Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Bóc lịch

Tác-giả: Bế-Kiến-Quốc

Em cầm tờ lịch cũ
- Ngày hôm qua đâu rồi?
Ra ngoài sân hỏi bố
Xoa đầu em, bố cười :



- Ngày hôm qua ở lại
Trên cành hoa trong vườn
Nụ hồng lớn lên mãi
Đợi đến ngày tỏa hương.

- Ngày hôm qua ở lại
Trong hạt lúa mẹ trồng
Cánh đồng chờ gặt hái
Chín vàng màu ước mong

- Ngày hôm qua ở lại
Trong vở hồng của con
Con học hành chăm chỉ
Là ngày qua vẫn còn...
.

Ngày hôm qua ở lại. Trong lòng mỗi chúng ta. Ở mãi tận khơi xa. Của cuộc đời dâu bể. Mỗi ngày ta lớn lên.

...

Nguồn: http://yume.vn/naphaluan/article/bai-tho-trong-long-ban-tay.35D2309B.html

http://vanhoagiaoduc.net/boc-lich-be-kien-quoc-10876.html

Bầm ơi!

Tác-giả: Tố-Hữu

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cụng nghe thầm tiếng con...

1948

Nguồn: http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/6926.html

Chiếc võng của bố

Tác-giả: Phan-Thế-Cải

Hôm ở chiến trường về
Bố cho em chiếc võng
Võng xanh màu lá cây
Dập dình như cánh sóng.

Em nằm trên chiếc võng
Êm như tay bố nâng
Đung đưa chiếc võng kể
Chuyện đêm bố vượt rừng.

Em thấy cả trời sao
Xuyên qua từng kẻ lá
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười của bố

Trăng treo ngoài cửa sổ
Có phải trăng Trường Sơn
Võng mang hơi ấm bố
Ru đời em lớn khôn./.

Nguồn: http://d.violet.vn/uploads/resources/159/501209/preview.swf

 

Nói với em

Tác-giả: Vũ-Quần-Phương



Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió

Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các nàng tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.

((in trong Sách giáo-khoa Tiếng Việt lớp 2 - Tập 1, chương-trình thực-nghiệm, NXB Giáo-duc,  1990(+?))
Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/173N2009061410482276T133/nha-tho-vu-quan-phuong-tri-tuong-tuong-se-giup-tre-di-rat-xa.htm

Bài thơ này đã được phổ nhạc thành bài hát dành cho thiếu-nhi. Bạn có-thể nghe ở đây:
http://www.nhaccuatui.com/m/BroP-Ns0ZF

Những cái chân

Tác-giả:  Nhà-thơ Vũ-Quần-Phương

Cái gậy có một chân
Biết giúp bà khỏi ngã
Chiếc compa bố vẽ
Có chân đứng chân quay
Cái kiềng đun hằng ngày
Ba chân xòe trong lửa
Chẳng bao giờ đi cả
Là chiếc bàn bốn chân
Riêng cái võng Trường Sơn
Không chân đi khắp nước

(Những cái chân - SGK Tiếng Việt 2 - tập 2).

Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/173N2009061410482276T133/nha-tho-vu-quan-phuong-tri-tuong-tuong-se-giup-tre-di-rat-xa.htm

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Chữ vuông và chữ Quốc ngữ: Cái mất và cái được

Tác-giả: Phan-Quý-Bích

Khi đặt câu hỏi "Chữ Tây, chữ Hán, thứ chữ nào hơn?"[i], ông Cao Xuân Hạo muốn đi tìm một hình thức ký chép phù hợp cho tiếng Việt chứ hoàn toàn không có ý rẻ rúng thứ chữ này hay thứ chữ kia, như có một vài người đã ngộ nhận. Đối với chúng ta, cũng như đối với tuyệt đại đa số các dân tộc trên thế giới, kể cả các dân tộc như Anh, Pháp, Nhật, chữ viết là cái đi vay mượn. Mà đã vay mượn thì vì sao ta lại không xét xem hình thức vay mượn nào phù hợp hơn với tiếng nói dân tộc? Đó là thiện chí khoa học của bài viết. Cho dù, việc vay mượn một chữ viết mang tính cách thừa kế hơn là lựa chọn, cho dù lịch sử là cái không thể đảo ngược, con mắt nhìn khoa học cũng không thừa, vì nó sẽ giúp chúng ta sử dụng tốt hơn công cụ mà chúng ta đang có là quốc ngữ. Những gì ông Cao Xuân Hạo đã bàn còn có thể hữu ích cho việc nghiên cứu Việt ngữ dưới hình thức ngôn ngữ viết.

Tuy nhiên, câu trả lời của ông, theo đó, chữ Hán có ưu điểm hơn abc ở chỗ : 1. phù hợp với ngữ âm của tiếng Việt hơn; 2. thuận cho việc đọc hơn, mới chỉ xét chữ viết về phương diện ký chép lời nói. Vì thế, ý kiến của Léon Vandermeersch mà ông dẫn ra, về việc bỏ chữ Hán là có hại, tuy cũng liên quan đến việc tri giác tiếng Việt, nhưng không dính dáng gì đến sự tri giác ngữ âm, mà liên quan đến việc ký chép óc tưởng tượng xã hội, đến di sản văn hoá và qui tắc tư duy trong chữ viết, một chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta hãy bàn trước hết đến việc ký chép thanh âm.

“Hán Việt” và “thuần Việt”

Tác·giả: Cao·Xuân·Hạo

(DVT.vn) - Nhiều từ tưởng là “thuần Việt” thật ra ta đã “vay mượn” từ tiếng Việt-Mường hay tiếng Môn-Khmer. Vậy tại sao lại "ghẻ lạnh" những từ Hán-Việt ông cha ta quen dùng?

Đã có một thời người ta bài trừ hai chữ trực thăng và thay nó bằng mấy chữ máy bay lên thẳng, vì trực thăng là “từ Hán-Việt”, một thứ từ ngữ “ngoại lai”, “đi mượn của người Hán”, tức là từ của tiếng nước ngoài, còn lên thẳng là từ “thuần Việt”, là sản phẩm “cây nhà lá vườn” đáng tự hào của người Việt Nam “chính cống”, tức người “Kinh”, người “Giao Chỉ”, người “Keo” hay người “Yuôn”.

Việc sử dụng nhiều các từ Hán-Việt được nhiều người coi là một hành vi lạm dụng, thậm chí vô đạo đức, cần tránh đến mức tối đa, nhất là khi đã có sẵn những từ  “thuần Việt” có thể dùng để thay thế, và việc thay thế này được coi là một nghĩa cử có tác dụng “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mọi công dân nước Việt. Việc thay thế trực thăng bằng lên thẳng đã từng được đánh giá là “một thành tựu lớn lao trong việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc”.

Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn?

Tác-giả: Cao-Xuân-Hạo

Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng thứ chữ viết hợp lý nhất, khoa học nhất, tiến bộ nhất. Vì thứ chữ ABC của họ là thứ chữ ghi âm. Năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế - International Phonetic Alphabet (IPA), được coi là lý tưởng của lối chữ ghi âm. Trong mấy thập kỷ kế theo, người ta thi nhau lên án những cái "bất hợp lý" trong hệ thống chính tả của những thứ tiếng như tiếng Pháp và tiếng Anh ("phát âm một đàng viết một nẻo") và những đề án cải cách chính tả thi nhau lần lượt ra đời.

Thế nhưng gần một trăm năm đã qua, mà không có một đề nghị nhỏ nào trong các đề án đó được thực hiện.

Thật là may, vì đó là một việc không thể làm được, và không nên làm một chút nào. Niềm tự hào ấu trĩ về lối viết ABC cũng như những cáo trạng ồn ào về tính "bất hợp lý" của chính tả Pháp, Anh và những đề nghị cải cách chữ viết đủ kiểu đều xuất phát từ một sự lầm lẫn thô thiển: lúc bấy giờ người ta chưa hiểu cho lắm là chữ viết có chức năng gì trong đời sống và trong nền văn minh, và nó cần phải như thế nào mới làm tròn được chức năng ấy ở mức tối ưu.

Ngôn·ngữ·học có·thể đóng·góp gì vào việc tìm·hiểu tư·duy và văn·hoá Việt·Nam?

Tác·giả: Cao·Xuân·Hạo 


̣̣̣̣̣̣̣(Tham·luận đọc tại Hội·nghị Quốc·tế về Các giá·trị văn·hoá phương Đông, Hà·Nội 1999).

Giữa tiếng nói của một dân tộc với nền văn hoá của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định. Vì ngôn ngữ trực tiếp phản ánh các tri giác và tư duy thế giới của cộng đồng dân tộc, mà văn hoá dân tộc không thể không liên quan đến cách tri giác và tư duy ấy. Đó là một sự thật không còn có thể đặt thành vấn đề gì nữa.

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Phải chăng Ngũ Lĩnh là "Biên giới cổ của tộc Việt"?

Tác-giả: Hà-Văn-Thùy


Để “Tìm lại biên giới cổ của Việt-nam*,” bác sĩ Trần Đại Sỹ bỏ ra khá nhiều tâm lực. Không phải chuyện ngồi nhắp chuột trước màn hình “search maps” mà là cuộc dấn thân trên hàng ngàn cây số, tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực tuổi già cùng tiền bạc. Nhưng chính cái tâm lực ấy cống hiến cho bạn đọc nhiều điều thú vị. Từ những dòng truyền thuyết mờ mờ sương khói hiện lên ngôi chùa cổ trơ vữa lở lói được xây trên nền đất ngày xưa Lạc Long Quân tế trời. Một “cánh đồng Tương” mơ màng huyền thoại cũng hiện hình ngay trước mắt… Đặc biệt quý giá là, lần đầu tiên sau 5000 năm, chúng ta có vật chứng để tin vào truyền thuyết họ Hồng Bàng, tin rằng giang sơn xưa gấm vóc của tộc Việt là có thực! Riêng tôi, vô cùng cảm ơn nhà văn-bác sĩ, người hành hương tuyệt vời mang lại thêm cho mình sự hiểu biết cùng lòng thương yêu nòi giống.


 Tuy nhiên, có điều tôi phân vân: phải chăng « Quả có núi Ngũ-lĩnh phân chia Nam, Bắc Trung-quốc hiện thời, vậy có thể núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa »? Và phải chăng  “Trong khoảng 5000 trước Tây-lịch, lãnh thổ tộc Việt nằm từ phía Nam sông Trường-giang tới vịnh Thái-lan.” ?


Tôi nghĩ rằng không phải vậy. Cả truyền thuyết họ Hồng Bàng, cả sách Toàn thư đều nghi nhận: “Biên giới Văn Lang phía Bắc tới Ngũ Lĩnh” mà không hề nói phía trên nó là Trung Quốc! Đọc truyền thuyết và chính sử, ai cũng hiểu, vào thời đó, phía Bắc Văn Lang là nước của Đế Lai, con Đế Nghi và cố nhiên đều là dòng giống Việt! Viết “núi này đúng là nơi phân chia lãnh thổ Văn-Lang và Trung-Quốc khi xưa”  vô hình trung tác giả đã tặng cho nước Trung Quốc (2400 năm sau mới ra đời) vùng đất mênh mông đang thuộc quyền tộc Việt. Một lầm lẫn đáng buồn!


Trong bài viết của mình, tác giả có nói đã sử dụng tài liệu của nhóm Y.Chu, Ly Yin… Khai thác triệt để những tài liệu này, cùng nhiều tư liệu hiện có, người ta sẽ thấy: khoảng 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đã đi lên khai phá đất Trung Hoa để tới 4000 năm TCN người Bách Việt thuộc nhóm loại hình Australoid, do chủng Indonesien dẫn đạo về xã hội và ngôn ngữ, xây dựng tại Đông Á nền văn hóa nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Trong tình hình như vậy, trên đất Trung Hoa 5000 năm TCN làm gì có chỗ cho một nước gọi là Trung Quốc?


Từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có cả di truyền học, nay ta biết rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán chỉ ra đời khoảng 2600 năm TCN, kết quả của sự lai giống giữa người du mục Mông Cổ và người Bách Việt sau cuộc xâm lăng của tộc Mông Cổ. Vài trăm năm, từ Hoàng đế tới nhà Hạ, do luôn bị người Việt chống trả và cũng do nước lũ Hoàng Hà đe dọa, các nhà nước Hoàng đế chỉ đặt thủ phủ ở phía Bắc Hoàng Hà. Thời đó, Trung Quốc còn là nước nhỏ nằm kẹp giữa Ba Thục phía Tây và khối dân cư Việt đông đảo ở phía Đông. Chỉ khi nước Tần thôn tính nước Sở năm 223 TCN, biên giới Trung Quốc mới tới bờ sông Dương Tử.


 


Từ thực trạng lịch sử đó, ta thấy ý tưởng nêu trên của bác sĩ Trần Đại Sỹ không có cơ sở. Rõ ràng là, 5000 năm TCN, phía trên Văn Lang vẫn là đất của tộc Việt. Mặc nhiên, lãnh thổ của tộc Việt không chỉ từ Ngũ Lĩnh tới vịnh Thái Lan là trải dài từ Nam Hoàng Hà tới tận Cà Mau.


 Có một điều đáng để suy nghĩ là, sự ngộ nhận này không chỉ của riêng bác sĩ Trần Đại Sỹ mà còn ở nhiều người khác. Họ lầm tưởng rằng, người Hoa Hạ có lịch sử lâu đời hơn Việt tộc, đã sớm chiếm miền Bắc Trung Hoa và sáng tạo nền nông nghiệp trồng khô là kê và mạch. Trong khi đó, tộc Việt xưa nay chỉ làm chủ từ Nam Ngũ Lĩnh và trồng lúa nước! Thực ra lịch sử đã đi theo con đường ngược lại: Người Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa theo kiểu cuốn chiếu. Khu vực Bắc Dương Tử được khai thác muộn hơn. Thêm nữa, ở trên vĩ tuyến 35, phía Nam Hoàng Hà, khí hậu quá khô, lúa nước không sống được nên tổ tiên ta chuyển sang trồng kê, mạch, phương thức canh tác khô. Mặt khác, do vùng này bị xâm lăng sớm nên dấu vết văn hóa Việt mờ nhạt đi khiến cho sau này nhiều người nhìn nhận đó là đặc trưng văn hóa Hán. Trong khi đó vùng Nam Dương Tử, do được kinh doanh từ rất sớm nhưng bị xâm chiếm muộn nên dấu vết văn hóa Việt còn in đậm, làm cho người ta lầm tưởng là địa bàn của tộc Việt chỉ tới Ngũ Lĩnh.


 


Sự lầm lẫn của bác sĩ Trần Đại Sỹ cũng như nhiều người là kết quả của một thời gian dài người Việt không có cách nào khác để tìm lịch sử của mình ngoài việc nghe theo cổ thư Tàu. Nay đọc sách Toàn thư, thấy dòng đầu tiên viết: “Từ Hoàng đế dựng muôn nước” ta không trách mà cảm thấy thương cha ông! Biến dòng họ Hiên Viên ngoại tộc sinh sau đẻ muộn trở thành thủy tổ các dân tộc Đông Á là mưu đồ xuyên tạc, cướp đoạt lịch sử trắng trợn. Tổ tiên ta rồi cả chúng ta từng bị lừa bởi trò lừa đảo vĩ đại này. Nhưng tới nay, vẫn còn mang những ý tưởng như vậy là điều đáng phiền trách.                                                                                             


 Sài Gòn, tháng Sáu 2010


 *Mạng Anviettoancau.net


http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=2227


Nguồn: http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=2266