Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

20 điều startup Việt Nam cần đạt được



Gần đây, có nhà đầu tư đã chia sẻ với tôi rằng một trong những vấn đề lớn nhất của startups tại Việt Nam là chúng ta thường bắt chước những ý tưởng từ thung lũng Silicon. Nếu một startup có thể bắt chước ý tưởng của họ thì các startup khác cũng dễ dàng ăn trộm lại ý tưởng đó. Và hệ quả là hệ sinh thái của chúng ta chỉ toàn những ý tưởng rẻ tiền. Những ý tưởng rẻ tiền thì dễ dàng bị trộm và thường không cầm cự được lâu dài nếu không có một đội ngũ triển khai tốt.

Chúng ta cần phải thừa nhận rằng các startup chưa thật sự nghiêm túc đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chúng ta chưa tạo ra những công nghệ và ý tưởng độc đáo, khó bị bắt chước và thực sự mang lại giá trị đột phá cho thị trường. Hãy nhìn vào ví dụ của Yahoo và Google, hai gã khổng lồ này đã vươn mình nổi bật giữa hàng loạt các dự án của rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học máy tính ở Đại học Standford. Chắc chắn hai gã này phải có những vũ khí bí mật riêng của mình.

Năm ngoái, tôi từng có bài viết 10 điều cần làm để “cứu” tình hình các startup Việt, và kể từ lúc đó đến nay, hệ sinh thái startup đã thay đổi đáng kể. Những vị cố vấn đã chịu xuất hiện, các startup nghiêm túc hơn trong khởi nghiệp, nhà đầu tư thận trọng hơn, và thậm chí, một số startup nhỏ trước đây cũng phấn đấu lên được tầm trung. Các yếu tố cạnh tranh mới cũng rộ lên, đi từ thị trường thương mại điện tử đến thị trường di động rồi sang thị trường đặt chỗ dịch vụ online. Nói cách khác, hệ sinh thái startup Việt Nam cho thấy những dấu hiệu trưởng thành.

Cùng lúc, nhóm Tech In Asia Việt Nam của chúng tôi cũng đang lớn dần. Chúng tôi theo dõi và xem xét hệ sinh thái startup thông qua các sự kiện, email, và những buổi cafe bàn chuyện cùng một thế hệ các startup mới. Và dù cho hệ sinh thái startup đã chứng kiến một sức mạnh mới, thì vẫn còn đó những vấn đề thật sự nghiêm trọng diễn ra với các startup Việt Nam, nơi những nhà sáng lập, nhân viên, và những lãnh đạo trong hệ sinh thái. Những vấn đề này cần được hiểu rõ trước khi Việt Nam có thể thật sự bước lên một tầm mức mới.

Bước lên một tầm mức mới nghĩa là gì?

Hiện hệ sinh thái Việt Nam bị che phủ bởi cái bóng của VNG. Công ty này có trị giá nghe đâu lên tới 1 tỉ đô. Đi sau VNG là hai ông trùm: Vật giá và VC Corp, hai công ty có trị giá khoảng 100 triệu đô. Phía sau hai công ty này là một loạt các startup có giá trị tầm từ 10 đến 30 triệu đô, như: Tiki.vn, Appota, mWork, Topica, Hotdeal, Vietnamworks, và một vài công ty khác. Nhưng sau các startup này là hàng loạt các startup đang phải vật lộn để chạm được mức giá trị công ty là 1 triệu đô. Bước lên một tầm mức mới nghĩa là bước lên tầm mức mà VNG đang ở. Startup Việt Nam có làm được vậy không?
Khi trao đổi cùng các nhà đầu tư, các startup, tôi nhận thấy được một số vấn đề từ các startup trẻ. Tôi nghĩ rằng các startup Việt hiện nay, tuy có trưởng thành và toả sáng hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn ngây thơ. Khi tôi hỏi một startup vì sao họ bước vào thị trường thương mại điện tử thì họ giải thích rằng “vì đó là xu hướng hiện nay”, và tôi thấy có điều gì dó không đúng ở đó. Hay như khi tôi gặp một startup mới, đã làm sản phẩm được 6 tháng, họ vẫn không biết làm cách nào để kiếm ra tiền từ sản phẩm của mình. Tôi thật sự lo ngại. Anh Lê Hồng Minh, CEO của VNG, thường nói:
Hiểu chính xác lý do bạn phải trở thành một doanh nhân và bạn đang là ai giữa hàng loạt các câu hỏi sâu và khó, quả là khó để có được câu trả lời.
Rõ ràng, các startup trẻ Việt Nam cần phải có chiều sâu hơn nữa.


Thế nên, để giúp bạn đọc hiểu hơn, tôi đã góp nhặt lại đây những phê bình và những nhận xét sâu sắc mà tôi đã nghe được trong một vài năm qua, những góp ý mà startup Việt cần phải nghiền ngẫm cách nghiêm túc. Một số trong những điều nêu ra đây sẽ tác động đến các startup, một số khác sẽ chỉ ảnh hưởng chút đỉnh mà thôi. Nhưng tất cả 20 điều này có giá trị không đồng đều cho sự sống còn và lớn mạnh của startup.

1. Kinh nghiệm

Tất nhiên, làn sóng những người sáng lập startup Việt mới còn rất trẻ (mà chỉ một số ít trong số họ đã tốt nghiệp đại học). Nhưng việc này sẽ để lại tiền đề tốt cho sự phát triển của giới khởi nghiệp về sau. Xét về yếu tố tuổi tác, người ta đã xác định rằng những start-up thành công nhất được tạo ra bởi những người có độ tuổi trung bình là 28 tuổi rưỡi. Có nghĩa là bạn sẽ mất một vài năm lăn xả để tích lũy kinh nghiệm, đam mê và ý chí sắt đá để xây dựng một startup thành công.
Việc thiếu kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Người trẻ tuổi thường nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng nhưng lại thiếu tinh tế để nhìn ra những góc khuất hay chưa đủ khả năng để nhìn startup của mình ở tầm bao quát. Cách thức tốt nhất để tích lũy kinh nghiệm là thất bại. Người sáng lập đã từng nếm mùi thất bại sẽ biết cách vượt qua thất bại. Người tài sẽ biết: khi nào chưa được phép bỏ cuộc. Người càng trẻ thì càng muốn bỏ cuộc sớm.

2. Các mối quan hệ


Mối quan hệ là bí quyết ít khi được công khai nhưng thường được các đồng nghiệp rỉ tai nhau trong các cuộc trà dư tửu hậu. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết mà start-up cần và các start-up trẻ đặc biệt thiếu.
Việt Nam là một “bãi mìn”. Hệ thống pháp luật thiếu minh bạch và chưa hoàn thiện khiến bạn phân vân liệu việc mình làm là đúng hay sai.

Có được một mối quan hệ với đúng người, có thể là chính trị gia hay doanh nhân sẽ tạo nên sự khác biệt mang tính sống còn. Nếu mối quan hệ của bạn bao gồm cả những doanh nhân chuyên nghiệp đã từng thành công tại Việt Nam, chắc chắn rằng họ sẽ có khả năng giúp bạn từng bước hiểu rõ thị trường Việt Nam. Điều này còn tốt hơn cả việc quen biết một người tốt nghiệp MBA. Một mối quan hệ có thể xây dựng hoặc phá hỏng sự nghiệp của bạn.
Một vài startup hàng đầu ở Việt Nam có được thành công là nhờ vào mối quan hệ. Bạn không bao giờ được phép đánh giá thấp yếu tố này và hãy chăm sóc các mối quan hệ của bạn cẩn thận và chu đáo. Mối quan hệ sẽ giúp bạn gọi vốn, lèo lái qua những vấn đề pháp lý và chính trị, giúp bạn thương lượng và tìm kiếm đối tác. Các mối quan hệ sẽ bảo vệ bạn.

3. Biết đầu ra và hiểu nhu cầu của nhà đầu tư

Đại đa số startup tôi gặp đều muốn gọi vốn. Những công ty làm về mảng thuê ngoài, làm theo đơn hàng có nguồn thu thụ động thì ít cần nhà đầu tư. Nhưng nếu bạn mong muốn startup của mình đạt tới giá trị hàng triệu đô la, bạn cần nhà đầu tư. Và nếu bạn mong muốn nhà đầu tư bỏ đủ tiền để bạn đạt tới cấp độ đó, bạn cần phải hiểu được giá trị đầu ra và hiểu nhà đầu tư mong muốn gì ở bạn. Sản phẩm bạn tạo ra cần phải định vị được giá trị của nó ở thị trường lớn hơn. Bạn cần phải biết những công ty nào trên thị trường cần bạn và sản phẩm bạn cần thiết cho thị trường nào. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ gọi được vốn và một trong những chìa khóa để làm được việc này là…

Hãy thành chú cá lớn bơi trong chiếc bình lớn. Ảnh: thegulfrecruitmentgroup.com

4. Bảo đảm rằng thị trường của bạn lớn

Tôi nhận thấy có 2 loại start-up ở Việt Nam gần đây. Một loại có thị trường nhỏ đến đến mức nhà đầu tư chẳng thèm nhìn vào. Một loại khác muốn tấn công vào thị trường toàn cầu và muốn được biết đến rộng rãi như Facebook, Google. Trong trường hợp đầu tiên, thị trường quá nhỏ đến mức nhà đầu tư chẳng quan tâm và lượng người dùng không đủ lớn để công ty phát triển. Trong trường hợp thứ hai, không có một hướng đi nào để quảng bá hay tìm kiếm một lượng người dùng chủ chốt. Nếu bạn đang nhắm đến thị trường toàn cầu, bạn cần phải thật sẵn sàng trang bị cho mình một đội ngũ năm sao có tư duy toàn cầu, tư duy thiết kế và một sản phẩm hay mô hình kinh doanh tuyệt vời. Những điều kiện như thế lại khá hiếm ở Việt Nam.

Về cơ bản, một hướng đi trung hòa giữa hai lựa chọn là tìm một thị trường ngách nhưng lớn (ví dụ như thị trường trò chơi và nội dung trên điện thoại như của Appota hay trò chơi trên máy tính như của VNG). Như Paul Graham đã làm rõ quan điểm của mình: bạn cần phải tìm một thị trường nhỏ có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành thị trường lớn.
Tóm lại, bạn cần có một mô hình kinh doanh chủ chốt để có thể mở rộng và tăng trưởng theo dòng tiền mà bạn đổ vào thị trường lớn.

5. Một mô hình kinh doanh hoàn hảo

Cuối cùng thì bạn phải làm ra tiền để nuôi sống gia đình và chính bản thân. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một mô hình kinh doanh hoàn hảo để thành công ở Việt Nam. Một số mô hình kinh doanh tôi được thấy gần đây thường huy động lượng vốn rất nhỏ. Nếu bạn chỉ mong kiếm được 1 triệu đô một năm đủ để nuôi sống gia đình và team của mình thì bạn có thể an phận với những gì đang có. Nhưng đấy chẳng khác nào kiểu kinh doanh như một thú vui. Đó không thật sự là khởi nghiệp.
Startup được xây dựng để phát triển nhanh và mạnh, để tạo ra giá trị khổng lồ và để thâm nhập vào những thị trường mới với mô hình kinh doanh sáng tạo mà Phố Wall chưa từng nhìn thấy. Google là một ví dụ điển hình cho việc này. Ai mà nghĩ rằng việc chèn thêm một mẩu quảng cáo nhỏ liên quan tới thứ mà người ta đang tìm kiếm lại có thể tạo ra nguồn lợi nhuận khủng? Liệu startup Việt Nam có khả năng phát kiến ra những mô hình sáng tạo như thế?

6. Triển khai

Khi nói về chủ đề sao chép, các startup Việt Nam nói riêng và startup châu Á nói chung đều lo sợ trở thành nạn nhân. Mặc dù điều kiện ngoại cảnh trong hệ sinh thái đang thay đổi (dường như các start up đang trở nên cởi mở hơn) thì mối lo vẫn còn đó. Mọi người vẫn chưa hiểu hết giá trị của giai đoạn triển khai ý tưởng. Chỉ những người thực hiện được ý tưởng một cách xuất sắc nhất mới là người chiến thắng chứ không phải là người có ý tưởng.
Thú vị nhất là những người làm giỏi thường là những người sao chép giỏi. Họ biết cách đồng bộ hóa đối thủ của mình, học hỏi từ đối thủ và biến thành phẩm của đối thủ trở thành sản phẩm của mình. Đằng sau tất cả những cuộc sao chép, ăn trộm ý tưởng thành công thì luôn có bóng dáng một người thực thi xuất sắc. Và trong hầu hết các trường hợp, một startup thất bại là vì không thể triển khai ý tưởng của mình tốt chứ không phải do bị sao chép ý tưởng. Như Đỗ Tuấn Anh, CEO của Appota từng nói “mười ý tưởng cũng chỉ đáng giá bằng một cốc bia.”


7. Góc khuất của những nguồn thu nhập thụ động

Đằng sau hầu hết những startup thành công, đặc biệt là những startup hướng đến thị trường nội địa, đều có những góc khuất. Rất nhiều trong số các startup thành công ở Việt Nam có những nguồn thu ngầm trong những ngày đầu khởi nghiệp. Nguồn thu có thể đến từ việc gian lận trò chơi, công nghệ spam, phần mềm cờ bạc, virus hoặc các kho ứng dụng từ bên thứ ba hoặc từ bất kỳ thứ gì.
Giai đoạn đầu với sức ép phải đi tìm mọi biện pháp có thể để làm ra tiền, đôi khi mập mờ giữa ranh giới bất định của pháp luật, là giai đoạn cần thiết để rèn luyện tư duy cầu tiến và tạo nên những doanh nhân Việt Nam nhanh nhạy. Nếu bạn muốn sinh tồn trong bãi mìn Việt Nam, bạn phải dày dạn kinh nghiệm. Sự thật là những doanh nhân khởi nghiệp trẻ xoay từng đồng tiền đầu tiên bằng phương pháp này để có thể toàn tâm tập trung vào những dự định to lớn hơn.

8. Thấu hiểu khách hàng

Bàn về chuyện khách hàng thì phải nhắc đến câu chuyện của 5giay.vn. Người sáng lập ban đầu mở ra trang 5giay chỉ để bán màn hình máy tính của mình. Sau khi thành công, bạn bè anh ta bắt đầu tìm đến để nhờ bán các sản phẩm khác của họ. Và trang 5giay ra đời như thế. Phương chưa từng có ý định kinh doanh riêng. Anh ta chỉ đơn giản là biết mình cần gì và tình cờ tạo ra một sản phẩm mà nhiều người khác cũng cần: một nơi để mọi người bán những đồ đã qua sử dụng.
Ngày nay, start-up chưa thật sự gần gũi với khách hàng mà chỉ chú trọng vào công nghệ. Các start-up trẻ cần phải bước ra khỏi văn phòng đi nói chuyện với khách hàng và những đối tác tiềm năng nhiều hơn, để lắng nghe nhu cầu thực sự của họ là gì. Đó mới là nơi ra đời của những ý tưởng kinh doanh thực thụ.

9. Tư duy thiết kế

Khi nói đến thiết kế, người ta thường bàn đến vẻ ngoài của sản phẩm. Steve Jobs đã từng nói rằng “Thiết kế không đơn giản chỉ là vẻ ngoài mà còn là cách nó vận hành”. Khi bạn nhìn vào thị trường thanh toán “kinh khủng” ở Việt Nam, bạn sẽ lập tức nhận ra điều mà tôi đang nói đến ở đây. Mỗi nền tảng thanh toán đều phức tạp đến ngớ ngẩn và khó sử dụng với cả một blogger công nghệ ngày ngày tiếp xúc với hàng loạt công nghệ mới. Có quá nhiều bước phải thực hiện.
Dieter Rams đã từng nói “Một thiết kế tốt là khi bạn dùng ít thiết kế nhất có thể”. Thật vậy, chúng ta đang chứng kiến một làn sóng thiết kế mới ở Việt Nam: Triip.me, Not A Basement Studio, Tappy, và thậm chí là Flappy bird. Nhưng toàn bộ hệ sinh thái cần nhiều thiết kế đơn giản hơn nữa để biến thiết kế trở thành một điểm sáng tinh tế của từng sản phẩm.

10. Văn hóa

Ảnh: Medium.com
Tại sự kiện Đấu trường khởi nghiệp mà chúng tôi tổ chức gần đây, ông Kuo-Yi Lim từ Monk’s Hill Ventures đã nhận định rằng những startup ở châu Á chật vật trong việc xây dựng văn hóa mở do bị cản trở bởi nếp suy nghĩ phân bậc của văn hóa Á Đông. Ông cho rằng đây là việc các start-up cần thiết phải làm để khuyến khích những ý tưởng mới, đẩy nhanh tốc độc làm việc và nhanh chóng tăng trưởng về quy mô.
Peter Theil, đồng sáng lập của Paypal đã từng có câu cách ngôn rất hay “Don’t fuck up the culture” (tạm dịch là: đừng đổ lỗi tại văn hoá). Startup cần phải tạo nên văn hóa mới trong công ty sao cho từng thành viên phát huy và thể hiện năng lực của mình tốt hơn ở bất cứ môi trường nào khác. Việc này không hề đơn giản. Văn hóa là thứ khó định hình. Nó đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo, quy trình, tuyển dụng, môi trường và nhiều yếu tố khác. Có ai đã từng tự hỏi tại sao Apple, Facebook và Google dành rất nhiều tâm huyết trong việc xây dựng văn phòng. Họ muốn tạo một môi trường mà mọi người thích thú và thoải mái làm việc cùng nhau. Đây là sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng văn hóa công ty. Một số công ty ở Việt Nam cũng bắt đầu làm tương tự. Những công ty này nhận ra rằng sự sáng tạo không thể tồn tại trong môi trường văn hóa nghèo nàn.
Về bản chất, văn hóa là tập hợp những giá trị cốt lõi, thái độ, hành vi ứng xử nhất quán trong một đội ngũ và có khả năng lan rộng. Có thể nói rằng, văn hóa chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất gắn kết mọi nhân tố để cho ra đời những sáng tạo đột phá.

11. Định hướng rõ ràng

Ở Việt Nam, có ba hướng đi chính. Đó là nhắm vào thị trường nội địa, thị trường khu vực hoặc thị trường toàn cầu. Việt Nam đã có những thành công nhất định tại thị trường nội địa và thị trường toàn cầu. Thị trường nội địa chứng kiến sự thành công rực rỡ của VNG. Thị trường toàn cầu đã biết đến Flappy bird. Đâu đó Misfit Wearables, Not A Basement Studio, VC Corp, Vat Gia và rất nhiều những công ty khác đã gây được tiếng vang nhất định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy một ứng viên nổi bật nào ở thị trường khu vực mặc dù rất nhiều công ty nội địa đang có xu hướng cạnh tranh ra khu vực Đông Nam Á như Appota.
Ba hướng đi này đòi hỏi nguồn lực, đội ngũ, mối quan hệ và những định hướng rất khác nhau. Ở hướng đi ra thị trường toàn cầu, người sáng lập cần phải tham gia những hội nghị quốc tế, phải đi du học, xây đắp những mối quan hệ tầm cỡ quốc tế, họ cũng cần phải có một đội ngũ với tư duy toàn cầu và tạo ra được sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ở thị trường nội địa, bạn cần có mối quan hệ mật thiết với các đối tác và chính quyền địa phương, bạn cần phải hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và biết cách chèo lái để công ty kiếm được những đồng tiền thật từ môi trường kinh doanh bấp bênh và còn rất mơ hồ ở Việt Nam.
Trong mỗi hướng đi, các startup cần phải xác định rõ ràng con đường đi của mình qua từng tháng, từng năm.

12. Nghiên cứu thị trường

Bạn cần phải hiểu rõ thị trường để vạch được hướng đi đúng và rõ ràng cho mình. Bạn cũng cần phải tính toán hợp lý để ước lượng độ lớn, ngưỡng phát triển, độ tăng trưởng và phạm vi của thị trường mà bạn đang nhắm đến. Những startup mà tôi gặp ngày nay thường đưa ra những con số rất mơ hồ về thị trường. Và hầu như lúc nào họ cũng đánh giá quá cao về độ lớn của thị trường.
Lấy ví dụ nếu tôi đang nhắm vào thị trường du lịch, tôi có thể ước tính được thị trường này trị giá hàng ngàn tỉ đô nhưng đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ. Trong thực tế, thị trường của tôi nhỏ hơn nhiều vì tôi chỉ đánh vào một phân khúc ngách nhỏ ở Việt Nam. Như vậy, ước tính của tôi phải thu nhỏ lại gấp nhiều lần. Các startup ở Việt Nam cần phải có được những con số thực tế hơn.

13. Tầm nhìn

Khi đặt mục tiêu, các startup cần phải thực tế nhưng cũng cần phải có tầm nhìn. Thành thực mà nói thì những startup nhỏ ở Việt Nam đang còn cách rất xa mức giá trị 10 triệu đô và cùng giống nhau ở chỗ là đều tự đặt cho mình những mục tiêu khiêm tốn. Chúng ta cần những startup dám mơ về mức giá trị 100 triệu đô. Chúng ta cần những startup dám mơ và lên kế hoạch nghiêm túc để trở thành công ty tỉ đô. Đây là cách duy nhất để khiến nhà đầu tư chú ý đến Việt Nam và đây cũng là cách duy nhất để các startup tạo ra ảnh hưởng trên quy mô lớn tới nền kinh tế và xã hội nước nhà.
Không khó để nhận ra rằng nếu muốn có những công ty với giá trị khổng lồ, bạn cần phải tạo ra thật nhiều giá trị có khả năng sinh lời. Vì vậy việc này không đơn giản là chúng ta chỉ trở thành những doanh nghiệp xã hội. VNG thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Việt trong khi vẫn tạo ra lợi nhuận để nuôi sống đội ngũ hơn 2000 người.

14. May mắn

Ai cũng muốn được may mắn. Cũng cần phải nói thêm rằng rất nhiều phát kiến và công ty mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đều có yếu tố may mắn riêng. Người sử dụng máy Mac chắc không lạ gì với ứng dụng Dock. Ít ai biết rằng người sáng tạo nên ứng dụng này đã từng bị ban tuyển dụng Apple từ chối nhưng sau đó lại được Steve Jobs chọn vì ông thấy thích nó. Hầu hết các startup đều có một câu chuyện may mắn như thế. Lấy ví dụ như việc Bill Gates bán DOS cho IBM hay Xerox cho Apple nhìn thấy giao diện đồ họa cho người dùng. Nếu bạn gặp và nói chuyện với hầu hết những startup thành công, bạn sẽ luôn luôn nghe họ nói về sự may mắn mà họ nhận được.
Điều này không có nghĩa là bạn phải đi cầu may (Tôi không mê tín như đa phần người Việt) nhưng bạn phải biết chớp lấy may mắn khi cơ hội tới.


15. Lean startup (hay một vài phương pháp và học thuyết khởi nghiệp đáng tin)

Nếu bạn chưa đọc về phương pháp Lean Startup được Eric Ries đề xuất thì tôi khuyên bạn nên tìm đọc ngay khi có thể. Mặc dù không phải tất cả mọi người sẽ đồng tình với phương pháp này nhưng thực tế đây là một mô hình sáng tạo về khởi nghiệp rất thuyết phục và thành công. Tất cả startup cần một phương pháp để vận hành mô hình kinh doanh của mình và kiểm chứng nó trong thị trường thực tế. Nếu không thì chẳng khác nào bạn đang đi trong khu rừng rậm buổi tối mà không có ánh sáng dẫn lối.
Không có một công thức cụ thể và rõ ràng nào để xây dựng một startup và bạn phải tự tìm lối đi riêng cho mình. Việc có trong tay một nền tảng học thuyết và phương pháp sẽ tạo nên khác biệt. Hãy học từ những người đi trước, liên tục kiểm định lại ý tưởng và tiếp tục bước tới.

16. Vấn đề thật sự

Hệ thống giáo dục Việt Nam phần nào có những ảnh hưởng nhất định. Nếu cả dân số bị kéo vào guồng học vẹt và mải miết chạy theo những kỳ thị thì lấy đâu ra không gian cho tư duy phản biện? Tư duy phản biện là cốt lõi để nhận diện vấn đề và triển khai giải pháp. May mắn thay, người Việt học được cách giải quyết vấn đề qua trải nghiệm thực tế. Nhưng nền tảng đó vẫn còn yếu. Đối với startup trẻ, tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lớn. Như Paul Graham từng lưu ý, “cho tới nay thì sai lầm phổ biến nhất mà startup mắc phải là họ đi giải quyết những vấn đề không ai gặp”.
Giới startup Việt cần nhìn nhận một cách kỹ lưỡng và phân tích xem những vấn đề mà họ đang theo đuổi liệu có thực sự tồn tại hay không. Đừng đi tìm giải pháp cho một vấn đề không tồn tại.

17. Đam mê không ngừng

Bạn thật sự tâm huyết với vấn đề bạn đang theo đuổi tới mức nào? Bạn yêu lĩnh vực của bạn tới mức nào? Bạn có sẵn sàng đi làm không lương trong hàng tuần, hàng tháng cho một ý tưởng mà chính bạn cũng chưa chắc sẽ thành công? Bạn có thoải mái và thích thú khi khích lệ những đồng đội của mình dù chẳng mấy khi gặp mặt? Bạn yêu việc sáng tạo tới mức nào? Và bạn có thể quen với việc chung sống cùng rủi ro tới mức nào?

Đây là những câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời bạn trong chặng đường đồng cam cộng khổ cùng startup. Khởi nghiệp hẳn là không dễ dàng và đây chắc chắn là một trong những việc khó khăn nhất mà bạn từng làm. Để học một nhạc cụ, bạn sẽ phải dành một vài tháng, bạn cần thêm một chút năng khiếu và một người thầy giỏi. Khởi nghiệp thì khác, nó đòi hỏi bạn phải đánh đổi bằng nhiều năm và nó sẽ thử thách bạn đến sức cùng lực kiệt. Khởi nghiệp tức là phải trả giá bằng sức khỏe, bòn rút về tinh thần. Bạn sẽ trở nên yếu đuối và dễ xao động. Có lúc bạn sẽ muốn từ bỏ. Bạn sẽ lên tới đỉnh cao danh vọng và cũng có thể rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng.
Bạn có thực sự sẵn sàng cho tất cả những điều tôi đã kể ở trên chưa?

Ảnh: Forbes

18. Đối tác và vấn đề tận dụng những thương hiệu khác

Mặc dù vẫn là một startup trẻ cần phải nỗ lực khẳng định mình trong hành trình dài phía trước, Ticketbox.vn (trang chuyên về dịch vụ bán vé cho các sự kiện) đã sớm gặt hái được thành công nhờ vào những mối quan hệ đối tác của người sáng lập. Không bao giờ được phép đánh giá thấp sức mạnh thương hiệu, nhất là khi bạn vẫn còn là một startup nhỏ không tên tuổi.
Người Việt Nam đặc biệt để tâm đến thương hiệu và có xu hướng chuộng thương hiệu ngoại hơn các thương hiệu địa phương. Nếu bạn có thể duy trì quan hệ đối tác để theo đuổi các thương hiệu khác, bạn sẽ hưởng lợi từ hiệu ứng domino. Khi khách hàng tìm đến website của bạn, họ sẽ đánh giá bạn qua việc nhìn xem đối tác của bạn là ai. Trong quá trình làm việc với các công ty lớn, bạn cũng sẽ hiểu hơn về nhu cầu và mong muốn của họ. Điều này thật sự đúng với mô hình B2B và cũng áp dụng tương tự với mô hình B2C. Theo bạn thì tại sao các công ty Rocket Internet lại rất tích cực xây dựng quan hệ đối tác với các công ty trong ngành?

19. Sáng tạo + Nghiên cứu và Phát triển

Gần đây, có nhà đầu tư đã chia sẻ với tôi rằng một trong những vấn đề lớn nhất của startups tại Việt Nam là chúng ta thường bắt chước những ý tưởng từ thung lũng Silicon. Nếu một startup có thể bắt chước ý tưởng của họ thì các startup khác cũng dễ dàng ăn trộm lại ý tưởng đó. Và hệ quả là hệ sinh thái của chúng ta chỉ toàn những ý tưởng rẻ tiền. Những ý tưởng rẻ tiền thì dễ dàng bị trộm và thường không cầm cự được lâu dài nếu không có một đội ngũ triển khai tốt.
Chúng ta cần phải thừa nhận rằng các startup chưa thật sự nghiêm túc đầu tư thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chúng ta chưa tạo ra những công nghệ và ý tưởng độc đáo, khó bị bắt chước và thực sự mang lại giá trị đột phá cho thị trường. Hãy nhìn vào ví dụ của Yahoo và Google, hai gã khổng lồ này đã vươn mình nổi bật giữa hàng loạt các dự án của rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học máy tính ở Đại học Standford. Chắc chắn hai gã này phải có những vũ khí bí mật riêng của mình.

20. Đầu tư

Bài viết này sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến Tiền. Rõ ràng là tất cả các startup đều cần tiền để phát triển, duy trì tài chính, trả lương nhân viên và đầu tư vào các nguồn tài nguyên. Nhưng tiền lại chính là vấn đề khiến tất cả những hệ sinh thái non trẻ chật vật. Sự thật là, nếu bạn có một đội ngũ với những ý tưởng tuyệt vời, tiền sẽ tự tìm đến với bạn.
Peter Thiel, sáng lập của PayPal, ông trùm của đế chế Paypal đã từng nói “lương của CEO càng thấp thì khả năng thành công của công ty càng cao”. Thiel tin rằng nếu có một đội ngũ sẵn sàng hy sinh vì sứ mệnh chung của công ty thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Vì vậy, hãy thôi để ý đến chuyện tiền nong và đặt công ty lên ưu tiên hàng đầu. Đấy mới chính là kiểu công ty hướng đến mục tiêu lớn. Những startup ở Việt Nam hiện nay đã quá để tâm vào việc tìm kiếm nhà đầu tư và tìm cách thuyết phục họ đổ tiền cho công ty. Tuy nhiên, tiền không phải là mối lo chính ở đây. Cái bạn cần làm là tập trung xây dựng một đội ngũ xuất sắc, nhìn ra vấn đề thật sự và tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.

Tôi đưa ra 20 vấn đề nhưng mỗi startup gặp vấn đề riêng của nó.

Trong khuôn khổ một bài viết tôi chỉ có thể nói cách khái quát 20 vấn đề nổi trội trong việc định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Đây là những ý kiến và quan điểm tôi đúc kết được trong suốt một năm rưỡi gặp gỡ và lắng nghe từ các startup trẻ đến các công ty công nghệ trưởng thành. Vì vậy đừng chỉ nghe mà hãy tiếp thu chúng với góc nhìn riêng của bạn.
Việc bạn xuất sắc thực hiện được một hay rất nhiều điểm mà tôi đã đề cập ở trên cũng chưa thể đảm bảo thành công sẽ đến với bạn. Khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện về chiến lược mà còn ẩn chứa một chút yếu tố may mắn. Là những người viết blog, chúng tôi vẫn còn rất nhiều thứ cần phải chiêm nghiệm và đúc kết. Chúc bạn may mắn trên con đường của mình.

Biên tập bởi Paul Bischoff

Biên dịch bởi Thuỳ Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét