách tập hợp chung quanh một trật tự mới, một dân tộc mới có thể trở thành một quốc gia. Tự do cần đến luật pháp.

Sau Cách mạng giành độc lập, người Mỹ cũng kinh qua một thời kỳ hỗn loạn tương tự. Một giáo sĩ Connecticut nhận xét rằng Moses phải mất đến 40 năm mới trấn át được những ta thán của người Israel: Bây giờ “chúng ta đang đóng lại một tấn tuồng điên rồ tương tự”. Và giống hệt như một Moses bất đắc dĩ phải đưa dân tộc Israel ra khỏi Ai Cập, rồi ban cho họ Mười điều răn của Chúa, một Washington cũng bất đắc dĩ lãnh đạo dân thuộc địa đi đến chiến thắng, rồi chủ trì việc soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Một sự tương tự không thể bỏ qua. Hai phần ba số điếu văn đọc tại tang lễ của Washington đã so sánh “nhà lãnh đạo và vị cha già của nước Mỹ” với “người lèo lái đầu tiên của quốc gia Do Thái”.

Hãy thả dân tôi ra

Mặc dù Moses là biểu tượng đoàn kết dân tộc trong thời kỳ lập quốc, nhưng chỉ một thế hệ sau đó, nhân vật kinh thánh này bị lôi kéo vào trong một vấn đề cực kỳ phân hóa nước Mỹ. Cuộc vượt thoát chế độ nô lệ của dân tộc Do Thái là chủ đề nổi bật trong những bài thánh ca da đen (spirituals), như bài “Đẩy lùi đạo quân của vua Ai Cập”, “Ta tiến về đất hứa”, và nổi tiếng nhất là bài “Moses, hãy xuống với chúng tôi”, một nhạc phẩm được ví như là bản quốc ca của người nô lệ da đen tại Mỹ: “Khi Israel vẫn còn nằm trên đất Ai Cập,/ Hãy thả dân tôi ra;/ Bị đàn áp khắc nghiệt, dân tôi không còn sức đứng vững,/ Hãy thả dân tôi ra”.

Thánh ca da đen (spirituals) truyền đi những thông điệp được mã hóa để đánh lạc hướng các chủ nhân da trắng. Nhà tranh đấu da đen Frederick Douglass viết rằng khi ông và các bạn chiến đấu của ông hát “Ôi Canaan, Canaan dịu ngọt,/ Ta tiến về đất hứa Canaan”, bọn giám thị (overseers) các toán nô lệ yên chí rằng người da đen đang thờ phượng thiên chúa của người da trắng. Nhưng đối với họ, bài hát này ngụ ý rằng họ sắp sửa bỏ trốn theo Đường ray bí mật (the Underground Railroad) [một đường dây tổ chức vượt biên, đưa người da đen trốn khỏi các bang có chế độ nô lệ để chạy sang các bang tự do, ND.]

Tuy nhiên, trong khi những người bãi nô (abolitionists) sử dụng cuộc Vượt thoát trong Kinh Thánh (the Exodus) để đả kích chế độ nô lệ, thì người Miền Nam [tức các bang duy trì chế độ nô lệ, ND] lại dùng nó để biện hộ cho cơ chế này. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ trở thành Cuộc thánh chiến giữa hai ông Moses. Các chủ nô lệ trích dẫn một loạt các đoạn kinh thánh – nào là Abraham [tổ phụ người Israel] có nuôi nô lệ; nào là Moses mời nô lệ tham dự lễ Quá Hải đầu tiên (the first Passover); nào là Giê-su không đả động gì đến việc giải phóng nô lệ — nhằm chứng minh rằng Kinh Thánh chấp nhận chế độ nô lệ. Cuốn kinh thánh từng đoàn kết người Mỹ lại với nhau đã bị chế độ nô lệ xé đôi.

Vị tổng thống trích dẫn Kinh Thánh nhiều nhất cũng là người có công tái thống nhất quốc gia. Mặc dù bị các đối thủ chính trị phỉ báng là một tên pharaoh, Abraham Lincoln đã giải phóng nô lệ sau khi ông đưa ra một “lời nguyền trước Thượng Đế”; ông trích dẫn sách Exodus của Cựu Ước tại Gettysburg. Khi ông chết, Lincoln, cũng như Washington trước ông, được dân chúng so sánh với Moses. Trong bài điếu văn, Henry Ward Beecher viết: “Trước đây chưa hề có một hình tượng lịch sử nào cao quí hơn hình tượng của người đã ban bố luật lệ cho dân tộc Do Thái. Gần như chưa có một biến cố lịch sử nào làm rung động lòng người như cái chết của Moses”. Mãi cho đến bây giờ mới có lại một nhân vật như vậy. “Một lần nữa, một nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân dân đã vượt qua bao gian khổ, buồn đau, chiến tranh và xung đột, để đến gần kề với đất hứa hoà bình, nhưng chính bản thân ông ta lại không thể vào trong vùng đất đó”.

Cái chết của Lincoln đã khởi động việc xây dựng một tặng phẩm cống hiến cho sự nghiệp của Moses, một tặng phẩm thậm chí có khả năng tồn tại lâu dài hơn nhiều kỷ vật trước đây – đó là Tượng đài Tự do (the Statue of Liberty), mà nước Pháp tặng cho Hoa Kỳ nhằm vinh danh vị Tổng thống mới bị ám sát. Nghệ sĩ điêu khắc Frédéric Bartholdi đã chọn nữ thần tự do (the goddess of liberty) làm mẫu, nhưng ông đã thêm vào tác phẩm của mình hai biểu tượng liên quan đến Moses: vừng hào quang quanh đầu và bảng đá trong cánh tay nữ thần, cả hai có xuất xứ từ giờ phút Moses xuống Núi Sinai với Mời điều răn của Chúa. Ngụ ý: Tự do phải đi liền với luật pháp.

Moses và Superman

Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục (secularism) và ảnh hưởng ngày một suy giảm của Kinh Thánh trong thế kỷ 20, gương sáng Moses lẽ ra có thể bị mai một. Nhưng một điều kỳ lạ đã diễn ra. Moses được nhìn nhận như là một anh hùng trong giấc mơ hiển đạt tại Mỹ (the American Dream) đến nỗi ông vượt khỏi Kinh Thánh để đi vào trong lãnh vực văn hóa dân gian, từ tiểu thuyết cho đến truyền hình.

Một phần nào, Superman đã được mô phỏng theo Moses. Những nhà sáng tạo ra nhân vật anh hùng này của các tạp chí dành cho trẻ em, gồm hai người Do Thái uyên bác Jerry Siegel và Joe Shuster, đã lấy bối cảnh cho nhân vật chính của mình từ vị siêu anh hùng (superhero) trong Kinh thánh Torah của Do Thái. Tương tự như bé Moses được thả xuống dòng sông Nile trong một chiếc thúng để tránh cuộc tàn sát do lệnh vua Ai Cập, bé Superman được phóng vào không gian trên một phi thuyền để tránh cuộc diệt chủng. Tương tự như Moses được nuôi dạy trong một thế giới xa lạ trước khi được Thiên Chúa gọi đến nhận lệnh giải phóng Israel, Superman cũng được nuôi dạy trong một môi trường xa lạ trước khi được kêu gọi cứu giúp nhân loại.

Nhưng chính Cecil B. DeMille là người đã biến Moses thành một biểu tượng cho quyền lực Mỹ trong Chiến tranh lạnh. Thiên anh hùng ca Mười điều răn của Chúa, chiếu năm 1956, nếu tính theo giá ngày nay sau khi điều chỉnh lạm phát sẽ đứng hàng thứ 5 trong những phim có lợi thu cao nhất từ trước đến nay. Phim bắt đầu với DeMill xuất hiện trên màn hình. “Chủ đề của phim này là, liệu nhân loại cần được cai trị bằng luật lệ của Thiên Chúa hay nhất thiết phải được cai trị theo ý muốn tùy tiện của một nhà độc tài”, DeMille nói. “Cuộc chiến đấu cùng một bản chất vẫn còn tiếp diễn trong thế giới ngày nay”. Để nói rõ chủ điểm của mình hơn, DeMille đã mô phỏng người Mỹ theo người Israel và mô phỏng người châu Âu theo người Ai Cập. Và cuối phim, tài tử Charlton Heston [đóng vai Moses] trong thế đứng của tượng Nữ thần Tự do đã nói một câu trích từ sách thứ ba của Moses — tức Lê-vi ký – câu này cũng được khắc lên Chuông Tự do (the Liberty Bell): “Hãy công bố tự do cho mọi người trên khắp thế gian”.

Đối với người Mỹ hiện đại, sự thất vọng của Moses, trong nhiều cách, lại đảm bảo tính hấp dẫn lâu dài của ông. Dù là một chiến sĩ tranh đấu cho tự do, nhưng Moses cũng là đấng tiên tri của sự thất vọng. Sau 40 năm dẫn dắt dân Do Thái trong sa mạc, Moses đã bị từ chối việc vào đất hứa, chỉ vì dân Israel không vâng lời Thiên Chúa. Không ai thông cảm khía cạnh này của Moses hơn Martin Luther King Jr. Trong bài diễn văn đọc cho cả nước đầu tiên của ông, năm 1956, King đã ví Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với Moses trong nỗ lực mở đường qua một Hồng Hải của chế độ phân chủng. Mười hai năm sau, vào đêm trước khi bị ám sát, King tiên đoán là bản thân ông sẽ không thực hiện được ước mơ của mình. Ông tuyên bố: “Tôi đã lên được trên đỉnh núi. Và đã đứng nhìn cảnh vật bao la. Và đã thấy được đất hứa. Và cho dù tôi không thể đi đến đích cùng đồng bào, nhưng đêm nay tôi muốn đồng bào biết rằng chủng tộc của chúng ta sẽ đặt chân lên đất hứa”. Cả Moses lẫn King là những trường hợp điển hình nhắc nhở chúng ta rằng thậm chí cả những nhà lãnh đạo tài ba nhất lắm lúc cũng không đạt được mục đích cuối cùng.

Vậy, người đang chiếm giữ Nhà Trắng hiện nay có thể rút tỉa được những bài học nào từ một nhân vật mà gần như mọi vị tiền nhiệm của ông đều trích dẫn?

Một là, phải bán sữa và mật [đưa ra một viễn cảnh phồn vinh, ND]. Obama là vị tổng thống đầu tiên đã tổ chức tiệc mừng Lễ quá hải (the Passover seder) tại Nhà Trắng, nhưng hình như ông đã quên đại ý của buổi lễ: tích truyện Moses trước hết là một câu chuyện — một câu chuyện nói lên sức mạnh của lòng hi vọng. Những tình tiết của truyện Moses có thể phù hợp với chính sách đàm phán ngoại giao, nhưng chính viễn cảnh về sữa và mật mới thật sự là động cơ thúc đẩy dân Israel nhảy ào xuống Hồng Hải.

Hai là, phải nhớ lại dòng sông Nile [tức nhớ thân phận người Israel trên đất Ai Cập, ND]. Dù phải trăn trở với những vấn đề như ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, tăng cường luật lệ điều tiết kinh tế tài chính hay đảm bảo y tế cho mọi người dân Mỹ, tổng thống Obama cũng phải nhớ rằng, từ khi Thượng Đế nghe dân của ngài kêu than dưới gông cùm nô lệ, toàn bộ mục đích luân lý của câu chuyện Moses là phải xây dựng cho kỳ được một xã hội có khả năng nuôi dưỡng mọi thành phần. Có đến 36 lần trong kinh thánh Torah, người Israel được thúc đẩy phải thân thiện với kẻ xa lạ, bởi vì chính họ đã kinh qua thân phận hẩm hiu của người xa lạ trên đất Ai Cập.

Ba là, kẻ ở trong sa mạc Sinai phải biết chịu nóng. Kinh Thánh nhắc đến chí ít cả chục cuộc nổi loạn, trong đó dân chúng âm mưu lật đổ Moses. Có một sự tương đồng đến kỳ lạ giữa Moses và Obama: trên đường đi đến đất hứa, người Israel thậm chí đã nghi ngờ cả dòng máu Do Thái trong huyết quản Moses [như có người đã nghi ngờ Obama không sinh ra trên đất Mỹ, ND]: “Ai cho ông cái quyền lãnh đạo chúng tôi?” Thiên Chúa đã có lần đề nghị phải hủy diệt dân tộc Israel [chỉ chừa lại gia đình Moses, ND], nhưng Moses xin dàn xếp với Ngài một cuộc tương nhượng, [theo đó, chỉ có thế hệ sinh ra và lớn lên trong sa mạc mới được sống sót để đi vào đất hứa, ND]. Những nhà lãnh đạo mạnh nhất là những người có khả năng đương đầu với những chỉ trích gay gắt nhất đồng thời vẫn giữ vững lập trường đối với những kẻ chống đối.

Sau cùng, có thể nhà lãnh đạo sẽ không vào được đất hứa. Bị buộc phải chết trên Núi Nebo bên kia sông Jordan, Moses đối đầu với lựa chọn sau cùng: Ông sẽ chống lại mệnh Trời hay sẽ chuẩn bị cho dân Israel bước vào tương lai? Moses đã chọn lấy điều sau. “Hôm nay ta đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự thịnh vượng, sự chết và nghịch cảnh”, ông nói. “Hãy chọn lấy sự sống”.

Những lời này có lẽ cô đọng được bài học khó khăn nhất của nghệ thuật lãnh đạo: Mặc dù bạn có thể thất bại, nhưng di sản của bạn là chuẩn bị cho những môn đệ đi tới thành công mà không cần có bạn bên cạnh. Vì thế, cứ nhảy ào xuống biển, kiên trì vượt qua sa mạc, và đừng ngạc nhiên nếu bạn không đi tới đích. Bởi vì cái đích đến thực sự không nằm ở năm này, nhưng phải đợi đến sang năm—không thuộc thế hệ này, mà thuộc thế hệ mai sau.

Feiler là tác giả của cuốn America’s Prophet: Moses and the American Story. Bài báo này dựa vào cuốn sách vừa nói.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư & talawas

—————-

[1] The Pilgrims: những người Anh ly khai, rời bỏ tổ quốc để đi tìm tự do tôn giáo tại châu Mỹ. Họ lập nên thuộc địa Plymouth tại Tân Anh Cát Lợi (New England) năm 1620 – ND.- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/28/moses-anh-huong-lich-su-hoa-ky/#sthash.cgCE2bnt.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét