"Sốc" là từ Lan Anh dùng để diễn tả cảm nhận của mình những ngày đầu tiên làm thêm ở Nhật, bởi sự khác biệt lớn so với những trải nghiệm tại Việt Nam.
Nguyễn Lan Anh (sinh năm 1992), hiện theo học trường Ichikawa (Tokyo, Nhật Bản). Đặt chân đến xứ sở Phù Tang năm 2014, ngoài việc học, cô có những trải nghiệm làm thêm thú vị. Lan Anh từng làm ở 3 chỗ với 3 công việc khác nhau. Cô dùng từ "sốc" để nói về cảm nhận của mình trong những ngày đầu tiên đi làm thêm ở Nhật.
"Những quy định được thiết lập ở mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau do tính chất ngành nghề kinh doanh. Những chỗ tôi làm đều có những nguyên tắc xuyên suốt như tính kỷ luật, sự trung thực, tôn trọng dành cho người làm và khách hàng… Tất cả cho thấy sự chuyên nghiệp và văn minh của người Nhật", Lan Anh chia sẻ.
Công ty bánh mì
Việc đầu tiên của Lan Anh tại Nhật Bản là làm nhân viên trong một công ty sản xuất bánh mì. Cô được phân làm ở xưởng sản xuất bánh mì chocolate. Mỗi bánh mì thành phẩm được quy định phải có trọng lượng bằng hoặc lớn hơn 120 gam, tức chỉ có thể nặng hơn, không được phép đi.
Quá trình sản xuất, một số bánh khi ra lò nhỏ hơn quy định. Với những chiếc bánh như thế, quản lí yêu cầu phải bơm thêm chocolate hoặc phủ thêm một lớp bên ngoài để đủ trọng lượng. "Phải có sự thống nhất giữa trọng lượng sản phẩm thật và số được ghi trên bao bì sản phẩm" là giải thích của chủ xưởng cho việc thêm chocolate.
Một lần, Lan Anh được điều sang xưởng phân loại dâu tây – một nguyên liệu làm bánh. Quy trình "tuyển chọn" diễn ra gắt gao. Chỉ cần phần lá trên núm bị sâu hay có hiện tượng đốm là quả đó bị loại bỏ.
Công ty cơm hộp
Ở công ty cơm hộp, Lan Anh phải mặc quần áo kín mít chỉ để hở mỗi hai con mắt. Găng tay một tiếng thay một lần. Khoảng một tiếng lại có người đem chai nước cồn đến từng nhân viên để xịt vào tay. Họ còn mang theo con lăn quần áo, lăn từ đầu xuống chân, chống bụi và tóc rơi vào cơm.
Trước khi xuống làm việc, mỗi nhân viên được kiểm tra sức khoẻ, đo nhiệt độ cơ thể, cắt móng tay, rửa qua một thứ nước màu nâu xám. Sau đó lại rửa một lần nữa bằng nước cồn.
Lan Anh cho biết, tại nơi làm việc, nhân viên nếu có hiện tượng chóng mặt buồn nôn hoặc thấy đồng nghiệp có hiện tượng đó thì phải báo ngay cho quản lí. Vì chỉ cần có người nôn ra một chỗ trong xưởng thì tất cả đồ ăn của ngày hôm đó đổ đi. Lí do cho sự đổ đi là vì vi khuẩn lây lan rất nhanh.
Một quy định bắt buộc khác ở công ty cơm hộp là sau khi nghỉ giữa ca, nhân viên phải làm vệ sinh tay và vệ sinh quần áo mới được vào làm tiếp.
Quán sushi
Quán sushi là chỗ làm việc mới nhất của Lan Anh. Các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tuân thủ chặt chẽ. Tại quán, mỗi nhân viên được phát một hộp nhỏ trong đó có một cái que ghi tên mình. Quản lí yêu cầu khi đi vệ sinh phải dùng que để lấy một chút phân của chính mình. Lúc đầu Lan Anh tưởng đùa nhưng đó là quy định bắt buộc. Ở quán sushi, các món ăn liên quan đến cá tôm sống nên việc giữ gìn sức khỏe cho nhân viên rất quan trọng. Bởi sức khỏe nhân viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đồ ăn và sức khỏe của khách hàng.
Lan Anh và người bạn cùng phòng (cũng là người Việt Nam) cùng làm việc tại quán sushi. Cách đây không lâu, quản lí của quán hỏi thăm người bạn này về cuộc sống ở Nhật. Bạn vô tư kể mùa đông bên Nhật lạnh hơn Việt Nam, bạn chưa thích ứng quen. Bất ngờ, một tuần sau, người bạn nhận được gói bưu phẩm, bên trong là cái chăn cắm điện giữ nhiệt. Đó là món quà mà chủ quán tặng nhân viên.
Theo Lan Anh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất được người Nhật coi trọng. Thực phẩm ở Nhật thường là thực phẩm sạch. Ở Nhật, khi mua dưa chuột trong siêu thị, Lan Anh có thể vô tư ăn luôn mà không cần rửa hay ngâm muối vì không có hóa chất bảo vệ thực vật.
Theo Thúy An/Tấm Gương/Báo Tiền Phong
Created with Microsoft OneNote 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét