Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Đánh giá ứng viên trong học thuật

Tác giả: Nguyễn Văn Tuấn
2015-04-22
 
Trời! Sáng ra vào Facebook thì thấy quá nhiều comments và khen. Trong tất cả các note tôi viết và chia xẻ trên Facebook từ trước đến nay, có lẽ cái note ngày hôm qua được nhiều bạn chào đón nhất. Rất cám ơn các bạn đã cho ý kiến về một trường hợp tôi nghĩ rất là thật sự xuất sắc. Tôi thông cảm cho một vài bạn tỏ ra nghi ngờ về thành tích khoa học của em này quá siêu. Nhưng ở đâu thì tôi không rõ, chứ ở Úc, nơi các em lớn lên trong môi trường mà sự thành thật tri thức được đặt lên hàng đầu, tôi ít khi nào đặt chuyện thật hay giả dối thành vấn đề. Tôi có con lớn lên ở đây và biết chúng được huấn luyện trong nhà trường như thế nào, không giống như vài trẻ em ở VN, trẻ con ở đây xem nói dối là một trọng tội. Vả lại, em này đã từng làm tại những nơi mà tôi đều biết, nên không có chuyện gian dối ở đây. Có bạn hỏi kinh nghiệm của tôi trong việc đánh giá một ứng viên như thế nào. Đây là câu hỏi có khi quan trọng, nên nhân dịp này tôi muốn chia sẻ vài kinh nghiệm rất cá nhân …
 
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi từng được/bị người khác phỏng vấn cho những vị trí và fellowship. Tôi cũng từng ở vị trí phỏng vấn người khác cũng cho những vị trí như giáo sư, fellow. Ngoài ra, tôi còn có dịp ngồi trong các hội đồng khoa bảng để mướn người. Nói vậy không có nghĩa là “nổ” hay “khoe khoang” gì (vì ai ở vị trí như tôi đều là như thế cả), nhưng để nói rằng qua những trải nghiệm như thế tôi có thể rút ra được một số kinh nghiệm trong việc đánh giá ứng viên.
 
Nếu viết ra một danh sách dài những tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá thì tôi không có thì giờ, và cũng không thể nào am hiểu hết các chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có một văn hoá bộ lạc riêng. Do đó, tôi chỉ nói bên ngành y thôi. Thêm nữa, khi đánh giá một ứng viên, những tiêu chuẩn và tiêu chí còn tuỳ thuộc vào vị trí. Điều này thì đương nhiên, vì đâu có ai dùng tiêu chuẩn dành cho một phó giáo sư để đánh giá một ứng viên nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ được. Tương tự, cũng không thể lấy tiêu chuẩn của một đại học làng nhàng nào đó để đánh giá cho một đại học thuộc đẳng cấp “elite”.
 
Cũng như bao nhiêu người khác, theo thói quen, tôi thường nhìn qua cái “cover letter” của ứng viên trước. Cái cover letter tuy chỉ có 1 trang thôi, nhưng nó có thể cho tôi cái nhìn tổng quan về quá trình học vấn và thành tích khoa học của ứng viên. Ứng viên có sự tự tin và biết mình là ai sẽ đi thẳng vào những thành tựu chính, chứ không kể lê thê những chuyện làm vớ vẩn, làng nhàng. Kể lể mấy việc làm linh tinh chỉ làm cho người đọc xao lãng cái thông điệp chính. Writing is thinking; do đó, ngoài nội dung ra, nhìn vào cách tiếng và dùng chữ tiếng Anh, tôi có thể đoán được phần nào khả năng diễn đạt của ứng viên. Ứng viên có suy nghĩ minh bạch và khúc chiết có cách viết một cách logic và không dồn nhiều ý tưởng trong một câu văn. Ví dụ như cách viết này (“The Vietnam War or Second Indochina War—known in Vietnam as the American War—was one of the most destructive conflicts in history, and ended with a triumphant victory for Ho Chi Minh’s Communist forces and the most humiliating military defeat the United States has ever experienced”) theo tôi là một thất bại thê thảm.
 
Đối với các ứng viên cho các vị trí học thuật, phần quan trọng nhất dĩ nhiên là phần “Publications”. Chỉ cần nhìn qua phần này, tôi cũng có thể đánh giá chút chút về ứng viên. Những ứng viên có thành tích không tốt mấy, thường vơ vét conference abstracts và conference proceedings trong phần này. (Trong ngành y và nghe nói cả kĩ thuật, các conference abstracts và conference proceedings không được đánh giá cao). Những ứng viên thiếu kinh nghiệm học thuật có xu hướng liệt kê những bài vớ vẩn, trên những tập san dỏm. Những ứng viên phi học thuật sẽ liệt kê cả những bài viết trên các báo chí phổ thông đại chúng như Sydney Morning Herald, The Economist, Time, v.v. Những bài báo loại này thì chỉ làm người đọc cười ngất.
 
Người có kinh nghiệm sẽ chia phần Publications ra thành 4 phần nhỏ: original contributions, reviews, commentaries, và books hay book chapters. Original contributions là những bài nghiên cứu nguyên thuỷ. Reviews là những bài tổng quan. Commentaries là những bài xã luận hay thư cho biên tập. Vân vân. Số lượng bài báo original contributions thường được xem trước, vì nó phản ảnh một phần về năng suất của ứng viên. Tên tập san (và nếu có, impact factor) cũng quan trọng, vì nó là tín hiệu về phẩm chất khoa học của ứng viên. Tên tập san còn nói lên ứng viên thuộc hạng elite hay làng nhàng. Loại làng nhàng chỉ công bố trên mấy tập san thấp. Bài báo tổng quan nó có thể nói lên vị trí của ứng viên là “lính” hay là “sếp”.
 
Một khía cạnh quan trọng là vị trí của ứng viên trong bài báo. Nếu ứng viên công bố những bài đầu tiên trong sự nghiệp đứng tên tác giả đầu thì đó là tín hiệu cho thấy ứng viên đang tự thiết lập mình. Nhưng nếu sau khi tốt nghiệp hay sau khi xong postdoc mà không có bài đứng tên đầu thì đó là tín hiệu cho thấy ứng viên còn quá yếu, chưa đứng vững được, có thể chỉ làm “lính đánh bộ” cho người khác thôi. Nhưng nếu ứng viên đứng tên tác giả ở vị trí có trách nhiệm thì điều đó là một tín hiệu cho thấy tác giả đã ok. Có rất nhiều bạn ở VN có nhiều bài báo, có khi trên những tập san rất tốt, nhưng chỉ là lính đánh bộ, chứ không phải là tác giả chính hay tác giả chịu trách nhiệm, và do đó, thành tích khoa học không được đánh giá tốt.
 
Một chỉ số quan trọng khác là citation hoặc chỉ số H. Ngày nay, nhiều người dùng tần số trích dẫn để đánh giá một nhà khoa học. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi đọc CV của các nhà khoa học, họ thường khoe là họ có bao nhiêu citations, vì con số này phản ảnh phần nào đó tầm ảnh hưởng của nhà khoa học trong chuyên ngành. Chỉ số H dĩ nhiên là quá nổi tiếng, vì rất nhiều cơ quan và đại học dựa vào đó để bổ nhiệm chức danh khoa học và cấp tài trợ. Chỉ con số đơn giản như H mà có khi quyết định cả sự nghiệp của một cá nhân. Tôi thấy điều này không công bằng, nên tôi dùng chỉ số H rất cẩn thận, nhất là đối với những người trẻ.
 
Tôi cũng xem qua những hội nghị mà ứng viên từng tham dự, và tham gia với vai trò gì. Nếu là hội nghị do các hiệp hội lớn tổ chức thì ok. Nếu được các hội nghị như thế mời nói chuyện hay có “oral presentation” thì lại càng hay. Nếu ứng viên đóng vai trò tổ chức hay các uỷ ban khoa học của hội nghị là một tín hiệu cho thấy ứng viên là người của “bộ lạc” và đã được công nhận. Nhưng nếu hội nghị loại do các công ti thuốc đứng đằng sau thì tôi không đánh giá. Những hội nghị mà nhìn qua ban tổ chức toàn những người chẳng có tên tuổi, hay trong đó toàn những bài tổng quan, thì tôi cũng bỏ qua. Những hội nghị mà một nhóm nhỏ trong ngành đứng ra tổ chức ở những nơi như Việt Nam chẳng hạn thì cũng coi chừng, vì đó cũng là loại dỏm là chủ yếu.
 
Nếu là ứng viên cho các chức danh học thuật cỡ lecturer trở lên, tôi xem xét kĩ những đóng góp cho chuyên ngành. Những đóng góp này bao gồm làm chuyên gia bình duyệt cho các tập san, thành viên ban biên tập, hay bình duyệt đơn tài trợ cho các tổ chức có uy tín. Thời đại ngày nay có quá nhiều tập san dỏm hay tập san mới ra đời chưa có uy tín, nên tôi không đánh giá những tập san đó (vì nhiều khi họ là bạn bè lôi kéo nhau vào chứ không qua recognition); tôi chỉ đánh giá nếu họ là thành viên ban biên tập các tập san có uy tín của các hiệp hội chuyên môn.
 
Giải thưởng trong chuyên ngành cũng quan trọng, vì đó là một tín hiệu của excellence. Tôi có những em nghiên cứu sinh chiếm giải thưởng tốt và sau này sự nghiệp khá là hanh thông. Dĩ nhiên, chỉ tính những giải thưởng khoa học có uy tín, chứ những giải mang tính chính trị như ở VN (kiểu như "nhà giáo nhân dân", "nhà giáo ưu tú", giải Hồ Chí Minh gì đó) thì rất khó đánh gia. Cũng phải phân biệt giải thưởng. Có giải dành cho nhà khoa học trẻ và "early career" rất khác với giải thưởng trọn đời, "lifetime". Giải Nobel, chẳng hạn, khác với giải Fields.
 
Ngoài những tiêu chí trên, tôi cũng sẽ xem qua thành tích cộng đồng của ứng viên. Chẳng hạn như ứng viên có tham gia làm những việc thiện nguyện trong cộng đồng, hay là thành viên gì trong các tổ chức dân sự hay không. Chẳng hạn như thằng con tôi, ngoài chuyện học hành, nó tham gia vào SES, chuyên đi cứu nạn khi có thiên tai, và cái phần này coi vậy mà rất quan trọng trong CV. Một số em thì làm lãnh đạo trong các hội như Hướng đạo. Ở Úc, không có đoàn thanh niên cộng sản, nên việc đánh giá cũng dễ. Ở Úc, cũng không có những trò như “khám thiện nguyện” như ở Việt Nam, nên tôi không phải bận tâm chuyện đó.
 
Ngày xưa, lúc tôi làm đơn đề bạt chức danh professor, hội đồng học thuật yêu cầu tôi phải chỉ ra danh sách 5 người mà tôi tự đánh giá là mình tương đương với họ. Phải liệt kê tên họ, nơi công tác, và chỉ số H của 5 người đó. Nơi công tác rất quan trọng, vì trường [ví dụ như] Sydney họ nghĩ họ là cỡ world class, họ sẽ không bao giờ đánh giá cao những professor của những trường kiểu như đa số “state university” bên Mĩ. Do đó, nếu mình tự đánh giá ngang hàng với những người trong trường đó thì cũng có nghĩa là mình tự đánh rớt mình! Ngày nay, tôi thấy trong đơn xin postdoc, ứng viên cũng làm theo mô hình này, tức là tự chỉ ra 5 người mà ứng viên nghĩ là tương đương.
 
Nói tóm lại, đánh giá một ứng viên là một việc làm khó khăn, nhiều chiều kích. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thành tích học thuật và khoa học. Trong thế giới phức tạp ngày nay, khi đánh giá thành tích khoa học, phải quan tâm đến những chi tiết không chỉ định tính mà còn cả định lượng. Chẳng hạn như tên tập san, impact factor, citation, H index, v.v. những chỉ số đó chỉ mang tính tham khảo (có thể là quan trọng) nhưng vẫn phải xem qua thành tích thật sự qua những công trình mà ứng viên đã làm và ứng viên tự giải thích thì mới chính xác. Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ cần xem qua vài công trình tiêu biểu là đủ để đánh giá chính xác hơn cả những chỉ số mang tính định lượng.
 
Nhưng tôi phải nói thật lòng rằng đánh giá ứng viên có nhiều khi rất ư là cảm tính và chủ quan. Điều này tôi nói thật, vì đã từng chứng kiến biết bao nhiêu nhận xét của những người trong các hội đồng học thuật. Có khi chính tôi là nạn nhân của sự đánh giá chủ quan. Khoảng 15 năm trước, khi tôi xin chức danh research fellow lần đầu, tôi bị đánh rớt. Lúc đó, họ đánh giá tôi là có nhiều công trình, nhưng đứng tên đầu nhiều, nên có lẽ tôi chưa phải là độc lập, hoặc tôi quá ích kỉ (không cho nghiên cứu sinh đứng tên đầu). Dĩ nhiên, cả hai đánh giá đều không đúng, nhưng lúc đó họ không cho tôi cơ hội để trả lời, do tôi rớt ngay từ vòng đầu. (Vòng đầu có khoảng 2000 người, và họ chỉ chọn khoảng 200 cho phỏng vấn; vòng hai thì chỉ có 50-70 người đậu). Phải 2 năm sau tôi mới thành công, và tôi có kể lại trong một bài phóng sự dài trước đây. Khi họ chê mình đúng thì mình cũng ráng mà ghi nhận, chứ không nên giận dỗi họ. Bất cứ cái gì mình thất bại thì việc đầu tiên là nhìn lại mình trước cái đã, trước khi trách người khác. Mình đã viết và mô tả đầy đủ chưa? Mình đã đáp ứng tiêu chuẩn người ta đề ra chưa? Mình đã làm gì để người ta đánh rớt? Vân vân.
 
Có một điểm rất quan trọng tôi muốn nói là vai trò của nơi công tác và người thầy trong việc tạo điều kiện để trò thành công. Ở những nơi có môi trường học thuật tốt và văn hoá khoa học đàng hoàng, những người thầy thường được nhắc nhở là phải tạo điều kiện để trò khá lên. "Tạo điều kiện" có thể hiểu là cho họ đứng tên đầu bài báo, là tìm project nhỏ cho họ tự làm để dần dần đứng độc lập, là tìm cách cho họ được mời giảng, v.v. Tôi nhớ có lần một đồng nghiệp tôi, chị ấy rất giỏi, học và làm ở những "right address" (Yale, Stanford, UCLA, Monash), công bố rất tuyệt, nhưng rất ít ai mời đi giảng. Khi chị ấy xin chức fellow thì bị đánh rớt vì họ nói chưa có bằng chứng về recognition. Thế là trong hội, chúng tôi phải tìm cách cho cơ hội chị ấy được mời giảng trong vài hội nghị. Phải 5 năm sau, chị ấy mới thành công. Nói như vậy để các bạn thấy rằng được/thua là chuyện thường tình; một lần thất bại dĩ nhiên là rất đau, nhưng không phải vì thế mà mình chán chường và không gượng dậy. Phải xem thất bại là cơ hội để cải tiến.
 
Nhân một buổi sáng vui, tôi viết một mạch để chia xẻ cùng các bạn như thế. Chắc chắn là chưa đủ, nhưng các bạn có thể đóng góp thêm cho hoàn chỉnh.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét