Tác·giả: Nguyễn Văn Tuấn
Bên ngoài tòa giảng đường Đại học Nhân dân nằm trên Quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng. (ảnh: Báo Giáo dục) |
Việt Nam và Bắc Triều Tiên đang kỉ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Thấy báo chí lề phải ít có bài về người bạn đồng chí này, nên tôi nhân dịp này chia sẻ cùng các bạn vài thông tin tôi có được về giáo dục đại học ở Triều Tiên. Các bạn sẽ ngạc nhiên là họ có vẻ không bảo thủ và cố chấp như mình tưởng ...
Bắc Triều Tiên dĩ nhiên là một quốc gia khép kín và kì cục nhất trên thế giới. Khép kín và kì cục do họ tự chọn. Do đó, những thông tin về hoạt động khoa học ở Bắc Triều Tiên rất hiếm hoi. Hệ thống giáo dục đại học của nước này lại càng ít ai biết đến. Nhưng tôi mới đọc một bài báo viết về hợp tác khoa học với Bắc Triều Tiên, và qua đó có thể thu thập vài dữ liệu thú vị.
Ai cũng biết Bắc Triều Tiên là một nước theo xã hội chủ nghĩa, nhưng không theo … Mác Lê. Triết lí của Đảng Lao động Triều Tiên là tự lực – juche, chứ không hẳn là theo chủ nghĩa Mác Lê. Ít ai biết rằng dù chính danh là xã hội chủ nghĩa, nhưng tất cả các đề cập đến “cộng sản” (hay communism) đều bị loại bỏ khỏi hiến pháp, loại bỏ khỏi các văn bản pháp luật. Xem ra việc này Bắc Triều Tiên có phần khác với Việt Nam, vì dự thảo hiến pháp năm nay danh từ “cộng sản” xuất hiện 2 lần, và xã hội chủ nghĩa 30 lần.
Cờ Đảng lao động Triều Tiên (Bắc Hàn) ngoài búa và liềm còn cho cây bút đứng giữa logo. Chủ trương chú trọng phát triển giáo dục và khoa học rất rõ ràng |
Ít người biết rằng Bắc Triều Tiên là nước rất xem trọng khoa học. Theo giới chuyên gia Mĩ, ở Bắc Triều Tiên, đầu tư cho khoa học chỉ đúng sau đầu tư cho quân sự. Bắc Triều Tiên cũng có nhiều hợp tác khoa học với ngoài, nhưng chỉ giới hạn trong nhóm các nước xã hội chủ nghĩa, như Liên Xô cũ, Đông Âu, và Tàu.
Dù Bắc Triều Tiên là nước tự khép kín về chính trị, nhưng thông tin khoa học thì có vẻ cập nhật hoá tốt. Hiện nay, Bắc Triều Tiên gần như chẳng có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Ngay cả hệ thống internet cũng rất hạn chế. Một nhà khoa học Mĩ đến thăm Bắc Triều Tiên cho biết ngay khi đến phi trường, điện thoại di động của ông bị giữ lại, nhưng họ cho đem máy tính laptop vào. Khi vào khách sạn, mỗi lần muốn gửi email, ông phải viết tay rồi đưa cho tiếp viên khách sạn (người mà ông nghi là công an trá hình), người này gõ vào máy và gửi đi, chứ ông không được đụng vào máy tính! Nhưng Bắc Triều Tiên tự phát triển một hệ thống mạng trong nước gọi là Kwangmyong, giống như intranet vậy. Hệ thống này cũng là phương tiện các nhà khoa học chia sẻ thông tin với nhau, nhưng dưới sự điều hành của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ. Cũng qua hệ thống Kwangmyong, các nhà khoa học có thể đọc tập san khoa học nước ngoài và sách điện tử (ebook).
Bắc Triều Tiên có một website trông cũng hấp dẫn. Đó là trang web http://korea-dpr.com. Trang web có phần mô tả hoạt động khoa học, nhưng chẳng có nối kết nào để tìm thêm thông tin!
Bắc Triều Tiên có 30 đại học, kể cả 10 đại học y khoa. Một số đại học lớn có thể kể đến là:
Đại học Kim Nhật Thành (Kim Il Sung University hay KISU) là đại học loại elite và đa ngành. Trường này thành lập năm 1946, ngay sau khi Bắc Triều Tiên thoát khỏi sự đô hộ của Nhật. Trường có 16,000 sinh viên, và là trường lớn nhất của Bắc Triều Tiên.
Đại học Công nghệ Kim Chaek (Kim Chaek University of Technology hay KCUT) có khoảng 10,000 sinh viên. Trường có hợp tác đào tạo với Đại học Syracuse của Mĩ.
Đại học Khoa học Tự nhiên (University of Natural Science). Trường này chỉ có 3000 sinh viên.
Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (Pyongyang University of Science and Technology – PUST) mới được thành lập, và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010.
PUST là một trường hợp rất thú vị, vì nó cho thấy Chính quyền Bắc Triều Tiên không bảo thủ (về giáo dục) như chúng ta tưởng. PUST là một trường tư thục duy nhất ở Bắc Triều Tiên. Trường do một nhóm Hàn Kiều ở Mĩ theo đạo Tin Lành xây dựng và điều hành. Toàn bộ chi phí xây dựng (45 triệu USD) đều do Hàn Kiều tài trợ. Xin nói thêm rằng Hàn Kiều ở đây là dân Nam Hàn (chứ không phải Bắc Triều Tiên). Trong số 29 giảng viên và giáo sư nước ngoài của PUST, hơn phân nửa là người Mĩ, hay Hàn Kiều. Trong khi cả nước ít ai có thể sử dụng Google thì ở PUST tất cả sinh viên đều có thể truy cập internet và dùng Google. Hiệu trưởng PUST là Tiến sĩ Chin Kyung Kim tự tin rằng trong vòng 10 năm, ông sẽ đưa PUST lên một đại học đẳng cấp quốc tế.
Cần nói thêm rằng ông hiệu trưởng cũng là Hàn Kiều (từ Mĩ) từng bị Chính quyền Bắc Triều Tiên cho “lên bờ xuống ruộng”. Năm 1998, trong một chuyến đi làm từ thiện ở đây, ông bị bắt bỏ tù vì công an nghi ông làm gián điệp (ai họ cũng nghi là gián điệp)! Đến năm 2009, ông quay lại Bắc Triều Tiên và được chào đón như là khách danh dự, và đảm nhiệm chức hiệu trưởng PUST. Phó hiệu trưởng là người do Bộ Giáo dục Bắc Triều Tiên bổ nhiệm.
Năm 2011, PUST tổ chức một hội nghị khoa học, và qua các bài proceeding chúng ta có thể có vài ý niệm về nghiên cứu khoa học trong nước ra sao. Proceeding của hội nghị này có thể xem qua trang web sau đây: http://itri2.org/s/PUST.pdf (chú ý rằng tài liệu có trên 200 trang). Trong đó, có bài diễn văn của ông hiệu trưởng đọc cũng … được, nhưng hơi lan man. Bài diễn văn nói nhiều về ý nguyện hoà bình của Bắc Triều Tiên. Ông nói “We say that we want peace and I believe that we are sincere when we say that” (Chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn hoà bình và tôi tin rằng chúng tôi thành thật khi nói ra câu đó). Chẳng hiểu sao lúc thì “chúng tôi”, lúc lại “tôi”. Ông còn nói ông từng học ở Âu châu vào thập niên 1960s và chứng kiến giáo dục có khả năng đánh đỗ bức tường Bá Linh và thống nhất Âu châu. Hình như ông lầm, vì thập niên 1980s chứ đâu phải 1960s (?) Nhưng ở Bắc Triều Tiên mà ông nói được như thế là hay rồi, và tiếng Anh của ông cũng khá.
(Còn tiếp ...)
Nguồn: https://www.facebook.com/drtuannguyen/posts/10203989695849823, 2015/01/29
The Korean state-funded training structure is isolated into three sections: six years of elementary school, trailed by three years of the center school, and afterward three years of secondary school.
Trả lờiXóa