Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

"Nga đang quay trở lại Việt Nam vì vô số lợi ích"

(GDVN) - Các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn đất nước mình một lần nữa lại trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.
Tàu ngầm Kilo mang tên Tp Hồ Chí Minh do Nga chế tạo cho Việt Nam.

Rakesh Krishnan Simha, một nhà báo và là nhà phân tích ngoại giao, từng làm biên tập viên cho các tờ báo hàng đầu Ấn Độ như India Today, Hindustan Times, Business Standard và Financial Express và hiện là cố vấn của cổng thông tin Ngoại giao hiện đại châu Âu ngày 9/6 bình luận trên tờ Russia & India Report, lý giải tại sao "gấu Nga" quay trở lại Việt Nam.


Theo Rakesh Krishnan Simha, quan hệ chiến lược Việt - Nga được kết nối chặt chẽ với hoạt động hợp tác dầu khí trong khu vực cạnh tranh cao. Đồng thời Việt Nam mang lại cho Nga vô số lợi ích trong khu vực kinh tế sôi động nhất đất nước.

Quan hệ Việt - Nga đã giảm xuống sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đang một lần nữa ấm dần lên. Hơn 20 năm sau khi Moscow rời khỏi Cam Ranh, máy bay quân sự Nga một lần nữa hạ cánh (sử dụng dịch vụ) tại căn cứ quan trọng này.

Sự hiện diện trở lại của Nga ở Việt Nam đã khiến Lầu Năm Góc lo ngại. Các quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho rằng máy bay ném bom chiến lược Nga lượn quanh các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam đang được tiếp nhiên liệu từ Cam Ranh. Ngày 11/3 năm nay, Hoa Kỳ đã đề nghị Việt Nam không hỗ trợ các chuyến bay quân sự của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam không bình luận về đề nghị này, theo nhà nghiên cứu Phuong Nguyen từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS): "Trên quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam từng trải qua Chiến tranh chống Mỹ, Moscow đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong suốt nhiều thập kỷ. Đối với Việt Nam, ít có điều gì quan trọng hơn một chính sách đối ngoại độc lập."
"Với lịch sử (được cho là) phức tạp, các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn đất nước mình một lần nữa lại trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Bất cứ điều gì tương tự việc Mỹ can thiệp vào quan hệ Việt - Nga một cách khong cần thiết có thể làm trầm trọng hơn mối lo ngại này."

Mặc dù Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Nga vẫn có vị thế đáng kể ở Việt Nam. Rakesh Krishnan Simha cho rằng theo mộ thỏa thuận ký kết tháng 11 năm ngoái, các tàu chiến Nga được ưu tiên cập cảng Cam Ranh (sử dụng dịch vụ) chỉ cần báo trước cho các cơ quan chức năng Việt Nam chứ không bị giới hạn 1 tàu truy cập như với hải quân các nước khác.

Nằm ở cửa ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt Nam có vị thế cực kỳ quan trọng đối với Nga. Một thời căn cứ không - hải quân thường trực ở Việt Nam đã giúp hạm đội Thái Bình Dương của Nga có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng thay vì phải cơ động qua biển Nhật Bản xuống Thái Bình Dương.

Sự hiện diện của Nga ở Việt Nam hiện nay là tối thiểu so với những năm 1980. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa tìm cách tăng cường vai trò là một sức mạnh châu Á và toàn cầu để "chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và cơ hội".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Ảnh: Talkvietnam.

Trên thực tế, trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, Nga đã xoay sang phía Đông, xâm nhập vào các nước thân Mỹ như Indonesia, Malaysia. Trong đó vai trò của Nga ở Việt Nam được phục hồi một cách nhanh chóng. Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé (nếu so với Nga), nhưng có một quân đội có "cú đấm mạnh hơn trọng lượng chính mình".

Dù những người có "trí nhớ ngắn hạn" hẳn cũng không quên rằng quốc gia Đông Nam Á đã từng chiến thắng vang dội quân đội Pháp, Mỹ trong 2 cuộc chiến tranh. Dũng cảm kỳ diệu, chiến thuật chiến đấu thông minh và một tinh thần quả cảm, quyết tử đã quyết định chiến thắng thuộc về Việt Nam trong các cuộc chiến tranh. Nhưng có một yếu tố quan trọng là người Việt đã có những người bạn mạnh mẽ. 

Trong Chiến tranh Việt Nam, Nga đã đóng một vai trò quan trọng, cung cấp cho Việt Nam một số lượng lớn vũ khí. Theo Rakesh Krishnan Simha, trong suốt cuộc chiến kéo dài 21 năm Nga đã giúp đỡ Việt Nam với trị giá bình quân 200 ngàn USD một ngày.

Đổi lại, Việt Nam đã cho phép Nga sử dụng miễn phí cảng Cam Ranh. Một phần của thỏa thuận này là máy bay chiến đấu MiG-23, máy bay tiếp dầu Tu-16, máy bay ném bom tầm xa Tu-95, Tu-142 và máy bay trinh sát hàng hải Nga đã đóng tại căn cứ này những năm 1980 thế kỷ trước.

Cam Ranh đã từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Moscow triển khai ngoài châu Âu, khoảng 20 chiến hạm Nga đã neo đậu tại đây cùng với 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Căn cứ Cam Ranh đóng vai trò then chốt trong việc giúp Nga chống lại các lực lượng do Mỹ đứng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù Cam Ranh vô cùng quan trọng với Moscow về địa chính trị cũng như thu thập thông tin tình báo, người Nga đã phải rút khỏi Cam Ranh sau khi Liên Xô tan rã và nước Nga mới không đủ ngân sách duy trì các hoạt động quân sự tốn kém ở nước ngoài. Từ năm 2001, Nga phải rời khỏi vịnh nước sâu quan trọng này.
Một chiếc máy bay MiG-21 của Không quân Việt Nam trong bảo tàng.

Hiện tại Việt Nam từ chối cho Nga (hay bất kỳ quốc gia nào khác) đặt căn cứ quân sự tại Cam Ranh, nhưng quan hệ hợp tác Nga - Việt vẫn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc leo thang tranh chấp ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Không quân huyền thoại của Việt Nam đã mua 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-30 của Nga và đến cuổi năm 2015, Không quân Việt Nam sẽ sở hữu đội hình 36 chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi 30, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sở hữu chiến đấu cơ có động cơ tiên tiến này.

Hải quân Việt Nam thực sự đã được tăng cường đáng kể sức mạnh. Trong năm 2009, Việt Nam và Nga đã ký thỏa thuận mua bán 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo trị giá 3,2 tỉ USD và xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại Cam Ranh. Mặt khác Nga còn bán cho Việt Nam 50 tên lửa hành trình siêu thanh Klub cho hạm đội tàu ngầm Kilo. Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lực lượng tàu ngầm với tên lửa tấn công ngầm đối đất.

Tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam khi được trang bị tên lửa Klub có thể đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ xung đột nào ở Biển Đông. Theo một nhà phân tích, các tên lửa hành trình tấn công ngầm đối đất này Nga bán cho Việt Nam đánh dấu một sự thay đổi lớn, thúc đẩy năng lực tác chiến của Hải quân Việt Nam phát triển. "Họ đã trang bị cho mình một khả năng răn đe mạnh mẽ hơn nhiều và làm phức tạp thêm các tính toán chiến lược của Trung Quốc", nhà phân tích này cho biết.

Trong khi các tàu ngầm đang được chế tạo và bàn giao, Nga và Ấn Độ hiện đang phụ trách đào tạo cán bộ cho Việt Nam, những người sẽ điểu khiển các tàu ngầm hiện đại này. Rakesh Krishnan Simha cho biết, trong năm 2011 Hải quân Việt Nam mua hai tàu tàng hình mang tên lửa dẫn đường lớp Gepard của Nga với chi phí 300 triệu USD và sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2017. Những chiến hạm này sẽ được sử dụng vào tác chiến mặt biển, tác chiến chống ngầm và phòng thủ.

Ngoài ra Hải quân Việt Nam cũng đã mua của Nga 5 tàu tuần tra cao tốc mang tên lửa chống hạm lớp Svetlyak, 12 tàu hộ tống, 2 tàu tấn công nhanh mang tên lửa lớp Molniya. Việt Nam cũng đã mua lại hệ thống radar tiên tiến, tên lửa chống hạm 40 Yakhont và 400 kh-35 Uran, tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, tên lửa không đối không tầm ngắn R-73...của Nga.

Rakesh Krishnan Simha cho rằng, Nga đang quay trở lại tìm kiếm di sản quyền lực tuyệt vời của mình, điều đó cung cấp cho Moscow vô số cơ hội để đảm bảo ảnh hưởng chính trị và kinh tế với các cường quốc mới nổi khác ở trung tâm của khu vực năng động nhất thế giới hiện nay.

Hồng Thủy
09/06/15 15:24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét