Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Chiến tranh 1979 dưới con mắt một viên tướng TQ

Posted on 18/02/2016 by The Observer



Tác giả: Lưu Á Châu

Dưới đây là trích dẫn từ bài phát biểu tại căn cứ Không quân Côn Minh – Vân Nam của Lưu Á Châu, Trung tướng, Chính ủy Đại học Quốc Phòng Trung Quốc. Qua đó bạn đọc có thể tìm hiểu một vấn đề lịch sử nhìn từ phía bên kia và thấy rõ hơn “cung cách” Trung Quốc ứng xử với thế giới hiện đại.

Sau khi kể “Giấc mơ quân đội và đất nước hùng mạnh”, tướng Lưu nói về việc “quân đội Trung Quốc đã hai lần phát huy vai trò chính trị quan trọng”.

Cuộc chiến Việt Nam 1979

Một lần Quân Giải phóng phát huy vai trò chính trị quan trọng là trong đợt sóng gió chính trị ngày mồng 4 tháng 6 [sự kiện quân đội Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989]. “Có thể nói, không giải quyết vấn đề mồng 4 tháng 6 thì không có cục diện phát triển phồn vinh của Trung Quốc ngày nay; không có quân đội [thì] sẽ không giải quyết được vấn đề ngày mồng 4 tháng 6, và cũng không thể có 13 năm huy hoàng”.

“Một lần khác là cuộc chiến tự vệ chống Việt Nam năm 1979 và cuộc chiến “Lưỡng Sơn” sau này.[i] Đặc biệt là cuộc chiến tự vệ đánh trả Việt Nam năm 1979, nhiều đồng chí chưa nhận thức được ý nghĩa của cuộc chiến đó.

Khi ấy có người nói: chúng ta đánh nhau với người Việt Nam, hiện nay, những người hy sinh là liệt sĩ, sau khi quan hệ hai nước trở lại tốt đẹp, họ sẽ là gì? Tôi trả lời: “Vẫn là liệt sĩ!”. Vì sao? Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ chính trị. Ý nghĩa của cuộc chiến này nằm bên ngoài cuộc chiến. Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ.

Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền vào năm 1978, tháng 1/1979, ông thăm Mỹ, tháng 2/1979 đánh Việt Nam. Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận. Khi đó, “bè lũ bốn tên” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong nội bộ Đảng còn rất đông, họ vừa chống lại Đặng Tiểu Bình, vừa phản đối đường lối và chính sách của ông. Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh. Lưu Dụ (?) cũng làm như vậy. Khi đó, rất nhiều người phản đối chiến tranh, cho rằng Quân Giải phóng vừa trải qua “Cách mạng văn hoá”, không thể đánh trận được. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình rất quyết đoán, dẹp mọi tranh cãi, chỉ huy Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn.

Đến nay, Đặng Tiểu Bình đã xa chúng ta được 5 năm, nhưng tôi cũng luôn cảm thấy ông ở cạnh bên chúng ta. Lý Hiến Trung (Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân Bắc Kinh) nói: “Mao Trạch Đông của chúng ta, càng ngẫm càng thấy vĩ đại”. Thời gian càng lùi xa, sự vĩ đại của Đặng Tiểu Bình càng khiến chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn. Ông chuyển hướng cả đất nước Trung Quốc chúng ta. Các đồng chí thấy đấy, cuộc chiến này xảy ra năm 1979.

Năm 1975, sau khi hao binh tổn tướng, người Mỹ cuống cuồng tháo chạy khỏi Việt Nam. Năm 1979 Đặng Tiểu Bình nói: Tôi dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, Việt Nam đang theo ai? Đang theo Liên Xô. Đặng Tiểu Bình tấn công. Cuộc chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam vào lúc đó của Đặng Tiểu Bình thực sự đã đưa Trung Quốc ra khỏi cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Khi ấy, nhiều nước Đông Âu không hài lòng, nói rằng một nước xã hội chủ nghĩa lại đánh một nước xã hội chủ nghĩa khác. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã thấy rõ không cần thứ chủ nghĩa xã hội ấy của họ. Kết quả như thế nào? Chủ nghĩa xã hội giả hiệu đã chết yểu.

Vào năm 1989, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hàng loạt. Ngay cả Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc.

Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đến mười năm, đến ngày 4/6/1989 mới tạm lắng. Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, cống hiến của quân đội Trung Quốc đối với công cuộc cải cách mở cửa thật to lớn vô cùng”.[ii]

Tâm lý quân đội Trung Quốc

Khi đó, tôi đến thăm bộ đội tham gia chiến đấu, họ để lại ấn tượng rất sâu đậm đối với tôi. Cải cách mở cửa đã bắt đầu, đặc biệt là khi tác chiến ở “Lưỡng Sơn”, hậu phương vẫn ca hát nhảy múa trong thanh bình. Các cán bộ chiến sĩ không những phải đối mặt với thử thách sinh tử, mà đều có gánh nặng cuộc sống. Đặc biệt là cán bộ cơ sở, hầu hết gia đình đều rất khó khăn. Lúc đó, tôi đến viếng một chính trị viên đại đội của Quân đoàn 14, anh ta đã hy sinh. Vợ anh ta gặp tôi, nói rằng, trước khi ra trận, chồng chị vẫn còn nợ tiền, khi phát lương tháng cuối cùng trước khi ra trận, trừ hết các khoản nợ, chỉ còn 5 xu tiền lương trong túi. Cuối cùng, cô ấy đưa cho tôi xem bản kê di vật, chỉ còn đúng 5 xu. Tôi thấy thật xót xa.

Có một chiến sĩ gia đình nghèo đói, di chúc của họ thật đầy máu và nước mắt. Trong di chúc của một chiến sĩ, có đoạn: Nếu tôi chết, mong công xã hãy cho gia đình tôi một con bò. Có người khác viết, nếu tôi chết, hãy cởi bộ quân phục của tôi đem về quê, anh em nhà tôi không có quần áo để mặc. Xem những trang viết này thật là xót xa.

Tinh thần của các binh sĩ vĩ đại như núi Thái Sơn. Từ hậu phương đến tiền tuyến, tôi thấy sự chênh lệch quá lớn, không thể nói lên lời! Không chỉ là cuộc sống mà còn những cái khác. Chẳng hạn, tôi đã từng điều tra bộ đội tham chiến ở bốn quân đoàn, những cán bộ có vợ chưa cưới thì 100% đều [bị vợ chưa cưới] từ hôn, không có trường hợp ngoại lệ. Tôi xem một bức thư đoạn tuyệt hôn nhân của một cô gái, viết cũng rất có lý: “Anh hy sinh không còn nữa thì chẳng sao; nếu anh bị thương mất chân mất tay, chúng ta sẽ biết sống ra sao?”. Đây cũng là thực tế. Một chính trị viên phó đại đội ở quân đoàn 27 dẫn đầu đội xung kích tấn công một ngọn núi, bị hy sinh, cả đội xung kích có 30 người thì hy sinh 20.

Sau khi trở về, đại đội tập hợp những người sống sót trong toàn đại đội điểm danh, thi thể của chính trị viên phó đại đội và hai mươi mấy chiến sĩ đặt trên một sân phơi của dân. Vào lúc đó, thư của vợ chưa cưới chính trị viên phó cũng vừa gửi đến. Thư gì vậy? Thư cắt đứt quan hệ hôn nhân. Trước mặt những người sống sót và trước thi thể những người đã hy sinh trong đó có chính trị viên phó, đại đội trưởng đã đọc bức thư ấy, các chiến sĩ toàn đơn vị ai cũng đầm đìa nước mắt. Tôi luôn thấm thía khung cảnh khi ấy và tâm trạng của họ. Ánh sáng tính người [nhân tính] vào thời điểm ấy mới rực sáng nhất. Khi bước vào chiến đấu rất hiếm thấy lời nói hùng hồn. Thật sự có thể làm rung động lòng người thì tuyệt đối không thể tràng giang đại hải, càng không thể là đạo lý suông. Trầm tĩnh có sức mạnh lớn hơn nhiều so với ồn ào náo động.

Tôi đi qua một đơn vị chuẩn bị bước vào chiến đấu, tâm trạng háo hức trước khi tham chiến của bộ đội như miêu tả trong tiểu thuyết, trên phim ảnh, truyền hình… tất cả đều chỉ là sự phóng đại. Trước khi tác chiến, một vùng bộ đội đóng quân tĩnh lặng như tờ. Cán bộ chỉ huy đều ẩn nấp ở nơi rất xa. Khi thời bình, số cán bộ chỉ huy này rất khí phách hào hùng. Có một cán bộ cho đến nay vẫn còn duy trì quan hệ với tôi. Khi đó tôi là cán bộ cấp Tiểu đoàn phó, anh là Sư đoàn trưởng. Anh gặp tôi, nói một cách khí phách: “Tôi có 3 suy nghĩ, cậu hãy viết thành sách cho tôi! Thứ nhất, tôi muốn làm George Smith Patton Jr của Trung Quốc; thứ hai, binh sĩ được coi là gì? Binh sĩ chính là những con số Ả rập; thứ 3, tôi mong mỏi được đánh trận. Đánh một trận [sẽ được] thăng một cấp”.

Chính vì mấy câu nói đó, tôi đã không tha thứ cho anh ấy. Anh ấy không có thiện cảm với chiến sĩ. Thời bình, nếu Đại đội trưởng, người chỉ huy có quan hệ tốt với chiến sĩ, thì có thể đoàn kết thành một tập thể vững mạnh, nhưng nếu có chút mâu thuẫn, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người một phách. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ sẵn sàng xông pha không chùn bước.

Các bạn đều biết tôi từng viết một tác phẩm có tiêu đề Vương Nhân Tiên. Tác phẩm này đã gây tiếng vang rất lớn. Vương Nhân Tiên là Phó Tham mưu Đại đội thuộc Sư đoàn 14, Quân đoàn 14, người Côn Minh, thuộc dòng dõi con em cán bộ. Trước chiến tranh, Vương Nhân Tiên từng bị xử lý do vi phạm kỷ luật, sau này hy sinh. Có người cho rằng anh ấy không phải là anh hùng, nhưng tôi cho rằng
anh ấy là anh hùng, hơn thế nữa còn là anh hùng đích thực.

Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 khi đó là XXX từng nói: “Nghe nói Lưu Á Châu muốn viết về Vương Nhân Tiên? Quân đoàn 14 có nhiều nhân vật anh hùng như vậy sao không viết, lại đi viết về một người như thế?” Người khác đem chuyện này kể với tôi, tôi chỉ bĩu môi một cách khinh thường. Hugo từng nói, trong chủ nghĩa anh hùng đích thực tuyệt đối có một chủ nghĩa nhân đạo đích thực tuyệt đối. Rủi ro của Vương Nhân Tiên chính là điển hình của chủ nghĩa nhân đạo, đồng thời cũng là điển hình của chủ nghĩa anh hùng.

Vương Nhân Tiên vốn yêu một bạn gái tại Côn Minh, nhưng khi quân đội di chuyển đến Lão Sơn, cô bạn này đã cắt đứt quan hệ với anh. Sau khi quân đội tiến vào khu vực Lão Sơn, đóng quân tại một địa phương gọi là Lạc Thủy Động. Vương Nhân Tiên và một số cán bộ khác ở trong một gia đình nông dân người dân tộc Miêu. Nữ chủ nhân là một cô gái dân tộc Miêu rất xinh đẹp, vừa kết hôn không lâu, có một đứa con mới sinh. Tính cách của cô gái này tràn đầy nhiệt huyết, rắn rỏi khí khái. Đa phần các cô gái dân tộc thiểu số đều có đặc điểm chung như vậy. Không giống với các cô gái dân tộc Hán, không dám yêu cũng không dám oán hận. Dân tộc Hán là một dân tộc không có tình yêu nhất. Dù dân tộc Hán có dân số đông nhất trên thế giới, nhưng họ không có tình yêu. Ở nước ngoài vì tình yêu có thể gây chiến tranh, Trung Quốc có thể không? Ngô Tam Quế được coi là nam nhi dám chiến đấu vì tình yêu, lại vẫn bị cho là Hán gian.

Cô gái người Miêu ở Lạc Thủy Động thấy Vương Nhân Tiên đẹp trai, phong độ, cao một mét tám hai. Nghe nói khuôn mặt anh ấy luôn mỉm cười. Ban đầu Vương Nhân Tiên không hề để ý tới cô ta. Phụ nữ nông thôn mà, gia cảnh rất nghèo. Mặc dù lớn lên rất xinh đẹp, nhưng đã là người có con. Trước khi bộ đội lên Lão Sơn, cô gái người Miêu đã rót nước vào bình cho tất cả các chiến sĩ đóng quân tại nhà cô và cố ý cho thêm đường vào bình của Vương Nhân Tiên, đường cho vào nhiều đến mức ngọt như mật ong.

Buổi tối, cô gái người Miêu bế con đến phòng của Vương Nhân Tiên. Cô đã hành động một cách tự nhiên nhất trước mặt Vương Nhân Tiên: cởi áo cho con bú. Hai người cứ ngồi với nhau như vậy trong căn phòng. Vương Nhân Tiên ra sức rít thuốc. Anh ấy đang cố gắng kiềm chế. Nhưng cuối cùng không kiềm chế nổi. Vì sao không thể? Điều này là có lý do, lý do đó chính là ngày mai bộ đội phải lên Lão Sơn. Chuyến đi này có thể anh ấy muốn “ghi danh”. Anh ấy là người đàn ông có tâm huyết, chính trực, chưa từng quan hệ với phụ nữ. Anh khẳng định, nghĩ lại chuyện đó anh vẫn không đành lòng. Đây là lẽ hết sức thường tình của con người.

Khi đó, hai người đã quan hệ trong chuồng heo. Ngày thứ 2, tình hình đột nhiên thay đổi, các cuộc tiến công đã bị hoãn lại. Kế hoạch tác chiến bị trì hoãn, vì vậy tình yêu của họ đã đến một cách tự nhiên như vậy. Bất cứ việc gì đều giống nhau, đã có một lần thì sẽ có một trăm lần. Trong những ngày đó, bất cứ nơi đâu của Lạc Thủy Động đều lưu lại những hình ảnh yêu thương của họ. Tuy nhiên, số lần quan hệ trong chuồng heo cũng tương đối nhiều. Vương Nhân Tiên sau mỗi lần làm chuyện đó đều hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, thật là nguy hiểm. Cô gái Miêu rất hạnh phúc, đã hát ngay tại chuồng heo. Một cô gái thật có cá tính!

Sau này, người chồng của cô đã phát hiện ra, hỏi cô đã quan hệ với ai, cô không nói, cuối cùng chồng cô đã báo cáo vụ việc lên đơn vị. Tập đoàn quân 14 cảm thấy đây là một sự việc hết sức nghiêm trọng, phá hoại kỷ luật quần chúng. Quân đoàn trưởng Quân đoàn 14 XXX ra lệnh xử nghiêm. Quân đội đã triệu tập tất cả các cán bộ và binh lính đóng gần nhà cô gái Miêu, xếp thành hàng, gọi cho cô gái đến nhận mặt. Cô gái người Miêu thật cương nghị, hôm đó tôi cảm thấy còn phải cung kính nể phục. Cô bước tới phía trước Vương Nhân Tiên, chỉ tay nói: “Chính là anh ấy” rồi lại nói một câu gì đó, tôi nghe không hết, nhưng ý nói là tôi thích anh ấy, tôi yêu anh ấy. Trưởng ban Bảo vệ nói: “Tôi đã sớm đoán được là Vương Nhân Tiên. Tôi đã nhìn thấy đầu thuốc lá cao cấp có ở khắp nơi trong chuồng heo. Mùi thơm của những đầu thuốc này chỉ có anh ta hút”.

Vương Nhân Tiên bị kỷ luật và giáng cấp từ Đại đội phó xuống cấp Trung đội. Ngày tấn công Lão Sơn, Trung đoàn điều Vương Nhân Tiên lên tuyến đầu. Ngày 12/7, một sư đoàn của Việt Nam và quân ta đã xảy ra một cuộc chiến giằng co quyết liệt tại khu vực Lão Sơn. Pháo bắn suốt ngày đêm. Vì Lạc Thủy Động cách tuyến đầu rất gần, có thể nhìn thấy một vùng trời rực lửa đạn bom. Cô gái người Miêu cứ ngồi ở đầu thôn, ngóng về phía Lão Sơn. Người chồng đã đánh cô, xuống tay rất nặng. Đầu và miệng cô đều bị chảy máu, làm cô bất động. Vương Nhân Tiên đang chiến đấu tại điểm cao nhất của mặt trận. Anh là tham mưu pháo binh, đã kịp thời báo cáo hàng nghìn tình huống cho pháo binh tuyến sau. Hoả lực pháo binh của quân ta dài như tầm mắt, dội lên đầu kẻ địch.

Tháng 8, tôi leo lên Lão Sơn, nhìn xuống phía dưới, vẫn còn nhìn thấy cảnh thây xác. Đó đều là xác quân địch bị bắn chết trong cuộc chiến “12/7”. Sau này, quân địch phát hiện trên địa phương này có căn cứ, đã tập trung hoả lực đánh vào đây. Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Đồng đội của anh ấy nói rằng, khi chết, anh đang dựa vào một gốc cây và cứ đứng chết như vậy. Sau khi bộ đội rút đi, vẫn đi qua Lạc Thủy Động. Cô gái người Miêu đứng ở đầu thôn, tìm từng người, từng người một. Các sĩ quan binh lính đi ngang qua cô, họ đều cúi đầu, giống như đã phạm một lỗi lầm. Họ đã thay đổi quan điểm về Vương Nhân Tiên và khi đó đã có một tâm trạng hoàn toàn thay đổi.

Cuối cùng, cô gái cũng biết Vương Nhân Tiên đã hy sinh. Bạn xem cô gái đó sẽ làm gì? Cô đã bán tài sản trong nhà lấy tiền mặt, mua hai tút thuốc lá đầu lọc tương đối cao cấp, đến trước mộ của Vương Nhân Tiên, bóc hết hai tút thuốc, rồi châm lửa từng điếu từng điếu một, cắm lên mộ. Trên mộ đã cắm đầy thuốc. Khi nghe kể chuyện ấy, tôi hết sức cảm động.

Năm 1984, khi tôi đến Lão Sơn thì mộ của Vương Nhân Tiên đã được xây rồi. Ban đầu, trong quân đội không ghi công cho Vương Nhân Tiên, sau này, do yêu cầu mạnh mẽ của các nhà văn như chúng tôi, Vương Nhân Tiên đã được ghi công, đại để được ghi công hạng nhất. Khi đó, tôi đi tìm bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ và tôi đã tìm thấy. Tôi đã học theo cách của cô gái người Miêu, bóc một bao thuốc lá, đốt từng điếu và cắm lên mộ anh. Hồi ấy tôi là Tiểu đoàn phó Ban Liên lạc Không quân.

Năm 1999, tức 15 năm sau đó, khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Chính trị Không quân Bắc Kinh, tôi lại cùng một vài đồng chí Trưởng ban như Vương Xuân Ba, Lưu Phan đến nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha. Lão Sơn vẫn xanh tươi như xưa. Lần đó, tôi chỉ mang rượu, thuốc lá từ Bắc Kinh, trước mộ Vương Nhân Tiên tôi đã rót rượu và châm thuốc mời anh. Tôi và các đồng chí đi cùng đều không cầm được nước mắt. Họ nói, Chủ nhiệm vẫn còn tình cảm sâu đậm với vùng đất này quá! Sau khi tôi đến công tác tại Không quân Thành Đô, tạm thời tôi vẫn chưa đi [Ma Lật Pha]. Đương nhiên là tôi muốn đi. Bia mộ ngàn năm vẫn biết nói. Khu vực Ma Lật Pha có vài nghìn ngôi mộ, đến gần mỗi ngôi mộ là đến gần một linh hồn. Đến gần nghĩa trang liệt sĩ Ma Lật Pha, những toan tính đời thường trong đầu không còn tồn tại nữa.[iii]

Bài đã đăng lần đầu tại trang Đông Tác Giao lưu (http://dongtac.hncity.org/) dưới tiêu đề “Vì sao Trung Quốc đánh Việt Nam?”.

————

[i] TQ gọi là cuộc chiến “Lão Sơn (VN gọi là Núi Đất)” và “Giả Âm Sơn (VN gọi là Núi Bạc)”, tức cuộc lấn chiếm của TQ ở khu vực điểm cao 1509 huyện Vị Xuyên và Núi Bạc, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, VN, năm 1984. Trong một bài viết khác, Lưu Á Châu từng nói do thấy lính TQ chết nhiều quá mà điểm cao này không có giá trị chiến lược lớn, ông đã viết thư cho CTTQ Dương Thượng Côn kiến nghị hủy bỏ chiến dịch này. Mấy tháng sau phía TQ đã ngừng tấn công các điểm cao nói trên. N.D

[ii] Bản dịch của TTXVN.

[iii] Bản dịch của TTXVN.- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/18/chien-tranh-1979-duoi-con-mat-mot-vien-tuong-tq/#more-14362

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét