Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Người Nhật khác người Việt như thế nào? Người Nhật “tốt” hay “không tốt”?

dễ hiểu khi bạn thấy trong chốn công sở hay cửa hàng họ [người Nhật] vừa quỳ xuống nói chuyện với bạn rất ân cần với nụ cười tươi nhưng khi bước ra ngoài đường họ hoàn toàn xa lạ với bạn dù vừa mới giáp mặt và tư vấn cho bạn trước đó chưa đầy... 2 phút.


Tác·giả: Nguyễn Quốc Vương


Người Nhật “tốt” hay “không tốt”?

Khi mới tiếp xúc với một nền văn hóa nào đó hoặc tiếp xúc lâu nhưng không thể thâm nhập sâu được vì rào cản ngôn ngữ người ta thường không tránh khỏi những nỗi kinh ngạc.Vợ tôi cũng thế.

Đến đâu, sau khi làm việc với người Nhật xong vợ tôi đều bảo “ông ấy tốt thế”, “chị ấy tốt thật”. Những người vợ tôi vừa “khen” và cảm động là các nhân viên làm việc ở tòa thị chính, ngân hàng, các bác sĩ, y tá làm ở bệnh viện…
Tôi bảo vợ: “Chẳng phải thế đâu. Biết thế nào là tốt. Họ chỉ làm công việc của họ thôi”. Nghe thế, vợ tôi có vẻ không bằng lòng, cau mặt lườm: “Cứ nói như anh ấy…”.

Kỳ thực đúng là như thế. Nếu bạn sống hợp pháp ở Nhật thì kể cả bạn không hề biết một từ tiếng Nhật và là người nước ngoài trong hầu hết các trường hợp bạn sẽ vẫn nhận được sự ân cần, chu đáo và lịch sự ở các cơ quan công quyền lẫn nhưng nơi cung cấp dịch vụ. Lý do đơn giản nằm ở chỗ cả pháp luật và quan niệm đạo đức thông thường, phổ biến trong xã hội Nhật đều coi các nhân viên công quyền là người làm thuê nhận tiền công (lương) từ tiền thuế của dân. Cảm quan của người Nhật về tiền thuế rất rõ ràng và mạnh mẽ. Những sự lãng phí hay các vụ biển thủ tiền công làm cho họ tức giận nghiêm trọng.

Các cơ quan công quyền và nhân viên của họ cũng ý thức rất rõ người dân là “ông chủ” hoặc chí ít là “khách hàng”. Trong xưng hô họ gọi người dân đến làm việc là “quý khách”.

Đối với những nơi khác như công ty, khách sạn, nhà hàng… họ coi những người đến với họ là khách hàng. Họ cung cấp dịch vụ làm khách hàng vừa lòng và thu phí dịch vụ tương ứng. Trong tư duy và cách làm việc đó, hành xử của nhân viên là dựa trên luật pháp và các nguyên tắc giao tiếp đã được “chuẩn hóa”. Điều này khá thú vị. Nếu bạn quan sát kĩ sẽ thấy ở Nhật, các nhân viên của cùng một hệ thống sẽ có những lời nói và hành động trước khách hàng y hệt nhau dù họ làm việc ở Kyushu hay hòn đảo Hokkaido ở cực bắc.

Hành xử của nhân viên trong khi làm việc luôn được giám sát nghiêm ngặt bởi cấp trên và camera nội bộ. Mọi hành vi vô lễ với khách hàng, người dân hoặc sai với “quy chuẩn” đều bị xử lý thích đáng. Và như thế, có thể thấy, câu nhận xét của vợ tôi về họ là một sự sai lầm. Không thể đánh giá họ là “tốt” hay “xấu” một cách đơn giản. Họ trên hết chỉ là những người lao động chăm chỉ và tuân thủ nghiêm túc theo quy chuẩn. Họ tươi cười đấy nhưng khó biết họ thật sự nghĩ gì. Họ khó chịu với khách hàng đấy nhưng không họ không bao giờ đuổi khách hay buông lời khiếm nhã. Vì thế dễ hiểu khi bạn thấy trong chốn công sở hay cửa hàng họ vừa quỳ xuống nói chuyện với bạn rất ân cần với nụ cười tươi nhưng khi bước ra ngoài đường họ hoàn toàn xa lạ với bạn dù vừa mới giáp mặt và tư vấn cho bạn trước đó chưa đầy..2 phút.


Người Việt chỉ tốt với người “trong gia đình”?

Tham chiếu với người Việt chúng ta thì sao? Có lẽ là ngược lại. Tôi nghĩ lời nhận xét của vợ tôi về chuyện ai đó tốt hay xấu trong trường hợp này là hợp lý. Người Việt trong vô thức coi cả xã hội là một gia đình và dùng quan hệ gia đình để quy chiếu mọi quan hệ xã hội. Tư duy này thể hiện rất rõ trong sự xưng hô của người Việt. Người già thì gọi là «bác, là ông, bà, cụ. Người trẻ hơn thì gọi là chú, là anh. Ít tuổi hơn thì là em, là cháu. Cách gọi những người hoàn toàn xa lạ là bố (mẹ) và xưng « con » dù không có quan hệ thuyết thống tương đối phổ biến.

Trong hệ giá trị đó, hành xử dựa trên sự phán đoán của tình cảm cá nhân là …tất yếu. Ở đó dù là nhân viên công vụ ở chốn tôn nghiêm hay ở nhà hàng, cửa hiệu người ta sẽ chỉ « tốt » với những người thân, những người được coi là « anh em » và ngược lại, người ta sẽ vô cảm hoặc đối xử tệ hại với những người «dưng ».


Vẫn có ngoại lệ

Đọc đến đây, rất có thể sẽ có bạn kêu lên : « Anh viết sai. Không phải thế ». Có thể. Vì trải nghiệm của bạn khác tôi. Hơn nữa cũng có ngoại lệ. Vẫn có những người Việt ở cơ quan quyền lực hay làm kinh doanh có hành xử đúng mực và tử tế. Họ đúng là « người tốt » .

Thế nước Nhật có ngoại lệ không ?

Thông thường người nước ngoài hay phàn nàn người Nhật cứng nhắc và nguyên tắc nhưng thực tế… vẫn có ngoại lệ. Xin kể hai ngoại lệ khá thú vị liên quan đến trải nghiệm của tôi.

Câu chuyện thứ nhất liên quan đến chuyện ở trọ của tôi. Khi đến Nhật lần thứ nhất và học xong chương trình thực tập sinh, tôi muốn thi vào cao học nhưng ông thầy hướng dẫn không đồng ý. Ý ông là tôi phải học thêm một năm tiếng Nhật nữa. Không có cách nào khác, tôi trở thành du học sinh tư phí tự chi trả học phí và đi làm kiếm sống để học. Rắc rối là chi phí ở bên ngoài khá đắt trong khi theo quy định tôi sẽ phải dọn ra khỏi KTX khi trở thành sinh viên tư phí. Có lẽ đọc hồ sơ và biết câu chuyện của tôi, ông trưởng phòng hành chính gọi tôi vào phòng bảo « Lẽ ra anh phải chuyển ra ngoài nhưng tôi đã bảo lãnh để anh có thể ở lại một năm ». Thật là ngoài sức tưởng tượng. Cũng chính ông sau này là người đã tự bỏ tiền túi tạm đóng học phí cho một du học sinh Việt Nam khác khi thời hạn đóng tiền đã sắp hết mà cậu ta chưa có đủ tiền. Hành động này của ông vượt ra khỏi cả « nghĩa vụ » của ông trong công việc. Với tôi, ông thật sự là « một người tốt ».

Câu chuyện thứ hai là ở bệnh viện. Vợ tôi mang bầu và sinh con ở Nhật. Đến tuần cận ngày dự sinh bà bác sĩ làm tình nguyện viên ở đó thì thầm với tôi « Nên chuyển sang khám vào ngày thứ 3 vì bác sĩ X đó tôi thân thiết và có kinh nghiệm hơn ». Cái này cũng vượt ra ngoài « quy chuẩn » thông thường. Có lẽ bà cụ coi chúng tôi như con và động lòng thương cảm vì hai vợ chồng tôi không có bà sang trợ giúp. Khi gặp ông bác sĩ mới tôi hiểu thêm lý do tại sao bà bác sĩ tốt bụng gợi ý. Bác sĩ này đã từng làm việc 3 tháng ở bệnh viện Từ Dũ của Việt Nam. Cả ông và vợ đều là học trò « cưng » của bà bác sĩ tình nguyện. Hơn hai tuần sau khi ra viện, bà bác sĩ mặc Kimono, tự lái xe đến tận nơi tôi ở chơi và cho con tôi rất nhiều đồ chơi. Đấy cũng là một ngoại lệ. 
****
Người Nhật và người Việt khác nhau như thế đấy. Bởi tư duy khác biệt như thế nên trong đời sống và công việc, người Việt sẽ chỉ cảm thấy thoải mái và dễ dàng trong « mạng lưới » do chính mình tạo ra thông qua các mối quan hệ thân thuộc và quen biết. Mạng lưới ấy dựa trên tình cảm cá nhân và các lợi ích riêng tư. Rời ra khỏi mạng lưới ấy, người Việt sẽ như con cá bị lôi ra khỏi nước và chỉ có cách « giãy đành đạch » kêu trời hay gồng mình lên mà… « chạy ». Có lẽ vì thế mà trong cuộc đời mình, người Việt ai cũng gắng sức để thiết lập các mối quan hệ thân quen. Người Nhật thì khác. Cả xã hội của họ là một hệ thống được quy chuẩn và pháp chế hóa. Ai có chức phận của người đó. Để bước chân vào « người thân » trong mạng lưới mang tính cá nhân của họ không phải là điều dễ. Đặc tính này cũng gây nên nhiều hệ lụy. Một trong những hệ lụy đó là nỗi cô đơn. Xin dành những hệ lụy ấy cho bài viết sau.

Nhật Bản 16.6.2015
Nguyễn Quốc Vương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét